Dù chỉ là con nuôi của Chu Nguyên Chương nhưng ông luôn được đối đãi đặc biệt và hưởng ân sủng của Hoàng đế. Hậu duệ của ông được kế vị từ đời này qua đời khác, hưởng vinh hoa phú quý suốt hơn 200 năm. Vậy người này là ai?
Chu Nguyên Chương được coi là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc với nhiều công trạng to lớn. Chu Nguyên Chương có xuất thân nghèo khó, sinh ra trong một gia đình bần nông, phải đi làm thuê cho người khác. Đến năm 1344, khi Chu Nguyên Chương mới 16 tuổi, do dịch bệnh hoành hành nên những người thân trong gia đình ông đều lần lượt qua đời. Từ đó, Chu Nguyên Chương cũng lưu lạc khắp nơi, thậm chí còn tới chùa Hoàng Giác xin nương nhờ và từng đi khất thực trong 3 năm. Sau khi gia nhập nghĩa quân Quách Tử Hưng, mới lấy tên là Chu Nguyên Chương, tên chữ là Quốc Thụy.
Do ông chiến đấu dũng cảm và luôn đứng đầu hàng ngũ lính nên được Quách Tử Hưng trọng dụng. Sau đó, Quách Tử Hưng còn gả người con gái nuôi là Mã Thị cho Chu Nguyên Chương, nên uy tín của Chu Nguyên Chương trong nghĩa quân ngày càng cao. Sau đó, Chu Nguyên Chương Thấy các tướng lĩnh trong thành Hào Châu tranh quyền đoạt lợi, Chu Nguyên Chương quyết định dựa vào sức mạnh của chính mình để mở ra một hướng đi mới. Từ đó, ông bắt đầu chiêu mộ người tài và thu phục họ vào hàng ngũ của mình.
Vào thời điểm đó, thiên hạ chiến loạn không ngừng, bách tính lưu lạc khắp nơi, cô nhi bị bỏ rơi đầy đường. Một lần, Chu Nguyên Chương tình cờ gặp một đứa trẻ 8 tuổi, cha mẹ của cậu bé đã qua đời, chỉ còn một mình cậu ăn xin để sống qua ngày. Chu Nguyên Chương nhìn thấy tình cảnh đáng thương của đứa trẻ, lúc đó ông cũng chưa có con riêng, vì vậy ông đã nhận cậu làm con nuôi và đặt tên cho cậu là Chu Anh, coi cậu như con ruột của mình.
Chu Nguyên Chương đặc biệt quan tâm đến đứa con nuôi này, thường xuyên sống cùng vợ chồng ông trong trại quân. Năm 18 tuổi, Chu Anh được bổ nhiệm làm Trướng Tiền Đô Úy và bắt đầu tham gia các cuộc chinh phạt của Chu Nguyên Chương.
Tài năng của cậu dần được triển hiện, Chu Nguyên Chương đánh giá rất cao đứa con nuôi này. Sau khi Chu Nguyên Chương lật đổ được nhà Nguyên, ông lên ngôi hoàng đế và lập ra triều đại nhà Minh. Sau này, Chu Anh tiếp tục tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của người cha nuôi để mở rộng lãnh thổ cho triều đại nhà Minh mới thành lập.
Vào năm Hồng Vũ thứ 14 (1381), sau khi bình định quân giặc ở Vân Nam, Chu Anh xin Chu Nguyên Chương giao cho mình nhiệm vụ trấn thủ Vân Nam. Chu Nguyên Chương thấy rằng Vân Nam vừa mới được bình định và đang trong thời kỳ cần phải phục hồi nên ông sẵn sàng đồng ý. Sau đó, Chu Anh dẫn đội quân sang Vân Nam và tiến hành khai hoang khẩn địa, kiến thiết Vân Nam, ân uy tịnh thi (vừa ân huệ vừa uy nghiêm). Dưới sự quản lý của Chu Anh, các công trình về hạ tầng và kinh tế thủy lợi ở Vân Nam đều được thúc đẩy mạnh mẽ.
Một lần khi tiến kinh diện kiến, thời điểm đó Lam Ngọc đã trở nên ngông cuồng tự cao tự đại, điều này làm cho Chu Nguyên Chương không hài lòng. Khi thấy Chu Anh đang ở Vân Nam, trong mắt người cha nuôi như Chu Nguyên Chương mà nói, ông như nhìn thấy một vị tướng lĩnh chỉ huy quân đội một cách kiêu hùng, không còn là một đứa trẻ theo ông từ nhỏ. Chu Nguyên đột ngột hỏi Chu Anh: “Ngươi là con ai?” Lúc đó, Chu Anh bất ngờ và ngay lập tức quỳ gối lạy và trả lời: “Con là con của bệ hạ, vô cùng cảm kích ân sủng nuôi dưỡng của bệ hạ!”
Lời của Chu Anh đã làm Chu Nguyên Chương nhớ lại nhiều ký ức về việc nuôi dưỡng Mộc Anh, ông tiếp tục nói: “Con là con nuôi của ta, hiện tại không thể để con khôi phục tên họ ban đầu của mình, cũng không thể để con tiếp tục mang họ Chu. Vì vậy, ta sẽ ban cho con họ Mộc, để con luôn được tận hưởng ân sủng của Hoàng đế. Từ nay, con sẽ được gọi là Mộc Anh.” Có thể nói rằng lần thử nghiệm của Chu Nguyên Chương đối với Mộc Anh đã khiến ông mười phần hài lòng. Sau đó, ông vẫn để Mộc Anh tiếp tục trấn giữ Vân Nam.
Không lâu sau, vụ án khét tiếng đẫm máu “Lam Ngọc án” đã xảy ra. Chỉ sau hơn 20 ngày kể từ lúc Thái tử Chu Tiêu qua đời do bệnh tật, Mộc Anh đã khóc và nôn ra máu, vì bi thương quá độ mà chết. Chu Nguyên Chương vô cùng cảm động, từ đó về sau, con cháu của Mộc Anh tiếp tục trấn giữ Vân Nam và kế vị của cha, theo lệ cha truyền con nối cho đến cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh.
Trong số đó, hậu duệ đời thứ 13 của Mộc Anh được kế vị vào năm Sùng Trinh, tên là Mộc Thiên Ba. Sau khi Sùng Trinh tự sát, Mộc Thiên Ba đã thề có chết cũng không đầu hàng. Vào năm 1661, ông theo Vĩnh Lịch Đế Chu Do Lang của triều Nam Minh đi đánh giặc, chiến đấu hết mình và đã hy sinh.
Từ khi Mộc Anh được phong tước Tây Bình Hầu vào năm 1377, cho đến năm 1661 khi Mộc Thiên Ba hy sinh, tước vị của họ đã được truyền thừa trong suốt 284 năm. Trong thời gian này, Quốc công Mộc vương phủ cai trị Vân Nam tựa như một vị Hoàng đế địa phương, những vị công thần lập quốc của triều Minh không thể nào sánh được với điều này. Vinh hoa phú quý mà hậu duệ của Mộc Anh hưởng trong hơn 200 năm là minh chứng phản chiếu cho trí huệ của ông.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Quách Hiểu)
Xem thêm
Vạn Điều Hay