Tòa tháp sứ Nam Kinh, “Đoàn đặc phái viên công ty Đông Ấn Hà Lan đến Trung Quốc” (Ảnh thuộc miền công cộng)
Vẻ đẹp sặc sỡ của tơ lụa Trung Quốc và sứ thanh hoa, cùng với những khu vườn tuyệt đẹp giao hòa cùng trời đất, khiến người dân châu Âu đã phát hiện ra một lối suy nghĩ khác, một lối sống khác trên trái đất.
Chiếc thuyền buồm từ Trung Quốc
Một năm sau đó, công ty Đông Ấn bắt đầu thu mua từng thùng sứ thanh hoa (sứ hoa lam), những cuộn vải lụa rực rỡ, các loại trà thượng hạng, những đồ dùng làm từ gỗ trắc đỏ (hồng mộc, gỗ hồng), gỗ cẩm lai, hay những tấm bình phong bằng đồi mồi, và những cuốn sách điển tịch dày, rồi xếp vào khoang thuyền của tàu Amphitrite để chuẩn bị lên đường trở về. Công nhân trên bến tàu khiêng từng thùng gỗ nặng lên tàu rồi xếp đầy khoang thuyền. Mớn nước của tàu đã đạt đến mức tối đa, thân tàu nặng nề nổi trên mặt nước.
Năm 1700, một chiếc thuyền buồm đồ sộ xuất hiện ngoài khơi cảng Port-Louis ở đảo Mauritius, thuộc địa của nước Pháp. Mấy chục cánh buồm trắng với kích thước to nhỏ khác nhau no căng gió, lướt nhanh trên mặt biển, hướng về phía cảng. Trên bờ, nhiều hô lớn rằng: “Tàu Amphitrite đã trở về rồi!”.
Từ khi tàu Amphitrite lên đường đến Trung Quốc vào năm 1698, mọi người vẫn nhớ về chiếc thuyền buồm đồ sộ đã đến đế quốc Trung Hoa. Giờ đây, vượt qua vô vàn nguy hiểm trên biển cả mênh mông, con tàu Amphitrite từ Trung Quốc đã quay trở lại. Đây cũng là chiếc tàu buôn đầu tiên từ Trung Quốc trở về, mang theo rất nhiều vật phẩm mới lạ của quốc gia cổ kính kia. Nước Pháp khi đó thường xuyên tham gia chiến tranh và còn kém xa so với Hà Lan trong lĩnh vực thương mại viễn dương, nên những vật phẩm trên chiếc thuyền này đã vượt xa mong đợi.
Các thủy thủ mở khoang thuyền giống như mở ra cánh cửa thần kì trong truyền thuyết, rồi khiêng lên từng thùng từng thùng hàng đã dán kín. Rất nhiều người tò mò tập trung tại cảng Port-Louis. Họ chen nhau xem chiếc thuyền buồm lớn này có mang về những thứ kỳ lạ hay quý hiếm hay không? Lúc đó, những hàng hóa của vùng Đông Á thường được phân phối từ Hà Lan đến các nước châu Âu khác, thế nên hàng hóa từ Trung Quốc vô cùng khan hiếm.
Từng thùng gỗ được khiêng xuống. Thùng nào cũng nhét kín đồ. Thỉnh thoảng sẽ có những tấm bình phong đơn lẻ, hay những chiếc ghế thái sư (ghế bành) bằng gỗ trắc đỏ, những chiếc giường bằng gỗ cẩm lai, đàn huyền cầm. Tuy chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài nhưng cũng đủ khiến mọi người phải mở to mắt. Thỉnh thoảng lớp vỏ bọc được nới lỏng khiến những người vây xem rất hưng phấn thốt lên: “Xem kìa! Đó là thứ gì?”. Đó chẳng phải là cái chân sư tử của chiếc bàn lớn lộ ra ngoài thôi sao? Thế nhưng trong mắt người xem, chiếc chân ghế này không phải là một chân ghế bình thường.
“Nhìn gì chứ? Những thứ này rất quý, biết không?”. Vị thuyền phó đắc ý đứng trên mép thuyền hét lớn. Nhóm thủy thủ đã bảo vệ những bảo vật này vượt qua biển cả nguy hiểm với những đêm không ngủ, vô cùng khó khăn. Tất cả những nguy hiểm ấy họ vẫn còn nhớ như in.
Hàng hóa trong khoang thuyền xếp cao như núi, phải mất cả ngày mới khiêng xuống hết. Đó là một ngày rất đặc biệt. Nhiều năm sau, nhiều người vẫn nhớ đến ngày hôm ấy. Một chiếc thuyền buồm khởi hành từ Trung Quốc đã cập cảng Louis.
Phong cách thời thượng ở châu Âu
Sứ thanh hoa (sứ hoa lam) nổi bật với những đường nét hoa văn cao cấp, những súc lụa tơ sáng bóng, cảnh núi non sông nước trên những bức bình phong đồi mồi, những nhân vật được vẽ trên gốm sứ, chiếc ghế thái sư có hình dáng kỳ lạ, đồ sơn mài điêu khắc. Đó là những món hàng kỳ lạ, quý hiếm đến từ đất nước cổ kính kia khiến mọi người nhìn không chớp mắt.
Hàng hóa phương Đông do tàu Amphitrite mang về đã nhanh chóng trở thành món hàng quý được các quý tộc châu Âu tranh nhau mua. Sau thế kỷ thứ 17, tình hình Trung Á có nhiều biến động, con đường tơ lụa đứt đoạn nên có rất ít đoàn buôn đến Trung Quốc. Tơ lụa, đồ sơn mài của Trung Quốc phải đi qua con đường bộ rất nguy hiểm mới đến được châu Âu. Hàng hóa Trung Quốc rất hiếm có nên trở nên vô cùng quý giá.
Từ Pháp, Nga cho đến hoàng gia của các nước châu Âu đều mặc tơ lụa quý hiếm của Trung Quốc. Giống như bộ quần áo khâm sai đại thần của Joachim Bouvet, khi người châu Âu mặc lên những bộ đồ Trung Quốc sẽ có khí chất rất thanh lịch. Trên đó thêu các loại hoa văn, mang theo phong thái của một nền văn minh cổ xưa. Thật ra, ngay từ thời đế quốc La Mã, những đặc điểm đặc thù của tơ lụa Trung Quốc đã khiến giới quý tộc La Mã vô cùng kinh ngạc. Giờ đây, người dân châu Âu cũng mặc quần áo tơ lụa Trung Quốc.
Từ giữa thế kỷ thứ 17, vua Louis XIV cùng các đại thần như Hồng y Mazarin và nhà sử học Racine đã có thói quen uống trà. Rất nhiều người châu Âu cho rằng trà có tác dụng chữa bệnh gout. Năm 1657, nhà khoa học Jonquet thậm chí còn gọi trà là thần dược. Vào đầu thế kỷ thứ 18, trà rất phổ biến ở Paris, giống như chocolate được phổ biến rộng rãi ở Tây Ban Nha. Ở nước Anh, trà đã trở thành một phần trong cuộc sống của giới quý tộc. Hoàng hậu Anne mặc một chiếc áo choàng lụa lộng lẫy của Trung Quốc, tổ chức những buổi tiệc trà trong một căn phòng có chiếc bình phong cao lớn và xung quanh là đồ nội thất Trung Quốc. Dần dần, trà đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Anh.
Cơn sốt Trung Quốc trở thành trào lưu thời thượng lớn nhất châu Âu bấy giờ. Từ “La Chine” có nghĩa là Trung Quốc trong tiếng Pháp có âm điệu rất độc đáo. Từ đó sinh ra từ Chinoiserie với nghĩa rộng là tình cảm phương đông thịnh hành khi đó. Vào thế kỷ thứ 18, đây là một từ thời thượng ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách thời trang và cuộc sống ở châu Âu.
Trong gia đình quý tộc châu Âu, nếu không có một bình sứ thanh hoa đắt tiền thì địa vị xã hội của chủ nhà sẽ thấp đi. Đồng thời, những bức tranh giấy vẽ non nước, nhân vật, chim hoa, nuôi tằm dệt lụa, gieo trồng lúa nước, những hình ảnh về đất nước Trung Quốc kỳ lạ được dùng để trang trí phòng khách của các quý tộc châu Âu. Những đồ quý hiếm như ngọc, tranh, đồ bạc, hộp gỗ, đồ điêu khắc của Trung Quốc, cũng được đưa vào nhà của giới quý tộc. Lúc này phong trào văn hóa Trung Quốc đã chiếm chủ đạo trong cuộc sống châu Âu.
Với những sản phẩm kỹ thuật cao và nội hàm văn hóa thâm sâu, cùng vẻ đẹp của một nền văn minh cổ xưa hiếm có, Trung Quốc đã xuất hiện trước toàn bộ người dân châu Âu. Người dân châu lục này đã say mê Trung Quốc và những sản phẩm của đất nước này. Văn vật đến từ quốc gia đông Phương cổ kính dường như có một vị trí rất đặc biệt, được dùng để trang trí trong phòng khách của giới quý tộc, và là biểu tượng cho địa vị xã hội của người dân châu Âu.
Bởi vì lúc đó kỹ thuật chế tạo gốm sứ và nước sơn của châu Âu kém xa so với Trung Quốc. Sứ thanh hoa sáng bóng nhẵn mịn, dù là hình dáng hay là hoa văn trang trí, đều làm cho mọi người yêu thích không muốn rời tay. Nước sơn của những đồ sơn mài mạ vàng chính là biểu tượng của sự giàu có. Nhiều người giàu không tiếc tiền vượt một quãng đường xa đến Trung Quốc để đặt làm.
Những đồ quý hiếm của Trung Quốc từ Paris được phân phối đến các quốc gia châu Âu khác. Và một lần nữa, Vua Mặt Trời trở thành người dẫn đầu trong phong trào văn hóa Trung Quốc thịnh hành trên toàn châu Âu.
Hoàng đế Trung Quốc trong cung điện Versailles
Ngày 7 tháng 1 năm 1700, trong buổi tiệc hóa trang mừng năm mới của cung điện Versailles có một cái tên mới, đó là: “Hoàng đế Trung Quốc”. Các nam nữ diễn viên mặc lên bộ quần áo Trung Quốc lộng lẫy, diễn tấu những bản nhạc Trung Quốc trong đại sảnh, trên nền những đồ nội thất trang trí mang phong cách Trung Quốc ở cung điện Versailles.
Buổi tiệc hóa trang này rất đặc biệt, mang một bầu không khí không giống với trước đây. Vua Mặt Trời mặc bộ quần áo bằng lụa của Trung Quốc, ngồi chiếc kiệu lớn tám người khiêng tiến vào đại sảnh rực rỡ, khiến mọi người trong buổi tiệc vô cùng kinh ngạc. Hãy nhớ lại câu chuyện về chàng kỵ sĩ thời Trung Cổ trong cung điện Versailles vào năm 1664, khi chàng thanh niên Louis XIV mang trên mình những đồ dùng quý giá. Và giờ đây, cung điện Versailles đã tái hiện nền văn minh cổ xưa duy nhất còn tồn tại: đế quốc Trung Hoa. Nhân vật chính trong buổi diễn này không ai khác, chính là vị hoàng đế Trung Quốc đang thống trị đế quốc phương Đông.
Vua Mặt Trời tôn trọng nền văn minh Trung Hoa, cũng giống như ông luôn nghiêm túc đối với lễ nghi và nghệ thuật. Trong buổi tiệc mừng thế kỷ mới này, Trung Quốc không phải là một đất nước xa lạ. Vào năm 1700, cuốn “Khang Hy đế truyện” của Joachim Bouvet đang được lưu truyền rộng rãi ở Paris. Hình tượng hoàn hảo của hoàng đế Khang Hy trong sách khiến người dân châu Âu rất ngưỡng mộ. Làm một hình mẫu ở phương xa, một hình tượng sáng chói, vị hoàng đế Trung Quốc trở thành một chủ đề trong buổi tiệc chào mừng thế kỷ mới.
Từng cử chỉ hành động của Vua Mặt Trời đều được hoàng gia châu Âu noi theo. Ý là một quốc gia ưa chuộng những hiệu ứng thị giác lộng lẫy. Vào năm 1715, khi Friedrich August I đến thăm Venice, trong nghi thức chào đón có một con thuyền tam bản cỡ lớn. Trên đó có rất nhiều mái che cỡ lớn, dưới mái che là những diễn viên đang nhảy múa, diễn tấu âm nhạc và những bài hát Trung Quốc, du ngoạn trên con kênh của thành phố Venice. Ở thành phố Turin phía tây bắc nước Ý, hoàng đế Trung Quốc đã trở thành một chủ đề được nhiều người quan tâm. Ngoài ra, hoàng gia châu Âu cũng mô phỏng theo hoàng đế Trung Quốc, vào mùa xuân hằng năm sẽ đích thân tổ chức lễ tịch điền. Từ vua Louis XV đến vua Joseph II của nước Áo đều tổ chức nghi lễ này.
Vào ngày thứ 7 của thế kỷ thứ 18, triều đình của Vua Mặt Trời đã tổ chức một buổi lễ rất đặc biệt. Vị hoàng đế Trung Quốc và nền văn minh của đế quốc này đã được trình diễn ở châu Âu. Chúng ta có thể đoán chắc rằng, đó là một buổi biểu diễn vô cùng đặc sắc. Trung Quốc, nền văn minh cổ xưa duy nhất còn tồn tại, đã mang đến cho châu Âu những gì?
Giống như nhiều năm trước, chàng thiếu niên Louis XIV đã hóa thân thành Thần Mặt Trời Apollo trên sân khấu, khi Vua Mặt Trời mặc bộ quần áo Trung Quốc và hóa thân thành hoàng đế Trung Hoa xuất hiện ở trong cung điện Versailles, sự giao thoa văn hóa đông và tây phương đã bước sang một giai đoạn mới.
Ngày nay, có lẽ chúng ta đã quên rằng châu Âu đã chào đón thế kỷ thứ 18 như thế nào.
Bảo tháp của Trung Quốc
Năm 1670, vua Louis XIV xây dựng một cung điện sứ tên là “Cung Trung Quốc” trong cung điện Versailles. Sau khi cung điện này hoàn thành, các quốc gia châu Âu cũng bắt đầu mô phỏng theo. Trong cuốn sách “Đoàn đặc phái viên công ty Đông Ấn Hà Lan đến Trung Quốc” của Johan Nieuhof, có bức vẽ một tòa tháp ở Nam Kinh khiến mọi người vô cùng thích thú. Người dân châu Âu sẽ không quên được hình ảnh đó: trên một mảnh đất rộng lớn, có một tòa tháp sứ Trung Quốc lung linh đứng thẳng. Bốn mặt của tháp, từng tầng đều được treo chuông gió. Tòa tháp có vẻ rất uy nghiêm, nhưng cũng mang một vẻ đẹp lãng mạn. Khắp cả châu Âu, dù có rất nhiều cung điện, thành lũy hùng vĩ, nhưng không nơi nào khiến lòng người rung động như vậy.
Từ chỗ nghỉ mát cho đến bảo tháp, ở châu Âu bắt đầu xuất hiện những kiến trúc theo phong cách Trung Quốc. Cung điện Sanssouci nước Phổ có một phòng trà Trung Quốc. Cung điện hoàng gia mùa hè ở Stockholm có một cung điện Trung Quốc. Trong công viên Vườn Anh ở Munich có tháp Trung Quốc. Những tòa nhà mang phong cách Trung Quốc lần lượt xuất hiện ở châu Âu.
Trong những kiến trúc này, đáng chú ý nhất có lẽ là làng Trung Quốc theo phong cách Rococo của nữ hoàng nước Nga Yekaterina II Đại đế. Tường của những kiến trúc trong ngôi làng này được tô những màu sắc như trong chuyện Thần thoại, trong thôn còn có một ngôi nhà màu xanh lam, từ giấy dán tường cho đến những đồ gốm đặt trên bệ lò sưởi và màu sắc đều mang đậm phong cách Trung Quốc. Căn phòng lãng mạn này khiến chúng ta hiểu rõ rằng, đối với châu Âu lúc bấy giờ, Trung Quốc là một biểu tượng văn hóa hết sức lãng mạn và không tưởng. Phong cách Trung Quốc đã khiến sức tưởng tượng của người dân châu Âu được tự do sáng tạo. Trên thực tế, Trung Quốc thực sự không phải như vậy. Khi phong cách Trung Quốc ngày càng kết hợp với phong cách Rococo đã dần dần khác xa với Trung Quốc thật sự.
Đương nhiên, ở bờ bên kia Trái Đất có một Trung Quốc chân thực. Có lẽ bởi vì sự chân thực của Trung Quốc, hay bởi vì sự độc đáo, và nội hàm thâm sâu không thể tưởng tượng được, không thể nào mô phỏng, không thể nào phục chế được hoàn toàn một Trung Quốc thực, hay thậm chí còn khó có thể hiểu hết được.
Khu vườn Trung Quốc và tâm hồn châu Âu
Trong các kiến trúc mô phỏng phong cách Trung Quốc ở châu Âu, một trong những yếu tố đáng chú ý nhất có lẽ là ảnh hưởng của vườn Trung Quốc đối với người dân châu Âu.
Ngay từ vị giáo sĩ đầu tiên đến Trung Quốc là Matteo Ricci, hầu như tất cả các giáo sĩ châu Âu đều khen ngợi khu vườn Trung Quốc. Những lời khen này được truyền về châu Âu, đã tạo nên sự hứng thú với người dân châu lục này. Vào thời Càn Long, danh tiếng của Viên Minh Viên được lan truyền rất xa. Người dân châu Âu đã tưởng tượng ra những khu vườn hoàn toàn khác với khu vườn phương Tây quen thuộc.
Khu vườn Trung Quốc yên tĩnh, dùng vật tạo cảnh, quanh co khúc khuỷu nhưng rộng mở thông suốt, hoàn toàn khác với phong cách vườn hoa thẳng tắp, rõ ràng của châu Âu. Trong khu vườn Trung Hoa khúc khuỷu có những hành lang dài, còn có những ao hồ được sắp xếp nhiều chỗ khác nhau để tạo cảnh sắc tuyệt đẹp. Trong nước có những đàn cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội, hoa và cảnh tương ứng với các mùa xuân hạ thu đông. Người châu Âu đã học thêm được một phương thức quan sát tự nhiên và cũng học thêm về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
“Trong vườn hoa có rất nhiều thứ chưa từng thấy, ngay cả ghi chép lại cũng đã rất thú vị. Ở kia có một hòn non bộ, dùng các loại đá tảng xếp chồng lên nhau, ở dưới tạo thành hang động. Trong hang động có phòng ốc, bậc thang, hồ nước, cây cối và các đồ vật quý hiếm khác. Mọi thứ được sắp xếp một cách nhẹ nhàng thanh nhã. Mùa hè trong hang động có gió mát, mọi người đến đó để tránh nóng….” (“Ghi chép của giáo đồ Cơ Đốc ở Trung Quốc”, Matteo Ricci )
“Cảnh tượng giống như trong giấc mơ, do đá hoa, cẩm thạch trắng, đồng thau và đồ sứ tạo thành, gỗ tuyết tùng làm xà, trang trí bằng đá quý, dùng tơ lụa để phủ;….màu men rạng rỡ, vàng và ngọc bích phát sáng, tạo ra Tiên cảnh như trong truyện cổ tích đầy chất thơ, thêm vào vườn hoa, hồ nước, hơi nước tràn đầy như suối phun, thiên nga, chim công nhẹ nhàng dạo chơi” (“Lá thư gửi đến đại úy Butler”, Victor Hugo)
Sau nhiều năm sống ở Trung Quốc, của các giáo sĩ Dòng Tên kể lại rằng ở quê hương xa xôi này, họ đã học được cách quan sát mọi vật bằng một cặp mắt khác. Họ học thêm một lối tư duy mới, một loại ngôn ngữ để kết nối với tự nhiên. Vì thế, trong phong trào văn hóa Trung Quốc 100 năm này có ẩn chứa những nội hàm văn hóa rất thâm sâu.
Trên con đường tìm hiểu nền văn minh cổ xưa có lịch sử hơn 5000 năm này, nếu người dân châu Âu chỉ phát hiện được sứ thanh hoa, tơ lụa và trà, thì sẽ là một mất mát lớn, bất kể là đối với nền văn minh phương Đông hay phương Tây. Thật may mắn, người dân châu Âu còn nhìn thấy được cả những đình đài lầu các tuyệt đẹp trên mảnh đất Trung Quốc cổ xưa, và cả những khu vườn đầy ý thơ của Viên Minh Viên. Khi nhìn thấy những kiến trúc Trung Quốc mang theo phong cách thuận theo tự nhiên, tràn đầy sức sống, các giáo sĩ dòng Tên người Pháp đã viết rằng: “Mọi người đến với vườn hoa để quên đi muộn phiền của thế gian, tự do hít thở, ở một chỗ tĩnh lặng tận hưởng sự yên tĩnh của suy nghĩ và tâm hồn”.
Trong thơ cổ, có lẽ chúng ta đã nhiều lần nhìn thấy những nhà văn nhà thơ ngao du nơi rừng sâu núi cao, tìm kiếm cảnh giới sinh mệnh tự tại, hợp nhất với trời đất. Khu vườn Trung Quốc không chỉ là một nơi để thưởng ngoạn phong cảnh, mà là nơi để tâm hồn của con người đạt được sự tự do thoải mái, là con đường để quay lại với sự tĩnh lặng và hài hòa bên trong. Sự đẹp đẽ của những khu vườn này nhắc nhở người dân châu Âu về mối liên hệ với tự nhiên. Họ nhìn thấy những phong cảnh lượn lờ mây khói, vô cùng sống động ở phương đông, hoàn toàn khác với phong cảnh châu Âu. Đối với rất nhiều người dân châu Âu, cảnh sắc này rất giống với sự khao khát trong tâm hồn của họ.
Cùng với những bảo tháp và đình đài Trung Quốc xuất hiện ở châu Âu, phong cảnh của châu Âu đã đạt được một loại ý vị sâu xa. Những khu vườn trầm mặc của Trung Quốc đã giúp cho tâm hồn của châu Âu ngày càng thêm sâu sắc. Vẻ đẹp sặc sỡ của tơ lụa Trung Quốc và sứ thanh hoa, cùng với những khu vườn tuyệt đẹp giao hòa cùng trời đất, khiến người dân châu Âu đã phát hiện ra một lối suy nghĩ khác, một lối sống khác trên trái đất.
Hạ Đảo – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam