Chương trình Táo Quân mỗi dịp xuân về luôn là đề tài nhận đủ lời khen lẫn tiếng chê từ cộng đồng trong suốt 15 năm lên sóng. Nhưng năm nay, có vẻ như chương trình này phải đối diện với nhiều sóng gió hơn cả.
Đây là một chương trình được nhiều người mong chờ mỗi đêm giao thừa bởi nó mang lại tiếng cười cho những giây phút cuối cùng của một năm cũ. Nó phù hợp với tinh thần “tống cựu nghênh tân”, và thỏa mãn nhu cầu muốn được giải tỏa, cười vui, mang lại tinh thần tích cực cho một năm mới sắp đến.
Các anh em nghệ sĩ tham gia chương trình, cũng như nhà sản xuất, biên tập cho tới ê kíp kỹ thuật, đạo cụ năm nào cũng rất vất vả, gấp gáp tập dượt, chuẩn bị cho chương trình để kịp mang tới niềm vui nho nhỏ cho người dân.
Đó là một mong muốn chân chính và tốt đẹp của những người làm chương trình. Thế nhưng, chỉ tinh thần thôi là chưa đủ, bởi một chương trình có sức ảnh hưởng rộng lớn tới cả nước như vậy thì cần có một tác động hướng thiện tới tất cả các thành phần trong xã hội.
Những ngày vừa qua, cư dân mạng lại một lần nữa ‘nóng bỏng’ bởi Chương trình Táo quân năm nay bị phản đối mạnh mẽ bằng văn bản vì gây tiếng cười khi miệt thị giới tính và cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, thì màn dâng sớ Táo Quân lên thiên đình trên truyền hình trong suốt bao năm qua đã mạo phạm đến nhiều chủ thể khác.
Một sự xúc phạm có thể ảnh hưởng tới ý thức hệ của cả một dân tộc
Tuyến nhân vật chính của chương trình Táo Quân đều là các vị Thần từ cao tới thấp trên thiên đình. Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản tiên giới lẫn cõi âm phủ. Bên cạnh có Nam Tào ghi sổ sinh, Bắc Đẩu ghi sổ tử. Các Táo Quân đều là các vị Thần trông coi đời sống, đạo đức của từng gia đình dưới hạ giới.
Xã hội Việt Nam từ xưa tới nay vốn là một xã hội có niềm tin vào Thần linh, nhân quả. Trong đời sống hàng ngày, người ta vẫn biểu đạt hệ tư tưởng tôn kính Thần, Phật ở rất nhiều việc làm, quan niệm và hoàn cảnh khác nhau.
Đối với những người có niềm tin tín ngưỡng, thực hành tâm linh hàng ngày, thì họ luôn có một sự tôn kính đối với Thần, Phật. Thế nhưng chương trình Táo Quân với tuyến nhân vật chính là các vị Thần tiên đầy linh thiêng lại được xây dựng hình ảnh theo hướng phàm trần hóa đầy dung tục và nhiều dục vọng. Đó chẳng phải là một sự xúc phạm nặng nề đối với Thần linh và những người có niềm tin vào Thần linh hay sao?
Các vị Thần ăn nói theo phong cách “thời thượng” nhất đang là trào lưu trong giới trẻ. Họ cũng mạt sát, thóa mạ nhau, tranh giành, xu nịnh, bụng dạ hẹp hòi, nhỏ nhen. Ngọc Hoàng lúc thì tôn nghiêm lúc lại tít mắt khi thấy các cô gái ăn mặc thiếu vải.
Ai cũng biết đó là một cách hình tượng hóa để châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu. Thế nhưng đem Thần linh ra để làm công cụ gây cười thì cũng là một sự xúc phạm không hề nhẹ. Đó vừa là xúc phạm niềm tin của người khác, vừa là xúc phạm đến ý thức hệ vốn là thước đo duy nhất níu giữ đạo đức con người qua hàng nghìn năm qua.
Học thuyết vô Thần hiện đại đang ngày càng bị nhiều người lên án bởi nó tác động tiêu cực tới nhân loại, khiến con người không còn lo sợ gì mà thoải mái buông thả dục vọng, suy thoái đạo đức.
Khi không tin có Thần linh, thậm chí phỉ báng, xúc phạm Thần linh, người ta tạo nên tâm lý không cần e ngại gì mà vi phạm những lời răn dạy tu dưỡng đạo đức phẩm hạnh. Không tin có Thần linh nên không việc xấu ác nào mà con người không dám làm. Xã hội trượt dài trong sự suy thoái đạo đức mà người ta vẫn không hiểu nguồn cơn là vì sao.
Văn hào Nga Dostoievski đã từng nói: “Nếu không có Chúa người ta dám làm mọi sự”. Và một câu châm ngôn đã nổi tiếng trên toàn thế giới nói rằng: “Khởi sự của đạo đức là biết sợ”.
Một chương trình truyền hình có tầm ảnh hưởng lớn tới xã hội tuyên truyền cách nghĩ coi thường Thần linh có thể dần dần thay đổi y thức hệ của cả một xã hội.
Chẳng ở đâu, người dân ngồi lại cùng nhau trong ngày cuối năm, cười sung sướng, thỏa thê trước hình ảnh các vị Thần bị bôi nhọ, hạ nhục. Và rồi vài ngày sau đó, họ lại đổ xô đến các đền, chùa, xì xụp khấn vái, “đút lót” cho Thần linh bằng những đồng tiền lẻ để cầu xin đủ điều.
Liệu có phải vì ý thức hệ dần bị thay đổi bóp méo bằng những màn mua vui hài hước, nên người ta nghĩ rằng Thần cũng tha hóa, tham lam như mấy ông quan tham nhũng thời nay?
Họ tin vào năng lực, thần thông của các vị Thần, nhưng lại ném tiếng cười mỉa mai vào các vị Thần trên truyền hình mua vui cho họ. Đó là thái độ vô ơn kiểu gì vậy?
Ở phía bên kia địa cầu, một nước Mỹ hùng mạnh, luôn tự hào vì là cường quốc số 1 thế giới mà cũng phải nhún mình trước Thiên Chúa. Bản tuyên thệ dưới cờ của họ có cụm từ “One Nation, Under God” (tạm dịch: Một quốc gia dưới Chúa). Tiêu ngữ quốc gia của Mỹ là “In God, We Trust” (tạm dịch: Chúng ta tin vào Chúa) mà bạn sẽ dễ dàng đọc được trên mỗi tờ tiền đô-la.
Trong mắt người Mỹ, họ là con dân của Chúa. Nhân dân không thuộc về chính phủ mà thuộc về Chúa. Chính phủ không phải là khái niệm cao cả và quyền lực nhất, Chúa mới là người quyền lực nhất. Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập đã nhấn mạnh: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa”.
Lại có câu chuyện được lưu truyền trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại rằng, khi người Việt sang Iraq lao động, người Iraq hỏi bạn theo đạo nào, nghe câu trả lời là “Không”, thế là họ tản ra không muốn quan hệ, vì họ e ngại vô đạo thì cũng chính là vô đạo đức.
Nếu họ biết rằng ở Việt Nam, còn có hẳn một chương trình truyền hình đem các vị Thần tôn kính trong tín ngưỡng của đa phần người dân ra làm trò cười, thì không biết họ sẽ nghĩ thế nào?
Tiếng cười sâu cay là để làm gì, cuối cùng cũng như việc chửi đổng mà thôi
Đành rằng việc mượn hình ảnh Táo Quân dâng sớ báo cáo Ngọc Hoàng là để châm biếm một “thiên đình” giả định nào đó. Thế nhưng có bao nhiêu hình ảnh có thể đem ra sử dụng, không nhất thiết chương trình gây cười lại phải sử dụng tới cả hình ảnh của Thần linh.
Hơn thế nữa, mục đích của chương trình Táo Quân cuối năm có thể cũng nên được nhìn nhận lại.
Chương trình từ lâu đã trở thành một phương tiện giải tỏa cho người dân trước những vấn đề xã hội đầy nhức nhối và có vẻ vô vọng trong hướng giải quyết. Như một tiếng nói đại diện cho người dân, chương trình phát đi những thông điệp, những tâm tư và mong mỏi về một “thiên đình” trong sạch và thịnh vượng hơn trong năm mới.
Thế nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở việc mỉa mai, châm biếm, đả kích sâu cay. Giống như việc con người ta chửi đổng, chửi thề để giải tỏa tâm lý căng thẳng và uất ức.
“Chửi cũng là một phản ứng tức thời của con người với hiện tượng đối diện. Vì thế mà xã hội nào càng tạo ra nhiều bức xúc nhất thì xã hội đó sẽ gánh chửi nhiều nhất. Nơi nào con người sống bất trắc nhất thì sẽ chửi nhiều nhất. Do đó, sẽ không ngoa khi cho rằng, người ta biết sự minh bạch, tiến bộ của một xã hội dựa vào việc xã hội đó phải nghe chửi nhiều hay ít” – (Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ).
Một quốc gia có hẳn một chương trình tống cựu nghênh tân bằng cách châm biếm, chửi đổng thì quốc gia đó chắc hẳn có rất nhiều bức xúc. Thế nên người ta mới cần có một buổi lễ “chửi” tập thể để kết thúc năm mới? Nhiều người cho rằng chính vì thế chương trình Táo Quân là cần thiết để xã hội giải tỏa những bức xúc tồn đọng trong năm.
Thế nhưng, nếu nghĩ kỹ hơn một chút, sẽ thấy chúng ta đang tự thôi miên lẫn nhau rằng ít nhất thì cũng có người dám nói lên những tệ nạn này. Chúng ta cười với nhau, khen ngợi rằng “Táo Quân năm nay dám nói thẳng, nói mạnh hơn năm trước rồi”, và chỉ thế mà thôi. Chúng ta tự làm dịu nỗi uất ức của mình bằng những màn đả kích mỗi năm và vấn đề thì vẫn cứ ở đó.
Khoa học đã chứng minh, việc “chửi bới” không thật sự làm chúng ta giải tỏa được căng thẳng, và tất nhiên vấn đề không thể được giải quyết chỉ thông qua việc chửi đổng.
Mà ngược lại, khi chúng ta giải tỏa bằng việc đả kích, “chửi bới” sự việc, có vẻ như chúng ta sẽ dần quên mất cách hướng sự tập trung vào giải quyết vấn đề. Và nguy hiểm hơn cả, chúng ta dần chấp nhận sự tồn tại đáng nhẽ ra là rất phi lý của những thứ khiến chúng ta bức xúc.
Chương trình Táo Quân vô tình lại trở thành công cụ thôi miên người xem, rằng đã có người dám nói lên sự thật, thế là đủ. Nhưng thật ra lại như một sự ru ngủ xã hội. Nó chỉ để họ dừng lại ở việc giải tỏa mà quên đi việc phải có trách nhiệm giám sát và thúc đẩy giải quyết vấn đề.
Hãy dũng cảm thừa nhận rằng, một vài tiếng cười dù sâu sắc đến đâu cũng không thể trở thành động lực thúc đẩy “thiên đình” lớn mạnh được.