Các quan chức tham gia vào việc bức hại môn khí công ôn hòa Pháp Luân Đại Pháp đã được liệt kê vào một danh sách đặc biệt để gửi tới chính phủ Hoa Kỳ theo một đạo luật về nhân quyền.
Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là môn khí công tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới nhưng bị đàn áp đẫm máu tại Trung Quốc từ năm 1999.
“Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe tốt hơn và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới”, Thượng viện New York khẳng định trong một nghị quyết chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017.
Hàng chục nghị sỹ Canada cũng có những ghi nhận tương tự trong các lá thư chúc mừng sự kiện 25 năm Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng.
“Tại Canada, chúng ta có đặc ân để có thể tận hưởng đầy đủ các giá trị của một xã hội dựa trên sự cởi mở và tự do, chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của các nguyên lý trong Pháp Luân Đại Pháp; Chân, Thiện và Nhẫn”, theo Nghị sỹ Nathaniel Erskine-Smith trong lá thư của ông gửi Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Toronto.
Không giống các nhà lãnh đạo trên thế giới, cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân nhìn nhận môn tập ôn hòa này là mối đe dọa đối với quyền lực của ông ta và phát động chiến dịch đàn áp. Gần 20 năm qua, cuộc bức hại diễn ra với nhiều hình thức bắt bớ, tra tấn, cưỡng bức lao động, thậm chí mổ cướp nội tạng và giết hại các học viên Pháp Luân Công.
Video: Vì sao chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công dù bị thế giới lên án?
Theo thông báo trên trang web của Tổ chức Những người bạn của Pháp Luân Công (FOFG), Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp và Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã cùng lập ra danh sách những người bức hại Pháp Luân Công và gửi tới chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Tháng 7 năm 2017, danh sách này đã được nộp cho cả Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ theo Đạo Luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), FOFG cho biết.
Đạo luật Magnitisky “cho phép Tổng thống áp đặt lệnh trừng phạt tài chính và hạn chế thị thực đối với các cá nhân nước ngoài nhằm đáp lại những vi phạm của họ về nhân quyền và tham nhũng”, theo lời mô tả về Đạo luật đăng trên Cục Văn thư Liên bang Mỹ. Các hình phạt chính của đạo luật này là ngăn cấm những kẻ phạm tội nhập cảnh vào Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ.
Đạo luật Magnitsky ban đầu được ký bởi Tổng thống Barack Obama vào năm 2016 nhằm trừng phạt các quan chức Nga có vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, văn bản này được mở rộng thành Đạo luật Toàn cầu Magnitsky vào tháng 4 năm 2017. Theo Đạo luật, những người phạm tội ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị trừng phạt.
Video: Bác sỹ Trung Quốc trở thành những kẻ giết người như thế nào?
FOFG cho biết chính quyền Trung Quốc đã mở rộng cuộc đàn áp ra nước ngoài một cách có hệ thống, vì vậy có thể một số cá nhân trong danh sách này là cư dân sống tại Hoa Kỳ.
Tháng 6 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã ra Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và hoạt động mổ cướp nội tạng. Một tháng sau đó, Nghị viện châu Âu cũng có động thái tương tự.
Khác với người tiền nhiệm Obama, Tổng thống Trump được nhận định sẽ cứng rắn với Trung Quốc về một số vấn đề, trong đó có cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Đầu năm nay, cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, một nhà điều tra nổi bật về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ khiến Trung Quốc phải nhận trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đối với những người tập Pháp Luân Công.
Nghị sỹ Chris Smith (Đảng Cộng hòa, bang New Jersey) cho biết trong một tuyên bố khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 4: “Tổng thống [Trump] không nên mắc sai lầm của người tiền nhiệm và tin rằng sự im lặng về nhân quyền sẽ được đổi lại bằng sự nhượng bộ từ chính quyền Trung Quốc về các lĩnh vực khác.”
Thu Phương / dkn.tv