Ngẫm lại chuyện xưa: Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp. (Ảnh: Miền công cộng)
Những người thực sự có trí tuệ lớn, hầu hết đều khiêm tốn, không chạy theo danh vọng, thậm chí có vẻ như hơi ngốc nghếch, nhưng thực ra họ thông minh hơn bất kỳ ai. Đây chính là điều chúng ta thường gọi là ‘đại trí nhược ngu’. Ẩn sau vẻ ‘nhược ngu’ của họ là đại trí tuệ. Môn đồ của Khổng Tử, Nhan Hồi, chính là một người như vậy.
Trong Luận Ngữ, chương ‘Vi Chính’, Khổng Tử nói: “Ngô dữ Hồi ngôn chung nhật, bất vi như ngu. Thoái nhi tỉnh kỳ tư, diệc túc dĩ phát, Hồi dã bất ngu!”, ý nghĩa là: Ta suốt ngày giảng dạy cho Nhan Hồi, nhưng anh ta không hề đưa ý kiến khác biệt hay nghi vấn, như một kẻ ngu si. Nhưng khi anh ta rời đi, và ta xem xét những lời nói của anh ta, ta nhận ra rằng Nhan Hồi thực sự đã thực hiện và phát huy những lời dạy của ta. Có thể thấy Nhan Hồi thực sự không phải là kẻ ngu!
Trong tác phẩm Thân Ngâm Ngữ, của đại tác gia thời Minh là Lữ Khôn viết: “Ngu giả nhân tiếu chi, thông minh giả nhân nghi chi. Thông minh nhi ngu, kỳ đại trí dã”, ý nghĩa là: Kẻ ngu thì người ta cười nhạo, người thông minh thì người ta nghi ngờ. Thông minh mà lại trông có vẻ ngu, đó mới chính là đại trí.
Những người ‘đại trí nhược ngu’, trông có vẻ không quan tâm đến bất cứ điều gì, có vẻ như không bận lòng với thế sự. Họ giống như:
Cất nhà trong cảnh nhân gian
Ngựa xe chẳng vướng bụi trần vào đây
Hỏi ông sao được như vầy?
Tâm hồn cao viễn, đất này hẹp thôi
Rào đông hái cúc chiều nay
Xa trông thấy núi Nam ngay trước nhà
Đẹp thay sắc núi chiều tà
Đàn chim về tổ la đà cánh bay
Bao chân ý – cảnh sắc này
Muốn tìm ngôn ngữ giãi bày, lại quên.
(Ẩm tửu kỳ ngũ – Đào Tiềm – bản dịch Nguyễn Thị Bích Hải)
Họ có thể sống giữa lòng thành phố náo nhiệt mà vẫn giữ tâm bình lặng như gương. Thậm chí khi ở chốn quan trường, mà vẫn có thể dùng tinh thần xuất thế mà làm những việc nhập thế, những công danh lợi lộc của thế gian, họ có thể nắm lấy nhưng cũng có thể buông bỏ.
Đánh giá của Khổng Tử về Ninh Vũ Tử trong ‘Luận Ngữ – Công Dã Tràng’: “Ninh Vũ Tử, bang hữu đạo tắc trí, bang vô đạo tắc ngu. Kỳ trí khả cập dã, kỳ ngu bất khả cập dã”, nghĩa là: Con người của Ninh Vũ Tử, khi đất nước được cai trị tốt (có đạo lý), ông thể hiện sự thông minh. Tuy nhiên, khi đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn (vô đạo), ông lại chọn cách giả vờ ngu ngốc. Kiểu thông minh đó của ông, người khác có thể bắt chước. Nhưng kiểu giả ngốc đó của ông, người khác muốn học cũng không học được.
Rõ ràng, Ninh Vũ Tử cũng rất hiểu được lẽ ‘đại trí nhược ngu’. Khi tình hình chuyển biến tốt, có lợi cho bản thân, ông ấy sẽ phát huy trọn vẹn sự thông minh và trí tuệ của mình, cố gắng hết mình để phục vụ đất nước. Nhưng khi tình hình xấu đi, đạo đức quốc gia suy đồi, để bảo toàn bản thân, ông ấy sẽ lui về sống ẩn dật trong núi rừng, hoặc giả vờ ngu dốt ở mọi nơi, để tự bảo vệ mình và chờ đợi thời cơ.
Những người ‘đại trí nhược ngu’ hiểu được lẽ ‘lui để tiến, dùng nhu để khắc cương’. Họ hiểu sâu sắc rằng, dao mài quá sắc bén sẽ dễ bị cụp lưỡi và mất tác dụng. Làm việc quá mạnh mẽ, thường sẽ trái với mong muốn của mình.
Những người đại trí huệ, không bao giờ biểu lộ mình một cách mãnh liệt, hùng hổ, cũng không bao giờ cố ý hiển thị sức mạnh của mình. Thay vào đó, họ ẩn chứa đầy đủ sự linh hoạt trong vẻ mềm mại. Người biết để lại cho bản thân một dư địa chính là người có nhiều cơ hội thành công nhất. Trái lại, những người cứng đầu, đơn giản, thích dùi vào sừng bò, thường gặp trắc trở ở mọi nơi, và sẽ mãi là những người thất bại.
William Henry Harrison, Tổng thống thứ 9 của Hoa Kỳ, sinh ra tại một thị trấn nhỏ. Khi đó, ông là một đứa trẻ sống nội tâm, mọi người đều cho rằng ông là kẻ ngốc nghếch và thường xuyên trêu chọc ông. Họ thường ném một đồng năm xu và một hào xuống trước mặt ông và bảo ông chọn một đồng bất kỳ. William luôn chọn đồng năm xu. Vì vậy, mọi người đều chế giễu ông.
Một ngày nọ, một phụ nữ nhìn thấy thế, không thể nhịn nổi, bèn nói với ông: “William, chẳng lẽ cháu không biết một hào có giá trị hơn năm xu ư?”
William chậm rãi nói: “Đương nhiên là cháu biết. Tuy nhiên, nếu cháu nhặt đồng 1 hào, thì sẽ không còn ai ném đồng xu xuống trước mặt cháu để cháu chọn nữa, và đến 5 xu cháu cũng sẽ không kiếm được”.
Trong cuộc sống, ai cũng mơ ước thành công vang dội, danh tiếng lẫy lừng, vì vậy họ không thể chịu đựng được sự tịch mịch, luôn thể hiện bản thân một cách sắc sảo, chỉ sợ người khác không biết sự thông minh và kỹ năng nhỏ bé của mình, cố gắng hết sức để trở thành hình mẫu để người khác chú ý. Tuy nhiên, khi lòng hư vinh của bạn không ngừng được thỏa mãn, thì thất bại cũng ngày càng đến gần bạn.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nếu Dương Tu có thể ‘ngu một chút’, liệu có đến nỗi bị xử tử không? Tư Mã Ý ‘hồ đồ’ một chút, thì chẳng phải Gia Cát Lượng trong tòa thành trống đó chỉ còn cách khoanh tay ngồi chờ chết đó sao?
Người trí tuệ, tâm thái bình hòa, gặp nguy mà không loạn, trong sủng nhục không kinh sợ. Khi xử thế, kín đáo không lộ diện, ẩn mà không hiển lộ, bình tĩnh thong dong. Đúng như đại văn hào Tô Thức từng nói: ‘Đại dũng nhược khiếp, đại trí nhược ngu’ (người dũng mạnh thường có vẻ ngoài như khiếp sợ, người đại trí thường có vẻ ngoài như ngu đần).
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch
NTD Việt Nam