Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành bức hại Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), trong suốt 19 năm qua. Vô số học viên Pháp Luân Công, những người thực hành theo các nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” đã bị giam giữ trong các trại tạm giam, trung tâm cai nghiện, trại lao động cưỡng bức, nhà tù và những cơ sở giam giữ khác.
Ngoài việc nỗ lực “chuyển hóa” các học viên, ĐCSTQ còn ép các học viên lao động khổ sai. Tại một trại lao động cưỡng bức, học viên Pháp Luân Công không chỉ bị bắt phải lao động chân tay mà còn bị tra tấn cả về thể chất và tinh thần.
“Chuyển hóa” do kiệt quệ thể xác
Luật pháp của ĐCSTQ liên quan đến quản lý nhà tù có quy định về “hệ thống làm việc 8 giờ” và các ngày nghỉ lễ. Điều này được phổ biến rộng khắp trên các phương tiện tuyên truyền của ĐCSTQ. Tuy nhiên, các chức trách nhà tù lại tuân theo những quy tắc nội bộ mà không được tiết lộ ra công chúng.
Các học viên Pháp Luân Công bị đối xử tồi tệ hơn bất kỳ tù nhân nào khác. Họ thường phải lao động từ 10 đến 19 giờ một ngày. Mỗi học viên đều bị giao phải hoàn thành một khối lượng công việc nào đó và nếu không hoàn thành họ sẽ bị trừng phạt.
Khoa học đã chứng mình rằng, khi một người không được nghỉ ngơi và không được ngủ trong một thời gian dài, thì nhịp sinh học sẽ có thể bị hủy hoại, và sức chịu đựng về thể chất và tinh thần sẽ đạt đến ngưỡng giới hạn. Điều này có thể dẫn đến một căn bệnh nghiêm trọng hoặc thậm chí có thể gây tử vong.
Các chức trách nhà tù bắt các học viên Pháp Luân Công lao động quá sức nhằm lung lạc ý chí của họ. Một khi bị kiệt sức, họ có thể dễ dàng bị thao túng để từ bỏ đức tin của mình. Chính sách này được gọi là chính sách “hủy hoại thân thể”.
Trại Lao động cưỡng bức Số 3 tại tỉnh Hà Nam
Trại Lao động cưỡng bức Số 3 tỉnh Hà Nam đã mua các học viên Pháp Luân Công với giá 800 Nhân dân tệ mỗi người từ các trại lao động cưỡng bức khác. Những học viên này bị bắt lao động suốt ngày đêm và sẽ bị tra tấn vì bất kỳ vi phạm nào mà họ có thể mắc phải. Trại lao động được thực hiện theo hợp đồng và được Công ty Sản phẩm tóc Rebecca Hà Nam chi trả đầy đủ.
Do những đóng góp tích cực vào việc đàn áp Pháp Luân Công, trại lao động này đã được Ủy ban Chính trị và Pháp Luật Trung Ương của ĐCSTQ, Phòng 610 và Phòng Cải tạo Lao động đặc biệt ghi nhận. Trại lao động này thậm chí còn được công nhận là “Đơn vị tiên tiến quốc gia”. Vào ngày diễn ra lễ trao giải, ba học viên tại trại lao động đã bị bất tỉnh vì kiệt sức.
Giám đốc trại lao động Khuất Song Tài được cấp trên công nhận vì đã có những cống hiến tích cực trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Sau đó, ông được giao quản lý Trại lao động cưỡng bức Nữ Thập Bát Lý Hà thành phố Trịnh Châu, và ký được một hợp đồng với Công ty Sản phẩm tóc Rebecca để sản xuất “Bộ đồ bảo hộ”.
Không lâu sau đó, ông tra tấn ba học viên nữ đến chết.
Phơi nhiễm độc tố
Ở Trung Quốc, một số ông chủ của các công ty làm ăn phi đạo đức bí mật sản xuất và bán các sản phẩm bị cấm hoặc các sản phẩm độc hại để kiếm lợi nhuận khổng lồ. Để tránh bị cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra, những công ty này bắt tay với các trại lao động cưỡng bức và các nhà tù. Những nơi này thuộc quyền kiểm soát trong hệ thống của ĐCSTQ và không yêu cầu bất kỳ một sự giám sát nào khác. Do chính quyền không kiểm tra những cơ sở này nên chúng đã trở thành những cơ sở sản xuất ngầm.
Bị cám dỗ bởi loại hình kinh doanh béo bở này, các nhà tù và trại lao động cưỡng bức bỏ qua một thực tế rằng nhiều nguyên liệu sản xuất là độc hại và vẫn bắt các học viên Pháp Luân Công phải sử dụng chúng để sản xuất ra sản phẩm.
Các học viên không được cung cấp các biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như mặt nạ hay găng tay. Do vậy, nhiều người đã bị thiệt mạng vì điều đó.
Các sản phẩm được bán trên toàn quốc và quốc tế, mà không đề cập đến tính độc hại của nguyên vật liệu. Rất nhiều người tiêu dùng đã bị tổn hại mà không hề hay biết.
Bị dẫn động bởi lợi nhuận khủng, Trại Lao động cưỡng bức thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, ký hợp đồng với một công ty như vậy để sản xuất vỏ điện thoại di động và thảm ghế xe hơi bằng các vật liệu độc hại mà cuối cùng sẽ gây hại cho người tiêu dùng.
Nhà kho của các trại lao động này đầy khí độc, mùi kinh đến mức ngay cả những lính canh làm nhiệm vụ giám sát cũng không thể chịu nổi. Họ yêu cầu Cục Giám sát Chất lượng và Công nghệ tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy chất gây ung thư và độc tố từ nguyên liệu thô vượt quá giới hạn cho phép. Sau lần kiểm tra này, các lính canh thà phải ở bên ngoài trong thời tiết mùa đông giá lạnh, còn hơn phải vào nhà kho. Thế nhưng, họ lại tiếp tục bắt các tù nhân phải làm việc thêm giờ để hoàn thành các hợp đồng đúng hạn.
Nhiều người đã bị chảy máu cam, tim đập nhanh, khó thở, đau mắt đỏ và những thương tổn thể chất khác.
Những học viên Pháp Luân Công từ chối lao động cưỡng bức sẽ bị lính canh đánh đập. Nhiều học viên đã bị đánh đập đến mức bị thủng màng nhĩ, và một số bị mất thị lực.
Cái chết của học viên Vạn Quý Phúc
Khi cuộc bức hại mới bắt đầu, các học viên Pháp Luân Công bị bắt được giam giữ trong cùng một buồng giam, bởi vì các nhà chức trách thấy rằng làm như vậy sẽ dễ dàng xử lý họ hơn. Khi cuộc bức hại tiếp tục, các học viên bị nhốt chung với các tù nhân hình sự. Điều này khiến việc làm nhục họ trở nên dễ dàng hơn, và cũng sử dụng những tù nhân khác theo dõi họ. Khi một học viên từ chối làm công việc nặng nhọc, các chức trách trại giam sẽ yêu cầu các tù nhân khác tra tấn họ.
Học viên Pháp Luân Công Vạn Quý Phúc, 57 tuổi, bị bắt và bị giam giữ phi pháp tại trại tạm giam Số 1 thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc vào cuối tháng 4 năm 2001. Ông bị bắt phải tách hạt hướng dương bằng răng và ngón tay mỗi ngày. Điều này khiến môi ông bị tổn thương và bong các móng tay. Do không thể hoàn thành công việc được giao, đội trưởng Lữ Quân của Đội Số 4 đã ra lệnh cho các tù nhân hình sự từ Phòng giam Số 9 đến đánh đập ông một cách thậm tệ.
Dạ dày của ông Vạn bị tổn thương nghiêm trọng. Ông được đưa đến bệnh viện cải tạo lao động Đại Sa Bình thành phố Lan Châu vào ngày 22 tháng 12 năm 2001, và qua đời 3 ngày sau đó.
Một tù nhân từ trại tạm giam Đại Sa Bình cho biết tỷ lệ tử vong hàng năm của các tù nhân trong trại giam này là vô cùng lớn. Tuy nhiên, không thể thu thập được con số chính xác do sự phong tỏa thông tin của ĐCSTQ.
Môi trường tàn bạo và khắc nghiệt
Các nhà tù, trại lao động và trại tạm giam của ĐCSTQ là một địa ngục chốn trần gian. Bên ngoài các bức tường của những nhà tù này, ĐCSTQ tuyên truyền đây là những nơi “mưa thuận gió hòa” hay “quản lý nhân tính”. Nhưng trên thực tế, ở đó không chỉ dừng lại ở việc bị mất tự do. Mà còn bị các tù nhân hình sự ăn hiếp dọa nạt, bị “chuyển hóa” thông qua tra tấn và bị tẩy não dưới sự giám sát chặt chẽ của các tù nhân.
Điều kiện sống và lao động khắc nghiệt có thể dễ dàng hủy hoại tinh thần của một người và khiến họ phát điên. Các công nhân lao động cưỡng bức còn phải mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các lính canh. Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy điều kiện sống và làm việc của các trại lao động là vô cùng khủng khiếp.
Các bữa ăn dành cho các học viên Pháp Luân Công và tù nhân có chất lượng cực kỳ kém. Họ phải ăn cơm thiu. Nhiều tù nhân bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh truyền nhiễm như lao, viêm gan và ghẻ. Nhưng họ vẫn phải lao động.
Một xưởng sản xuất găng tay ở Đội Số 2 của Trại Lao động cưỡng bức Trung Ba, tỉnh Quý Châu, sản xuất lớp lót bên trong găng tay từ những quần áo thải ra từ các bệnh viện, trung tâm rác thải và các nhà tang lễ. Chúng bẩn thỉu và độc hại, dính đầy vết máu, bụi bẩn và nấm mốc.
Không khí trong xưởng độc hại và rất nhiều ruồi. Các tù nhân trong trại đã phải lao động trong những điều kiện như vậy mà không có bất kỳ một biện pháp bảo hộ nào.
Bàn tay và bàn chân của hàng chục tù nhân trong Đội Số 2 đã bị mưng và chảy mủ. Trên bàn chân của một số tù nhân xuất hiện một vết thương rất rộng và sâu đến mức trơ cả xương ra. Nhưng họ vẫn bị bắt phải làm găng tay.
Các học viên bị bắt phải sản xuất hàng hóa
Hàng hóa do lao động cưỡng bức làm ra có giá trị gia tăng và lợi nhuận lớn hơn nhiều so với những sản phẩm do lao động bên ngoài nhà tù sản xuất. Tất cả lợi nhuận này được bỏ vào hầu bao của nhà tù và nhân viên, cán bộ trại lao động.
Có báo cáo cho biết, các tù nhân, trong đó có cả các học viên Pháp Luân Công, có thể nhận được một khoản tiền nhỏ nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong tất cả những gì mà họ đáng lẽ phải được hưởng cho những việc mà họ đã làm. Sử dụng những người bị giam giữ để lao động cưỡng bức là vi phạm luật pháp quốc tế và cũng là vi phạm nhân quyền.
Những tù nhân bị giam ở Đội Số 2 của Trại lao động cưỡng bức Nữ số 1 tỉnh Sơn Đông sản xuất guồng đánh cá – một thứ trông giống và vận hành tương tự như cối xay nước, nhưng có trang bị giỏ để bắt và đựng cá.
Có hai dây chuyền sản xuất với hơn 50 tù nhân. Mỗi ngày, các tù nhân phải gia công từ 5.000 đến 6.000 guồng đánh cá, và phải làm việc từ 15 đến 18 giờ. Các guồng đánh cá được dán mác “Công ty Thiết bị Câu cá Quang Uy, thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông”, một công ty con của Tập đoàn Quang Uy Uy Hải. Sản phẩm của họ được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia. Trại lao động này kiếm được một khoản lợi nhuận lớn từ việc sử dụng lao động miễn phí.
Việc sử dụng “Nhà máy Silicon Cacbua Nhiệt số 83 Sơn Đông” cho nhãn hiệu của mình, Trại Lao động cưỡng bức Số 2 Sơn Đông sử dụng lao động cưỡng bức, mà chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Trại lao động này bán sản phẩm trên cả thị trường nội địa và quốc tế, và thậm chí còn quảng bá trực tuyến sản phẩm của mình.
Nhà máy sản xuất được 700.000 sản phẩm silicon cacbua và 700 tấn vật liệu chịu nhiệt trong tháng 1 năm 2006, với doanh thu 6.6 triệu Nhân dân tệ và thu được lợi nhuận 1.150.000 Nhân dân tệ.
Ngôn hành của các học viên Pháp Luân Công bị theo dõi chặt chẽ, và họ bị bắt phải làm việc không ngừng nghỉ ngay cả vào ngày cuối tuần, và chỉ được phép nghỉ trong thời gian ngủ và thời gian đi vệ sinh. Mặc dù sức khỏe của các học viên xấu đi, nhưng họ vẫn bị bắt phải làm việc.
Tẩy não và chuyển hóa các học viên
Ngoài việc bị sử dụng như những lao động rẻ mạt hoặc không công, các học viên Pháp Luân Công cũng là đối tượng phải tham gia các đợt tẩy não. Lính canh đã sử dụng tất cả các biện pháp, trong đó có cả tra tấn, và không ngừng nghỉ trong khi nỗ lực chuyển hóa các học viên. Họ sẽ được thăng chức và thưởng tiền nếu làm tăng tỉ lệ chuyển hóa.
Họ cũng sử dụng các tù nhân để giám sát các học viên “bị chuyển hóa”, và khiến họ phải nghe thông tin vu khống và đọc các bài báo, sách lăng mạ Pháp Luân Công. Hàng tuần, các học viên này phải viết một bản cam kết trong thời gian ở trong trại lao động. Liên tục phải chịu đựng áp lực về thể chất và tinh thần đã gây ra những tổn hại to lớn cho các học viên.
Lính canh từ Trại Lao động cưỡng bức Nữ Bắc Kinh nỗ lực kêu gọi kinh doanh trên khắp cả nước và nhận được một khoản tiền hoa hồng lớn từ việc làm đó. Lính canh từ các đội khác cũng cạnh tranh làm ăn bằng bất kỳ phương cách nào.
Vào buổi tối, tất cả tù nhân trong trại phải nghe tin tức phát sóng của nhà nước. Họ phải ngồi thẳng lưng trên một chiếc ghế nhỏ. Khi nhiều học viên lớn tuổi quá mệt, họ đã ngủ thiếp đi trong buổi phát sóng tin tức. Sau đó, họ đã bị bắt phải đứng.
Trung Quốc vi phạm các luật pháp quốc tế
Lo sợ bị lên án từ cộng đồng trong nước, ĐCSTQ đã nỗ lực hết sức để giữ bí mật những tội ác này. Vì vậy, những người ở trong lãnh thổ Trung Quốc không hề nhận thức được tội ác của tổ chức này. Khi các học viên qua đời trong khi bị giam giữ, các nhà chức trách lại quy cho người học viên đó đã tự vẫn hoặc chết vì nhiều loại bệnh khác nhau.
Vào ngày 4 tháng 10 năm 1988, Trung Quốc ký “Công ước Liên hợp quốc về chống Tra tấn” và tại Điều 1, Khoản 1 của Công ước này có quy định về khái niệm tra tấn là “bất kỳ hành động nào tạo ra sự đau đớn nặng nề hoặc đau khổ – dù thể xác hay tâm thần – do cố ý gây ra cho một người nhằm các mục đích là đạt được thông tin hay một lời thú nhận từ anh ta hoặc một người thứ ba, trừng phạt anh ta vì một hành động mà anh ta hoặc người thứ ba đã phạm hoặc bị nghi là đã phạm, hoặc đe dọa, ép buộc anh ta hoặc một người thứ ba, hoặc đối với bất kỳ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử bất kỳ loại nào, khi nỗi đau đớn hay đau khổ như vậy gây ra bởi – hoặc theo sự xúi giục – hoặc với sự đồng ý – hoặc chấp thuận – của một quan chức hoặc người khác hành động trên cương vị chính quyền.”
Việc tra tấn được quốc tế coi là một tội phạm, và không được dung thứ bởi thế giới văn minh, điều này đã được thể hiện trong luật pháp quốc tế.
Kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, bắt đầu nhắm vào Pháp Luân Công, Phòng 610, hệ thống an ninh/pháp luật/tư pháp sẵn sàng tham gia vào cuộc bức hại và giết hại các học viên Pháp Luân Công.
Các hình thức tra tấn được sử dụng đối với các học viên bao gồm đánh đập tàn bạo, sốc điện, bức thực, đầu độc, bắt các học viên dứng dưới nhiệt độ cực cao, thí nghiệm y khoa, sử dụng ngục thủy và giường chết, treo các học viên với hai tay bị trói sau lưng, và thậm chí còn thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống.
“Công ước Lao động Cưỡng bức”, năm 1930, do Tổ chức Lao động Quốc tế ban hành, đã cấm lao động khổ sai. Trung Quốc đã là thành viên của tổ chức này kể từ ngày 28 tháng 6 năm 1919.
Tuy nhiên, kể từ khi ĐCSTQ tiến hành bức hại Pháp Luân Công, vô số học viên Pháp Luân Công đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và nhà tù, tại đó, họ bị bắt phải thực hiện lao động khổ sai và bị tra tấn. Trung Quốc đã chính thức bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng thế giới vẫn chưa lên án quốc gia này, do vậy, những vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra.
(Các vụ việc đề cập trong bài viết này được trích từ các báo cáo của Minh Huệ).
Bài viết của Tân Châu, MINH HUỆ 15-4-2018 / Theo Minh Huệ tiếng Việt