“Sông núi ngàn năm anh hùng hiếm thấy, có Tôn Trọng Mưu. Nhìn khắp mảnh đất Thần Châu thành lầu cũ cảnh xưa còn đó, biết bao chuyện suy thịnh hưng vong, thời gian dài dằng dặc. Trường Giang cuộn sóng trôi vô tận. Thiếu niên cầm vạn binh giáp trụ, hùng cứ đông nam chiến trận chưa ngừng, thiên hạ có ai là đối thủ, chỉ có Tào, Lưu. Có con trai nên được như Tôn Trọng Mưu.” (Lời bài từ của Tân Khí Tật)
Dưới ngòi bút của Tân Khí Tật, một nhà thơ thời Nam Tống, Tôn Quyền – người trở thành thống soái tam quân khi còn rất trẻ, đã chinh chiến không ngừng để củng cố cơ nghiệp, đạt được nhiều chiến công hiển hách, khi ấy những anh hùng trong thiên hạ có thể sánh ngang với ông chỉ có Tào Tháo và Lưu Bị. Sự thực là như vậy.
Ổn định thế cục, bình định Sơn Việt
Vào năm Kiến An thứ năm (năm 200), sau khi anh trai là Tôn Sách bị địch phục kích mất mạng, Tôn Quyền lên ngôi với sự ủng hộ mạnh mẽ của mẫu thân Ngô phu nhân, và sự ủng hộ của các quan đứng đầu văn, võ Trương Chiêu, Chu Du. Đồng thời, Tôn Quyền được triều đình Đông Hán phong làm Thảo Lỗ Tướng Quân, kiêm Thái Thú Cối Kê, bắt đầu thống lĩnh Giang Đông.
Có thể nói, Tôn Sách đã để lại cho Tôn Quyền một di sản quân sự và chính trị phong phú. Vào thời điểm này, nước Ngô ban đầu được thành lập, đã sở hữu sáu quận ở Giang Đông, trong đó có ba quận Dương Châu, Kinh Châu và Giao Châu thời nhà Hán, trở thành thế lực lớn nhất Giang Đông, đặt nền móng cho sự phát triển và mở rộng trong tương lai của Tôn Quyền.
Trong quân sự, Tôn Quyền bước đầu xây dựng cơ chế quản lý quân sự tương đối độc lập, trong đó Thống soái nắm binh quyền, tướng lĩnh chỉ huy quân đội, ngoài ra còn có các tướng tài ba như Chu Du, Chu Thái, Hoàng Cái, Trình Phổ, v.v… Về quản lý hành chính, Tôn Quyền có các quan văn ở trung tâm phò tá, con cháu dòng tộc hoặc họ hàng giữ chức các thủ lĩnh chính trị, quân sự ở địa phương để xác lập bộ máy hành chính.
Sau khi lên ngôi, Tôn Quyền kế thừa di sản nói trên của Tôn Sách, trên cơ sở này tiếp tục củng cố mở rộng, cuối cùng đạt được thành tựu lịch sử của riêng mình.
Khi Tôn Quyền mười tám tuổi, lần đầu lên nắm quyền ở Giang Đông, tình hình có phần hỗn loạn. Tôn Quyền suốt ngày khóc lóc thảm thiết, nghe theo lời khuyên của tướng quân Trương Chiêu, mới thoát khỏi đau buồn, bắt đầu xử lý công việc triều chính, thị sát quân đội, ổn định tinh thần quân đội và để “Mọi người biết có chỗ hướng về”.
Lúc này Tôn Quyền có những điều kiện thuận lợi như sau: Thứ nhất, trong nội bộ có rất nhiều nhân tài, tiêu chuẩn tuyển dụng “Tiến cử và bổ nhiệm người hiền tài, ai nầy đếu dốc hết tâm huyết”, đã giúp ông tiếp tục thu hút nhân tài để phục vụ đất nước về sau.
Thứ hai là: Ba thế lực chính giáp ranh với Giang Đông và có thể đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của Giang Đông đều quá bận rộn hoặc, không muốn can thiệp vào Giang Đông và tranh thế lực với Tôn Quyền.
Trong số đó, Tào Tháo bận tranh giành phương bắc với Viên Thiệu. Lưu Biểu cũng tập trung vào việc ngăn cản Tào Tháo tiến về phía nam, và ngăn cản Lưu Bị trở nên hùng mạnh, đối với Tôn Quyền chỉ ra lệnh cho Hoàng Tổ – Thái thú Giang Hạ phải đề phòng.
Vì vậy, vấn đề chính mà Tôn Quyền phải đối mặt vào thời điểm đó, thứ nhất là làm sạch những kẻ không trung thành bên trong, thứ hai là bình định phản loạn Sơn Việt.
Tôn Quyền liên tiếp loại bỏ Thái thú Lư Giang Lý Thuật, Thái thú Lư Lăng Tôn Phụ – kẻ đang bí mật liên hệ với Tào Tháo, và Thái thú quận Ngô Thịnh Hiến.
Đồng thời, ông cũng nhận thức rõ tính nguy hiểm của cuộc nổi loạn Sơn Việt sẽ lật đổ hoàn toàn Giang Đông, nên giao cho các tướng lĩnh bình định vỗ về các bộ tộc Sơn Việt, thảo phạt kẻ phản loạn, đảm bảo sự ổn định ở hậu phương.
Từ “Sơn Việt” lần đầu tiên được nhìn thấy trong “Hậu Hán Thư – Linh Đế kỷ”, họ sống ở miền nam An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến – nơi có núi cao rừng rậm. Sử sách có ghi: Người Sơn Việt có thân hình thấp bé, mặt ngắn, ít râu tóc, mũi to, mắt to tròn, quen sống gần nước, thích đánh trận dưới nước, giỏi chèo thuyền, bè, có tục lệ cắt tóc và xăm mình.
Vào cuối thời Đông Hán, khi Tôn Sách đang phát triển Giang Đông, một số thường dân và quan lại địa phương sợ hãi trước danh tiếng của ông nên đã trốn vào núi trước khi ông đến. Để tự bảo vệ mình, những người Hán này đã hòa nhập với người Sơn Việt và thành lập các tổ chức, hiệp hội quân sự của riêng mình, không thực hiện nghĩa vụ lao dịch, nộp thuế, tự cung tự cấp. Họ ở nhà là thường dân, ra ngoài thành binh sĩ, thường lợi dụng địa hình hiểm trở để “Mang quân đánh các quận huyện, giết hại cướp bóc quan lại cường hào”.
Tôn Sách đã từng giao chiến với người Sơn Việt, vào cuối năm Kiến An thứ ba (198), Viên Thuật đã bí mật xúi giục thủ lĩnh Tổ Lang của Sơn Việt đối phó với Tôn Sách. Khi Tôn Quyền theo Tôn Sách tấn công 6 huyện của người Sơn Việt, từ huyện Kinh về phía tây, ông bị người Sơn Việt tập kích sau lưng ở Tuyên Thành, đao đã kề vào cổ, nếu không có tướng quân Chu Thái liều mạng ứng cứu, tính mạng của Tôn Quyền sẽ không thể cứu được.
Vào năm Kiến An thứ năm, khi Tôn Sách lên kế hoạch tấn công Hứa Đô, kinh đô của Tào Ngụy, người Sơn Việt nhân cơ hội nổi dậy. Tôn Sách không còn cách nào khác đành phải dẹp loạn. Sau khi Tôn Quyền lên ngôi tiếp tục sai quân đi dẹp loạn. Tuy nhiên, vào năm 203, cuộc viễn chinh đầu tiên về phía tây của Tôn Quyền thảo phạt Thái thú Giang Hạ Hoàng Tổ, đang lúc vây đánh thành, người Sơn Việt ở Dương Châu – hậu phương, nhân cơ hội nổi dậy, Tôn Quyền sắp lấy được thành nhưng đành phải rút quân về tấn công quân phản loạn.
Sau đó, Sơn Việt thường nổi dậy khi Tôn Quyền giao chiến với Tào Ngụy, Tôn Quyền nhiều lần phái binh chinh thảo, buộc một lượng lớn người Sơn Việt phải ra khỏi núi, đồng thời đưa những thanh niên khỏe mạnh vào quân đội. Những người còn lại được nhập tịch và trở thành thường dân đóng thuế và phục vụ quốc gia.
Theo ghi chép trong “Tam Quốc Ngô Binh Khảo”, ‘Tôn Quyền kế nghiệp, liên tiếp thu nạp được 13 vạn binh là người Sơn Việt’. Sự xuất hiện của người Sơn Việt không chỉ mở rộng nguồn quân sự và thuế của Đông Ngô mà còn mở rộng diện tích đất đai, khiến hậu phương Đông Ngô ổn định, sự hòa nhập của họ với người Hán cũng thúc đẩy sự phát triển của Giang Nam.
Ngoài việc bình định Sơn Việt, Tôn Quyền còn tấn công Hoàng Tổ – Thái thú Giang Hạ, ba lần từ năm 203 đến 208, và bắt được tướng Cam Ninh. Tôn Quyền rất coi trọng Cam Ninh và đối xử với ông như những cận thần khác. Tôn Quyền nghe theo lời khuyên của Cam Ninh, và bắt được Hoàng Tổ trong cuộc chinh phạt lần thứ ba. Ông cũng ân xá cho Đô đốc Giang Hạ Tô Phi vì Cam Ninh cầu xin. Điều này một lần nữa thể hiện đạo dùng người của Tôn Quyền.
Liên minh với Lưu Bị đánh Tào Tháo – đại thắng trận Xích Bích
Sau khi Tào Tháo thống nhất phương bắc, nhằm thực hiện sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước, năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo dẫn đại quân tiến về phía nam, ý đồ đánh chiếm Kinh Châu do Lưu Biểu chiếm đóng, rồi tiến quân đến Giang Đông để tiêu diệt Tôn Quyền. Trước khi quân của Tào Tháo đến Kinh Châu, Lưu Biểu chết vì bạo bệnh, tình hình trở nên phức tạp.
Tôn Quyền sai Lỗ Túc đến Kinh Châu với danh nghĩa phúng viếng để dò xét tình hình. Trước khi Lỗ Túc đến Kinh Châu thì Lưu Tông, con trai Lưu Biểu đã đầu hàng Tào Tháo. Lưu Bị, người thân cận với Lưu Biểu, cũng bị quân Tào đánh bại ở Trường Bản Đương Dương (nay là Đương Dương, Hồ Bắc). Giang Đông đang gặp nguy hiểm.
Lỗ Túc chuyển hướng đến Đương Dương gặp Lưu Bị và đề nghị Tôn – Lưu liên hợp kháng Tào, kiến nghị này trùng hợp với chủ ý của Gia Cát Lượng – quân sư của Lưu Bị.
Sau đó Lưu Bị cử Gia Cát Lượng đến Giang Đông để bàn bạc các vấn đề liên minh. Sau khi Gia Cát Lượng gặp Tôn Quyền, ông đã phân tích tình hình hiện tại cũng như khả năng và tính tất yếu của việc liên minh Tôn – Lưu. Sau đó, Tôn Quyền triệu tập các đại thần để bàn chuyện nên hòa hay nên đánh.
Lúc này Tào Tháo sai sứ giả chuyển cho Tôn Quyền một bức thư.
Thư viết: ‘Gần đây ta đã trách tội Lưu Tông, tiến quân xuống phía nam, Lưu Tông đầu hàng, nay mang 80 vạn binh hùng trị thủy, xong việc sẽ đi săn ở nước Ngô.’ Ám chỉ Tào Tháo sẽ đích thân dẫn 80 vạn quân tấn công Đông Ngô.
Thế trận của Tào Tháo khiến các quan đại thần Đông Ngô khiếp sợ, liên tiếp thuyết phục Tôn Quyền đầu hàng Tào Tháo, chỉ có Lỗ Túc và các võ tướng là chủ chiến.
Tôn Quyền lưỡng lự chưa quyết.
Chu Du lúc này trở lại triều đình bác bỏ những ý kiến chủ hòa, đưa ra phân tích sắc bén, chỉ ra quân Tào không giỏi thủy chiến, hơn nữa mùa đông lạnh giá, ngựa không có thức ăn, binh lính đi đường xa lại không quen khí hậu nên dễ bị bệnh, đây là điều đại kỵ trong phép dụng binh.
Ông cũng nói với Tôn Quyền rằng quân của Tào không có gì đáng sợ, ông chỉ cần 5 vạn binh lính tinh nhuệ là có thể đảm bảo chiến thắng.
Tôn Quyền nghe xong rất cao hứng nói: ‘Nhất thời khó có thể tập hợp được 5 vạn tinh binh. Hiện tại chúng ta đã chọn được 3 vạn. Hãy cùng Tử Kính và Trình Phổ ra nghênh chiến.’
Chu Du sau đó được bổ nhiệm làm Chủ soái Tả đô đốc, dẫn quân ngược dòng trường Giang về phía tây, chuẩn bị hợp quân cùng Lưu Bị đối phó với Tào Tháo.
Để thể hiện quyết tâm chống lại Tào Tháo, Tôn Quyền đã rút đao phạt bay một góc bàn trước mặt, lớn tiếng nói: ‘Từ nay về sau, bất cứ quan văn võ nào nói đến việc đầu hàng Tào Tháo, thì sẽ giống cái bàn này.’
Dưới sự chỉ huy tài tình của Chu Du, liên quân Tôn – Lưu đã sử dụng hỏa công để đánh bại quân của Tào Tháo trong trận Xích Bích. Vô số người và ngựa quân Tào bị đốt cháy hoặc chết chìm. Đại chiến Xích Bích không chỉ làm cho Chu Du nổi tiếng trong Tam Quốc, lưu danh thiên cổ, mà còn thể hiện quyết sách sáng suốt của Tôn Quyền, đồng thời Tào Tháo tạm thời không thể tiến về phía nam, hình thành cục diện thiên hạ chia ba.
Mặc dù Kinh Châu trên danh nghĩa thuộc về Tôn Quyền vào thời điểm này, nhưng bốn quận trực thuộc Kinh Châu, bao gồm cả Vũ Lăng và Trường Sa, đều nằm trong tay Lưu Bị. Tào Tháo chiếm hai quận, Tôn Quyền cũng chiếm hai quận. Nhận thấy tầm quan trọng của việc liên minh Tôn – Lưu để chống lại Tào Tháo, Tôn Quyền chấp nhận lời khuyên của Lỗ Túc, đồng ý với thỉnh cầu của Lưu Bị cho mượn toàn bộ Kinh Châu.
(Còn tiếp)
Lưu Hiểu – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam