Đạo Đức Kinh sáng ngời trí tuệ vĩ đại của Lão Tử, khiến người đọc ấn tượng. Tranh thêu chân dung Lão Tử thời Tống. (Nguồn ảnh: Kanzhongguo)
“Đạo Đức Kinh” là một kinh điển triết học cổ xưa ai ai cũng biết tới và đã được lưu truyền ngàn năm qua. Trong “Đạo Đức Kinh có câu đầu tiên đặc biệt quen thuộc với mọi người: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo”. Nhưng không ai có thể ngờ rằng cuốn kỳ thư này không chỉ mô tả về những bí ẩn của vũ trụ, mà còn ẩn chứa một lời tiên tri đáng sợ. Hơn nữa, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng, một số nội dung của “Đạo Đức Kinh” đã bị giả mạo trong suốt hơn 2.000 năm dài lưu truyền.
Vậy đâu là “sự thực” của cuốn sách cổ có bề dày lịch sử này? Rốt cuộc, trong cổ thư đó nói những gì?
Ẩn chứa bí mật vũ trụ
Tương truyền, vào hơn 2.000 năm trước, có một ông già với mái tóc trắng và khuôn mặt trẻ thơ, học thức uyên bác, rời khỏi đô thành Lạc Dương, đi về phía Tây. Sau khi ngao du sơn thuỷ, ông tới Hàm Cốc quan và đã gặp quan lệnh Doãn Hỉ. Quan lệnh nhiệt tình mời ông lão tới phủ của mình làm khách. Hai người đàm luận vui vẻ. Doãn Hỉ cảm phục sâu sắc trước sự uyên bác của ông lão, nên đã thỉnh cầu ông lão trước khi rời đi ở ẩn, hãy để lại tư tưởng triết học của ông. Đây chính là nguồn gốc của kinh điển truyền đời ngũ thiên ngôn (5.000 chữ) “Lão Tử”, hay thường được gọi là “Đạo Đức Kinh”.
“Đạo Đức Kinh” là một trong ‘tam huyền’ (Trang Tử, Lão Tử, Chu Dịch) của văn hoá truyền thống Trung Hoa. Lão Tử không giống người thường, ông dùng hình thức thơ triết lý để làm rõ tư tưởng của Đạo gia, chỉ cho thế nhân một chút phương hướng thoát mê. Ví dụ, trong “Đạo Đức Kinh”, chương thứ 25 đề cập tới một câu ý nghĩa là: “Có một vật hỗn độn mà thành, sinh trước trời đất, Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà vĩnh viễn không thay đổi, vận hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi Nó là căn bản của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết gọi tên Nó là gì, tạm đặt tên cho Nó là Đạo”.
Đoạn văn đó đã mô tả hình thái của Đạo. Tuy nhiên, mọi người có thể thắc mắc, rốt cuộc Đạo là gì, và nó làm thế nào tạo ra được vũ trụ? Chương thứ 42 của “Đạo Đức Kinh” có viết: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Câu nói này có thể giải thích là Đạo sinh ra vạn vật, từ ít tới nhiều, từ đơn giản tới phức tạp. Đây chính là mô tả của Lão Tử về quá trình Đạo sinh ra vạn vật, cũng là thuyết về sự ra đời của vũ trụ. Tất cả vật chất trong vũ trụ giống như phép màu, đều được sinh ra từ hư không, trong đó có cả nhân loại chúng ta. Điều này nghe thật không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, nếu chúng ta kết hợp vật lý học hiện đại và vũ trụ học, sẽ phát hiện tư tưởng của Lão Tử có quan hệ chặt chẽ với quy luật vận hành của vũ trụ.
Đầu tiên, khái niệm về Đạo được đề cập trong “Đạo Đức Kinh” tương tự như năng lượng và vật chất trong vật lý học hiện đại. Chúng cùng nhau tạo thành các yếu tố cơ bản của vũ trụ. Các vật chất và năng lượng trong vũ trụ tuân theo quy luật diễn hoá của tự nhiên, cùng tạo nên cơ chế vận hành tổng thể của vũ trụ. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử còn nhắc tới tư tưởng “vô vi nhi trị”. Tư tưởng này có thể đối ứng với quy tắc diễn hoá tự nhiên của vật lý học hiện đại, tức là mọi thứ trong vũ trụ đều phát triển theo quy luật tự nhiên, không cần sự can thiệp của con người.
