Hình ảnh quét điện tử có màu của tế bào (màu xanh) bị nhiễm rất nhiều hạt COVID-19 (màu tím). Đó chính là virus SARS-CoV-2 được tách ra từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân vào ngày 16 tháng 3 năm 2020. (NIAID)
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số yếu tố trong vaccine COVID-19 có thể khiến bệnh nhân ung thư có nguy cơ bị di căn hoặc tiến triển nặng hơn.
Theo một phân tích được bình duyệt gần đây, vaccine COVID-19 có thể kích hoạt những thay đổi di truyền ở bệnh nhân ung thư, góp phần làm bệnh nặng thêm.
Bài đánh giá được công bố trên tạp chí y khoa Cureus vào ngày 17 tháng 12 đã xem xét mối liên quan giữa vaccine COVID-19 và bệnh ung thư. Dựa trên việc tổng hợp nhiều nghiên cứu, các tác giả kết luận rằng một số loại vaccine COVID-19 nhất định có thể tạo ra môi trường thúc đẩy một số bệnh nhân ung thư, bao gồm cả những người đã từng chiến thắng ung thư, “di căn, tái phát và/hoặc di chuyển sang các cơ quan khác”.
Kết luận này dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là “giả thuyết đa tác động” về ung thư, cho rằng ung thư là hậu quả của nhiều đột biến gen.
Thứ hai là “bằng chứng ngày càng gia tăng và báo cáo về tác dụng phụ” trong Hệ thống Báo cáo Tác dụng Phụ sau Tiêm Chủng (VAERS), cho thấy một số bệnh nhân ung thư tiêm vaccine COVID-19 có tình trạng bệnh nặng thêm.
Bài đánh giá kết luận: “Xét theo những thông tin trên và bởi vì một số lo ngại này cũng áp dụng cho bệnh nhân ung thư nhiễm SARS-CoV-2, chúng tôi kêu gọi cộng đồng khoa học và y tế khẩn trương đánh giá tác động của cả COVID-19 và vắc-xin COVID-19 lên sinh học ung thư và sổ đăng ký khối u, điều chỉnh các khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng cho phù hợp.”
Bài đánh giá tập trung vào các vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna, và các vắc-xin vector virus adenovirus của Johnson & Johnson và Oxford/AstraZeneca, vì đây là những sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trong các chiến dịch tiêm chủng COVID-19 toàn cầu.
Báo cáo cho biết các loại vaccine mRNA có khả năng kích hoạt các cơ chế sinh học khiến bệnh ung thư tiếp tục tiến triển.
Nguyên nhân của điều này được cho là do các yếu tố như “hoạt tính tiền viêm” của hạt nanolipid (LNPs) và các tác động sinh u của kháng nguyên trong vaccine, cụ thể là protein gai.
LNPs là thành phần trong hệ thống nanolipid có vai trò vận chuyển DNA và mRNA của virus vào cơ thể người. Protein gai trên bề mặt của virus COVID-19 là thành phần giúp virus xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh.
Nhóm tác giả của bài đánh giá gồm có hai nhà nghiên cứu là Raquel Valdes Angues từ Trường Y khoa Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở Portland và Yolanda Perea Bustos từ bộ phận giáo dục trong Chính phủ Catalonia, Barcelona, Tây Ban Nha. Hai tác giả tuyên bố rằng họ không nhận hỗ trợ tài chính từ các tổ chức có liên quan đến nội dung nghiên cứu đồng thời không có mối quan hệ hoặc các hoạt động khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.
Bài phân tích này đã nêu rõ một số tác động di truyền của vaccine COVID-19 lên tế bào ung thư và ảnh hưởng tiêu cực đến các bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Giảm bạch cầu lympho
Bài đánh giá đã lưu ý rằng vaccine COVID-19 có liên quan đến hiện tượng giảm bạch cầu lympho. Đó là tình trạng số lượng tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu giúp hệ miễn dịch chống lại các virus và vi khuẩn ngoại lai, có số lượng thấp bất thường.
Các thử nghiệm lâm sàng vaccine của Pfizer và AstraZeneca đã mô tả “tình trạng giảm tế bào lympho huyết tương trong vòng 6-8 ngày sau tiêm vaccine ở 45%-46% người tham gia”.
Nghiên cứu cho biết: “Giảm bạch cầu lympho liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư và tỷ lệ ung thư ác tính”. “Tình trạng thay đổi tế bào lympho rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư, ảnh hưởng lớn đến tiên lượng và tỷ lệ sống”.
Do hiện tượng giảm bạch cầu lympho tạo môi trường thuận lợi cho sự tiến triển của bệnh ung thư, cần “vô cùng thận trọng” khi khuyến cáo vaccine COVID-19 cho các bệnh nhân ung thư, “đặc biệt là những người đang điều trị ung thư”.
Protein gai
Protein gai của virus COVID-19 có hai tiểu đơn vị chức năng chính là S1 và S2. Tiểu đơn vị S1 giúp virus xâm nhập vào tế bào người và có ảnh hưởng đến cơ chế tăng trưởng tế bào.
Trong khi đó, protein gai đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa nhiều hành vi tế bào quan trọng, cụ thể là các phản ứng viêm và tăng trưởng tế bào. Khi được kích hoạt trong tế bào ung thư, cơ chế này sẽ thúc đẩy sự tăng sinh và kháng hóa trị. Trong môi trường vi mô của khối u, cơ chế này sẽ kích thích sự ức chế miễn dịch.
Bài đánh giá này cho rằng do vaccine COVID-19 đưa protein gai vào cơ thể, “nên cần phải giám sát các hậu quả trung và dài hạn” của vaccine.
Làm suy giảm khả năng miễn dịch
Các nhà nghiên cứu cho rằng vaccine mRNA được “được thiết kế để bất hoạt” hệ miễn dịch bẩm sinh của con người
Hệ miễn dịch bẩm sinh của động vật có vú thường được kích thích thông qua sự kích hoạt một nhóm protein gọi là thụ thể Toll-like (TLRs). TLRs có thể kích hoạt một số con đường tín hiệu sản xuất nhiều loại cytokine khác nhau đóng vai trò quan trọng trong nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư.
Một nhân viên y tế đang chuẩn bị liều vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Viện Michener ở Toronto, vào ngày 14 tháng 12 năm 2020 (Carlos Osorio/AFP qua Getty Images)
Các con đường tín hiệu liên quan đến yếu tố điều hòa IFN (IRFs) có vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của phản ứng miễn dịch. Bài đánh giá cũng dẫn chứng những nghiên cứu cho thấy vaccine COVID-19 của Pfizer làm “giảm đáng kể” sự sản xuất IFN loại I và loại II.
TLRs không chỉ biểu hiện trong các tế bào miễn dịch mà còn biểu hiện trong tế bào khối u. Trong những tế bào này, TLRs sẽ thúc đẩy hoặc ức chế sự ác tính của tế bào ung thư. IFN loại 1 còn có vai trò quan trọng trong kiểm soát sự tăng trưởng của khối u và sự đáp ứng với các liệu pháp điều trị..
Bài đánh giá lưu ý rằng vai trò “vô cùng phức tạp” của TLR và phản ứng của IFN loại 1 trong sinh học khối u nên “cần có sự thận trọng” khi sử dụng vaccine mRNA tổng hợp để ứng dụng trong điều trị.
Tính chất gây viêm
Bài nghiên cứu đã dẫn chứng một báo cáo cho thấy các hạt nano lipid (LNP) trong vaccine mRNA có “tính chất gây viêm cao” ở chuột.
Tiêm LNP sẽ gây ra “sự kích hoạt nhanh chóng và mạnh mẽ nhiều con đường gây viêm khác nhau” cũng như dẫn đến sự sản xuất nhiều cytokine và chemokine viêm ở chuột. Cytokine và chemokine có vai trò điều điều hòa các phản ứng với tình trạng tổn thương và nhiễm trùng.
Trong bệnh cảnh ung thư, hiện tượng viêm tạo thuận lợi cho sự tiến triển của bệnh và thúc đẩy tất cả các giai đoạn sinh ung thư. Đây chính là sự hình thành ban đầu của các khối u trong cơ thể người.
“Khoảng 15-20% các trường hợp ung thư là do sự thúc đẩy của tình trạng nhiễm trùng, viêm mạn tính hoặc tự miễn ở cùng vị trí mô hoặc cơ quan”, bài đánh giá cho biết thêm. “Trong những trường hợp như vậy, hiện tượng viêm thúc đẩy ung thư đã xuất hiện và tồn tại lâu trước khi khối u hình thành”.
Quá trình viêm ngoại lai do các nguồn viêm bên ngoài như thế này có thể dẫn đến sự ức chế miễn dịch. Đó là tình trạng hệ miễn dịch tạm thời hoạt động kém. Hiện tượng ức chế miễn dịch này có thể tạo môi trường để khối u phát triển.
Các tác giả viết: “Do hiệu ứng thẩm thấu và duy trì (EPR), LNPs thường tích lũy trong khối u nên việc tránh để tế bào ung thư gặp các kích thích stress liên quan đến biến đổi như viêm … là vô cùng quan trọng”.
Sự tích hợp gen
Bài nghiên cứu đã nhấn mạnh đến một nghiên cứu về khả năng một số phần nhất định của virus COVID-19 sẽ “tích hợp gen với các tế bào nhiễm bệnh”.
Nghiên cứu trên đã phát hiện rằng có các bản sao của virus trong tế bào người, đồng thời dự đoán rằng hiện tượng này có thể xảy ra khi tế bào người tiếp xúc với vaccine COVID-19 mRNA.
Một người được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer tại một trung tâm tiêm chủng ở Salisbury, Anh, vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. (Finnbarr Webster/Getty Images)
Một nghiên cứu khác đã phát hiện “gen nhảy ngược” (retrotransposon) có tên là yếu tố nhân rải rác kích thước dài-1 (long interspersed nuclear element-1 – LINE-1) bị ảnh hưởng sau khi tế bào người tiếp xúc với vaccine COVID-19 mRNA của Pfizer. “Gen nhảy ngược” là các yếu tố di truyền tái bản và tích hợp DNA vào các vị trí mới trong bộ gen.
Bài đánh giá đã dự đoán rằng tác động của vaccine mRNA lên LINE-1 có thể “làm tăng nguy cơ đột biến các gen ức chế khối u và dẫn đến sự tổn thương DNA kéo dài trong các tế bào và mô đích của vaccine”.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng “rất cần phải làm rõ khả năng virus COVID-19 và vaccine COVID-19 kích hoạt LINE-1 và các hệ quả đi kèm ở tế bào ung thư và/hoặc tiền ung thư với mức độ biểu hiện LINE-1 nội tại cao”.
Sự ức chế khối u
Bài đánh giá trích dẫn một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2020 cho thấy tiểu đơn vị S2 của virus COVID-19 “tương tác mạnh” với các protein ức chế khối u p53 và BRCA1/2.
Các protein như p53 và BRCA1/2 là “rào cản chính” đối với sự phát triển của khối u. Khả năng tương tác của protein gai của virus với protein ức chế khối u là một yếu tố quan trọng vì cả vaccine mRNA và vector adenovirus đều chứa “vật liệu di truyền hướng dẫn các tế bào vật chủ biểu hiện protein gai”.
Các nghiên cứu về vaccine Pfizer cho thấy loại vaccine này tích lũy ở các cơ quan khác nhau trong vòng 48 giờ sau tiêm. Ngoài ra, các hạt nanolipid “ưu tiên tích lũy” trong mô khối u hơn so với các mô khỏe mạnh.
Dựa trên những phát hiện này, bài đánh giá đề xuất cần phải tìm hiểu chi tiết về sự tương tác giữa tiểu đơn vị S2 và các protein ức chế khối u p53 và BRCA1/2 ở cả những bệnh nhân COVID-19 và những người đã tiêm vaccine COVID-19.
Các nhà nghiên cứu viết thêm rằng cần phải có một phân tích để xác định xem sự tương tác này có tạo ra “lợi thế chọn lọc” cho các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư hay không.
Các đột biến ở gen TP53 mã hóa cho protein p53 có thể dẫn đến những loại ung thư như ung thư vú, xương, mô mềm và não. Ngoài ra còn có các loại ung thư ít gặp hơn như ung thư dạ dày, bệnh bạch cầu và ung thư đại trực tràng. Hoạt động của protein BRCA1 suy giảm có liên quan đến các bệnh ung thư ở vú, buồng trứng, tử cung và tuyến tiền liệt.
Những lợi ích không rõ ràng của vaccine
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine sử dụng protein gai của virus COVID-19 “có khả năng tương tác với protein ức chế khối u, thúc đẩy hiện tượng viêm, kích hoạt các con đường sinh ung thư và làm rối loạn sự điều hòa tinh tế của phản ứng miễn dịch”.
“Các cơ chế và con đường tín hiệu này là yếu tố cơ bản của phần lớn các loại ung thư”. Rất cần có một nghiên cứu đánh giá lợi ích/nguy cơ của vaccine COVID-19 ở những người mắc hoặc có nguy cơ mắc ung thư cao.
Ở những người có đáp ứng miễn dịch kém, “lợi ích của vaccine vẫn không rõ ràng và những nguy cơ tích lũy với các mũi vaccine tăng cường vẫn chưa xác định được”.
Một nhân viên y tế giữ khay ống tiêm chứa vaccine COVID-19 của Moderna tại một cơ sở tiêm chủng ở Los Angeles, vào ngày 16 tháng 2 năm 2021. (Apu Gomes/AFP qua Getty Images)
Một điều rất đáng lo ngại nữa là việc sử dụng đồng thời các liệu pháp điều trị ung thư và vaccine COVID-19 có thể tạo ra những “tác động gây độc”. Bài đánh giá đã trích dẫn một bài báo cho thấy khi bệnh nhân ung thư tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer sẽ có “sự gia tăng liên tục và thay đổi ở tất cả những tác dụng phụ của vaccine COVID-19”.
Nhóm nghiên cứu viết: “Vì vậy có một điều rất đáng lo ngại là khi sử dụng đồng thời liệu pháp miễn dịch và vaccine COVID-19 sẽ làm tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến sự gia tăng các sự cố bất lợi liên quan đến miễn dịch”.
Bài đánh giá cho biết từ ngày 7 tháng 1 năm 2018 đến ngày 2 tháng 7 năm 2022, mỗi tuần có khoảng 13,000 ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ. Đỉnh điểm của hiện tượng này xảy ra vào tháng 1 năm 2021 và tháng 1 năm 2022. Mặc dù các cơ quan y tế công cộng đã thừa nhận có sự gia tăng tử vong do ung thư nhưng họ đều cho rằng sự gia tăng này là do sự lây nhiễm virus COVID-19.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, mặc dù tỷ lệ tử vong do ung thư đạt đỉnh vào năm 2021 và 2022 tương quan với các đợt bùng phát dịch COVID-19 vào mùa đông, “nhưng đỉnh điểm này cũng xuất hiện theo sau hai chiến dịch lớn là tiêm vaccine COVID-19 và tiêm mũi tăng cường”.
“Như đã nêu ở trên, cả virus SARS-CoV-2 và vaccine sử dụng protein gai của virus SARS-CoV-2 đều thúc đẩy sự sản xuất protein gai trong các tế bào người. Và như đã giải thích ở trên, điều này có thể tạo điều kiện cho sự biến đổi ác tính”.
Các tác giả lưu ý rằng mặc dù nhiều tổ chức và chuyên gia tuyên bố vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư nhưng “những tuyên bố này lại không có cơ sở.”
“Kiến nghị của chúng tôi là những người mắc ung thư hoặc có tiền sử ung thư chỉ nên tiêm vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ di truyền nếu lợi ích vượt trội rõ ràng hơn so với nguy cơ và phải được đánh giá cẩn thận từng trường hợp một”, bài đánh giá cho biết.
“Điều quan trọng nhất đó là có thể nguy cơ ung thư phụ thuộc vào liều”. Như vậy, những người đã tiêm nhiều mũi vaccine COVID-19 sẽ có nguy cơ ung thư ác tính cao hơn.
Các tác giả viết: “Sự thành công của các loại vaccine COVID-19 sử dụng mRNA đã tạo ra sự quan tâm lớn đối với công nghệ mRNA, xem đây là một giải pháp cho các bệnh truyền nhiễm chế người đang cần các loại vaccine hiệu quả và dễ triển khai (ví dụ như sốt rét, lao và HIV/AIDS)”.
Tuy nhiên, “những lo ngại về độ an toàn cần phải được giải quyết kịp thời trước khi các loại thuốc nano dựa trên công nghệ mRNA thay đổi cách quản lý và ngăn ngừa bệnh của chúng ta trong tương lai”.
Theo Naveen Athrappully, The Epoch Tímes
Đức Nhân biên d
Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức chuyên đưa tin về kinh doanh và các sự kiện thế giới tại The Epoch Times.
NTD Việt Nam