Tác giả: Đặng Anh Sĩ
[ChanhKien.org]
Ở phương Tây mà nói đến chữ “Hiếu” thì quả thật là đảo lộn cả bầu trời. Ngay cả tại Trung Quốc, chữ Hiếu giờ đây cũng biến thành một đề tài gây tranh cãi. Đây không phải hiện tượng mới xảy ra. Hồ Thích – một nhà tư tưởng cận đại nổi tiếng của Trung Quốc từng viết một lá thư cho con trai mình, bức thư đã được lưu truyền rộng rãi khắp nơi. Trong bức thư đó ông thể hiện thái độ không coi Hiếu là một đạo lý quan trọng, điều này thực sự quá ngu ngốc.
Hiếu thảo bao hàm nhiều phương diện nội dung, ví như lúc nhỏ cần nghe theo lời cha mẹ, lớn lên hiểu chuyện một chút phải biết chăm sóc cha mẹ, không được làm cha mẹ lo lắng. Sau khi trưởng thành phải biết quan tâm cha mẹ, khi cha mẹ già yếu phải trông nom, phụng dưỡng và lo hậu sự chu toàn…
Người Tây phương không nói về hiếu, nuôi dưỡng con cái đến tuổi trưởng thành là con cái độc lập, giống như muông thú, cao chạy xa bay, rời khỏi vòng tay của cha mẹ. Cha mẹ không cần thực hiện nghĩa vụ gì với con cái đã trưởng thành, con cái cũng không cần phải phụng dưỡng hay lo hậu sự cho cha mẹ. Cho dù có chăm sóc người thân trước lúc lâm chung hay không, có lo hậu sự cho người thân hay không đi chăng nữa thì việc thừa kế tài sản cũng sẽ không nhường ai. Tất nhiên đây là cách nghĩ phổ biến của đông đảo mọi người, chứ không phải là tuyệt đối. Lúc Nữ Hoàng sắp băng hà, con cháu từ ngàn dặm xa xôi đều quay trở về bên cạnh tiễn đưa người lần cuối. Các quý tộc phương Tây, giới danh nhân tri thức cũng xem trọng những khía cạnh này trong mối quan hệ cha con, anh em trong gia đình.
Các tín đồ Cơ Đốc giáo không giảng về hiếu, ở đây không có ý chĩa mũi nhọn vào Cơ Đốc giáo, nhưng Cơ Đốc giáo là đại diện tiêu biểu nhất của văn minh phương Tây. Đại đa số người phương Tây đều tin vào Cơ Đốc giáo, cho dù không tin vào Cơ Đốc giáo, cũng chịu nhận sự hun đúc và ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Cơ Đốc.
Tín đồ Cơ Đốc thích tuyên dương, ca ngợi lòng bác ái, nhân ái, cảm ân và quyên góp. Đến nhà thờ, nếu không quyên góp chút gì, các mục sư sẽ làm công tác tư tưởng riêng cho bạn. Có tiền mà không quyên góp? Có phải là có chút lỗi với Chúa, không biết cảm ân không? Nhưng Chúa cái gì mà không có? Chúa cần tiền làm gì chứ?
Người theo đạo Cơ Đốc tuyên dương bác ái, cảm ân, không có gì là sai. Đối xử với người khác phải coi trọng nhân nghĩa, thiện đãi người khác, không ích kỉ chỉ vì lợi ích riêng của mình, đây là yêu cầu cơ bản nhất của Trời đối với con người. Trời đối với con người là có yêu cầu, tất cả môi trường sinh sống mà con người phụ thuộc vào đều được Trời ban cho. Trời với con người có giao ước với nhau. Trời ban cho con người, là để con người tuân theo lời thề ước, làm người tốt. Làm một người tốt, cũng là thể hiện sự cảm ân đối với Trời, từ đó đạt được hạnh phúc và vinh dự.
Làm một người tốt, biết tri ân báo đáp là điều căn bản nhất. Nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng – câu nói này có thể có chút phóng đại, nhiều khi, người ta chẳng có điều kiện mà trả ơn một dòng.
Nhưng người biết đền ơn đáp nghĩa sao có thể bất hiếu được?
