Kinh Thánh truyền rằng, ngày đầu sơ khởi của vạn vật, Chúa dùng ‘’bùn đất’’ trên thiên thượng mà tạo ra Adam, khởi tạo ra một nơi vô cùng xinh đẹp, nơi đó bình an và hạnh phúc, vạn vật đều hòa ái và yêu thương, nơi đó được gọi là Vườn Địa Đàng, thấy Adam cô đơn, Chúa lại dùng xương sườn của chính mình tạo ra Eva. Khu vườn đó tràn ngập tình yêu thương giữa con người và thiên nhiên tuyệt hảo, không có nỗi buồn, không có khổ đau…Nhưng…
Câu chuyện về khu Vườn Địa Đàng xinh đẹp và những cám dỗ đầu tiên…
Đó là nơi mà Đức Chúa trời bằng tình yêu thương đã dành cho con người.
Ngài truyền dạy Adam và Eva những gì là tinh khôi và thuần khiết của chính tâm hồn ngài. Đức Chúa cũng căn dặn về cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ, những thứ xấu xa, những điều tội lỗi. Rồi một ngày, họ đã bỏ quên lời Chúa dạy, họ ăn trái cấm mà ma quỷ biến hóa dụ dỗ con người. Kết quả là họ phải rời khỏi khu Vườn Địa Đàng xinh đẹp. Chúa là sự thánh khiết, những điều xấu xa tồi tệ đó liệu có thể cùng tồn tại với Đức Chúa trời không?
Khi con người rơi rớt, Chúa vẫn từ bi muốn cứu rỗi loài người
Con người và con cháu của họ bị rơi rớt, bị đầy đọa xuống một nơi mà có thể sẽ là hủy diệt đi toàn bộ. Nhưng một lần nữa Đức Chúa lại nhỏ lệ vì thương con người. Ngài nói: ‘’con người sinh ra là có tội’’ và Ngài đã thêm lần nữa từ bi bao dung với những tội lỗi đó của họ.
Ngài không lỡ bỏ rơi con người trong sự trừng phạt lớn mà quyết định hạ thế xuống dương gian, phải gột rửa sạch mọi tội lỗi của họ, đưa họ từ nơi mà con người đang u mê chịu khổ để trở với thiên đường mà sống cùng với Ngài, phải cứu độ họ, giải thoát họ. Bất luận có những đau thương như thế nào.
Lời răn dạy của Chúa qua những cạm bẫy cám dỗ
Để trở về với tâm hồn thánh khiết ban đầu mà Đức Chúa ban tặng, con người phải chiến đấu với những cám dỗ để giữ cho tâm hồn và thân xác được trong sạch, phải giữ vững đức tin nơi Ngài thì thiên đường mới có chỗ cho bản thân. Chúa đã chỉ dậy con người phải bước qua cám dỗ như thế nào?
Cám dỗ thứ nhất: dục vọng miếng cơm manh áo
Trên con đường đi qua sa mạc để dẫn tới thành Jerusalem, Chúa Giê-su đã nhịn đói bốn mươi ngày. Cám dỗ thứ nhất là quỷ Satan thách đố Đức Giê-su, biến sỏi đá thành cơm bánh ăn: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy làm cho đá này trở thành bánh đi!”. Quỷ dữ Satan muốn xúi giục Chúa Giêsu vận dụng quyền năng Thiên Chúa trao cho Ngài để phục vụ bản thân mình trước đã.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối. Ngài là Con Đức Thiên Chúa vạn năng, Ngài xuống đây vì sứ mệnh của mình, vì thệ ước với Đức Cha, vì cứu độ con người, vì thức tỉnh con người trong mê lạc, chứ không phải để phục vụ bản thân mình. Satan muốn xúi Chúa Giê-su lấy mạng sống riêng của mình làm cứu cánh, chỉ có mạng sống là đáng quý, chỉ có bản thân là đáng coi trọng, không còn gì quý và cao cả hơn nữa.
Satan muốn thử Giê-su xem Ngài trong cơn đói khát giữa sa mạc mênh mông kia có dùng quyền năng để phục vụ cho lợi ích của bản thân mình? Nhưng Satan phải chịu thất bại trước sự kiên định của Giê-su.
Bởi Ngài hiểu rằng, con người rồi sẽ lấy đây làm bài học mà vượt qua được sự ích kỉ bản thân, vứt bỏ đi cái tâm hẹp hòi mà trở về sự bao dung, sống vì lợi ích chân chính của người khác, với tâm hồn thánh thiện mà Chúa đã ban tặng cho họ.
Trong Kinh Cựu Ước, người dân Israel khi ở trong sa mạc cũng đã bị cám dỗ như vậy. Khi hết lương thực, họ quên đi tất cả giá trị mà Chúa đã dậy. Trước nguy cơ chết đói, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả: Thà làm nô lệ mà được ăn no hơn được tự do mà phải chết đói. Nhưng Thiên Chúa đã muốn cho họ thấy: còn có một điều đáng quý trọng hơn nữa, hơn cả mạng sống: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa nữa“.
Đức Giê-su dùng lời ấy để khẳng định rằng: mạng sống trần gian không phải là tất cả đâu. Ngài đã nhắc nhở cuộc sống làm người không phải để khư khư giữ lấy, để vơ chặt túi tham của bản thân, mà là để cho đi, để cống hiến mình cho mọi người được sống, được hạnh phúc.
Cám dỗ thứ hai: quyền lực và vinh quang
Cám dỗ thứ hai là Satan hứa sẽ trao cho Đức Giê-su mọi quyền lực và vinh quang của các vương quốc trên trần gian này, nếu Đức Giê-su chịu thờ lạy nó. Satan muốn Đức Giê-su nhìn nhận rằng chỉ có quyền lực và vinh quang của mọi vương quốc trên trần gian này là đáng quý.
Đức Giê-su muốn được hưởng thì cứ thờ lạy hắn là được. Để trả lời Satan, Chúa Giê-su phán:
“Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài thôi”.
Satan muốn mua chuộc Giê-su bằng quyền lực, bằng sự giàu có, nhưng lần này Satan lại bị thất bại. Nó đâu biết rằng với một bậc giác giả những thứ đó là phù du, hư vinh, chẳng có gì đáng quý, trong một đời người nháy mắt đã trôi qua.
Điều Ngài muốn là con người thế gian hãy lấy lại đức tin và trở về với bản tính của Chúa, để được trở về sống cùng Chúa ở thiên đường.
Cám dỗ thứ ba: lạm dụng thần thông và quyền năng
Cám dỗ thứ ba là Satan xúi giục Đức Giê-su thử thách quyền năng Thiên Chúa; vận dụng quyền năng Thiên Chúa để mở một con đường tắt mà hoàn thành sứ mạng, nếu Đức Giê-su nhảy từ đỉnh cao của đền thờ Giêrusalem xuống mà an toàn thì tất nhiên mọi người sẽ theo Ngài.
Chúa Giê-su hiểu hơn ai hết là đức tin của con người không phải có được từ lôi kéo hay dụ dỗ, thể hiện quyền năng để ai ai cũng theo Đạo, ngay cả những kẻ chẳng việc ác nào mà không làm cũng đến cầu Đạo, thì đó chẳng phải là cái họa hay sao.
Nên Ngài không theo đường tắt Satan đề nghị mà Ngài dùng chính cái chết của mình để làm thức tỉnh những con chiên đang mê lạc, để hóa giải hận thù và cũng để cứu rỗi những linh hồn quỷ dữ. Ngài chấp nhận đau đớn, và sỉ nhục trên cây thập giá để những tín đồ thực sự có đức tin nơi Ngài sẽ chẳng ngại mà vác thập giá theo Ngài.
Mọi thử thách của quỷ Satan đều bị khuất phục bởi ý chí kiên định của Giê-su, sau này trong những tháng ngày giảng pháp truyền Đạo, Satan vẫn hết lần này tới lần khác bị khuất phục. Giê-su đã bao dung với cả những kẻ quấy nhiễu ông, vì ông luôn muốn dành cơ hội cuối cùng cho chúng.
Những cám dỗ mà Chúa Giê-su trải qua cũng chính là những gì mà con người phải chiến đấu trong chính cuộc sống của mình. ‘‘Ai có đức tin nơi Chúa thì người đó sẽ được lên thiên đàng’’.
Những cám dỗ mà Satan đã đem ra dụ dỗ Đức Giêsu vẫn là những cám dỗ muôn đời của con người.
Chẳng hạn, cơm ăn, áo mặc, danh vọng, tiền của, quyền uy, thế lực. Có những người, để làm giàu cho bản thân mình đã đánh mất lương tâm, chà đạp mọi quy luật của đạo đức… Những cám dỗ ấy liên tục xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Nếu con người không cảnh giác, không giữ chặt đức tin, không mang theo ánh sáng và sức mạnh Lời Chúa, họ sẽ ngã gục lúc nào không hay.
Càng có điều kiện để làm giàu, có điều kiện để thụ hưởng danh vọng và nắm giữ quyền lực, càng dễ bị Satan cám dỗ. Giầu sang mà vẫn sống lương thiện, hưởng thụ danh vọng mà vẫn khiêm tốn, hiền hòa, nắm giữ uy quyền mà vẫn vì người khác mà xả thân…đó là một thử thách lớn, là một cuộc đấu tranh gay gắt.
Những cơn cám dỗ đến với Đức Giêsu, các Lời Chúa đáp lại, và sự chiến thắng cám dỗ của Chúa chính là bài học của con người ngày hôm nay, trong cả cuộc sống, nếu không muốn nói là từng giây phút, khi mà mưu cầu, dục vọng vẫn từng ngày thôi thúc, khi mà lòng tham danh vọng và quyền bính vẫn làm cho nhiều người bước vào.
Muốn chiến thắng mọi cám dỗ của quỷ Satan, thì không còn cách nào khác chính là học cách buông bỏ, coi nhẹ những dục vọng, những tham lam. Từng suy nghĩ, từng hành động dần trở nên thánh khiết như lời Chúa giảng, trong tâm thực sự giữ đức tin ở quyền năng của Đức Chúa. Khi đó con người mới dần trở về với bản tính tốt đẹp ban đầu mà Chúa ban tặng. Mới được ở gần Chúa trên thiên đường đầy hạnh phúc.
Tịnh Tâm – Hà Phương / Theo Daikynguyen