Chữ viết có đơn giản chỉ là phương tiện ghi âm lại tiếng nói? Việc cải tiến chữ viết có thể giúp người học không còn phải lo ngại viết sai chính tả, thuận lợi cho nhiều dân tộc khác nhau và người nước ngoài khi học tiếng Việt. Thế nhưng sự thật là chữ viết lại không phải chỉ là để ghi lại lời nói, vậy nên một sự cải tiến gần như toàn bộ hệ thống chữ viết tiếng Việt sẽ gây ra những hệ lụy không thể không tính bàn.
Gần đây dư luận đang quan tâm tới đề xuất cải tiến phụ âm tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Các chuyên gia đã vào cuộc, dù là dưới góc nhìn văn hóa, xã hội hay góc nhìn cá nhân, xét từ cả cái tình lẫn cái lý, phần lớn là những ý kiến chưa sẵn sàng ủng hộ.
Bên cạnh việc tiện lợi hơn cho người học, người viết, hệ thống chữ viết mới sẽ đem lại nhiều đảo lộn và tốn kém cả về thời gian và tiền của, thậm chí sẽ còn mang lại sự “hụt hẫng” nhất định trong lòng cả một thế hệ đã quá quen thuộc và yêu chữ viết Việt vốn rất tôn trọng phương ngữ của tất cả các vùng miền tổ quốc.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam chia sẻ: “…Ngôn ngữ không chỉ có lý ở những cách đánh vần, ký tự mà còn phải có tình cảm của dân tộc sử dụng, nhân tố tâm lý, thói quen… ở trong đó”. Ông cũng đã lấy lại ví dụ về chính đề xuất kết hợp các dạng chữ để mọi dân tộc Tây Nguyên đọc được của mình khi làm nghiên cứu về sử thi Tây Nguyên. Nhưng rồi xét tới tâm tư tình cảm của các dân tộc Tây Nguyên, mọi người đã bỏ phương án này đi.
Một điểm chung mà các chuyên gia và người dân đều dễ dàng nhận thấy ngay, là nếu áp dụng hệ thống chữ cái mới, hàng chục triệu người sẽ phải học lại hệ thống chữ mới. Rất rất nhiều tài liệu phải in lại, tên đường phố, biển quảng cáo, biển tên cơ quan… sẽ phải thay lại hoàn toàn, sẽ tốn kém rất nhiều giấy mực và thời gian.
Tất nhiên, mọi sự cải tiến đều cần hy sinh nhất định, thậm chí là của cả một thế hệ. Nếu là cần thiết và xứng đáng thì cả cộng đồng phải hy sinh cho tương lai là điều cũng không phải nghĩ bàn nhiều. Thế nhưng về việc cải tiến chữ viết, đứng từ góc độ văn hóa, chúng ta có thể thấy một sự tổn thất nặng nề và nguy hiểm khác.
Chữ viết không chỉ là công cụ ghi âm lại lời nói, mà còn phản ánh văn hóa và lịch sử của cả một dân tộc, thậm chí như loại chữ tượng hình (chữ Hán chính thể) còn bao hàm những bài học đạo đức nhỏ vẫn còn đúng cho tới bây giờ trong từng ký tự mà người xưa lưu lại cho thế nhân. Và quan trọng nhất, chữ viết chính là chiếc cầu nối giữa các thế hệ con người với nhau. Biết bao nhiêu tri thức, văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu lại bằng các văn bản cổ xưa, có thể vô tình hoặc cố ý bị bỏ quên khi chuyển đổi chữ viết và in ấn lại tài liệu. Thế hệ sau này sẽ không thể đọc được những văn tự cổ xưa hàm chứa biết bao tri thức và văn hóa tốt đẹp mà cha ông tích lũy được.
Không thể phủ nhận được văn hóa truyền thống, qua biết bao thời gian đằng đẵng sinh hoạt, lao động, cảm thụ và nhận thức, con người có khi đi hết quãng đời mới có thể đúc kết ra được những bài học quý giá và lưu lại cho hậu thế. Nếu thế hệ sau không thể tiếp cận hoặc không trân trọng thì đó sẽ là mất mát lớn. Các thế hệ không thể kết nối với nhau thì đó là sự mất gốc, thế hệ trẻ xa rời dần với truyền thống và không có sợi dây níu giữ đạo đức vốn được hình thành, tích lũy xuyên suốt lịch sử xã hội loài người chứ không phải chỉ một sớm một chiều.
Hãy thử tưởng tượng trong lúc in ấn lại hàng triệu đầu sách, quyển nào cũng quan trọng, cũng là kết tinh tri thức, là tâm huyết của người viết, người ta vô tình hoặc do sự hạn chế trong việc đánh giá mà bỏ qua một cuốn sách cổ về người Hà Nội xưa. Thế là thế hệ sau có thể sẽ chỉ biết về sự thanh lịch của người Tràng An qua wikipedia hoặc những mảnh ghép vụn vặt không đầy đủ. Chỉ là một ví dụ nhỏ không mang nhiều tính đại diện, nhưng khả năng lãng phí nguồn tri thức đồ sộ là rất lớn khi kinh phí và khối lượng công việc phải làm để in ấn lại là không hề nhỏ.
Có thể lấy ví dụ về chữ Hán giản thể và chính thể để so sánh sự khác biệt.
Trung Quốc bắt đầu dùng chữ giản thể từ thập niên 1950 để xóa nạn mù chữ. Chừng 2.000 chữ Hán đã bị giản lược về nét, và nhiều chữ mới này khác hẳn so với chữ gốc ban đầu. Mục đích ban đầu thật ‘tốt đẹp’, cũng là để giản tiện hơn và giúp nhiều người học chữ được nhanh hơn. Nhưng Đài Loan và Hồng Kông vẫn duy trì hệ thống chữ Hán chính thể (hay còn được gọi là phồn thể). Vì họ cho rằng dùng chữ chính thể là cách duy trì di sản văn hóa truyền thống và thậm chí người dân Đài Loan, Hồng Kông còn cảm thấy tự hào khi chính du khách từ Trung Quốc đại lục cũng sẽ được trải nghiệm văn hóa truyền thống của mảnh đất Thần Châu ở bên ngoài Trung Quốc.
Đài Loan đã cấm người dân nước mình sử dụng chữ Hán giản thể và người dân Hồng Kông thì còn gửi khiếu nại lên một đài truyền hình Hồng Kông vì sử dụng chữ giản thể trong bản tin của mình. “Dưới hệ thống ‘một quốc gia, hai chế độ’, di sản truyền thống của chúng ta cần phải được bảo vệ, kể cả chữ viết…”, nghị sĩ Claudia Mo lo ngại về việc di sản truyền thống có thể bị mai một khi sử dụng chữ giản thể, theo Global Post.
Theo báo tiếng Anh Shanghai Daily của chính người Trung Quốc hải ngoại, Hán tự phồn thể, với đầy đủ các nét dù phức tạp mới chính là “gốc rễ” của văn hóa hàng nghìn năm. Chữ giản thể không thể hiện được tâm hồn Trung Hoa và quan trọng hơn là “cách người Trung Quốc nhìn thế giới”.
Mỗi chữ Hán cổ là một câu chuyện, đó là sự kết tinh của những bối cảnh văn hóa, quá trình phát triển lịch sử và kinh nghiệm xã hội trong suốt chặng đường trưởng thành của một dân tộc. Ẩn sau mỗi chữ tượng hình là tri thức bác đại tinh thâm giống như một viện bảo tàng lịch sử. Tuy nhiên, chữ giản thể thì chỉ giống như một kí hiệu, nhìn thì có vẻ tiện lợi nhanh chóng, nhưng thực chất lại là giản mà không tinh. Đã vậy còn phá hoại luôn nội hàm của một hệ thống văn tự.
Có người đã tổng kết một vài ví dụ về chữ phồn thể và giản thể, để thấy sau khi chữ Hán bị giản lược, thì những nội hàm sâu sắc đã bị mất đi, thay vào đó là sự lệch lạc, thậm chí biến dị, nhưng lại đúng với xã hội Trung Quốc thời này một cách đáng kinh ngạc.
Chữ “Ái” giản thể bị mất đi chữ “Tâm” 心 – trái tim. Ngày nay có những tình yêu không còn xuất phát từ trái tim nữa. Đại gia cặp với chân dài. Kẻ ham tiền, người háo sắc, hễ có lợi là trao thân. Tình một đêm, tình sét đánh, tình chớp nhoáng khiến nhà nghỉ mọc lên nhan nhản khắp nơi. Tình yêu đã không còn sự kết nối thiêng liêng và trách nhiệm suốt cuộc đời như văn hóa Thần truyền xưa kia.
Chữ Sỉ 恥 (liêm sỉ, xấu hổ) gồm bộ nhĩ 耳 (tai) và chữ tâm 心 (con tim). Người ta phải hướng nội, lắng nghe tiếng nói của lương tri, liêm sỉ bên trong mình để biết hổ thẹn khi làm việc xấu xa. Chữ giản thể lại thay đổi thành 耻 gồm bộ nhĩ 耳 (tai) và chữ 止 (dừng lại), người ta chỉ biết nghe rồi để đó, chứ không tự suy xét chính lương tâm của mình.
Chữ “Ưu” chính thể 優 (Ưu tú) bị lược mất chữ “Ưu” 憂 – ưu lo. Ưu cần phải Ưu lo: Muốn thành người ưu tú, xuất chúng cần phải biết lo lắng cho đại cục, cho người khác. Bậc hiền tài như vậy trong thiên hạ là khó cầu nhất. Người tài thời nay nghĩ đến vinh hoa, phú quý cho riêng mình hay lợi ích cho muôn dân? Những người nhiều tài lắm tật, e rằng lợi ít hại nhiều. Kiểu người này chỉ khiến con người càng thêm lo sầu.
Còn rất nhiều những ví dụ khác nữa thể hiện chân thực xã hội Trung Quốc ngày nay đã lệch lạc, biến dị như thế nào so với truyền thống văn hóa thuần hậu trước đây thông qua chữ viết. Tình hình đó có vẻ như trái ngược so với quốc gia, đặc khu sử dụng tiếng Hoa nhưng vẫn dùng chữ chính thể, đặc biệt là Đài Loan.
Liu Xliao, một kỹ sư Trung Quốc đến từ Bắc Kinh, thuộc thế hệ 8x, cũng là một khách du lịch tự do, khi tới Đài Loan đã ngạc nhiên trước những điều bấy lâu không hề biết về một quốc gia cũng nói tiếng Hoa ngay cạnh đại lục. Những mô tả của anh đã nhận được hàng triệu lượt yêu thích và quan tâm và anh bỗng nổi tiếng chỉ sau một đêm, cho thấy người dân Trung Quốc cũng khát khao được biết những điều mà họ không thể tìm thấy ở đâu trên đất nước mình.
Trong blog của mình, anh Liu đã viết: “Là một người đã từng du lịch qua nhiều nơi, đến Đài Loan, tôi thấy được sự khác biệt rõ ràng. Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều nói tiếng Hán, hai nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại nằm ở hai hình thái xã hội hoàn toàn khác nhau. Tôi cảm thấy một sự khác biệt rất lớn!….
Ở Đài Loan bạn có thể tìm thấy những điều đã biến mất ở Trung Quốc. Tôi cảm nhận thấy sự thân thiện giữa người với người trong đối nhân xử thế. Sau cuộc cách mạng tại Trung Quốc, phương thức sống, lễ nghi truyền thống mấy nghìn năm đều bị mất mát rất nhiều. Những năm sau đó, cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến mọi thứ đều chỉ hướng về lợi ích, sự lạnh nhạt giữa người với người tăng lên, lợi ích trần trụi được đặt ngay trước mắt…”
Chính người Trung Quốc sau khi được trải nghiệm nền văn hóa Trung Hoa truyền thống từ bên ngoài đại lục đã nhận ra lễ nghi truyền thống cho đến phương thức sống, đạo đức xã hội tại quê hương mình đã mất mát quá nhiều. Một phần bởi thứ chữ viết giản thể mất gốc, lệch lạc, đã không còn lưu giữ những bài học đạo đức người xưa nhắn gửi. Hơn nữa, cải cách chữ viết đã chặt đứt cây cầu nối thế hệ sau này với văn hóa truyền thống đầy nhân văn và bác đại tinh thâm.
Cũng có ý kiến cho rằng đã nhiều quốc gia cải cách chữ viết thành công như Indonesia, Hà Lan, Pháp, Na Uy, Đức, Áo, Thụy Sỹ, Nga… Nhưng những cải cách của họ không phải là khiến thay đổi gần như hoàn toàn bộ mặt chữ viết của mình. Về cơ bản, sau khi cải tiến hoàn toàn phụ âm tiếng Việt, về mặt hình thức, các văn bản tiếng Việt sẽ giống như một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác. Việc học lại bộ chữ viết mới, thay đổi thói quen đọc viết sẽ rất phức tạp và gây hụt hẫng cho nhiều người, nó không chỉ đơn giản là bỏ đi, thêm vào, quy định lại một số cách viết như ở các ngôn ngữ khác.
Hơn nữa, việc thay đổi chữ viết thật ra cũng không phải là quá cấp thiết đến mức phải tốn kém nhiều như vậy. Khi người ta đã quen thuộc thì mọi sự chưa ổn thỏa trong hệ thống cũ cũng không phải là vấn đề gì quá to lớn. Viện Ngôn ngữ học ở Pháp đã từng lúc treo hẳn một tấm biển ngoài cổng với thông báo rằng: “Chúng tôi không nhận bất cứ đề tài hay đề xuất khoa học nào về việc thay đổi chữ viết”, chắc họ cũng đã quá mệt mỏi với những tranh luận và sự phức tạp nếu triển khai những đề xuất này.
Theo Tiến sĩ ngôn ngữ Huỳnh Văn Thông, nhiều người đã biết chuyện thay đổi không mang lại được lợi lộc gì nhiều. Vài cái phức tạp về chính tả ấy, không là gì so với trình độ, nhận thức và năng lực học hỏi của con người.
Chữ viết không chỉ là ký tự, là công cụ ghi âm, đó là văn hóa, là truyền thống, là lịch sử. Khi xét đến việc cải tạo chữ viết, chúng ta không thể chỉ đứng từ góc độ khoa học và sự tối ưu khi sử dụng. Tại sao các chuyên gia và nhân sĩ từ bao đời luôn muốn giữ gìn tốt nhất có thể sự trong sáng của ngôn ngữ và chữ viết? Bởi đó là con đường duy nhất kết nối chúng ta với văn hóa truyền thống của cha ông, với những kinh nghiệm, tri thức quý giá được tích lũy từ hàng nghìn năm.
Thu Hiền / Theo DKN
- Facebook bắt đầu phát triển trí tuệ nhân tạo AI để ngăn chặn tình trạng tự tử trên toàn cầu
- Kho báu La Mã trong xác tàu đắm 2.000 năm tuổi ngoài khơi Ai Cập