Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Thông qua bài văn trước, chúng ta đã được xem tấu chương của Ngụy Trưng can gián Thái Tông, ngôn từ quả là táo bạo thẳng thắn, vào lúc Thái Tông đạt được thời thịnh thế vinh quang trước đây chưa từng có, bản tấu chương như một gậy cảnh tỉnh Thái Tông, đã liệt kê ra 10 hành vi nguy hại đạo đức. Điều khiến cho mọi người vô cùng kinh ngạc là, Ngụy Trưng vì sao lại có thể dũng cảm như vậy? Ngay cả người hiện đại khi đối đãi với bạn bè cũng còn suy trước nghĩ sau cơ mà. Về điều này, chỉ cần xem phản ứng của Thái Tông thì chúng ta sẽ tự nhiên đại ngộ.
Thái Tông dán tấu chương lên bình phong để sớm chiều cung kính nhìn, xem
Đại ý: Đọc xong tấu chương của Ngụy Trưng, Đường Thái Tông nói: “Bề tôi thờ vua, thuận theo ý chỉ thì dễ, nhưng ngược lại tâm ý với ý chỉ của quân vương thì rất khó. Khanh là quan giám sát phò trợ trẫm, có thể thường xuyên nhắc nhở và can gián ta, điều này xác thực rất đáng trân quý. Trẫm nay đã biết bản thân quá sai, nhất định phải quy chính, chính sự quốc gia cần phải thiện thủy thiện chung. Nếu làm trái với lời ấy, trẫm làm sao đối mặt với khanh được? Sao có thể quản lý thiên hạ cho trật tự nề nếp được đây? Ta sau khi đọc được tấu chương của khanh, đọc đi đọc lại và suy ngẫm, cảm nhận sâu sắc rằng mặc dù ý kiến của khanh rất kịch liệt nhưng đạo lý rất thẳng thắn, cho nên ta dán nó lên tấm bình phong, để sớm tối đều có thể cung kính nhìn, xem mà tự khắc chế, tiếp nhận khuyên giải và giáo huấn của khanh. Ta lại cho sư quan chép lại, hy vọng nghìn năm sau, mọi người đều có thể biết tình nghĩa giữa quân thần của chúng ta lúc này”. Sau đó, Đường Thái Tông ban thưởng cho Ngụy Trưng 10 cân vàng, hai con ngựa tốt.
Giải thích: Cảnh giới của thánh vương
Đối diện với 10 điều xấu do thần tử liệt kê, câu nói đầu tiên của Thái Tông, hoàn toàn ngoài dự liệu của mọi người, lại là: “Bề tôi thờ vua, thuận theo ý chỉ thì dễ, nhưng ngược lại tâm ý với ý chỉ của quân vương thì rất khó”. Thái Tông không những không tức giận, mà ngược lại, phân biệt được trung gian rất phân minh, quả là vô cùng sáng suốt, có thể nói đây chính là vị vua anh minh. Thái Tông rất thông cảm với thần tử, biết rằng dũng khí dám nói của thần tử là khó nhất, là đáng quý nhất. Chỉ có những thần tử thật tâm với mình, chân thành nghĩ cho quốc gia, mới không màng đến tiền đồ và tính mệnh của bản thân, mà mạo hiểm đắc tội với quân chủ để nói ra những lời nói chân thực, vì thế Thái Tông không những không phẫn nộ, mà ngược lại còn vô cùng trân quý.
Tấm lòng độ lượng của Thái Tông vượt xa người thường, mọi người đều biết rằng nhìn thấy cái sai của người khác rất dễ dàng, nhưng chỉ ra cái sai của người khác tất nhiên cần dũng khí, độ khó cũng rất lớn, nhưng có thể tiếp thu chỉ trích phê bình của người khác, vui vẻ đón nhận và sửa chữa là khó phi thường. Huống hồ bản thân bậc đế vương cao quý, đã đạt được rất nhiều thành tựu quả chưa từng có, lại vào lúc mà tâm chí đang đắc ý, bị người khác gõ một cái vào đầu, liệt kê quá nhiều lỗi như vậy, thì không giáng tội đã là quá độ lượng rồi, ngược lại hoàn toàn tiếp thụ, không những tiếp thụ, lại còn dán lên bình phong, không mảy may cảm thấy mất mặt chút nào, hơn nữa lời nói còn rất lễ độ, chứa đựng đầy lòng biết ơn, nói rằng để “cung kính nhìn, xem”, dùng lễ đối với thầy dạy để đối đãi với thần tử của mình. Không chỉ làm được theo lời giáo dạy của Khổng Tử “quân sử thần dĩ lễ”, lễ này đã vượt xa khỏi lễ nghi thông thường giữa quân và thần. Rất tương tự với việc Chu Văn Vương thỉnh giáo Khương Thái Công bằng thái độ cung kính. Thái Tông đối với hiền thần, mười phần kính lễ. Không chỉ như thế, Thái Tông còn mang bài văn viết về đầy những hành vi vô đức của mình, công khai viết vào sử sách, để người đời sau đều có thể thấy được, như một bài cảnh tỉnh cho các hoàng đế tương lai, đây không chỉ là cảnh giới của minh quân, mà đã là phong thái mà chỉ Thánh nhân mới có. Cái tâm nghĩ cho thế hệ tương lai này tuyệt đối không phải người bình thường làm được, vì thế mà Thái Tông được người đời sau gọi là Thánh Vương. Cũng chính vì thế mà lịch sử mới có được văn hóa Trinh Quán tối hoàn mỹ như vậy.
Sự khác nhau giữa quân tử và tiểu nhân không phải ở chỗ có lỗi hay không
Thái Tông là điển hình của đế vương, cũng là điển hình của quân tử, trong sách “Luận Ngữ” có viết: “Tiểu nhân chi quá dã tất văn” (Tiểu nhân làm sai nhất định muốn che đậy); “Quân tử chi quá dã, như nhật nguyệt chi thực yên. Quá dã, nhân giai kiến chi; cánh dã, nhân giai tự chi” (Người quân tử có lỗi thì như nhật thực, nguyệt thực. Có lỗi thì ai cũng thấy, mà khi sửa lỗi thì ai cũng ngưỡng vọng). Sự khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân, không phải ở chỗ có phạm sai lầm hay không, mà là ở chỗ sau khi phạm sai lầm, sẽ đối mặt với sai lầm bằng thái độ và cách làm như thế nào. Kẻ tiểu nhân nghe thấy lỗi của mình, tất nhiên phải che giấu lỗi lầm, nhưng người quân tử phạm lỗi, như nhật nguyệt trên đầu khi tròn khi khuyết, mọi người đều nhìn thấy, và rất nhanh chóng quy chính và sửa đổi, vì thế mà ai ai cũng kính ngưỡng họ.
Hiển nhiên, thái độ và cách Thái Tông xử lý chính sự chính là minh chứng tốt nhất. Thái Tông nghe thấy lỗi thì sửa đổi, hơn nữa khuyết điểm của Thái Tông người người đều biết, không hề che đậy, mà ngược lại còn viết vào sử sách. Vì thế mà nhận được tôn trọng và kính ngưỡng của người đời sau. Bởi vì quân tử không phải sẽ không phạm lỗi, mà then chốt là khi phạm sai lầm rồi có thể sửa đổi, đây là sự khác biệt lớn nhất giữa kẻ tiểu nhân và người quân tử.
Khi con người hôm nay bình luận về người xưa, thông thường sẽ vì cái lỗi nhất thời của người ta mà họ thường phủ định đạo đức cao thượng của người xưa, cho rằng xưa nay chẳng có gì khác biệt, vì thế mà coi sự suy đồi đạo đức là điều bình thường, không lấy làm tủi nhục, đây là kết quả của xuyên tạc giáo dục Nho gia. Khái niệm của cổ nhân đối với người quân tử và kẻ tiểu nhân là mười phần rõ ràng, việc đối đãi với sai lầm là phải biết sai thì sửa, rất thản nhiên. Trong đoạn cuối của “Luận thận chung”, Thái Tông thảo luận về chính trị với Ngụy Trưng, đặc biệt là câu trả lời của Ngụy Trưng đã đưa ra một kết luận minh xác rõ ràng.
Đại ý: Trinh Quán năm thứ 16, Đường Thái Tông nói với Ngụy Trưng: “Ta thấy đế vương cận đại, có người truyền được 10 đời, có người truyền được một hai đời, cũng có người được thiên hạ rồi nhưng lại tự mình đánh mất. Vì thế mà ta thường cảm thấy lo sợ, lúc thì lo chăm sóc bách tính không được toàn vẹn, lúc thì sợ bản thân sinh tâm kiêu ngạo, mừng giận quá độ, mà bản thân lại không thể cảm giác hay quan sát được. Vì thế mà ta hy vọng khanh có thể nhắc nhở ta, nói cho ta đạo lý trong đó, ta sẽ lấy chúng làm chuẩn mực”. Ngụy Trưng nói: “Hỷ nộ tham dục nhân sinh ai cũng có, dù là người hiền kẻ ngu cũng đều như nhau, chỉ là hiền giả có thể khống chế được, không để mọi thứ quá độ, kẻ ngu tùy tiện phóng túng, đến mức không thu sửa. Bệ hạ là thánh đức cao xa, có thể trong lúc an mà lường đến nguy, thực tâm thần hy vọng bệ hạ có thể ức chế dục vọng, thiện thủy thiện chung, thành tựu hoàn mỹ công lao sự nghiệp, tạo phúc cho thiên thu vạn đại”.
Giải thích: Thời cổ đại, các vị hoàng đế mất đức mà dẫn đến sự đoản mệnh và suy bại diệt vong của đất nước, Thái Tông cần phải ghi nhớ sâu sắc giáo huấn này, vì vậy căn dặn Ngụy Trưng rằng nếu nhìn thấy ông làm sai, thì nhất định phải chỉ ra, ông nhất định sẽ chiểu theo chỉ dẫn của thần tử mà quy chính. Ngụy Trưng là một bậc đại nho, ông vô cùng hiểu rõ đối với đạo lý làm người. Ông nói với Thái Tông, ham thích dục vọng, hỷ nộ tình cảm, dù là người hiền hay kẻ ngu ai ai cũng đều có, bậc hiền giả ở thời cổ đại đã được coi làm quân tử, kẻ ngu thì ngược với hiền giả, kỳ thực kẻ ngu để là chỉ chung cho cả tiểu nhân và những người thông thường, cũng chính là nói, những tư dục tư tình này, mặt tự tư và dục vọng này ai ai cũng có, vì thể ông khuyên Thái Tông không nên quá lo lắng, then chốt là chỗ có thể tiết chế hay không, khống chế dục vọng và những tình cảm quá độ, ức chế những mặt xấu này, không để những thứ này phát triển quá độ, có thể không ngừng làm được như thế, chính là hiền giả. Cũng chính là người quân tử. Mà kẻ ngu tiểu nhân, chính là sai biệt ở chỗ này, không biết tiết chế và khắc chế nó, cuối cùng phóng túng đến tự mình hủy diệt bản thân mình.
Lời nói của Ngụy Trưng xuất phát từ “Luận Ngữ”, phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân, chính là có thể lý trí mà đối diện với mặt ác của con người như dục vọng hay không; có thể tiết chế dục vọng và tình cảm hay không; chứ không phải là người quân tử không có tư dục và tình cảm, cũng không phải là khiến người quân tử trở thành người không có dục vọng và tình cảm, nói thẳng ra, cũng cần phải có mức độ, đó chính là học thuyết trung dung mà Khổng Tử dạy. Học giả đời sau đã trộn lẫn yêu cầu cảnh giới buông bỏ hết thảy dục vọng của người tu đạo trong Đạo gia với yêu cầu tiêu chuẩn làm người, điều này không đúng, điều Khổng Tử giảng từ đầu đến cuối đều là đạo lý làm người, rằng cần nắm vững đạo nhân nghĩa của con người, chứ hoàn toàn không yêu cầu người thường phải tuyệt đối buông bỏ dục vọng của con người, chỉ là yêu cầu họ có thể ức chế và thích hợp với nó, không để vì đó mà phạm tội, tổn hại đến người khác là được. Cho nên người xưa nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (trích “Luận Ngữ: Lý Nhân”, tức là người quân tử chỉ có thể theo đường chính đạo mà có được tài sản, quyết không lấy những của phi nghĩa. Khổng Tử nói: “Phú và quý, nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xứ dã”, nghĩa là giàu và sang, người ta ai cũng muốn, nhưng chẳng phải đạo mà được giàu sang thì người quân tử chẳng thèm).
Chúng ta vẫn luôn nhận thức không rõ ràng đối với giáo dục của Nho gia, có khái niệm hỗn loạn, đây là nguyên nhân vì sao bắt đầu từ triều đại nhà Tống có nhiều phe phái tranh luận không ngừng nghỉ, đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến ngày nay Khổng Tử bị xuyên tạc và bóp méo. Nho gia tuyên dương Thiện, chính là bởi vì con người có thiện ác đồng thời tồn tại, nên phải thời thời khắc chế mặt ác của con người, như thế mới có thể nắm chắc phía mặt thiện, không để cho đạo đức trượt dốc, mà hủy đi chính mình. Vì vậy mới cần giáo dục.
Đến đây, về cơ bản đã giải đọc hoàn toàn “Trinh Quán Chính Yếu”, bắt đầu từ chương mở đầu “Luận quân đạo” cho đến chương kết thúc “Luận thận chung”, cốt lõi chỉ có một, chính là Đường Thái Tông đã coi trọng đạo đức như thế nào, tuân phụng theo đạo làm vua như thế nào, và đã kiên trì đạo lý này đến cuối cùng. Những điều đó đã được viết thành sử sách để giáo dục cho người đời sau.
(Hết toàn văn)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252625
Ngày đăng: 25-09-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org