Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Trinh Quán năm thứ 13, tấu chương của Ngụy Trưng chỉ ra 10 biểu hiện cụ thể mà Thái Tông chưa thể thận chung, chúng tôi chọn đoạn thứ nhất, đoạn thứ ba và đoạn thứ năm của bản tấu, đây là những điều mà người bình thường đọc còn cảm thấy giật mình sửng sốt, không nói đến đế vương tôn quý, cho dù là thường dân, nếu không có tu dưỡng và lượng bao dung nhất định thì về cơ bản không cách nào tiếp thụ được. Nhưng Thái Tông lại có thể bình tĩnh tiếp thụ, còn ban thưởng cho can gián đó, biểu đạt sự cảm ơn đối với Ngụy Trưng, khiến cho người ta không khỏi kính phục. Trước tiên chúng ta hãy xem lời can gián của Ngụy Trưng như thế nào.
Điều bất thận chung thứ nhất
Đại ý: Những năm đầu Trinh Quán, bệ hạ thực hành đức chính vô vi vô dục, giáo hóa trong sáng yên lành với nhân dân, thậm chí ban ân trạch đến cả những nơi hoang sơ xa xôi, họ cũng được cảm hóa bởi phong khí trong sáng yên lành này. Nhưng hôm nay xem ra phong khí này đang dần dần biến mất, nghe lời của bệ hạ xem ra đã anh minh hơn các bậc minh quân thời cổ, nhưng hành vi của bệ hạ thì vẫn chưa thể vượt qua các quân vương thông thường. Vì sao nói như vậy? Hán Văn Đế, Tấn Vũ Đế đều không phải là đế vương anh mình thời cổ, nhưng Hán Văn Đế đã cự tuyệt thiên lý mã do người khác tiến cống, Tấn Vũ Đế vì muốn quốc gia không lưu hành trang phục kì dị mà đốt áo làm bằng lông chim trĩ do đại thần dâng lên. Nay bệ hạ lại phái người đi nghìn dặm tìm tuấn mã, đến nơi xa xôi tìm kỳ trân dị bảo (đồ vật quý lạ). Những hành vi này bị bách tính trách móc, những dân tộc thiểu số như Rong và Di coi thường. Đây là triều đình không thể khắc chế dục vọng, là biểu hiện thứ nhất của việc không thể thận chung.
Giải thích: Đoạn này là cảnh báo Thái Tông đang bắt đầu vô ý phóng túng dục vọng, lệch khỏi đức chính vô vi vô dục thủa đầu, đã bắt đầu truy cầu kỳ trân dị bảo, đã bị bách tính phát giác chỉ trích, cũng khiến cho những dân tộc thiểu số xa xôi coi thường. Nếu tiếp tục như thế, hành vi của hoàng đế sẽ thất đức, tất nhiên bị người trong nước oán trách và các dân tộc xung quanh khinh thường, nếu nhân cách bất chính sẽ không được người trong thiên hạ kính phục, không thể tiếp tục cảm hóa nhân tâm, như thế cảnh thái bình thịnh thế của đất nước làm sao bảo tồn lâu dài, đó đương nhiên chính là biểu hiện của việc không thể khắc chế dục vọng, không thể kiên trì đức chính, không thể làm đến có thủy có chung.
Cụ thể Ngụy Trưng chỉ ra biểu hiện đầu tiên, đây cũng là cốt lõi của vấn đề, là nhắm trực tiếp vào nhân phẩm, ông phê bình việc Thái Tông nói về đạo lý của đức chính cao minh hơn các vị thánh vương cổ đại nhưng lại không đưa vào thực tiễn, ý tứ là chỉ ra việc Thái Tông “bệ hạ hôm nay chỉ nói những lời tốt đẹp, nhưng thực tế lại không làm, làm được cũng không bằng những vị đế vương bình thường thông thường”, lời nói thẳng thắn và rõ ràng, không che đậy. Ông trực tiếp chỉ rõ ra thực chất của vấn đề, để Thái Tông nhanh chóng quay lại với cử chỉ ngôn hành của những năm đầu Trinh Quán, chớ có yêu thích kỳ trân dị bảo.
Điều bất thận chung thứ ba
Đại ý: Những năm đầu Trinh Quán, bệ hạ cắt bỏ lợi ích của bản thân để đáp ứng nhu cầu của người khác. Mà hôm nay, bệ hạ phóng túng dục vọng của mình lấy đó để dân vất vả, nếp sống khiêm tốn tiết kiệm đang dần dần mất dần theo năm tháng, mà những thói quen xấu như kiêu căng xa xỉ lại ngày một gia tăng. Tuy miệng luôn nói chiếu cố lão bách tính, nhưng thực tế những việc hưởng lạc của bệ hạ lại thể hiện ra cấp thiết hơn. Có lúc, bệ hạ muốn xây dựng cung điện, lại lo lắng có người muốn can ngăn, nên nói: “Nếu như không tu sửa cung điện, cuộc sống của trẫm sẽ không thuận tiện”. Chiểu theo nghĩa quân thần, thì thần tử sao có thể lại can nữa? Những lời này của bệ hạ là để ngăn cản những lời can gián, còn có thể nói tới việc chọn ý kiến hay, điều tốt mà làm theo sao? Đây chính là triều đình đã dần không thể kiềm chế những tư dục của mình, và là biểu hiện thứ ba của việc không thể thận chung.
Giải thích: Đoạn này vẫn nói về việc Thái Tông dần dần phóng túng bản thân, đang dần dần trở nên truy cầu hưởng lạc ham muốn vật chất và tư dục, chú trọng việc hưởng thụ cá nhân hơn là lo lắng cho bách tính, nhưng vì đặt trọng điểm vào thỏa mãn dục vọng hưởng thụ của cá nhân, nên đã bắt đầu tránh né và ngăn chặn những lời khuyên can của các đại thần, không giống với lúc ban sơ nguyện ý nghe những lời can gián của các trung thần (đã không thể chọn những lời nói tốt mà nghe). Phóng túng dục vọng bản thân, lại không nghe lời khuyến cáo, có thể thấy đây chính là biểu hiện của việc không thể thận chung. Điều này được liệt vào vị trí thứ ba.
Điều bất thận chung thứ năm
Đại ý: Sách Thượng thư viết: “Đừng làm những việc vô ích để ảnh hưởng đến những việc có ích, như vậy sự nghiệp lớn mới có thể thành công; đừng để kỳ trân dị bảo làm mê hoặc tâm linh mọi người, nếu không sẽ khiến họ coi thường những vật hàng ngày, có như vậy lão bách tính mới được no đủ. Chó ngựa không phải giống vật bản địa thì không nuôi dưỡng, các loài chim quý thú lạ không được nuôi dưỡng và buôn bán trong nước, vì thế chẳng nên truy cầu chúng mà đi làm những sự việc vô ích”. Những năm đầu Trinh Quán, bệ hạ lúc nào cũng ghi nhớ noi theo các bậc thánh vương cổ đại như Nghiêu đế, Thuấn đế, từ bỏ kim tiền châu báu, phản hồi về đức tính thuần phác chân thực (phản phác quy chân). Nhưng những năm gần đây, lòng hiếu kỳ càng ngày càng trỗi dậy, yêu thích các loại bảo vật quý lạ ở Trung Nguyên hiếm thấy, không ngừng vận chuyển từ các nước xa xôi đến đây. Hoàng thượng thân ở vị trí cao nhất, mà bản thân lại ham mê những sản phẩm xa xỉ, nhưng lại mong lê dân bách tính ở dưới bảo trì phong tục thuần phác tiết kiệm, sự việc như thế trong lịch sử từ xưa đến nay chưa từng có. Triều đình không tạo phúc cho dân, lại mong muốn quốc phú dân cường, điều này hiển nhiên không thể làm được. Đây là biểu hiện thứ năm của việc triều đình không thể yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân để làm được thận chung.
Giải thích: Ở đoạn này, vẫn đang nói về việc Thái Tông rời xa đức hạnh ban đầu, dần hướng đến yêu quý kỳ trân dị bảo, đọc đoạn này tựa như nội dung trùng lặp, nhưng trên thực tế đây là một bản tổng kết nhỏ về việc Thái Tông không thể tuân thủ theo đức chính đối với phương diện hưởng lạc vật dục. Đoạn này nhắc nhở Thái Tông rằng, những hành vi này đã đang dần dần rời xa đạo làm vương của các bậc thánh vương Nghiêu Thuấn thời cổ đại, lấy lời dạy trong sách Thượng thư làm cơ sở, để thuyết phục Thái Tông không nên truy cầu kỳ trân dị bảo. Bởi vì hoàng đế là tấm gương của vạn dân, thượng bất chính, hạ tất loạn, đó chính là trên làm dưới theo, là điều đặc biệt đáng sợ, do đó phải đối đãi thận trọng. Phong tục tập quán của người dân như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào lời nói và hành vi của người đứng đầu. Thượng thư giảng về đạo lý đế vương làm người và trị quốc như thế nào, nếu truy cầu vật dục thì sẽ nhọc sức dân và tổn hại tài vật, nhọc công vô ích, tổn hại quốc thể, như vậy làm sao có thể thực hiện những kế hoạch to lớn vĩ đại của hoàng đế đây?
