Tác giả: Đức Huệ
[ChanhKien.org]
Đời Tống có một nhà thơ tên là Tô Tường, tự “Dưỡng Trực”, khá nổi tiếng trong văn đàn lúc đương thời. Ông từng vì một căn bệnh ở mắt mà còn có tự hiệu là “Sảnh ông” (ông lão có bệnh ở mắt). Ông sinh ra tại Tuyền Châu, sau chuyển đến quận Đan Dương, Giang Tô, cũng vì bệnh tình mãi không khỏi, nên có tự hiệu là “Hậu Hồ Bệnh Dân”. Sau khi nhà Bắc Tống diệt vong, ông cự tuyệt không làm quan, sống ẩn dật đến cuối đời. Nơi đến cuối cùng của ông rất đặc biệt, theo ghi chép của Tăng Tháo, một học giả đầu thời Nam Tống, thì ông đã thành Tiên mà rời đi. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về câu chuyện này.
Chuyện kể rằng có một ngày Tô Tường khi đang hóng gió tránh nắng ở phía sau hồ và cùng đánh cờ với một vị khách. Lúc này đột nhiên có một vị đạo nhân tự xưng từ núi La Phù đến bái kiến ông, tự giới thiệu mình là “La Phù Sơn đạo nhân Giang Quán Triều”. Nói xong, ông ta đi thẳng lên phía trước rồi ngồi xuống. Tuy cổ nhân phần nhiều là tín ngưỡng vào Phật, Đạo, Thần, cũng rất tôn trọng những người xuất gia, nhưng hành vi tự ngồi vào chỗ khi chưa được chủ nhân mời của vị đạo nhân đã khiến Tô Tường cảm thấy sửng sốt, ông liền hỏi đạo nhân đến đây có việc gì.
Đạo nhân nói: “Ta phụng mệnh của Hoàng Chân Nhân ở núi La Phù đến đây. Hoàng Chân Nhân cho rằng ông không ham mê quan vị, danh lợi, thứ mà thế nhân ai ai cũng đều ham thích, đã có được những nền tảng để nhập đạo, cho nên sai ta đem đan dược đến tặng để hóa độ ông. Bây giờ mời ông dùng viên đan này! Nói đoạn đạo nhân lấy từ trong tay áo ra một chiếc hộp nhỏ giao cho Tô Tường. Tô Tường mở chiếc hộp nhỏ thấy viên đan dược hiện lên màu vàng kim, xung quanh tựa hồ như tẩm cao mỡ để bảo quản. Tô Tường nhìn ngắm viên đan dược vừa đột nhiên xuất hiện, có chút do dự ngờ vực, đạo nhân thấy vậy thở dài một tiếng, nói với ông: “Viên đan dược này ‘phi kim phi thạch (chẳng phải vàng cũng chẳng phải đá), vốn do chân khí luyện thành’, đáng tiếc ông lại sinh ra nghi tâm không đáng có, chính vì cái tâm này của ông, nên ông hiện giờ lại không còn xứng để được dùng viên đan này nữa, không được nữa rồi. May thay, duyên phận của ông vẫn còn, nhưng cũng chỉ có thể chờ đến tương lai khi có sự việc cấp bách phát sinh, mới có thể lại được dùng”. Nói xong đạo nhân liền đi thẳng và biến mất trong chớp mắt. Tô Tường biết rằng mình đã gặp được tiên nhân, vì vậy ông liền đem chiếc hộp đan dược ấy đặt trong Phật đường ở nhà mình để cúng dường và bảo quản, phòng khi cấp bách cần dùng đến.
Sau này vào một năm nọ, Tô Tường cùng uống rượu với khách rất thỏa thích, uống rất say, sau khi say ông dùng món “Mật tuyết” (từ tên gọi cho thấy rằng đây có lẽ là đồ ngọt rất lạnh dùng để giải rượu), vì để điều hòa gia vị ông đã cho thêm vào một hương liệu quý là “long não”, không ngờ thêm vào quá nhiều khiến ông bị trúng độc. “Long não” mà Tô Tường cho thêm vào, có tên khác là “Thụy Long Não”, “Long não hương”, “não tử”, “băng não”, “băng phiến”, được lấy từ nhựa khô của cây long não hương sinh trưởng ở Sumatra (một hòn đảo ở Indonesia), là một loại hương liệu quý nổi tiếng, cũng là một vị thuốc quý trong Trung y. Trung y cho rằng loại hương liệu này có các tác dụng như thanh nhiệt, sáng mắt, giảm đau, nhưng nếu dùng quá liều có thể dẫn đến trúng độc, “uống từ một đến hai phân, liều lượng quá nhiều sẽ gây ra tê liệt”. Ngoài ra, theo ghi chép trong một số sách cổ, uống “long não” và rượu nóng cùng một lúc có thể dẫn đến tử vong. Lý Thời Trân cho rằng “cái này không làm não nhiễm độc, mà do rượu nóng gây ra mùi thơm cay, phát tán đến kinh lạc, khí huyết tự nhiên rối loạn”. Các nghiên cứu về tính an toàn của thuốc hiện đại cũng tiết lộ rằng hương long não khi sử dụng quá liều cũng có độc tính cấp tính, và còn có tính kích thích đối với niêm mạc ở dạ dày và mũi, có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng.
Sau khi Tô Tường trúng độc, bị tiêu chảy liên tục cả đêm, cuối cùng ông chìm vào hôn mê, hơi thở thoi thóp cận kề cái chết. Người thân của ông đột nhiên nhớ đến đan dược mà đạo nhân đã để lại, mở hộp thì nhìn thấy viên đan dược cứng như đá, liền vội vàng lấy ra nghiền thành bột, cho vào miệng để Tô Tường nuốt. Tô Tường sau khi nuốt lập tức tỉnh lại, từ đó bệnh tình hoàn toàn biến mất, thân thể khỏe mạnh cường tráng hơn những người cùng tuổi, những chiếc răng đã rụng lại mọc trở lại, tóc trắng cũng biến thành đen, đến cả căn bệnh ở mắt đã từng chữa trị lâu không khỏi thì cũng đã lành hẳn, ánh mắt sáng tỏ, thị lực cũng được hồi phục trở lại. Vào ngày mồng một tháng giêng năm Thiệu Hưng Cao Tông nhà Nam Tống thứ 17 (năm 1147 Công Nguyên), sau khi cùng người nhà ăn xong bữa cơm đón năm mới, ông đã nói lời cáo biệt rằng mình sắp rời khỏi nhân gian, đồng thời cũng nói lời cáo biệt với hàng xóm láng giềng. Vào một ngày không lâu sau đó, khi trời còn chưa sáng, ông đột nhiên khoác y phục và chống gậy ra khỏi nhà, bước đi như bay, thê tử và những người trong gia đình biết rằng ông thật sự ra đi bèn chạy đuổi theo sau, hy vọng có thể giữ ông lại, vào lúc sắp chạm được y phục của ông thì đột nhiên ông biến mất trước mắt mọi người.
Trong câu chuyện này, Tô Tường không màng danh lợi, không tham cầu quan vị ở nhân gian nên được Hoàng Chân Nhân ở núi La Phù để mắt tới, phái đồ đệ đến tặng đan dược, chuẩn bị hóa độ ông, không ngờ ông lại khởi lên tâm lý phụ diện hoài nghi, khiến cho phải đến tận lúc nguy cấp mới có thể dùng. Điều này cho ta thấy người tu luyện nhất định phải có tín tâm tuyệt đối vào Thần Phật; đan dược không phải nhân tố quyết định, chỉ là tác dụng phụ trợ bề ngoài, còn điều khởi tác dụng quyết định lại chính là sự cao thấp của tâm tính.
Nguồn tư liệu: Tăng Tháo “Bách gia Thi tuyển”
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/284540
Ngày đăng: 18-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org