Cô gái vừa nghe đã há hốc miệng, kinh ngạc không nói được lời nào. Vừa sợ hãi vừa xấu hổ, toàn thân run rẩy, sắc mặt xanh lét, vừa phủ phục khóc lóc run rẩy nói: “Ngọc tôi đã cầm ở tay rồi, nhưng xin ngài đừng ăn pho mát này, hãy đưa nó cho tôi”.
Phật Milarepa (Mật-lặc Nhật-ba) là một trong những Thánh nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng, thuỷ tổ của Bạch giáo Tạng Mật. Lúc lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tàn tệ. Nghe lời mẹ, Milarepa đi học huyền thuật, dùng phép hô phong hoán vũ giết hại nhiều người để trả thù. Ăn năn về hành động đó, ông đã quyết tâm cầu chính pháp tu luyện, nhẫn chịu nhiều gian khổ và thử thách khắc nghiệt mà thượng sư Mã-nhĩ-ba dành cho ông. Cuối cùng, Milarepa đã nhận được chân truyền từ sư phụ, sau nhiều năm khổ tu tịch mịch trong hang động vùng núi Himalaya ông đã thành Đạo. Phật Milarepa đã dùng đủ các loại phương tiện khiến cho vô lượng chúng sinh thượng căn, trung căn, hạ căn có duyên được thành tựu giải thoát.
Dưới đây là câu chuyện tôn giả Milarepa cứu độ tiến sỹ Tháo Phổ, một vị học giả kiêu căng, đố kỵ với tôn giả nên đã tìm cách hạ độc ngài.
Lòng đố kỵ của vị học giả
Sự nghiệp của tôn giả Milarepa lợi ích vô lượng chúng sinh, cuối cùng đến Đình Nhật, gặp một hành giả tên gọi tiến sỹ Tháo Phổ. Tháo Phổ yêu của cải hơn mạng sống, nhưng vì ông ta là một học giả, bách tính khắp vùng Đình Nhật đều cung kính ông ta, mỗi dịp lễ hội yến tiệc đều để ông ta ngồi vị trí thứ nhất. Sau khi gặp tôn giả, bề ngoài ông ta biểu hiện cung kính tín ngưỡng, thực tế là trong lòng đố kỵ. Nhiều lần khi đông đảo mọi người tụ hội, ông ta đã cố ý đưa ra những câu hỏi khó cho tôn giả, muốn tôn giả bị bẽ mặt trước mọi người, nhưng chưa lần nào thành công.
Ngày đầu tiên mùa thu năm Mộc Hổ, dân làng Đình Nhật tổ chức một hội tiệc lớn, mời tôn giả ngồi vị trí cao nhất, tiến sỹ Tháo Phổ ngồi ở vị trí thứ hai.
Tiến sỹ Tháo Phổ trước mặt mọi người đảnh lễ với tôn giả, trong lòng nghĩ tôn giả nhất định sẽ đáp lễ. Nhưng thói quen trước nay của tôn giả là, trừ đảnh lễ với thượng sư ra, quyết không đảnh lễ với bất kỳ người nào, do đó không đáp lễ tiến sỹ Tháo Phổ. Tiến sỹ Tháo Phổ vì vậy bất bình, trong lòng thầm nghĩ: “Ta là học giả học rộng tài cao như thế này, ông lại không đáp lễ, ngồi vị trí cao, trên cao không động gì, làm gì có cái lý ấy, không báo thù thì quyết không được!”. Thế là ông ta lấy cuốn Luận điển Nhân minh, đặt trước mặt tôn giả nói: “Xin ngài giảng giải từng chữ quyển này, giải đáp nghi vấn, đồng thời phát huy sở kiến và cho bình luận”.
Tôn giả nói: “Ngữ nghĩa Luận điển, ông có lẽ cũng có thể giải thích được từng câu, nhưng ý nghĩa chân chính, là khắc phục dục vọng Bát pháp (1) của thế gian, và hàng phục chấp trước bản thân, và chấp pháp thanh tịnh một mực luân hồi niết bàn. Ngoài đó ra, những học thuyết dạy con người hỏi như thế nào, đáp như thế nào, căn bản đều chẳng có tác dụng gì lớn, do đó ta chẳng học qua, lại càng không hiểu. Nếu mà đã học qua, hoặc từng hiểu qua, thì hiện nay cũng đã quên từ lâu rồi”.
Tiến sỹ Tháo Phổ nói: “Những người chuyên tu hành như các ngài, đương nhiên là dùng câu nói này trả lời. Nhưng chúng tôi giảng học lý, tư duy biện luận theo đạo lý logic, thì những lời ngài vừa nói, hoàn toàn không hợp với nghĩa lớn của Phật Pháp. Vì ngài là một người tốt, tôi mới đảnh lễ ngài…” Miệng vẫn còn nói thao thao.
Đại chúng thí chủ nghe rồi, rất không hài lòng. Mọi người đồng thanh nói: “Tiến sỹ, bất luận ngài biết bao nhiêu giáo lý Phật Pháp, người như ngài thì khắp nơi đều có, nhưng cả thế giới cũng không lấp đầy một lỗ chân lông của tôn giả! Ngài chớ nói nữa, an phận ngồi ghế thượng khách của chúng tôi, và nghĩ cách tăng thêm tài sản của ngài là được rồi, đừng làm trò hề ở Pháp hội nữa!”
Ông ta nghe rồi nổi cơn thịnh nộ, nhưng lại sợ mọi người phẫn nộ, cho dù có làm loạn lên thì cũng không thắng được, đành phải nén cái nộ khí đùng đùng đó xuống. Miệng tuy yên lặng chẳng nói năng gì, trong lòng ông ta vô cùng bực bội, ngầm tính toán rằng: “Milarepa không có tri thức này, hành vi điên cuồng, nói lời mơ mộng, dùng lời giả dối vọng ngôn để lừa đại chúng, để được họ cúng dường, đúng là làm mất mặt Phật Pháp! Như ta một tiến sỹ có học vấn, có danh vọng lại có tài sản như ta đây, về phương diện pháp mà nói, mọi người lại coi ta không bằng con chó, làm gì có cái lý đó! Không nghĩ cách thì không thể được!”
Cô tình nhân mang pho mát độc
Vị tiến sỹ Tháo Phổ này có một cô tình nhân ở thôn Bố Lâm. Ông ta bảo cô gái này bỏ thuốc độc vào trong pho mát rồi mang đi cúng dường tôn giả, định hạ độc chết tôn giả. Tháo Phổ đồng ý với điều kiện của cô gái là sẽ tặng cho cô ta một viên ngọc lớn. Cô gái tưởng ông ta nói thật, liền bỏ thuốc độc vào trong pho mát mang đến Nha Thành cúng dường tôn giả.
Lúc đó, tôn giả sớm đã biết rõ hết thảy sự việc. Tôn giả quan sát nhân duyên, biết chúng sinh có duyên đều đã được hóa độ. Mặc dù thuốc độc không thể làm hại ông, nhưng ngày mà ông niết bàn cũng sắp đến, nên ông sẵn sàng nhận đồ ăn cúng dường có độc này. Nhưng tôn giả biết, nếu trước khi ông nhận pho mát độc mà người phụ nữ này không nhận được viên ngọc, vậy thì cô ta sẽ không thể có được nó nữa, bởi vì tiến sỹ Tháo Phổ chắc chắn sẽ không đưa viên ngọc cho cô ta, cho nên tôn giả nói với cô gái rằng: “Hiện giờ ta không cần ăn, xin cô hãy mang đến cho ta sau, có lẽ lúc đó ta sẽ cần ăn”.
Nghe tôn giả nói vậy, trong lòng cô ta vừa nghi hoặc, vừa sợ hãi, đoán chừng tôn giả đã biết trong pho mát có độc rồi, liền ra về với tâm trạng vô cùng bất an.
Cô gái gặp tiến sỹ Tháo Phổ kể cho ông ta nghe sự tình, còn nói tôn giả chắc chắn có thần thông cho nên không chịu ăn.
Tháo Phổ nói: “Hừm, nếu ông ta có thần thông thì sẽ không bảo cô lần sau lại mang đến cho ông ta, hoặc là sẽ bảo cô tự mình ăn chỗ pho mát có độc kia đi, ông ta không làm vậy mà bảo cô lần sau mang đến, rõ ràng là ông ta không có thần thông. Giờ cô hãy cầm lấy viên ngọc này đi, rồi cô lại mang pho mát đến cho ông ấy, lần này cô nhất định phải bảo ông ấy ăn hết đấy nhé”, nói rồi đưa ngọc cho cô gái.
Cô ấy nói: “Mọi người đều tin rằng ông ấy chắc chắn có thần thông, bởi vì ông ấy có thần thông nên hôm qua mới không ăn. Hôm nay lại mang đến, ông ấy cũng nhất định không ăn đâu. Tôi sợ lắm, không dám đi đâu, tôi thà không lấy viên ngọc này nữa. Xin ông hãy lượng thứ cho tôi, việc này tôi không thể làm giúp ông được”.
Tháo Phổ nói: “Trên đời này chỉ có loại người phàm phu tục tử mới tin rằng ông ta có thần thông, vì họ không xem kinh sách, không hiểu đạo lý, nên bị những lời dối trá của ông ta lừa gạt. Ta xem trong sách thấy nói người có thần thông có bộ dạng không giống ông ta. Ta dám đảm bảo rằng ông ta không có thần thông. Giờ cô lại mang pho mát có độc đến cho ông ta ăn, nếu chúng ta đạt được mục đích, ta nhất định sẽ không phụ cô. Chúng ta mến nhau lâu như vậy rồi, sau này cũng không cần phải sợ người khác đàm tiếu nữa, nếu việc này thành công ta sẽ kết hôn với cô, lúc đó không chỉ viên ngọc này thuộc về cô, mà những tài sản bên ngoài và tài sản trong nhà ta cũng đều giao cho cô quản, hai chúng ta sẽ sống cuộc đời sung túc, bách niên giai lão, cô thấy có được không?”
Cô gái này tưởng rằng những lời ông ta nói đều là thật, liền bỏ thuốc độc vào trong pho mát mang đến Nguyên Lạc Cát Tường cúng dường tôn giả. Tôn giả mỉm cười đón nhận. Cô gái nghĩ trong tâm: Lời của tiến sỹ thật đúng, ông ấy thực sự không có thần thông gì.
Tôn giả mỉm cười nói với cô: “Cái giá cho việc làm này của cô – viên ngọc đó, cô đã cầm được chưa?”
Cô gái vừa nghe đã há hốc miệng, kinh ngạc không nói được lời nào. Vừa sợ hãi vừa xấu hổ, toàn thân run rẩy, sắc mặt xanh lét, vừa phủ phục khóc lóc run rẩy nói: “Ngọc tôi đã cầm ở tay rồi, nhưng xin ngài đừng ăn pho mát này, hãy đưa nó cho tôi”.
Tôn giả nói: “Cô cần nó làm gì?”
Cô ấy khóc thút thít nói: “Để kẻ gây tội là tôi ăn là được rồi”.
Tôn giả nói: “Một là ta không nỡ bảo cô ăn đi, bởi vì cô quá đáng thương; hai là nếu ta không nhận thứ cô tặng, ta sẽ đi ngược lại lời dạy của Bồ Tát, phạm vào đạo căn bản. Hơn nữa sự nghiệp tự, tha, độ sinh của ta đời này đều đã viên mãn rồi, thời điểm đến thế giới khác cũng đã đến rồi. Kỳ thực, thứ mà cô tặng không thể làm tổn thương ta được, ăn hay không ăn cũng không có quan hệ gì. Nếu ta ăn món pho mát mà lần trước cô tặng ta, vậy thì e là cô sẽ không lấy được viên ngọc này, cho nên ta không ăn. Hiện giờ cô đã có viên ngọc trong tay rồi, ta cũng có thể yên tâm ăn rồi, đồng thời anh ta cũng có thể thỏa mãn nguyện vọng của mình. Vả lại, mặc dù anh ta hứa hẹn sau khi cô làm xong sự việc này thì sẽ cho cô cái này cái kia, nhưng những lời đó đều không có cơ sở. Những gì mà anh ta nói về ta không có một câu nào là chân thực. Sau này cô và anh ta sẽ rất hối tiếc. Lúc đó hai người hãy thực sự sám hối, hãy học Phật Pháp thật tốt, nếu không ít nhất cũng phải nhớ sau này nếu gặp sự việc liên quan đến tính mệnh thì không nên tạo nghiệp nữa.
Anh ta và cô, hai người thường xuyên vứt bỏ hạnh phúc vui vẻ mà tự tìm cái khổ. Nghiệp mà các người gây ra lần này, ta phải phát nguyện tẩy tịnh cho các người. Vì sự an toàn của các người, việc làm lần này mặc dù sớm muộn gì cũng bị người khác biết đến, nhưng trước khi ta chết thì đừng nói với người khác. Ông lão già như ta trước nay lời nói rốt cuộc là thật hay giả, người chưa tận mắt nhìn thấy có thể không tin, lần này cô tận mắt thấy rồi thì cũng tin lời ta nói là thật rồi chứ”.
Nói rồi tôn giả liền ăn hết pho mát độc.
Cô gái trở về kể lại sự tình cho tiến sỹ Tháo Phổ nghe, Tháo Phổ nói: “Rau trong nồi không nhất định đều là ngon, lời người ta nói không nhất định đều là thật. Chỉ cần ông ta ăn pho mát độc đó thì ta đã đạt được mục đích rồi, cô nói ít thôi, nhớ giữ kín chuyện này chớ nói cho ai biết”.
Sau đó, tôn giả truyền lời cho các thiện nam thí chủ khắp nơi ở Đình Nhật Áp Long và những người chưa từng gặp ông ở những nơi khác đến triệu kiến. Tôn giả liên tục thuyết thiên pháp cho mọi người, giải thích tường tận đạo lý nhân quả trong thế tục. Khi ông thuyết pháp, rất nhiều đệ tử có căn cơ cao đều tận mắt nhìn thấy vô lượng Phật, Bồ Tát trên không trung đang nghe tôn giả thuyết pháp. Có người nhìn thấy trên trời, dưới đất đầy người và những sinh mệnh không phải người đang hân hoan nghe Pháp. Mọi người cũng nhìn thấy trong không trung xuất hiện cầu vồng ngũ sắc, những áng mây màu sắc tràn ngập hư không, hoa ngũ sắc rơi như mưa từ trên trời xuống, mùi hương kỳ lạ thơm ngát, những âm thanh êm dịu cũng vang vọng xuống từ không trung.
Lòng từ bi cảm hoá kẻ ác
Không lâu sau, tôn giả sinh bệnh nặng. Lúc đó, tiến sỹ Tháo Phổ cải trang làm người đến cúng dường mang rất nhiều rượu thịt ngon đến cho tôn giả, cười mỉa mai rằng: “Ôi dào, một bậc đại thành tựu như tôn giả thì không nên mắc bệnh nặng như vậy! Sao ông lại bị bệnh tật hành hạ như vậy? Nếu có thể san sẻ bệnh tật sang cho người khác, thì ông có thể san sẻ cho các đại đệ tử, nếu có thể chuyển được bệnh tật thì xin ông hãy chuyển nó cho tôi vậy. Ông hiện giờ hết đường xoay sở rồi, kết thúc thế nào đây?”
Tôn giả cười bình thản nói: “Ta vốn dĩ không cần phải mắc bệnh này. Nguyên nhân không thể không mắc bệnh, anh nên biết rõ chứ. Thông thường nguyên nhân sinh bệnh của kẻ phàm phu khác với bản chất sinh bệnh của bậc hành giả Yoga, duyên khởi không giống nhau. Bệnh của ta hiện nay thực ra là biểu hiện của sự trang nghiêm của Phật Pháp”.
Tiến sỹ Tháo Phổ nghĩ trong tâm: “Tôn giả hình như đang nghi ngờ ta, nhưng không dám khẳng định. Bởi vì tôn giả nói rằng có thể dịch chuyển được bệnh, điểm này không thể nào đáng tin được, trong thiên hạ này ở đâu có chuyện có thể chuyển được bệnh cho người khác chứ?” Do vậy ông ta nói: “Tôi không biết rõ bệnh của tôn giả, nếu bệnh là do ma quỷ nhập lên thân thì nên tu theo pháp đuổi ma, nếu là do tứ đại (phong, hỏa, địa, thủy) không điều hòa thì nên uống thuốc điều chỉnh cơ thể. Nếu bệnh thực sự có thể chuyển sang thân người khác thì xin tôn giả hãy chuyển nó sang người tôi”.
Tôn giả nói: “Có một người mắc đại tội, ma quỷ trong tâm chạy ra làm tổn hại đến ta, làm cho nội tạng của ta không ổn định nên mới mắc bệnh. Bệnh này anh không có khả năng để tiêu trừ nó. Bệnh này của ta mặc dù có thể chuyển lên thân của anh, nhưng chỉ e anh không chịu nổi lấy một giây, cho nên tốt nhất là không nên chuyển”.
Tháo Phổ nghĩ bụng: “Ông già này căn bản không thể chuyển được bệnh cho ai đâu, cho nên cố ý nói những lời bóng bẩy này, để không bị mất mặt thôi”. Vậy nên cứ nài nỉ thỉnh cầu tôn giả phải chuyển bệnh sang cho anh ta.
Tôn giả liền nói: “Anh đã kiên quyết thỉnh cầu như vậy thì ta sẽ tạm thời chuyển bệnh sang cánh cửa bên kia. Nếu chuyển cho anh thì anh không chịu nổi đâu, anh thấy được không?” Tôn giả liền dùng thần lực chuyển những đau khổ vì bệnh tật sang cánh cửa đối diện. Cánh cửa lúc đầu phát ra tiếng kẽo kẹt, như thể sắp bị nứt ra vậy, một lúc sau nó thực sự vỡ ra thành rất nhiều mảnh vụn. Nhìn lại tôn giả, quả nhiên dáng vẻ trở nên khỏe khoắn vô bệnh.
Tiến sỹ Tháo Phổ nghĩ trong tâm: “Đây chỉ là trò ma thuật che mắt, không thể lừa gạt được ta”. Liền nói: “A, điều này thật hiếm có, nhưng tôn giả chuyển bệnh cho tôi có tốt hơn không?”
Tôn giả nói: “Anh đã khổ sở yêu cầu thì ta sẽ chuyển một nửa bệnh của ta cho anh. Nếu chuyển toàn bộ bệnh thì anh chắc chắn không chịu đựng nổi”. Tôn giả bèn chuyển một nửa nỗi khổ bệnh tật cho anh ta. Tiến sỹ Tháo Phổ lập tức đau đến nỗi ngất xỉu, toàn thân run rẩy, thở không ra hơi. Một lúc sau, khi thấy anh ta sắp sửa hết hơi rồi, tôn giả liền thu lại phần lớn bệnh tật đã chuyển qua cho anh ta, lại hỏi anh ta: “Ta mới chuyển cho anh một phân nhỏ thôi, anh thấy thế nào? Có chịu nổi không?”
Tiến sỹ Tháo Phổ sau khi tự mình trải qua nỗi đau khổ này, trong tâm trào dâng lòng hối hận mãnh liệt. Anh ta quỳ xuống khấu đầu dưới chân tôn giả, nước mắt đầm đìa khóc rằng: “Hỡi tôn giả, hỡi Thánh nhân, con thành tâm hối hận rồi. Mong ngài thứ lỗi cho con. Con mang toàn bộ gia sản cúng dường cho tôn giả, tội nghiệp quả báo của con mong tôn giả hãy nghĩ cách tiêu trừ”. Tháo Phổ khóc lóc vô cùng thống thiết.
Tôn giả thấy anh ta thực tâm hối cải thì vô cùng vui mừng, liền lấy lại một chút bệnh tật còn lại trên thân thể anh ta, rồi nói với anh ta rằng: “Cả đời ta chưa từng cần đến đất đai, tài sản, hiện giờ ta sắp chết rồi lại càng không cần những thứ đó. Anh hãy giữ lại. Sau này dù có mất mạng cũng không được làm điều ác nữa. Tội nghiệp quả báo mà anh đã làm lần này, ta đồng ý tiêu trừ giúp anh là được”.
Tháo Phổ nói với tôn giả: “Lý do con hành ác trước đây đa phần đều là vì tiền tài, giờ đây con cũng không cần bất cứ tài sản nào nữa. Mặc dù bản thân tôn giả không cần, nhưng các đệ tử của tôn giả tu hành đều cần có tư lương, xin ngài hãy nhận thay cho họ”. Dù ông ấy thỉnh cầu, tôn giả vẫn không nhận. Sau đó các đệ tử của ngài đã nhận, họ mang tài sản này ra cúng dường tập thể. Đến nay, vùng Khứ Ba vẫn có cúng dường tập thể này.
Tiến sỹ Tháo Phổ sau đó quả nhiên đã vứt bỏ được những tham sân si trong cuộc đời, trở thành một người tu hành rất tốt.
(Theo Minh Huệ Net)