Trong lịch sử Việt Nam, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chính là một nhân cách lớn, một tấm gương kim cổ nghìn năm về tiết tháo, lòng trung trinh. Với ba lần phá quân Nguyên Mông, chiến công của ông có thể nói là cao ngút trời song lại chẳng vì thế mà “công cao lấn chủ”. Sự trung thành của Trần Hưng Đạo đáng để người đời tán thán không thôi.
Buông bỏ hận thù mới là tuấn kiệt
Kể về Trần Hưng Đạo có lẽ nên nói đến khởi nguyên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Cơ nghiệp của nhà Trần khởi lên được là nhờ một tay thái sư Trần Thủ Độ. Ông dàn xếp cuộc hôn nhân giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Rồi cũng chính tay ông ép Chiêu Hoàng nhường ngai vàng cho Trần Cảnh (sau này đăng cơ là Trần Thái Tông). Bởi Trần Thái Tông ở ngôi 11 năm mà vẫn chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ tiếp tục dàn xếp một cuộc hôn nhân khác. Ông ép Trần Liễu (anh ruột Trần Thái Tông) phải nhường lại vợ là Thuận Thiên công chúa cho vua Trần Thái Tông. Khi ấy, Thuận Thiên công chúa đã mang thai được 3 tháng.
Anh Sinh Vương Trần Liễu (chính là cha của Trần Quốc Tuấn) một lúc mất đi cả vợ lẫn con, đùng đùng nổi trận lôi đình. “Đại Việt Sử Ký toàn thư” chép lại việc này như sau: “Đinh Dậu, năm thứ 6 (1237)… Lấy công chúa Thuận Thiên Lý thị, vợ của anh là Hoài Vương Liễu, lập làm hoàng hậu Thuận Thiên, giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên thì có mang Quốc Khang ba tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực mật mưu với vua là nên mạo nhận lấy để nhờ về sau, cho nên có mệnh ấy. Do đó Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn”. (Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển V, kỷ nhà Trần).
Tuy nhiên, cuộc nổi loạn của Trần Liễu bất thành. Tự nhận thấy sức lực không đủ, thân cô thế cô, Liễu tự nguyện đầu hàng. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư chép, được hai tuần khởi sự, Liễu tự biết thế cô, ngầm đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá đến chỗ vua Trần Thái Tông xin hàng. Hai anh em gặp gỡ, mừng mừng tủi tủi mà ôm nhau khóc. Trần Thủ Độ tiến tới đòi giết Trần Liễu. Vua phải giấu anh trai ở trong thuyền, lấy mình che đỡ, xin Thủ Độ tha mạng cho Trần Liễu.
Từ đó, Trần Liễu vẫn mang trong lòng mối thù sâu nặng. Trước khi lâm chung, ông gọi Trần Quốc Tuấn đến giường căn dặn: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được?”. Chiều lòng cha, Quốc Tuấn gật đầu nhưng trong bụng vẫn không cho đó là điều nên làm.
Quốc Tuấn vốn từ nhỏ đã có tư chất thông minh hơn người, đọc rộng hiểu nhiều, tài kiêm văn võ. Khi mới sinh, một thầy tướng số nhìn Quốc Tuấn và đoán: “Đứa trẻ này lớn lên sau này ắt sẽ trở thành anh hùng, có thể giúp đời cứu nước”.
Trong lòng Quốc Tuấn quả thực không có chí phục thù, rửa hận như di ngôn của cha. Là hoàng thân, ông luôn được gần gũi với vua Trần, có thể nói là muốn xuống tay hạ thủ khi nào cũng được. Nhưng vốn thấu tỏ lẽ cương thường, đạo vua tôi nên ông lúc nào cũng cung kính nghe mệnh. Ông phò tá qua mấy đời vua Trần đều giữ một khoảng cách phân định vua tôi rõ ràng như thế. Có lần, đi dạo cùng Trần Nhân Tông, ông cầm một cây gậy bịt sắt nhọn. Thấy các cận thần cứ đưa mắt nhìn vào chiếc gậy có ý đề phòng, Quốc Tuấn bèn bẻ gẫy đôi chiếc gậy đi tức khắc.
Sau này, khi vận nước lung lay, quân Mông Cổ phạm vào bờ cõi, đe doạ nuốt chửng vương triều Trần non trẻ, Trần Quốc Tuấn trở thành rường cột nước nhà. Ông lại đem việc cha căn dặn trước lúc lâm chung bàn với các gia thần là Dã Tượng, Yết Kiêu để thử lòng họ. Hai tướng vốn được Quốc Tuấn thu nhận từ thuở hàn vi, đã theo ông chinh chiến nhiều năm, nói: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi” (Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển VI, kỷ nhà Trần).
Quốc Tuấn nghe lời gan ruột của các tướng, trong lòng cảm phục vô cùng, nước mắt tuôn rơi, khen ngợi Yết Kiêu, Dã Tượng mãi không thôi.
Một lần khác, ông lại đem chuyện ấy ra hỏi con mình là Quốc Tảng. Quốc Tảng dõng dạc nói: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”, ý muốn khuyên cha nên thừa cơ cướp lại ngai vàng. Quốc Tuấn nghe xong nổi giận đùng đùng, rút gươm kể tội: “Tên loạn thần là từ đức con bất hiếu mà ra”, đoạn toan giết Quốc Tảng. Người nhà khóc lóc mãi, xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Nhưng ông vẫn chưa nguôi giận, dặn đi dặn lại người nhà: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.
Lấy thiện đãi người, tấm lòng bao dung như biển cả
Khi vó ngựa Mông Cổ đã phạm vào bờ cõi, việc quan trọng nhất chính là đoàn kết lòng người, chung sức đánh giặc. Là Quốc Công tiết chế, Trần Quốc Tuấn đã làm được những điều khó tưởng tượng nhất để thu phục nhân tâm.
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là con của Thái Tông hoàng đế Trần Cảnh. Xét về ngành thứ, ông là em họ của Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, vì hiềm khích từ đời cha (vụ Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu) nên hai anh em cũng dè chừng, ít quan hệ đi lại với nhau.
Dù vậy, Quốc Tuấn vẫn ứng xử hết sức công bằng, chưa từng dùng phép công để trả thù riêng. Ông đối xử với Quang Khải cũng như với mọi văn thần, võ tướng khác. Cũng giống Quốc Tuấn, Quang Khải vốn là người có học thức, hiểu biết, tài kiêm văn võ. Ông thường được theo hầu cùng xe với Thánh Tông (tức Trần Hoảng, con vua Thái Tông Trần Cảnh) đi trấn áp giặc cỏ ở miền núi.
“Đại Việt Sử Ký toàn thư” chép: “Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo: “Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc”. Quốc Tuấn trả lời: “Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”.
Xem thế đủ biết Quốc Tuấn hoàn toàn không muốn tăng thêm lòng nghi kỵ, hiềm khích giữa đôi bên. Với vị thế là anh, ông chấp nhận nhường nhịn.
Một lần khác, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp (thuộc Hải Dương ngày nay) tới thăm. Quang Khải xuống thuyền yến ẩm, chuyện trò suốt cả ngày. Vốn biết Quang Khải rất sợ tắm, Quốc Tuấn mới đùa: “Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”. Thế là Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, tắm cho ông bằng nước thơm, vừa tắm vừa nói: “Hôm nay mới được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải vừa bất ngờ, vừa cảm phục cũng đáp lại: “Hôm nay cũng được Quốc công tắm rửa cho”. Từ đó, hai người xoá bỏ mọi nghi kỵ, thường đi lại thân thiết, coi nhau như huynh đệ ruột thịt.
Tấm gương sáng soi kim cổ
Nếu người Trung Hoa thường nhắc về một Gia Cát Khổng Minh trung trinh tiết liệt một đời, “cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi”, một lòng phò tá nhà Thục Hán thì người Việt cũng có lý do để tự hào với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cả đời thờ 3 đời vua Trần. Ông chính là biểu tượng của trung nghĩa, là người đặt định ra nội hàm của chữ “Trung” trong cổ sử Việt Nam.
Với quyền lực của một Quốc công, nắm trong tay binh quyền cả nước, Trần Quốc Tuấn thực sự chỉ cần hô một tiếng thì chính biến lúc nào cũng có thể xảy ra. Nhưng ông không chọn con đường bất trung, bất nghĩa ấy, dù đó có là lời trăn trối của cha ruột trước lúc ra đi. Trần Hưng Đạo phò tá 3 đời vua Trần (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông) không một phút sơ suất. Dù lập đại công nhưng Quốc Tuấn không vì thế mà trở nên kiêu ngạo, trái lại càng khiêm nhường, thủ tiết vững hơn.
Vua Trần phong Quốc Tuấn là Thượng Quốc công, có quyền được phong tước cho bất kỳ ai từ hầu trở xuống mà không cần phải xin chiếu chỉ, ngay cả tước hầu cũng là phong trước tâu sau. Dù thế, cả đời ông chưa từng phong tước cho bất kỳ ai, kể cả con cháu thân tộc.
Người ta vẫn thường truyền tụng nhau một câu: “Quân tử báo thù 10 năm chưa muộn”. Nhưng đó chỉ là một thứ quan điểm cứng nhắc, quá tuyệt đối, . Với Trần Hưng Đạo, quân tử chính là bỏ thù riêng, lo việc nước, cứu nước, an dân, giúp vua chống cường địch, trị thiên hạ.
Quốc Tuấn tài kiêm văn võ, khí phách trùm non sông, được nhân dân xưng tụng là “Đức Thánh Trần”. Không có nhiều nhân vật trong sử Việt nhận được vinh dự ấy. Trong “Dụ chư tì tướng hịch văn”, thường quen gọi là “Hịch tướng sĩ”, Trầnn Hưng Đạo đã viết những lời gan ruột nhất, thể hiện chí khí, bản lĩnh cũng như lòng tận trung với quốc gia, với hoàng triều:
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Những nhân vật lịch sử cuối cùng đã hoàn thành vai diễn của mình, tấm màn sân khấu lịch sử khép lại nhưng dư âm của nó hãy còn vang mãi nghìn thu. Lớp bụi thời gian dù có cuốn lấp nhưng những gương mặt cũ, chiến công cũ vẫn lưu danh hậu thế. Văn hoá của một dân tộc, bản lĩnh của một dân tộc thể hiện chính ở những anh hùng hào kiệt ấy. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn để lại cho hậu thế “Binh thư yếu lược”, là tâm huyết cả một đời chinh chiến trận mạc của mình. Nhưng đó chưa phải là điều đáng quý nhất. Di sản lớn nhất của ông chính là tấm lòng trung nghĩa, tận tuỵ báo quốc, là khí phách bất phàm của một bậc chính nhân quân tử.
Viên Minh
NTD Việt Nam