Bộ trưởng Nông nghiệp Murray Watt vội vã trấn an công chúng rằng chính phủ Úc đang kiểm soát tình hình cúm gia cầm. (Ảnh: jcomp / Freepik)
Bộ trưởng Nông nghiệp Murray Watt vội vã trấn an công chúng rằng chính phủ Úc đang kiểm soát tình hình cúm gia cầm.
Ông Watt lưu ý rằng trong số 21 triệu con gà mái đẻ trứng trên cả nước, thì có 1 triệu con đã hoặc đang được tiêu hủy – chiếm khoảng 4% tổng đàn.
“Thật không may cho những con gà mái liên quan đến việc này, chúng cần phải được tiêu hủy để đảm bảo virus không lây lan nhanh hơn”, ông nói.
“Chúng tôi cần hành động nhanh chóng và cẩn thận, nhưng mọi người có thể yên tâm rằng chúng tôi đã kiểm soát được tình hình”.
Bình luận được đưa ra sau khi chủng virus cúm gia cầm độc lực cao H7N3 được phát hiện tại năm trang trại gia cầm ở tiểu bang Victoria.
Để đối phó, đại siêu thị Coles đã giới hạn tạm thời hai hộp trứng cho mỗi khách hàng, viện lý do nguồn cung trứng khan hiếm.
Trong một email gửi tới The Epoch Times, người phát ngôn của Coles cho biết siêu thị đang hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp của họ để đảm bảo trứng vẫn có sẵn cho khách hàng đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp này.
Nhưng ông Watt lập luận rằng với hơn 18 triệu quả trứng được sản xuất trong nước mỗi ngày, thì nguy cơ thiếu hụt là thấp.
Bộ trưởng Nông nghiệp cũng lưu ý rằng khách hàng có thể mua thêm trứng ở các cửa hàng khác vì không phải tất cả các nhà bán lẻ đều giới hạn số lượng.
“Tôi biết hôm qua có một chút lo lắng do Coles đưa ra quyết định phòng ngừa, giới hạn bán trứng ở mức hai hộp cho mỗi khách hàng”, ông Watt nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC TV vào ngày 11/6.
“Cá nhân tôi chưa bao giờ mua nhiều hơn một tá trứng cùng một lúc, nhưng tôi biết có những người cần mua số lượng lớn hơn, và chúng vẫn có sẵn”.
Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết chính phủ Victoria đã làm “một công việc tuyệt vời” khi chủ động ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm ngay từ đầu.
“Và đó là lý do tại sao, thẳng thắn mà nói, chúng tôi chưa thấy nhiều trang trại bị nhiễm bệnh hơn hiện tại”, ông nói thêm.
“Chắc chắn, chính phủ Victoria tin tưởng, và chúng tôi cũng tin rằng đây là thứ có thể loại bỏ được, miễn là chúng tôi nỗ lực hết sức ngay từ giai đoạn đầu, và đó chính xác là những gì đang diễn ra”.
Sở Nông nghiệp Victoria cũng trấn an người dân Victoria rằng trứng và các sản phẩm thịt gia cầm từ siêu thị không gây nguy hiểm và an toàn để tiêu thụ.
Tình hình cúm gia cầm
Vào ngày 7/6, Sở Nông nghiệp Victoria thông báo rằng một trang trại gia cầm thứ năm của Victoria đã được đưa vào “cách ly” sau khi cúm gia cầm được xác nhận.
Các xét nghiệm đã xác định chủng virus độc lực cao H7N3 tại trang trại này ở Golden Plains Shire, Victoria, nơi đã được áp dụng “giới hạn di chuyển”.
Trường hợp thứ tư của chủng cúm gia cầm độc lực cao H7N3 được công bố vào ngày 5/6, cũng tại Golden Plains Shire.
H7N3 cũng đã được xác định tại hai trang trại khác, trong khi một chủng cúm gia cầm khác là H7N9 được xác định vào tháng 5.
Một trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người đã được phát hiện tại Victoria vào ngày 22/5, trường hợp đầu tiên của Úc ở một trẻ em vừa trở về từ Ấn Độ.
Bác sĩ thú y trưởng của Victoria, Graeme Cooke, khuyên các chủ nuôi chim trên khắp Victoria nên tuân theo các quy tắc an toàn sinh học tốt nhất như giữ chuồng gia cầm, sân, chuồng chim và thiết bị sạch sẽ, cũng như giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa gia cầm và chim hoang dã.
“Đây là thời kỳ khó khăn đối với những người nông dân của chúng tôi và chúng tôi đang đảm bảo hỗ trợ sức khỏe tâm thần có sẵn và các nhà sản xuất đủ điều kiện có thể được bồi thường”, ông nói.
Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc, các đợt bùng phát của bệnh cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), bao gồm cả đợt bùng phát H7N3, là một “mối đe dọa đáng kể đối với sản xuất gia cầm và không nên đánh giá thấp chúng”.
“Ở các quốc gia có ngành công nghiệp gia cầm thương mại đáng kể, với số lượng lớn động vật sống trong mật độ cao, các đợt bùng phát HPAI có thể gây ra tổn thất kinh tế nhanh chóng và nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp và thương mại”, tổ chức này cho biết trong một bài báo năm 2012.
“Tác động tức thời của một đợt bùng phát dịch bệnh bao gồm chi phí cho các biện pháp chính sách và chương trình xóa bỏ dịch bệnh, giảm năng lực sản xuất và sau đó là giảm nguồn cung thịt và trứng”.
Theo Monica O’Shea – The Epoch Times
Chấn Hưng
NTD Việt Nam