Con người lúc mới sinh là cực kì yếu nhược, tay chân và cơ thể đều không thể tự do hoạt động, đến đồ ăn thức uống cũng không thể tự ăn, rất khó để thích nghi với thời tiết phức tạp và thường xuyên biến đổi này. Cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái từng chút một, vô cùng vất vả, gian nan. Để nuôi nấng các con nên người, cha mẹ đã phải hy sinh, phó xuất rất lớn. Có nhiều người, lớn lên rồi liền quên mất nỗi nhọc nhằn của cha mẹ nuôi mình khôn lớn.
Không chỉ là phương diện sinh tồn, trẻ em bước vào thế giới này như một tờ giấy trắng, trong mọi mặt của đời sống từ ăn, mặc, ở, đi lại đều không có kinh nghiệm, đâu biết đến lễ nghi, phong tục, cử chỉ tao nhã đúng mực, tất cả đều cần cha mẹ giáo dục từng chút một, về tư tưởng, về nhận thức cũng cần dạy bảo từng chút một.
Xã hội trước đây đơn giản, trẻ con chỉ cần có đồ ăn thức uống thì có thể lớn khôn. Một đứa trẻ bình thường, không cần quá nhiều kinh nghiệm sống vẫn có thể sống tốt. Nhất là ở phương Tây, vào thời kì đầu của văn minh, tất cả đều bị đại hồng thủy hủy diệt hết, mọi người ai ai cũng bắt đầu từ hai bàn tay trắng, cũng không có gì kế thừa, xã hội đơn giản vô cùng, cuộc sống cũng đơn giản, tư tưởng của con người cũng giản đơn. Xã hội phương Đông từ lúc bắt đầu đã mang theo trí huệ phi thường, có hệ thống tri thức đầy đủ. Xã hội phức tạp, dưỡng dục con cái không chỉ còn là vấn đề ăn uống, mà còn phải dạy rất nhiều thứ, từ phong tục, tập quán, đến kinh nghiệm, tri thức, tư tưởng.
Ngày nay mỗi môn học có được bao nhiêu kiến thức? Mặc dù những kiến thức giáo dục cơ bản này đã được xã hội hoàn thiện, nhưng đem ra so với những kiến thức cần nắm vững trong cuộc đời vẫn còn rất nhiều thiếu sót. Giáo dục gia đình vẫn là một phần quan trọng nhất. “Cha mẹ là người thầy tốt nhất cho con”, lời nói và việc làm mẫu mực của cha mẹ vô cùng quan trọng.
Ngày nay người ta đã quá quen thuộc với những câu như: “Lòng người nguy hiểm khó lường, lòng đạo thì nhiệm màu vi diệu”, “Biết người biết mặt, không biết lòng”. Cùng với việc xã hội càng ngày càng phức tạp, phân công trong xã hội càng ngày càng tinh vi, mâu thuẫn ngày càng gay gắt, dẫn đến đạo đức ngày càng bại hoại. Trong xã hội ngày nay, tệ nạn khiêu dâm, cờ bạc và ma túy có ở khắp mọi nơi, một số quốc gia đã hợp pháp hóa chúng và đường hoàng mở rộng cửa buôn bán. Đâu đâu cũng có rủi ro rình rập, nếu không cẩn thận sẽ sa vào cạm bẫy của thói xấu, có thể hủy hoại cả một đời người. Môi trường sống của con người càng ngày càng khó khăn, không cho phép mắc phải sơ suất, sai lầm. Mặc dù nói rằng một đứa trẻ phương Tây bình thường sau khi trưởng thành sẽ có cuộc sống độc lập, tuy nhiên, ở trong xã hội phức tạp như ngày nay, sau khi trưởng thành, vẫn gặp phải rất nhiều vấn đề trên đủ mọi phương diện, từ cuộc sống đến công việc, đều cần kinh nghiệm từng trải của bố mẹ chỉ bảo giúp đỡ.
Nếu muốn đạt được một số thành tựu trong cuộc sống thì lại càng khó khăn, không thể không cẩn thận ở mọi lúc, mọi nơi. Có thật ở phương Tây, đứa trẻ sau khi trưởng thành, cha mẹ không cần quan tâm hay hỗ trợ một chút nào cho con cái nữa không? Có bao nhiêu người được gọi là thành đạt của giới quý tộc giàu có ở phương Tây thực sự thành công chỉ dựa vào nỗ lực của chính họ, mà không hề dựa vào nguồn lực của cha mẹ và gia tộc?
Nói chung, lợi ích lớn nhất mà một người nhận được, chính là đến từ cha mẹ, cha mẹ không chỉ cho ta một sinh mệnh mà còn dày công nuôi dưỡng, dạy dỗ, có người nói tình mẹ là điều tốt nhất, thiện lương nhất trên thế gian. Người hiểu rõ mình nhất là cha mẹ mình, người quan tâm đến mình chân thành nhất cũng chính là cha mẹ. Dòng máu là sợi dây tình duyên không thể cắt đứt, khoa học hiện đại đã phát hiện ra rằng yếu tố di truyền của mười tám đời tổ tông vô cùng quan trọng, có một số bệnh, cần có sự hỗ trợ phối hợp của người thân mới có thể chữa trị. Vào thời đại xuất hiện những chủng người lai tạp nghiêm trọng ở phương Tây thì những người thuần chủng hoàn toàn là vô cùng quý giá và cao quý.
Có một số việc người ta chưa trải qua nên không có kinh nghiệm, có thể cũng không hiểu. Đặc biệt là người trẻ tuổi, tư tưởng đơn giản, kinh nghiệm sống ít ỏi, người trẻ thân thể khỏe mạnh, có sẵn cái ăn cái mặc là chỉ biết suốt ngày ăn chơi hưởng lạc, say sưa mơ mộng, rất khó lòng biết đường quan tâm đến người khác, không hiểu được nhân sinh vô thường. Các cụ thời xưa hay nói: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ’’, câu này quả không sai chút nào!
Nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến trưởng thành, cha mẹ phải hy sinh, bỏ công rất lớn. Cha mẹ hy sinh cho con cái nhiều như vậy, đến khi cha mẹ già rồi thì lẽ nào không biết đường cảm ân, báo đáp cha mẹ sao? Nhiều người nuôi chó, nuôi mèo như thú cưng, coi nó như con của mình, thử hỏi động vật đối với bạn có bao nhiêu ân tình? Nó có thể vượt qua được tình cảm cha mẹ dành cho con cái không?
Có nhiều người coi việc phụng dưỡng cha mẹ là gánh nặng, đem hết trách nhiệm nhẽ ra thuộc về bản thân, nhẽ ra cần tận sức mà làm chối đẩy sang cho người khác, đẩy trách nhiệm cho xã hội, quá coi nhẹ quá trình “lão, bệnh, tử”, xem chuyện này thành quá đơn giản mà quên mất rằng bản thân rồi cũng sẽ có lúc già đi.
Con người sẽ có sinh lão bệnh tử. Cha mẹ cũng sẽ có bệnh, cũng sẽ dần dần già yếu mà ra đi. Khi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh nặng, thì quá trình chịu đựng cho đến lúc ra đi là vô cùng thống khổ, đau đớn. Người chưa từng trải qua sẽ coi đó là điều đương nhiên, không phải chỉ là bệnh thôi sao? Có bệnh thì đi bệnh viện. Đi bệnh viện dễ dàng như thế sao? Đường xa như vậy làm sao mà đi? Ngay cả khi đến bệnh viện rồi cũng phải xếp hàng, lấy số, gặp bác sĩ thăm khám, thanh toán hóa đơn, mang theo thân thể ốm yếu đã nhọc rồi lại còn phải làm một đống thủ tục, có lúc di chuyển được một bước cũng mệt hết hơi, không có người giúp đỡ sẽ rất khó khăn. Có một số bệnh, nằm liệt giường, liệt chiếu thời gian lâu, đại tiểu tiện không tự chủ được, tất cả đều ở trên giường, nhưng đầu óc lại rất tỉnh táo, cái gì cũng biết, chỉ là không thể cử động, khi ấy tâm trạng của người bệnh sẽ thế nào? Có khi đó là một người cả đời vốn gọn gàng, ngăn nắp, tao nhã và tự trọng, vậy thì đến lúc đó họ sẽ đau khổ đến nhường nào? Nằm trên giường, nếu vài phút không được cử động thì toàn thân sẽ thấy đau nhức, không có người giúp đỡ sao có thể trở mình được? Nằm liệt giường thời gian lâu, da thịt sẽ bị lở loét. Là một đứa trẻ đã từng nhận được sự yêu chiều vô hạn của cha mẹ, lẽ nào không cảm nhận được điều đó sao? Chẳng phải nên hết mình giúp đỡ cha mẹ sao?
Nếu Hồ Thích nằm liệt giường vài tháng, đoán chừng sẽ không thể viết ra được bức thư đó. Cho dù Hồ Thích tự cho rằng không cần con cái phụng dưỡng, nhưng làm sao có thể để con cái không có lòng biết ơn được? Làm sao có thể cắt đứt việc giáo dục lòng biết ơn của con trẻ? Sự biết ơn đó lẽ nào không cần truyền đời cho thế hệ sau kế thừa?
Mặc dù phương Tây có các loại phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, viện dưỡng lão,… cùng chất lượng đội ngũ điều dưỡng nhìn chung cũng rất cao, nhưng mấy năm gần đây xuất hiện rất nhiều vấn đề về trị liệu và chăm sóc cho người cao tuổi. Ở một số quốc gia, trị bệnh và chăm sóc cho người già cũng không phải là miễn phí, giá phải trả cho chi phí trị bệnh cũng rất cao, tuyệt không phải là điều mà mọi người ai ai cũng đều có thể hưởng thụ. Một số dịch vụ trị liệu dưỡng lão cũng phân thành đẳng cấp phục vụ khác nhau mà đa phần người dân thường cũng không có khả năng trải nghiệm và chi trả.
Chất lượng chăm sóc của người điều dưỡng có cao đến đâu, nhưng người hiểu rõ cha mẹ nhất không phải chính là con cái của họ sao? Điều khiến cha mẹ an tâm, thoải mái nhất không phải là con cái sao, phải vậy không? Ai có thể hiểu mà tâm sự giãi bày cùng với cha mẹ? Ai có thể nghe hiểu lời trăng trối cuối cùng, thấu hiểu ánh mắt mong đợi trong lúc cấp bách đó? Rất nhiều người già ở phương Tây, đi hết đời người trong cô độc và tuyệt vọng, trong lúc thống khổ nhất, cô đơn nhất, tuyệt vọng nhất, người mà họ nhớ đến nhất là ai? Cả một đời tận tâm tận lực nuôi dưỡng các con nên người, cuối cùng già yếu dần đi trong cô đơn tịch mịch, không có người thân, không bạn bè ở bên. Đây là hiện thực. Bao năm nay, có bao nhiêu người phương Tây đã ra đi như vậy? Lúc này nếu họ biết đến mô hình dưỡng lão, phụng dưỡng người già ở phương Đông, thì có lẽ họ sẽ không chỉ là ngưỡng mộ thôi đâu.
Đợi những đứa trẻ này già đi, trải qua những nỗi khổ này, cuối cùng cũng hiểu ra, nhưng tất cả đều đã muộn rồi. Điều này đã trở thành trào lưu xã hội, đã biến thành điều bình thường của xã hội, thậm chí trở thành chế độ pháp luật dẫn đến biết bao thế hệ con người đành đi hết cuộc đời một cách bất lực như thế. Tận hưởng niềm vui sum vầy bên con cháu, an nhàn hưởng thụ những năm cuối đời là điều hết sức bình thường của người già Trung Quốc, so ra đó có lẽ là điều vô cùng quý giá.
Báo hiếu không chỉ là vấn đề dưỡng lão. Báo hiếu còn liên quan đến nhiều mặt như phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, xã hội.
“Con đi ngàn dặm mẹ lo âu, mẹ đi vạn dặm con chẳng sầu”. Câu nói này miêu tả sâu sắc tâm thái khác nhau giữa cha mẹ và con cái. Ở các nước phương Tây, con chẳng sầu đã trở thành điều tất nhiên. Cha mẹ lo âu chính là cha mẹ tự mình đa tình mà thôi.
“Cha mẹ còn sống, con không nên đi chơi xa” đã đặt định tình cảm nồng hậu đối với quê cha đất tổ. Người Trung Quốc có hệ thống gia phả dòng họ hoàn chỉnh, đó là tài sản quý báu hiếm có của nhân loại.
“Thê hiền phu họa thiểu, tử hiếu phụ tâm khoan” (Vợ hiền đức thì chồng ít họa, con hiếu thảo thì cha yên lòng). Trước đây khi chưa có công nghiệp hiện đại, cường độ lao động của nam giới tương đối cao, thông thường đều dốc hết toàn lực đến nỗi kiệt sức, sao còn có tâm tư nói những lời đường mật, hoa mỹ? Đàn ông phương Tây và phương Đông tương đối giống nhau đều hiền lành, chất phác. Không có bếp ga, không có máy giặt, máy may, điện thoại, lượng công việc nhà vô cùng nhiều, kéo sợi dệt vải, may vá thêu thùa, chặt củi, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ cho cả gia đình là công việc hằng ngày và cũng là kĩ thuật trong cuộc sống. Ẩm thực của Trung Quốc phong phú nhường nào? Ngũ hành tương sinh tương khắc, các loại ẩm thực kết hợp với nhau như thế nào, đều rất phức tạp. Các loại phong tục tập quán cũng rất nhiều. Trước đây độ tuổi kết hôn sớm, làm sao đôi vợ chồng trẻ người non dạ có thể có nhiều kinh nghiệm như vậy? Sống chung nhà với cha mẹ, sống cùng làng với họ hàng tổ tiên có vô số lợi ích không thể tính đếm. Một cặp con nít miệng còn hôi sữa làm sao có thể đòi dân chủ bình đẳng với cha mẹ chồng giàu kinh nghiệm sống? Không hiếu thảo làm sao mà chung sống được đây?
Người xưa có câu: “An cư lạc nghiệp, dân phong thuần phác’’, lòng dân ổn định thì xã hội ắt sẽ ổn định. Vì vậy điều này cũng đã trở thành tiêu chuẩn tốt nhất cho việc trị vì nhân thế. Xã hội bây giờ tạo thành những thói quen bất hảo như rời xa quê hương, đứng núi này trông núi nọ, nhảy việc, phá sản có thể thấy khắp mọi nơi, người ngày nay đặt lợi ích lên hàng đầu, không có trung thành uy tín, cái giá phải trả quả thực vô cùng nghiêm trọng.
Tư tưởng của Nho gia rất coi trọng chữ hiếu, ngày nay tư tưởng Nho gia bị người hiện đại chế giễu, thực ra, Nho gia là trụ cột quan trọng của sự ổn định xã hội, trải qua nghìn năm mà không hề suy yếu. Thậm chí đến hiện nay, tư tưởng Nho gia vẫn tỏa sáng ở khắp mọi nơi. Chỉ khi xã hội ổn định thì nó mới có thể tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác, mới có thể phồn vinh hưng thịnh, mới có thể tăng thêm cảm giác hạnh phúc trong xã hội.
Ở một số công ty phương Đông, lòng hiếu thảo là một tiêu chí quan trọng khi tuyển dụng vào các vị trí trọng yếu, và những người bất hiếu sẽ không được tuyển dụng. Lý do cũng rất đơn giản, còn ai trên thế gian này đối tốt với anh ta hơn cha mẹ của anh ta? Ông chủ cũng không thể đối xử tốt với anh ta như thế. Nhân viên không biết ơn cha mẹ, vậy thì việc phản bội ông chủ, chẳng phải là việc dễ như trở bàn tay hay sao? Làm thế nào có thể đảm nhận vị trí quan trọng được đây? Kết bạn, hợp tác làm ăn cũng vậy, thường nên xét xem đối phương có hiếu hay không.
Hiếu thảo là lòng biết ơn cơ bản nhất, cũng là điều nhân nghĩa cơ bản nhất của Đạo làm người, đó là mắt xích quan trọng nhất để xã hội kế thừa quá khứ và mở ra tương lai phồn vinh, thịnh vượng có trật tự. Xã hội nếu rời xa đạo hiếu, tất nhiên sẽ trở thành lục đục tranh đấu, kẻ lừa người dối, mưu đồ chỉ vì chút lợi nhỏ.
ChanhKien.org