Tác giả: Lý Đạo Chân
[ChanhKien.org]
Văn hóa phương Đông và phương Tây khác biệt rất lớn, cơ điểm và phương hướng phát triển của chúng không giống nhau, một trong một ngoài. Văn hóa phương Tây là bắt đầu phát triển nhận thức từ thế giới vật chất bên ngoài của con người, khởi điểm thấp, là thuộc về văn hóa bề ngoài của con người, không có nhiều nội hàm. Nhưng văn hóa Trung Hoa là hướng thẳng vào thân thể người, sinh mệnh, vũ trụ mà nghiên cứu, nhắm thẳng vào tầng diện thâm sâu mà bề ngoài nhìn không thấy sờ không được để nghiên cứu, khởi điểm rất cao, siêu xuất khỏi nhận thức thế giới bề mặt của nhân loại, xem trọng ở nội hàm sâu sắc đằng sau, chứ không ở bề ngoài của con người.
Phần trước chúng ta đã thảo luận một cách hệ thống về quá trình phát triển của Đạo trị quốc từ góc độ văn hóa và lịch sử Trung Hoa, mấy bài tiếp theo, chúng ta sẽ đứng từ góc độ văn hóa phương Tây để thảo luận về Đạo trị quốc. Khi xem bài này, xin vui lòng kết hợp xem lại bài “Đại Đạo trị quốc (7): Đạo gia trị quốc”.
Phần trước chúng ta đã thảo luận đến Đạo gia trị quốc, Đạo gia Trung Quốc có đối ứng với thể hệ văn hóa phương Tây, đó là triết học, đây là cùng một tư tưởng nhưng thể hiện ở tầng diện khác, văn hóa không giống nhau, biểu đạt cũng khác. Socrates là người cùng thời với Lão Tử, nhiều học giả cho rằng Socrates phương Tây tương đương với Lão Tử phương Đông, tôi thấy xác thực là như vậy, hai vị lần lượt là đại đạo của phương Đông, phương Tây, đều có địa vị và sức ảnh hưởng lớn như nhau trong nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Ở phần này chúng tôi chủ yếu cùng mọi người thảo luận về tư tưởng triết học của Thánh nhân thời cổ Hy Lạp – Socrates.
Trước thời Socrates, phương hướng triết học cổ Hy Lạp chủ yếu là chú trọng nghiên cứu về nguồn gốc cấu thành của thế giới. Bắt đầu từ Socrates, ông chuyển hướng nghiên cứu của triết học từ nghiên cứu thế giới bên ngoài sang nghiên cứu tự ngã (bản thân con người). Ông cho rằng nhận thức và truy cầu đối với thế giới bên ngoài là vô cùng vô tận, mà thế giới bên ngoài lại liên tục biến hóa không ngừng, do vậy những tri thức nhân loại có được từ nó là không xác định. Cái mà Socrates truy cầu là phải xác định, hoàn mỹ vô lậu, là chân lý vĩnh hằng bất biến, cái đó không thể truy cầu được từ thế giới bên ngoài, mà phải trở về truy cầu ở chính mình, nghiên cứu tự ngã, tìm thấy được nhận thức chính xác cuối cùng.
Lão Tử trước khi rời nhân gian, vội vàng lưu lại 5000 chữ. Socrates cả đời không để lại bất kể chữ gì, những tư tưởng của ông đều là thông qua ký ức của các đệ tử nhớ lại chép ra sau khi ông qua đời. Trong quá trình nhớ lại, rất có thể bị sai lệch, khi ghi chép các đệ tử của ông lại thường cho thêm ý của mình vào lời nói của Socrates, từ đó làm lệch đi ý ban đầu của Socrates, đặc biệt là Plato – người ghi chép chủ yếu nhất, cho nên làm hậu thế không biết rõ được ý nghĩa chân chính của Socrates.
Socrates là Thánh nhân Đại Đạo của phương Tây, ông đã lưu lại cho thế giới phương Tây phương pháp làm cho sinh mệnh hồi thăng, tu luyện thành Thần, có thể gọi là Tây phương Đại Đạo. Những gì ông để lại cũng tương tự như những gì Lão Tử ở Trung Quốc để lại, chỉ là phương diện văn hóa Đông Tây khác nhau mà thôi, vì vậy phương thức biểu đạt cũng khác nhau, nên phương Tây gọi nó là Triết học. Điều mà Socrates thực sự lưu lại, chính là bộ Tinh thần trợ sản pháp (Tạm dịch: “Phương pháp bà đỡ tinh thần”), đây là phương pháp tu luyện thực sự của Triết học phương Tây, là con đường cho sinh mệnh hồi thăng.
Mẹ của Socrates là một bà đỡ, giúp người ta sinh nở. Socrates thông qua phương pháp đặc thù của mình, dẫn dắt, giúp đỡ người ta sản sinh ra tư tưởng đúng đắn, để nhận thức chân lý, nên ông gọi đó là “phương pháp bà đỡ tinh thần”.
Khi Socrates trò chuyện, tranh luận, thảo luận với người khác, ông không giống như những người được gọi là trí giả thời đó, họ tự xưng mình có tri thức uyên thâm, có trí tuệ, mà ông tự nói mình không biết gì cả, không hiểu bất kỳ vấn đề gì, đành đưa ra vấn đề để thỉnh giáo người khác. Nhưng khi người khác trả lời vấn đề của ông, đối với đáp án của họ Socrates tiến hành truy vấn từng bước, hỏi vặn lại, làm cho kết luận mà đối phương đưa ra trước sau tự mâu thuẫn với nhau, từ đó làm đối phương thấy rõ sai lầm về nhận thức của mình mà vứt bỏ được nhận thức sai lầm đó. Cuối cùng Socrates thông qua không ngừng gợi mở, dẫn dắt, làm người ta nói ra được quan điểm chính xác của mình, đạt tới chân lý vĩnh hằng bất biến, vĩnh viễn chính xác. Nhưng Socrates lại nói rằng quan điểm chính xác cuối cùng này không phải là của ông, mà nó vốn đã có sẵn ở trong tâm linh của đối phương, ông chỉ là người thông qua cách thức nêu câu hỏi để giúp đỡ đối phương tìm được quan điểm rõ ràng đúng đắn mà thôi. Cho nên Socrates gọi phương pháp gợi mở người khác biết chân lý của mình là “phương pháp bà đỡ tinh thần”. Đây thực ra chính là phương pháp tu luyện Đạo gia của Tây phương, mời độc giả cùng xem dẫn giải dưới đây.
Phương pháp bà đỡ tinh thần có một tiền đề cần thiết, chính là nhất định phải đặt mình vào vị trí vô tri, phải biết rõ sự vô tri của mình.
Điều này có nội hàm rất lớn. Người bình thường cho rằng Socrates tự cho mình là vô tri, chỉ là sự khiêm tốn, thậm chí cho là thủ đoạn ngụy biện giả dối giảo hoạt, kỳ thực thế nhân cơ bản là không hiểu được nội hàm thực sự đằng sau, không lý giải được trí huệ của Thánh nhân.
Trong bài “Đại Đạo trị quốc (7): Đạo gia trị quốc” ở phần trước, chúng ta đã nói về tư tưởng trị quốc của Đạo gia. Trí tuệ, nhận thức của nhân loại đều nằm trong cơ chế tương sinh tương khắc mà sinh ra, hai mặt chính phản đồng thời sinh ra. Có Thiện thì đồng thời có Ác, có thành tín thì đồng thời cũng có dối trá, có trên thì có dưới… nếu không thì không thể sản sinh. Nếu muốn loại bỏ tất cả những nhân tố phụ diện, làm xã hội quay về trạng thái hài hòa hoàn mỹ, thì nhất định phải vứt bỏ những trí tuệ, nhận thức hậu thiên do con người tạo ra trong tương sinh tương khắc, quay về trong Đạo, đây là con đường trị quốc của Đạo gia.
Tại sao trong Kinh Thánh nói, ma quỷ hóa thân thành rắn, dụ dỗ Eva ăn trái cấm trên cây trí tuệ, Adam và Eva sau khi sinh ra trí tuệ phân biệt Thiện Ác, Thượng Đế đuổi họ ra khỏi vườn địa đàng?
Adam và Eva là tổ tiên của người da trắng do Thiên Chúa tạo ra, ban đầu sống vô ưu vô lự trong vườn Địa Đàng, không có thống khổ, tự do tự tại, hạnh phúc vui vẻ vô cùng, đây kỳ thực là trạng thái sinh hoạt hài hòa nhất của nhân loại ở thời kỳ sớm nhất thuận theo bản tính mà làm và vô vi nhi trị ở trong Đạo. Khi ma quỷ dẫn dụ Eva, Eva xúi giục Adam ăn vụng quả trí tuệ xong, họ hình thành nên “trí tuệ” của con người, có khả năng phân biệt Thiện Ác. Trước khi ăn trái cấm, họ không biết đến Thiện Ác, bởi vì lúc đó họ ở trong trạng thái tiên thiên thuần chân vô tà, ở trong Đạo, thời thời đều theo bản tính mà làm ở trong Đạo, không có Ác, do vậy không biết có Thiện, bản tính là chí Thiện. Lúc này, Thiện loại trừ tất cả những nhân tố Ác, ẩn trong Đạo mà vô danh, Ác không có chỗ sinh, nên thành cái Thiện vô danh, chí Thiện. Do vậy lúc đó bản tính của họ là chí Thiện mà không biết đến Thiện Ác, thuần chân vô tà và không bị ô nhiễm.
Khi ăn quả trí tuệ, sản sinh ra trí tuệ con người, đã biết nhận thức Thiện, Ác, tâm linh của Adam và Eva bị sa đọa, bị ô nhiễm, họ không thể quay về trạng thái tiên thiên thuần chân, đã ly khai Đại Đạo, trạng thái hài hòa hạnh phúc nhất ban đầu đã bị phá vỡ, họ không còn xứng đáng sống trong vườn Địa Đàng thuần khiết mỹ hảo nữa, cho nên Thượng Đế đành phải đuổi họ ra khỏi vườn Địa Đàng, đẩy họ xuống sống ở mặt đất với môi trường ác liệt, đợi họ ở đó tẩy tịnh tâm linh, lại lần nữa quay về trong Đạo, để họ quay về với đất nước hạnh phúc mỹ hảo của Thần. Kỳ thực đây cũng là hình ảnh thu nhỏ quá trình phát triển của Đạo trị quốc.
Phàm là chính Pháp, chính Đạo, thì mục đích của nó đều giống nhau, đường đi có khác nhưng cùng về một đích, Thánh nhân Socrates lưu lại cho nhân loại “Phương pháp bà đỡ tinh thần” cũng là đạo lý như vậy. Ông để cho người ta nhận rõ sự vô tri của bản thân, đặt mình vào vị trí vô tri, kỳ thực là để người ta vứt bỏ đi các loại trí tuệ, nhận thức được sinh ra từ trong sự tương sinh tương khắc, trong quá trình sa đọa hậu thiên của nhân loại. Bởi vì trí tuệ của con người không phải là chân lý, mà nó được sinh ra sau khi sinh mệnh bị ô nhiễm, bị hãm nhập vào tương sinh tương khắc mà sinh ra, là thứ không hoàn mỹ, trái lại làm cho nhân tâm trở thành phức tạp, khởi tác dụng ngăn cản, cản trở nhân loại quay về trạng thái thuần chân của tiên thiên, cản trở nhân loại nhận thức chân lý, quay về với Đại Đạo, khiến nhân loại không thể nào trở lại trạng thái hạnh phúc và hài hòa nhất. Do vậy vứt bỏ trí tuệ và nhận thức hình thành hậu thiên của nhân loại, là tiền đề để nhân loại nhận thức chân lý, quay về Đại Đạo.
Triết học phương Tây cũng đã luôn nghiên cứu cái lý tương sinh tương khắc, ví dụ: cái gọi là sự thống nhất và đối lập trong phép biện chứng cũng là một chủng luận thuật của tương sinh tương khắc. Socrates cũng nhiều lần giảng về cái lý tương sinh tương khắc, ví dụ trong tác phẩm ghi chép đối thoại “Phaedo” của Plato đã ghi lại lời đàm thoại liên quan đến Socrates: “Này các bằng hữu, cái sự Vui Vẻ này sao mà kỳ lạ, nó có liên kết với mặt đối lập của nó – Thống Khổ theo cách mà người ta không tưởng tượng được, hai loại cảm giác này tuyệt đối không thể đến cùng nhau trên một người, nhưng nếu một người muốn truy cầu một trong hai thứ đó, thì vô tình lại nhận được thứ phản diện với nó, cứ như là hai thứ đó liên kết làm một vậy… chúng ta hãy xem xem có phải tất cả những thứ đó đều do mặt đối lập của chúng mà sinh ra? Bởi vì chúng đều có mặt đối lập tương ứng, ví như Thiện và Ác, công chính và không công chính, các loại sự vật đối lập đó nhiều không kể xiết”.
Điều này cũng giống như những gì Lão Tử giảng về tương sinh tương khắc, chỉ là biểu đạt khác nhau. Vậy nên muốn nhận biết được chân lý Đại Đạo chân chính, thì phải vứt bỏ tất cả trí tuệ, nhận thức hậu thiên của nhân loại được sinh ra trong lý tương sinh tương khắc, phá trừ hết tất cả những chướng ngại đó. Do đó tiền đề của “phương pháp bà đỡ tinh thần” của Socrates là phải nhận rõ sự vô tri của mình, vứt bỏ hết trí tuệ và nhận thức hình thành hậu thiên của con người. Vì vậy sự vô tri này kỳ thực là chỉ sự buông bỏ trí tuệ và nhận thức hậu thiên của nhân loại, chứ không phải là không biết gì cả. Chỉ khi nhảy thoát ra khỏi tương sinh tương khắc mới quay về được Đại Đạo, vứt bỏ nhận thức của con người thì mới có thể biết được chân lý thực sự, đây chính là Đại Trí Huệ thực sự. Cho nên Thần khải thị cho thế nhân rằng: Socrates, người tự cho rằng bản thân mình là vô tri, là người có trí huệ nhất thế gian.
Chẳng nhẽ chỉ cần nhận rõ sự vô tri của mình thì có thể đạt được chân lý Đại Đạo? Khẳng định là không phải, đây chỉ là tiền đề cơ bản thôi. Chúng ta hãy luận giải phần mấu chốt của phương pháp bà đỡ tinh thần của Socrates: đầu tiên ông đặt mình ở vị trí vô tri, xin lời khuyên từ người khác. Khi người khác trả lời vấn đề của ông, Socrates từng bước tiến hành truy hỏi và phản vấn về câu trả lời của người khác, làm cho kết luận của đối phương tự mâu thuẫn, lộ rõ chỗ thiếu sót, từ đó làm đối phương nhận rõ chỗ sai của mình mà vứt bỏ được nhận thức sai lầm. Cuối cùng Socrates lại thông qua khai mở không ngừng, dẫn dắt người ta nói ra được quan điểm chính xác cuối cùng, từ đó mà đắc được chân lý vĩnh hằng bất biến, hoàn mỹ vô lậu.
Như đã nói ở trên, trí tuệ của con người được sinh ra hậu thiên trong tương sinh tương khắc, cho nên không thể hoàn mỹ bất phá, là hữu lậu (có thiếu sót). Bởi vì tương sinh tương khắc bản thân nó là chỗ thiếu sót rất lớn, cho nên trí tuệ sinh ra trong tương sinh tương sinh tương khắc, không thể hoàn mỹ vô lậu, không thể là chân lý. Trong những bài trước, chúng ta đã luận giải rồi, tương sinh tương khắc kỳ thực chính là những dao động lệch khỏi vị trí cân bằng, xa rời Đại Đạo (Chân Lý), vị trí cân bằng của nó mới là Chân Lý Đại Đạo, hoàn mỹ vô lậu, vĩnh hằng bất biến, còn tương sinh tương khắc là dao động sau khi lệch khỏi chân lý của Đạo, bản thân nó đã là sơ hở. Chỉ là nhân loại đều ở trong tương sinh tương khắc mà nước chảy bèo trôi, dao động theo, cho nên ai cũng không nhận ra được chỗ thiếu sót này, cái này gọi là đại tượng vô hình (hình tượng cực lớn thì trông không thấy).
Trí tuệ con người là sản vật của tương sinh tương khắc, do vậy nên trí tuệ của phàm nhân đều có thiếu sót. Thánh nhân Đại Đạo Socrates vứt bỏ trí tuệ và nhận thức hậu thiên của nhân loại, nhảy thoát khỏi tương sinh tương khắc, đứng trong tầng chân lý Đại Đạo, có thể nhìn thấu suốt tất cả chỗ thiếu sót của trí tuệ nhân loại, cho nên ông mới có thể thông qua phương thức truy vấn, vặn hỏi, làm cho kết luận của người khác tự mâu thuẫn mà lộ ra chỗ thiếu sót, từ đó khiến người ta nhận rõ chỗ sai lầm và vô lý của mình, không ngừng cải chính lại nhận thức của bản thân. Cuối cùng ông thông qua từng bước dẫn dắt, làm cho tư duy người ta phát triển, quy chính hướng về chân lý, đạt đến chân lý tối hậu, cho đến đạt được kết luận hoàn mỹ vô lậu, vĩnh hằng chính xác. Quá trình này chính là quá trình khiến người ta không ngừng buông bỏ, quy chính các nhận thức và quan niệm sai lầm được hình thành hậu thiên, cuối cùng khiến người ta nhận thức được chân lý, quay về Đại Đạo. Quá trình này cũng chính là quá trình sinh mệnh hồi thăng, phản bổn quy chân, nên mới nói: Socrates lưu lại “phương pháp bà đỡ tinh thần”, kỳ thực chính là phương pháp tu luyện của Triết học phương Tây, Triết học phương Tây kỳ thực chính là pháp môn tu luyện Đạo gia của phương Tây. Đạo gia khi ở tầng thứ thấp thì dùng để trị quốc, tu luyện lên tầng thứ cao thì có thể khiến sinh mệnh hồi thăng, tu luyện thành Thần, Triết học phương Tây cũng là như vậy.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/263224
Ngày đăng: 18-03-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org