Uất Trì Kính Đức được ghi danh công thần ở Lăng Yên Các. (Epoch Times tổng hợp)
Uất Trì Kính Đức được ghi danh công thần ở Lăng Yên Các, ông vũ dũng siêu phàm, ra vào tầng tầng vòng vây quân địch một các ung dung tự tại, hơn nữa, ông còn là người biết phân biệt rõ đúng sai, biết chọn cái thiện và kiên trì giữ gìn.
Những năm cuối niên hiệu Đại Nghiệp triều Tùy, ông tòng quân ở Cao Dương, đánh bắt bọn cướp, vũ dũng siêu phàm. Ông sử dụng cây giáo dài vô cùng xuất sắc, hơn nữa còn giỏi tránh các cây giáo dài của địch tập trung tấn công tới tấp, ông còn có thể đoạt đầu mũi giáo trên cây giáo dài của địch để đâm lại đối phương, ra vào trùng trùng vòng vây kẻ địch một cách ung dung tự tại.
Tướng giỏi chọn chủ để thờ
Những năm cuối triều Tùy, Lưu Vũ Châu, thế lực cát cứ địa phương nổi lên. Triều Tùy diệt vong, Uất Trì Kính Đức gia nhập đội quân của Lưu Vũ Châu làm thiên tướng. Ông cùng với Tống Kim Cương nhận lệnh tiến xuống phía Nam. Uất Trì Kính Đức tấn công chiếm được 2 châu là Tấn và Quái. Tống Kim Cương chiến bại, chạy đến đất Đột Quyết để giữ mạng.
Uất Trì Kính Đức tiếp quản đội quân còn lại của Tống Kim Cương, phòng thủ thành Giới Hưu. Tần Vương Lý Thế Dân sai Nhậm Thành Vương Đạo Tông và Vũ Văn Sĩ Cập đến hiểu dụ khuyên hàng. Uất Trì Kính Đức và Tầm Tương mở thành Giới Hưu đầu hàng. Tần Vương mừng lắm, mở yến tiệc Khúc Thủy khoản đãi, và bổ nhiệm Uất Trì Kính Đức làm Hữu Nhất Phủ Thống Quân. Sau đó Uất Trì Kính Đức theo Tần Vương tiến về Đông Đô Lạc Dương tấn công Vương Thế Sung.
Không lâu sau, Tầm Tương rất nhiều thuộc hạ cũ của Lưu Vũ Chu làm phản bỏ trốn. Các tướng lĩnh của Tần Vương đều nghi ngờ Uất Trì Kính Đức nhất định sẽ tạo phản như những người kia, nên đã giam ông ở trong quân.
Khi đó, Hành Đài Tả Bộc Xạ Khuất Đột Thông, Thượng Thư Ân Khai Sơn, đều nói với Tần Vương rằng: “Kính Đức mới quy thuận triều ta, tình cảm và tâm chí chưa định. Người này vô cùng dũng mãnh, đã trung thành lại bị nghi ngờ, lại bị giam cầm thời gian dài, ắt sẽ sinh tâm oán hận. Chúng ta giữ ông ta ở đây, đến lúc có thể hối hận không kịp. Xin lập tức giết ông ta là tốt nhất”.
Tần Vương nói: “Ý kiến của ta lại không giống các khanh. Kính Đức nếu có kế hoạch làm phản, thì sao phải chờ đến sau khi Tầm Tương phản bội rồi mới hành động?”
Tần Vương lập tức hạ lệnh thả Kính Đức, dẫn ông vào trong phòng trong, ban vàng bạc châu báu cho ông và nói: “Đại trượng phu hứa với nhau bằng ý khí, chớ vì nghi ngờ nhỏ mà để ý. Quả nhân tuyệt đối sẽ không nghe theo những lời sàm ngôn hãm hại bậc trung lương. Ông nên hiểu tâm tình của ta. Nếu ông có dự tính bỏ đi, thì chỗ vàng bạc châu báu này có thể trợ giúp ông, cũng là biểu đạt tình nghĩa của quả nhân đối với ông trong thời gian cùng mưu sự nghiệp này”.
Nhưng Uất Trì Kính Đức không bỏ đi. Không lâu sau, ông theo Tần Vương đến Du Khoa đi săn, gặp Vương Thế Sung dẫn mấy vạn kỵ binh đến tấn công. Mãnh tướng dưới trướng Vương Thế Sung là Đơn Hùng Tín dẫn kỵ binh lao đến trước Tần Vương. Kính Đức nhảy lên ngựa thét lớn một tiếng, giơ cây giáo dài đâm ngang Hùng Tín, Hùng Tìn lập tức ngã ngựa. Việc này khiến tất cả quân địch lùi lại, không dám tiến lên xung phong nữa.
Kính Đức bảo vệ Tần Vương xông ra khỏi vòng vây. Sau đó, ông dẫn kỵ binh giao chiến với Vương Thế Sung. Sau vài lần giao chiến, quân địch đại bại, đội quân tan vỡ tả tơi. Bắt sống tướng giặc là Trần Trí Lược và 6000 lính đội quân giáo dài.
Tần Vương nói với Kính Đức rằng: “Gần đây mọi người đều nói chắc chắn rằng khanh nhất định sẽ làm phản, Thiên ý đã dẫn dắt ta, khiến một mình quả nhân bảo vệ phán đoán sáng suốt. Nào ngờ khanh báo đáp nhanh như thế này!”.
Tần Vương hiểu sâu sắc lòng trung dũng của Kính Đức, ban một rương vàng bạc cho ông. Từ đó, Tần Vương ngày càng sủng ái Kính Đức.
Lòng trung không đổi, cự tuyệt cám dỗ lợi ích
Kiến Thành và Nguyên Cát chuẩn bị mưu hại Tần Vương, đã gửi mật thư cho Kính Đức, kèm thêm một xe đầy vàng bạc châu báu, mưu đồ dụ dỗ ông tham gia kế hoạch mưu hại. Kính Đức khéo léo từ chối rằng: “Kính Đức xuất thân hèn mọn, gặp lúc triều Tùy diệt vong, thiên hạ đại loạn, lưu lạc không nơi nương tựa, trong thời gian dài làm thuộc hạ của kẻ phản bội, tội khó tha thứ. Bởi vì Tần Vương ân đức, khiến tôi như được tái sinh, ngày nay lại hầu trong phủ Tần Vương, nên lấy thân mình để báo ân. Với Điện hạ, Kính Đức không có công lao gì, không dám nhận hậu lễ. Nếu nhận lời Điện hạ, thì đó là kẻ hai lòng, vì lợi mà quên mất trung thành, như thế có tác dụng gì đối với Điện hạ đâu?”
Kiến Thành nổi giận, từ đó đoạn tuyệt liên hệ, và nghĩ cách trừ khử Kính Đức cho hả dạ.
Đối diện với cái chết, thản nhiên không sợ hãi
Kính Đức đem việc này báo cáo Tần Vương. Tần Vương nói: “Tâm chí của khanh kiên định như núi, dẫu có vàng chồng cao đến sao Bắc Đẩu, quả nhân biết tâm ý của khanh cũng sẽ không dao động. Cứ nhận những đồ họ đưa đến đi, không cần lo lắng. Nếu không làm như thế, e rằng tính mệnh khanh và gia đình khó giữ được. Hơn nữa, biết được âm mưu của đối phương, thì cũng là kế sách sáng suốt”.
Bọn Nguyên Cát oán hận Kính Đức, sai tráng sĩ đi hành thích ông. Kính Đức biết trước được kế hoạch của bọn chúng, thế là mở rộng cánh cổng, bình tĩnh nằm trên giường. Thích khách liên tiếp đến nhà ông, thấy cổng mở toang, thì không dám đi vào trong.
Thế là Nguyên Cát lập kế mượn tay Đường Cao Tổ sát hại Kính Đức, vu oan và bắt Kính Đức tống vào ngục thẩm vấn, chuẩn bị xử tử. Tần Vương một mực bảo vệ Kính Đức, cuối cùng ông được phóng thích.
Dốc sức khuyên Tần Vương lấy xã tắc làm trọng
Khi đó Thái tử Kiến Thành và Nguyên Cát đều thèm muốn ngôi vua, muốn trừ khử Tần Vương – người được mọi người ngưỡng vọng. Kiến Thành nói với Nguyên Cát rằng: “Những kẻ sĩ có trí tuệ và mưu lược trong phủ Tần Vương, chỉ có Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hải là khiến người ta phải dè”.
Trước mặt Đường Cao Tổ, họ vu cáo hãm hại hai người, khiến 2 người bị trục xuất ra khỏi phủ Tần Vương.
Người tâm phúc mưu lược của Tần Vương còn lại duy nhất là Trưởng Tôn Vô Kỵ vẫn còn trong phủ. Uất Trì Kính Đức và Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng Ung Châu Trị Trung Cao Sĩ Liêm, Hữu Hầu Xa Kỵ Tướng Quân Tam Thủy Nhân Hầu Quân Tập, ngày đêm khuyên Tần Vương phải trừ khử Kiến Thành và Nguyên Cát. Nhưng Tần Vương cứ lưỡng lự mãi không quyết.
Phía bên kia, Kiến Thành đã lựa chọn hành động. Ông ta tiến cử với Cao Tổ để Nguyên Cát thay Lý Thế Dân dẫn quân đi chinh phạt phương Bắc, đồng thời yêu cầu lệnh cho các dũng tướng trong phủ của Tần Vương là Uất Trì Kính Đức và những người khác, tất cả đều đi theo. Kiến Thành và Nguyên Cát bí mật lập kế sách ngầm sát hại bọn họ, đồng thời lấy cớ tiễn biệt để hại Tần Vương, thả một mẻ lưới diệt sạch những người trong phủ Tần Vương.
Suất Canh Thừa Vương Chí biết được âm mưu bí mật của bọn họ, đã mật báo Tần Vương. Tần Vương báo lại cho Trưởng Tôn Vô Kỵ và những người khác. Nhóm người Vô Kỵ khuyên Tần Vương ra tay trước. Thế Dân than rằng: “Cốt nhục tương tàn, xưa nay là việc đại ác. Trong lòng ta biết rõ tai họa giáng xuống sớm tối, ta dự định sự việc xảy ra rồi mới thảo phạt bọn bất nghĩa đó, như thế mới hợp tình hợp lý”.
Kính Đức nói: “Người thế tục, ai chẳng sợ chết! Ngày nay mọi người đều nguyện ý buông bỏ sinh tử để thờ Đại vương, đây là cơ hội Trời ban. Tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào, mà Đại vương vẫn thản nhiên không lo lắng. Cho dù Đại vương không để ý đến việc sinh tử của bản thân, nhưng có thể không lo đến vận mệnh của tông miếu xã tắc được chăng! Nếu Đại vương không nghe theo lời của Kính Đức, Kính Đức sẽ trầm mình xuống sông hồ, không còn hầu hạ bên Đại vương để người ta sát hại nữa”.
Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng nói: “Nếu không nghe theo lời Kính Đức thì sự tình sẽ thất bại. Bọn Kính Đức sẽ không quy về Đại vương, Vô Kỵ sẽ theo rời đi, không thể phụng sự Đại vương được nữa”.
Kính Đức và Vô Kỵ đều cố ý nói bản thân sẽ trốn đi để khích Tần Vương nhanh chóng hành động.
Tần Vương nói: “Lời nói của ta cũng không phải là không có tác dụng gì, xin các khanh hãy cùng nhau bàn kế hoạch”.
Kính Đức nói: “Hiện nay Đại vương xử sự có sự e ngại, đó không phải là trí tuệ. Sắp gặp nạn mà không quyết, đó không phải là dũng cảm”.
Kính Đức và các mưu thần trong phủ Tần Vương dốc hết sức khuyên bảo, cuối cùng Tần Vương quyết định hành động, lấy việc bảo vệ xã tắc làm trọng.
Tần Vương kế vị, hiệu Đường Thái Tông. Năm Trinh Quán thứ nhất, ông bái Kính Đức làm Hữu Vũ Hầu Đại tướng quân, ban tước Ngô Quốc Công, đồng thời phong cho Kính Đức, Trưởng Tôn Vô Kỵ, Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối mỗi người được hưởng thực ấp 1300 hộ. Năm Trinh Quán thứ 11, Thái Tông cải phong cho Kính Đức là Ngạc Quốc Công.
May mắn sống sót dưới làn mưa mũi tên hòn đạn và gươm đao
Sau này, Thái Tông trong lúc trò chuyện với Kính Đức đã từng nói với ông rằng: “Có người nói khanh phản bội, tại sao họ lại nói như vậy?”
Kính Đức trả lời rằng: “Thưa bệ hạ, thần thực sự là đã phản bội Lưu Vũ Chu. Sau này, thần theo bệ hạ chinh chiến tứ phương, trải qua hàng trăm trận chiến, giờ đây vẫn còn sống, quả là tấm thân may mắn sống sót dưới làn mưa mũi tên hòn đạn và gươm đao. Giờ đây thiên hạ đã yên định rồi, sao lại còn hoài nghi thần phản bội?”.
Nói rồi, Kính Đức cởi y phục ném xuống đất, lộ ra thân hình chi chít vết sẹo của các vết thương tích.
Tần Vương thấy thế thì rơi nước mắt, và nói: “Khanh hãy mặc y phục, trẫm không hoài nghi khanh, do đó mới nói những chuyện này với khanh, việc gì phải tức giận thế!”.
Yêu quý người vợ tấm cám
Một lần, Thái Tông nói với Kính Đức rằng: “Trẫm muốn gả con gái cho khanh, không biết ý khanh thế nào?”
Kính Đức khấu đầu tạ từ và nói: “Vợ thần tuy quê mùa xấu xí thấp kém, nhưng bấy lâu nay luôn bên thần, cùng chung nghèo khổ, chung hoạn nạn. Thần tuy không được học hành, nhưng từng nghe lời cổ nhân nói: phú quý không thay đổi vợ. Thần nguyện lấy cổ nhân làm tấm gương, không rời bỏ người vợ tấm cám”.
Thái Tông tuy ban thưởng hôn nhân không thành, nhưng ân nghĩa vợ chồng mà Kính Đức một lòng giữ gìn càng khiến Thái Tông khen ngợi. Đến triều Huyền Tông, Kính Đức qua đời, được ban thụy hiệu là Trung Vũ. Con cháu các đời sau của Uất Trì Kính Đức trải qua hơn 1000 năm vẫn phú quý hưng thịnh, đủ để minh chứng Thượng Thiên đem phúc báo ban cho người trọng nghĩa, không mảy may sai lệch.
Nguồn tư liệu: “Cựu Đường thư – Liệt truyện thứ 18”; “Tư trị thông giám”
Duẫn Gia Huy – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam