Nghiên cứu chỉ ra rằng vị trí các vết nứt ở Miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa, được đánh dấu bằng các đường chấm, có thể chứa đá giàu nước opal. Điều này cho thấy nước từng tồn tại trên hành tinh Đỏ. (Ảnh: Malin Space Science Systems/NASA/JPL-Caltech)
Một nghiên cứu về dữ liệu cũ từ xe tự hành Curiosity khiến các nhà khoa học phải xem xét lại niềm tin trước đây của họ rằng khu vực xích đạo tương đối ôn hòa của sao Hỏa không có nước. Tuy nước có thể không tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt sao Hỏa nữa, nhưng nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về đá opal giàu nước ngay bên dưới bề mặt hành tinh này.
Theo The Register, nghiên cứu do nhà vật lý Travis Gabriel dẫn đầu, bắt đầu bằng việc xem xét một số hình ảnh cũ từ xe tự hành Curiosity được hạ cánh xuống sao Hỏa vào năm 2012.
Những hình ảnh đó đã cho thấy một số vết nứt trên bề mặt sao Hỏa ở Miệng núi lửa Gale. Tất cả những vết nứt đó đều có một “vầng hào quang vết nứt” được tạo thành từ loại đá sáng màu hơn. Sử dụng quét máy quang phổ phân tích tia laze ChemCam, Curiosity đã suy đoán rằng trong đá sáng màu này có thể chứa opal.
Sau khi Gabriel và nhóm của ông nhận ra rằng có nước trong đá opal được tìm thấy trong các thí nghiệm gần đây, họ quyết định quay lại và xem xét dữ liệu lưu trữ được thu thập từ Máy quang phổ DAN (Dynamic Albedo of Neutrons) của Curiosity.
Sử dụng một phương pháp phân tích mới được phát triển, nhóm nghiên cứu đã xác minh một cách độc lập sự hiện diện của đá opal trong quầng sáng ở các vết nứt khác, nghĩa là có thể có rất nhiều khoáng chất giàu nước xung quanh đường xích đạo của sao Hỏa.
Gabriel cho biết: “Phân tích mới của chúng tôi trên dữ liệu lưu trữ cho thấy sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa tất cả các vết nứt mà chúng tôi đã quan sát thấy sau đó trong nhiệm vụ… Việc nhận thấy rằng các mạng lưới vết nứt này trải rộng và có khả năng chứa đầy opal thật đáng kinh ngạc”.
Sự sống trên sao Hỏa?
Đá opal là một khoáng chất chủ yếu bao gồm silica và nước.
Đá này có xu hướng trở nên kết tinh hơn và thường mất trung bình khoảng từ 6 đến 10 % hàm lượng nước khi chúng già đi, nhưng Gabriel và nhóm của ông tin rằng những viên đá opal họ tìm thấy trên sao Hỏa vẫn còn nhiều nước.
Do có sự dồi dào của nước, nên các nhà khoa học tin rằng đá opal trong Miệng núi lửa Gale được hình thành tại một trong những thời kỳ gần đây hơn của sao Hỏa, khi nước trên bề mặt có thể đã biến mất gần hết và hành tinh này trở nên không thích hợp với sự sống.
Gabriel cho biết: “Với các mạng lưới vết nứt trải rộng được phát hiện ở Miệng núi lửa Gale, thật hợp lý khi hy vọng rằng các điều kiện có thể ở được dưới bề mặt này cũng mở rộng ra nhiều khu vực khác của Miệng núi lửa Gale và có lẽ ở cả các khu vực khác của sao Hỏa”.
Chiết suất nước từ đá
Sự sống của vi sinh vật rất tuyệt vời, chúng ta có thể tìm kiếm điều đó khi đặt chân đến sao Hỏa. Nhưng ngay bây giờ chúng ta cần phải tìm ra cách để sống sót trên đó.
Cách đây không lâu, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự hiện diện của nước đóng băng tại các vùng cực của sao Hỏa. Điều này khiến nhiều người cho rằng nếu con người khám phá hành tinh Đỏ, chúng ta có thể bị giới hạn tại những vùng khá khắc nghiệt.
Nhưng bằng cách nghiền đá opal thành bụi và thêm nhiệt, các nhà khoa học tin rằng chúng ta có thể chiết xuất được nước từ đá. Nếu đường xích đạo của sao Hỏa giàu đá opal như dữ liệu của Gabriel gợi ý, thì chúng ta có thể duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực xích đạo của sao Hỏa, nơi có mùa hè mát mẻ với nhiệt độ chỉ 24°C vào giữa trưa, thay vì phải chống chịu nhiệt độ -153°C ở cực.
Đá opal đã được nhìn thấy ở những nơi khác trên bề mặt sao Hỏa, nhưng không biết liệu các trầm tích bên ngoài Miệng núi lửa Gale có giàu nước như những gì Curiosity đã quét hay không.
Nếu chúng chứa nhiều nước như những gì được đo bởi Gabriel và nhóm của ông, thì sẽ có rất nhiều chất lỏng được chiết xuất. Trong một cặp thí nghiệm neutron chuyên dụng, nhóm đã phát hiện ra rằng quầng sáng vết nứt dài một mét có thể chứa khoảng 5 lít rưỡi nước, và đó chỉ là lớp đất trên cùng đầu tiên.
Văn Thiện
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam