Cầm, Kỳ, Thi, Họa, là bốn bộ môn nghệ thuật văn hóa cổ xưa. Trong đó Kỳ chính là chỉ về Vi Kỳ, có nghĩa là cờ vây. Một kỳ thủ là ông Emmanuel Lasker đã nói: “Cờ vuachỉ hạn chế cho nhân loại sống trên Trái Đất, trong khi cờ vây vượt khỏi thế giới này. Nếu một hành tinh nào có những sinh vật biết lý luận thì ở đó họ phải biết đánh cờ vây.” Vậy điều gì đã cuốn hút người ta đến với bộ môn này?
Có thể nói lý do đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khiến cờ vây có sức sống phi thường như thế là do luật chơi của cờ vây cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức không ngờ. Cờ vây là một trò chơi trên bàn cờ và là môn thể thao trí tuệ dành cho hai người chơi.
Cờ vây ra đời như thế nào?
Ngay từ lúc đầu, cờ vây được đánh giá rất cao vì chú trọng đến phương pháp luận, với một lịch sử rất lâu dài. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của nó, trong đó có một thuyết được khá nhiều người công nhận là môn này khởi đầu từ thời Nghiêu Đế.
Trong “Lộ sử hậu ký” của La Bí, thời đại nhà Tống, có nói rằng: Phi tần của vua Nghiêu là Phú Nghi Thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, nên vua Nghiêu đã đi tìm những vị đạo tiên để hỏi cách chỉ bảo cách dạy con.
Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, ông nhìn thấy hai vị tiên đang ngồi đối diện nhau dưới cây tùng. Ông ngắm họ vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng trên hàng vẽ như đang bày trận đồ. Nhà vua tiến đến hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình Đan Chu.
Một vị tiên nói : “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện gì hắn có sở trường mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”. Còn vị tiên kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng nói rằng: “Cái này gọi là bàn cờ Vi Kỳ. Bàn cờ này hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những viên đá kia hình tròn mà chuyển động.
Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn cờ vây được thành lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải nó được
Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn cờ vây được thành lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải nó được” (trích từ Lịch đại Thần Tiên thông giám ). Sau đó Đan Chu đã được vua Nghiêu dạy chơi cờ vây, và quả thật tính nết cũng thay đổi thành tốt hơn.
Từ đó mà thấy, người xưa sáng tạo ra môn cờ vây, không phải chỉ để tiêu khiển giết thời giờ hay học cách tranh giành hơn thua, mà để tu thân dưỡng tính, phát sinh trí tuệ, và biểu lộ tài năng nghệ thuật của người chơi. Vả lại, cờ vây còn có tương quan liên hệ đến thiên tượng dịch lý, binh pháp chiến lược, và vấn đề trị quốc an dân.
Cờ vây và vũ trụ
Một số những thầy chơi cờ vây giỏi ngày nay cho rằng bàn cờ vây nhìn giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể hợp lại mà thành. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ, và 361 điểm tổng cộng. Một điểm dư ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm-lịch, được chia ra làm bốn. Bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Như vậy cả bàn cờ giống như là hình tượng biến hóa của Trời và Đất.
Cờ vây nổi tiếng tới mức trong một loạt phim cổ sử của Trung Quốc, ta thấy Tần Thủy Hoàng đêm ngày luyện cờ vây nhằm mở rộng đất đai lãnh thổ, chinh phục, thống nhất thiên hạ, ta thấy Khổng Minh đánh cờ vây để tạo ra những trận nổi tiếng như Xích Bích, Hoa Dung, ta thấy Càn Long lấy cờ vây để thể hiện trí dũng của mình, còn Tể Tướng Lưng Gù chơi những ván cờ vây tuyệt diệu và cơ trí đã lấy được vợ đẹp và nhiều lần mưu trí hạ bệ Hòa Thân gian xảo?… Xưa kia, trong triều đình Trung Hoa, ai không biết chơi cờ vây thì vẫn bị coi là “kẻ vẫn còn khiếm khuyết”.
Cờ vây – trò chơi trí tuệ có sức sống mãnh liệt
Cho tới ngày nay, dù đã hơn 4000 tuổi nhưng cờ vây không những bị lão hóa, bị mai một mà ngày càng tràn trề sức sống, 68 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã cùng nhau lập ra Hiệp hội cờ vây quốc tế (trong đó có Việt Nam được kết nạp năm 1998) thu hút hàng triệu người hâm mộ.
Nếu như cờ Tướng và cờ Vua đều có một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt quân Tướng hay Vua thì chỉ cần diệt được quân đó thôi thì tất cả còn lại sẽ sụp đổ hoàn toàn. Cờ Tướng và cờ Vua nhắm vào một quân duy nhất nên hai loại cờ mang tính chiến tranh, tính hủy diệt rất cao. Tất cả các quân hai bên đều tìm cách ăn quân càng nhiều càng tốt mà không hề để ý gì tới lãnh thổ đất đai. Sự đối kháng trên bàn cờ tướng, cờ vua là một mất một còn, không hề có sự khoan nhượng. Cờ Vây thì hoàn toàn khác.
Cờ vây có mục tiêu tối thượng và duy nhất là chiếm được “đất” càng rộng càng tốt. Bắt quân cũng rất cần nhưng luôn là chuyện thứ yếu. Nếu so với cờ Tướng, Vua chỉ có 32 quân và 64 ô để hoạt động thì người chơi cờ vây phải có sự tính toán cực kỳ sâu xa mới có thể điều khiển 361 quân trên một diện tích rộng gấp 5 lần. Điều đó giải thích vì sao người chơi cờ vây phải tính trước rất nhiều nước không chỉ cho một đám quân mà cả cho chục đám quân xen kẽ rất phức tạp trên bàn cờ. Óc tưởng tượng trong cờ vây là rất lớn.
Tuy thế trong suốt chiều dài lịch sử, cờ vây cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong một thời gian dài, khoảng một thế kỷ cờ vây hầu như bị quên lãng do những cuộc chiến tranh liên miên của các nước châu Á, do không tổ chức các cuộc thi đấu, khiến cho tình trạng chơi cờ trong dân gian rất tản mạn, bị co hẹp. Đến thời kỳ yên bình, cờ vây mới được khôi phục. Nhưng khi đó các môn cờ khác cũng trỗi dậy và cờ vây lại bị sự lấn át của môn cờ Tướng và sau đó cũng mạnh không kém của môn cờ Vua. Trung tâm cờ vây không còn nằm ở Trung Quốc mà chuyển sang các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc…
theo Daikynguyen
- Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Leonardo da Vinci và “Bữa tiệc cuối cùng”
- Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân: Mang đến văn hóa truyền thống với tinh thần Chân – Thiện – Nhẫn