Bình luận chung
Tại sao Ngụy Trưng đứng từ các góc độ khác nhau mà nói về cùng một biểu hiện, mà hết lời khuyên gián Thái Tông? Đó chính là ông nhìn thấy được điều cốt yếu căn bản quan trọng nhất trong việc trị quốc của đế vương, cũng chính là việc tu thân của hoàng đế, hoàng đế nếu thanh cao thần dân tất nhiên sẽ học theo, ngược lại hoàng đế nếu thất đức, phóng túng, nếp sống của người dân cũng theo đó mà trượt xuống, nhân tâm bại hoại, quốc gia tất sẽ hỗn loạn, dựa vào pháp luật là không thể duy trì nền thái bình lâu dài, quan lại cũng theo trào lưu đó mà hủ bại, bách tính tất nhiên phải chịu khổ không thể kêu than, hỗn loạn cũng theo đó sinh ra, như vậy làm sao có được ổn định và phồn vinh. Điều này vô cùng nguy hiểm. Ngụy Trưng nhìn thấy được hậu quả, vì thế, nhiều lần khuyên Thái Tông phải nhận thức được biểu hiện bất chính của bản thân, nhanh chóng cải chính, khôi phục đức hạnh thuần phác tiết kiệm, cần chính yêu dân của thủa đầu, khôi phục đức tính khiêm nhường thích nghe những ý kiến tốt lời khuyên hay. Chỉ có như vậy, mới có thể thực hiện được hồng nguyện to lớn đưa Đường triều trở thành điển hình mẫu mực cho hậu thế, thực hiện được chí nguyện của đế vương. Mặc dù lời nói của Ngụy Trưng có vẻ như không nể nang gì, nhưng thực chất là thực sự nghĩ cho Thái Tông, đây mới là trung thần đích thực.
Việc đề phòng phóng túng xa xỉ, liệt kê những biểu hiện này, và đặt lên vị trí trước tiên, là liên quan chặt chẽ với nội dung chính của đoạn mở đầu trong tấu chương của Ngụy Trưng đã được đề cập bài trước (“Thần quan sát các đời hoàng đế của các triều đại trong lịch sử đều là phụng thiên thừa vận (phụng mệnh trời, thuận theo vận), sau khi sáng lập cơ nghiệp, tất cả họ đều hy vọng sẽ kéo dài đế nghiệp cho đến thiên thu vạn đại, cho nên họ đều chiểu theo vô vi nhi trị, lấy đức trị thiên hạ. Họ nói về đạo làm người, tất nhiên phải đặt thật thà chất phác lên hàng đầu, cần loại bỏ các tệ nạn phù phiếm xa hoa của con người; chọn quan luận dân, thì trọng dụng trung thần lương tướng, loại bỏ kẻ gian nịnh tiểu nhân; về chế độ phép tắc chính trị, họ đoạn tuyệt xa xỉ tôn sùng cần kiệm; về sản vật, họ coi trọng các loại ngũ cốc, coi thường kỳ trân dị bảo”)
Vô luận là về đạo lý làm người, tuyển chọn quan chức, hay là chế độ pháp luật, sản xuất vật chất, thì đều cần giữ gìn thuần phác tiết kiệm, khắc chế dục vọng xa xỉ, không trọng kỳ trân bảo vật, thì đương nhiên sẽ tự rời xa gian thần tiểu nhân. Vì vậy, nội dung cụ thể trong tấu chương của Ngụy Trưng, cũng không ngoại lệ, toàn bộ xoay quanh việc đế vương coi trọng đức hạnh như thế nào, mở rộng xung quanh chủ đề chính của đoạn mở đầu. Chúng ta chỉ cần chỉ ra mấy đoạn thoại này đã thấy được tâm ý của Ngụy Trưng. Những những lời can gián về việc dùng người và chế độ chính trị, chúng tôi sẽ thảo luận nhiều ở đây. Phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem sự độ lượng đáng kinh ngạc của Thái Tông sau khi đọc bản tấu chương của Ngụy Trưng.
ChanhKien.org