Nghiên cứu vũ trụ học cũng cho thấy sự phát triển của vũ trụ tuân theo nguyên tắc tự nhiên. Có những hiện tượng và quy luật tồn tại một cách tự nhiên, ví dụ như hiện tượng thiên văn, biến đổi khí hậu… đều phát sinh một cách tự nhiên.
“Đạo Đức Kinh” cho rằng, Đạo dù vô hình, mà lại hữu hình, bao dung tất cả, và lại hiện hữu ở khắp nơi. Khái niệm này cũng có những điểm tương đồng với bản thân vũ trụ trong vũ trụ học. Quan sát về vũ trụ học hiện đại và nghiên cứu lý luận cho thấy rõ rằng, vũ trụ là một hệ thống to lớn, phức tạp. Nó bao gồm vô số ngân hà, vật chất liên sao, vật chất tối, năng lượng tối… Những vật chất này cùng tương tác, chuyển động giữa chúng quyết định tính chất và diễn hoá của vũ trụ.
Kinh điển triết học cổ xưa “Đạo Đức Kinh” hàm chứa rất nhiều những suy nghĩ và hiểu biết sâu sắc về bí ẩn của vũ trụ. Nội dung của mỗi chương có những cách giải thích khác nhau ở những chỗ khác nhau. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng, nội dung trong “Đạo Đức Kinh” đang lưu hành ngày nay thực ra đã bị bóp méo, có thể là do sai sót khi sao chép, cũng có thể là có người cố tình làm ra. Hơn nữa sự sai biệt sau khi tác phẩm bị bóp méo chủ yếu chỉ nằm ở một số từ, nhưng đã làm cho hàm nghĩa khác xa hoàn toàn.
“Đạo Đức Kinh” bị bóp méo
Vào cuối năm 1971, bộ chỉ huy quân khu tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng bệnh viện dưới lòng đất 366 ở Mã Vương Đôi. Sau khi đội xây dựng khai công, bất ngờ phát hiện thấy nhiều ngọn lửa xanh bùng lên từ lòng đất. Các công nhân không dám hành động vội vã, lập tức thông báo cho bảo tàng tỉnh Hồ Nam. Sau khi nhân viên bảo tàng nhận được tin, đã nhanh chóng tới hiện trường kiểm tra. Các nhà khảo cổ đã phát hiện bên dưới lòng đất có ba ngôi mộ cổ, và đây chính là mộ cổ Mã Vương Đôi gây chấn động thế giới.
Năm 1972, khai quật ngôi mộ số 1 phát hiện thi thể một phụ nữ không bị mục nát, được chôn hơn 2.000 năm. Đây chính là Tân Truy phu nhân nổi tiếng. Lúc khai quật lên, thi thể của bà trông rất sống động, làn da vẫn còn đàn hồi, tóc vẫn che phủ nguyên vẹn, thậm chí tới ngấn ngón chân nhìn còn rất rõ ràng. Trong mộ cổ còn tìm thấy cái vạc sơn mài hoạ tiết vân chứa canh củ sen đã hơn 2.000 năm, hơn nữa còn được bảo quản rất tốt, lát củ sen trông vẫn trong. Tuy nhiên, thời đó kỹ thuật của đội khảo cổ còn non kém, hơn nữa không có biện pháp bảo vệ thích hợp, nên sau khi khai quật đã khiến cho di thể của phu nhân Tân Truy cùng nhiều văn vật khác bị huỷ hại nghiêm trọng. Ngay cả bức ảnh hài cốt của Tân Truy phu nhân mà ngày nay mọi người nhìn thấy đều là dung nhan trông khá đáng sợ.
Từ năm 1973 tới 1974, các nhà khảo cổ liên tiếp khai quật ngôi mộ số 2 và số 3. Chủ nhân của ngôi mộ số 2 là Lợi Thương, thừa tướng nước Trường Sa, Đại hầu đầu tiên nhà Tây Hán. Tân Truy phu nhân chính là vợ của ông. Lần này, khi khai quật lên bất ngờ phát hiện rất nhiều văn vật quốc bảo trong ngôi mộ. Ngoại trừ y phục thiền bằng sợi tơ lụa mỏng bị cấm không được triển lãm ở nước ngoài, tranh lụa chữ T, còn có một số lượng lớn sách lụa phong phú, nội dung hàm chứa binh thư, số học, phương thuật và chư tử… trong đó có hai bản ngày nay vẫn có thể đọc được là “Chu Dịch”, và “Đạo Đức Kinh”.
Thế nhưng, sách lụa được khai quật trong mộ Mã Vương Đôi lại có tên là “Lão Tử ngũ thiên ngôn”, chứ không phải là “Đạo Đức Kinh”. Nó cũng không phân ra Đạo Kinh và Đức Kinh. Hơn nữa, nội dung của bản sách lụa thì Đức Kinh ở phần trước, còn Đạo Kinh ở phần sau. Niên đại sao chép của hai bản A, B cũng hơi không giống. Bản A là năm đầu Tây Hán sau khi Lưu Bang đăng cơ. Bản B là sau khi Hán Văn Đế đăng cơ.
Sau khi “Đạo Đức Kinh” bản sách lụa được khôi phục, các chuyên gia phát hiện từ đầu tới cuối có hơn 700 chỗ khác với phiên bản đang lưu truyền ngày nay, có một số chỗ bị thay đổi rõ ràng. Xét từ nội dung, hai bản thậm chí ngược hẳn với nhau. Ví dụ như: trong chương 14 của bản “Đạo đức kinh” hiện đại viết rằng, “Chấp cổ chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu, năng tri cổ thuỷ, thị vị đạo kỷ”. Ý nghĩa là nắm vững những quy luật thời xưa để lý giải tất cả những sự việc đang phát sinh xung quanh ngày nay, thì có thể điều gì từ cổ chí kim cũng biết hết.
Thế nhưng, trong cuốn sách lụa được khai quật từ mộ cổ Mã Vương Đôi lại viết rằng, “Chấp kim chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu, dĩ chi cổ thuỷ, thị vi đạo kỷ”. Ý nghĩa là nắm vững quy luật thiên đạo hiện tại để lý giải tất cả những sự kiện xảy ra xung quanh hiện nay, qua đó có thể lý giải được lịch sử từ xưa tới nay. Đây chính là quy luật của Đạo. Nó hoàn toàn ngược hẳn với phiên bản hiện đại.
Hay như trong chương 2 bản “Đạo Đức Kinh” hiện đại nói rằng: “Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương giảo, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ”. Nghĩa là: Do đó Có và Không là sinh ra lẫn nhau, Khó và Dễ là thành tựu lẫn nhau, Dài và Ngắn là so đo lẫn nhau, Cao và Thấp là nghiêng lệch lẫn nhau, Âm và Thanh là hài hòa lẫn nhau, Trước và Sau là đi theo lẫn nhau.
Còn bản sách lụa lại ghi chép rằng: “Hữu, vô chi tương sinh; Nan, dị chi tương thành; Trường, đoản chi tương hình; Cao, hạ chi tương doanh; âm, thanh chi tương hoà; tiên, hậu chi tương tuỳ, hằng dã”. Nghĩa là: Có do Không sinh ra, Khó do Dễ mà thành, Dài do Ngắn hình thành, Cao do Thấp làm đầy, Âm do Thanh hài hòa, Trước do Sau đi theo, đó là quy luật vĩnh cửu.
Nội dung của hai bản này không quá khác biệt. Bản sách lụa có nhiều hơn một chữ “chi”, nhưng ý nghĩa của toàn câu đã hoàn toàn khác. “Hữu vô tương sinh” ý nghĩa là có và không cùng nhau sinh thành, giống như thuyết âm dương tương sinh phổ biến hiện nay, từ gốc của nhau, tự tuần hoàn mà không trường cửu. Còn “hữu, vô chi tương sinh” lại ý nghĩa là: “hữu” là do “vô” sinh ra, “vô” là căn bản của “hữu”.
Vậy câu hỏi đặt ra là phiên bản “Đạo Đức Kinh” nào mới là đúng? Muốn tìm câu trả lời, trước tiên cần đề cập tới chương 41 của “Đạo Đức Kinh”, trong đó có một câu mọi người khá quen thuộc: “Đại phương vô ngung, đại khí vãn thành, đại âm hi thanh, đại tượng vô hình”.
“Câu “đại khí vãn thành” là chỉ người có tài năng lớn cần phải rèn luyện thời gian lâu dài mới có thể thành công, thường dùng để khích lệ những người mà nửa đời vẫn chưa đạt thành tựu gì. Tuy nhiên trong cuốn sách lụa “Đạo Đức Kinh” được khai quật trong mộ Mã Vương Đôi, “đại khí vãn thành” lại viết là “đại khí miễn thành”. Nó có nghĩa là người có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề, người có thành tựu, không dựa vào sức người để làm mà cần phải thuận theo Thiên ý mới thành. Chỉ một chữ khác nhau mà khiến cho hàm nghĩa đã hoàn toàn khác hẳn.
Từ “đại khí vãn thành” đầu tiên xuất hiện trong “Đạo Đức Kinh” chú giải của Vương Bật, người thời Ngụỵ Tấn. Niên đại của cuốn sách lụa được tìm thấy trong mộ Mã Vương Đôi còn sớm hơn cả thời gian của cuốn chú giải “Đạo Đức Kinh” của Vương Bật. Do đó, có người dũng cảm suy đoán bản “Đạo Đức Kinh” trong mộ Mã Vương Đôi gần với bản gốc hơn.
Nếu dựa trên tư tưởng “vô vi nhi trị” của Lão Tử mà xét, nguyên văn “Đạo Đức Kinh” rất có khả năng là “đại khí miễn thành”, chỉ là trong quá trình lưu truyền sau này, nó dần dần biến thành “đại khí vãn thành”.
Một ví dụ khác cho thấy cuốn sách lụa đó gần với bản gốc hơn là: trong chương 8 của “Đạo Đức Kinh” nói: “Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời”. (Địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ bất động nơi thâm sâu, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc gì thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ)
Nhưng trong bản sách lụa không có “dữ thiện nhân, ngôn thiện tín” mà nó lại biến thành một câu “dữ thiện tín” (trao tặng thì khéo giữ chữ tín). Ở đây, điều khiến mọi người bối rối nhất là “Đạo Đức Kinh” luôn luôn phê phán lòng nhân từ, tại sao lại xuất hiện một câu “dữ thiện nhân” (cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân)
Về sau khi bản sách lụa được công bố, mọi người mới biết, thực ra không phải là “dữ thiện nhân, ngôn thiện tín”, mà chỉ là một câu “dữ thiện tín”. Bởi vì thiên hạ có Đạo, nên sẽ không thể hiện ra nhân nghĩa. Vì vậy nếu chạy theo cầu nhân nghĩa, kết quả cuối cùng là thiên hạ vô đạo. Do đó phẩm chất tốt nhất là bản tính tự nhiên ngây thơ, đơn giản. Cuộc sống tốt nhất là sống tự nhiên và vô thức. Ngây thơ và đơn giản không thể bồi dưỡng bằng nhân tạo, mà chỉ có thể bảo vệ, giữ cho không mất đi. Sống tự nhiên cũng không thể tạo ra một cách nhân tạo, chỉ có thể giữ gìn, không phá hoại. Không mất đi, không phá hoại, đây chính là vô vi.
Trong chương 39 của “Đạo Đức Kinh” có viết: “Thị dĩ hầu Vương, tự vị cô quả bất cốc, thử phi dĩ tiện vị bản da? Phi hồ. Cố trí sổ dư vô dư, bất dục lộc lộc như ngọc, lạc lạc như thạch”. (Cho nên vua chúa mới tự xưng là “côi cút” (cô), “ít đức” (quả), “không tốt” (bất cốc). Như vậy, chẳng phải là lấy hèn làm gốc đấy ư? Không phải vậy chăng. Cho nên không được khen tức là được lời khen cao quý nhất).
Bản sách lụa còn kỳ diệu hơn khi chỉ thay đổi một từ ngữ khí: “phi hồ” (Không phải vậy chăng) thành “phi dã” (Không phải vậy), đã biến câu phủ định thành khẳng định. “Hầu Vương, tự vị cô, quả bất cốc” là từ mà các chư hầu thời kỳ Xuân thu Chiến quốc dùng để tự xưng. Vì vậy tự xưng Hầu Vương biểu thị cho việc không quên gốc, tương lai được đánh giá cao. Vấn đề là, một danh xưng được tán thưởng nhiều như thế, thực ra nói rõ rằng người đó chỉ nói chứ không làm được. Bởi vì nếu một người thực sự làm được, người khác sẽ không tán dương danh xưng, còn người ta ca ngợi nó là bởi vì không có gì cả. Ngay câu tiếp sao “Trí sổ dư vô dư”, chiêu mời quá nhiều sự tán dương, chính là bằng với không phải tán dương.
Ví dụ, ngọc và đá khác nhau điểm nào? Ngọc rất đẹp, nhưng chỉ có rất ít người mới có được nó, vì vậy ai ai cũng đều ca ngợi vẻ đẹp của nó. Đá rất thô tháo, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, có thể tuỳ ý lấy dùng xây nhà, ai ai cũng đều có thể được hưởng lợi. Thứ mà ai cũng có được thì người ta lại không tán dương. Cũng giống như nước, mặc dù rất ít người khen ngợi nước, nhưng mọi người mỗi thời khắc đều không tách khỏi nó. Do đó, thứ mà được quá nhiều người khen ắt không thể phổ biến rộng khắp, mang lợi ích cho mọi người. Đây chính là đạo lý ‘cực danh tiếng mà hoá ra không danh tiếng’.
“Đạo Đức Kinh” là một cổ thư rất thần kỳ. Sau này Đạo giáo ra đời cũng vì cuốn sách này. “Liệt Tiên truyện” và “Lịch thế chân Tiên thể Đạo thông giám” đã từng ghi lại một câu chuyện như thế. Quan Doãn bái Lão Tử làm thầy, tu hành tuân theo “Đạo Đức Kinh”, cuối cùng tu thành Đạo quả, phi thăng thành Tiên. Phải chăng “Đạo Đức Kinh” với 5.000 chữ ẩn tàng phương pháp tu hành của chính tông Đạo gia? Hay nói cách khác, phải chăng nó là cuốn sách có thể giúp con người trở thành Tiên? Vậy, tác giả cuốn kỳ thư này rốt cuộc là ai?
Lão Tử là ai?
Về ngày sinh và ngày mất của Lão Tử, không có ghi chép rõ ràng. Trong “Sử ký” viết rằng ông là người Khúc Nhân, huyện Khổ, thuộc Sở quốc trong thời Xuân Thu. Sau này, có nhiều người cho rằng ông là người nước Tống. Ông được Đạo gia coi là Thái Thượng Lão Quân chuyển sinh. Những thông tin về thân thế của ông mang đầy màu sắc truyền kỳ.
Theo ghi chép của “Thái Bình quảng ký” thời đại Tống, một hôm mẹ của Lão Tử ngước nhìn lên bầu trời, một ngôi sao lớn bay qua và bà mang thai. Do linh khí của Thần nơi thượng giới xuất hiện trong gia đình họ Lý, nên sau khi ra đời họ phàm của Lão Tử là họ Lý.
Lại có người nói rằng Lão Tử sinh ra trước khi khai thiên tịch địa, là Thần phách tinh linh của trời, tự nhiên chính là Thần linh rồi. Hay có người nói rằng mẹ của Lão Tử mang thai ông 72 năm, sinh hạ ra ông từ dưới nách trái. Vừa mới ra đời tóc ông đã bạc trắng, nên mới được gọi là Lão Tử. Về thân thế của ông luôn có những truyền thuyết khác nhau. Ví như trong “Liệt Tiên Toàn truyện” nói rằng vào triều đại nhà Chu, từ Tiên cảnh Thái Thanh, Lão tử phân thần hoá khí, ngồi nhật tinh, cưỡi 9 rồng, hoá thành những hạt châu ngũ sắc từ trên trời giáng xuống.
Đúng lúc đó con gái của Huyền Diệu Vương là Doãn Thị đang nằm ngủ ban ngày, cảm thấy có thứ gì đó đi vào từ cổ họng. Sau khi tỉnh dậy, cô phát hiện mình đã có mang. Từ khi mang bầu, dung nhan Doãn thị rạng rỡ, trở nên trẻ trung. Căn phòng cô sống có lục khí êm dịu, được bao bọc trong ánh sáng tím tốt lành. Rồi Doãn thị hạ sinh một bé trai. Cậu bé này vừa được sinh ra đã đi 9 bước, bước chân tới đâu nở ra hoa sen ở đó. Do cậu bé vừa lọt lòng tóc đã bạc trắng nên được đặt tên là Lão Tử, còn gọi là Lão Đam. Ý nghĩa của từ “đam” là tai to.
Ngoài ra còn có ghi chép nói rằng mẹ của Lão Tử tình cờ sinh ra ông dưới gốc cây mận. Khi vừa sinh ra, Lão Tử đã biết nói, chỉ vào cây mận (tức cây lý) và nói rằng dùng nó làm họ của ta. Đây có lẽ là lý do tại sao “Sử ký” lấy Lý làm họ của Lão Tử. Dù nói thế nào, Lão Tử cũng là một nhân vật khác biệt với người thường. Khổng Tử thậm chí đã từng nói về Lão Tử: “Ta gặp Lão Tử, cảm thấy cảnh giới tư tưởng của ông như rồng bay giữa hư không, làm ta mở miệng mà không nói nên lời. Khiến tâm thần ta bất định, không biết rốt cuộc ông ấy là người hay là Thần”. Có thể thấy trí tuệ của Lão Tử khiến Khổng Tử kinh ngạc.
“Đạo Đức Kinh” là một trong những nội dung quan trọng nhất của tư tưởng Lão Tử. Từ trong “Đạo Đức Kinh”, chúng ta có thể lý giải được trí huệ của Lão Tử, chúng ta thực sự có thể thấy trí huệ của ông không đâu không bao hàm, cao đến như đạo trị quốc, thấp như phương pháp tu thân dưỡng tính. Thậm chí tất cả mọi thứ giữa thiên nhân cũng được bao hàm trong tác phẩm chỉ hơn 5.000 chữ của ông. Vì vậy, khi Khổng Tử nhìn thấy trí huệ vô cùng thâm sâu của Lão Tử , quả là ‘có một không hai’ trên thế gian, giống như rồng trong truyền thuyết, thấu triệt mọi thứ, nằm ngoài tầm hiểu biết của con người.
Chúng ta biết rằng so với phổ độ chúng sinh mà Phật gia giảng, thì từ xưa Đạo gia đều là sư phụ tìm đồ đệ, một mạch đơn truyền. Lão Tử – người đi đầu của Đạo gia, cũng chắc chắn biết điểm này. Vậy tại sao Ngài muốn lưu lại 5.000 từ này? Có học giả cho rằng điều này là có nguyên nhân. Thực ra, nó có liên quan tới một lời tiên tri đáng sợ trong “Đạo Đức Kinh”.
“Đạo Đức Kinh” ẩn tàng lời tiên tri đáng sợ
Trong chương 40 của “Đạo Đức Kinh” có câu: “Phản giả Đạo chi động; Nhược giả Đạo chi dụng; Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu; Hữu sinh ư vô”. Nghĩa là: “Trái ngược chính là sự vận động của Đạo; Yếu nhược chính là tác dụng của Đạo; Vạn vật trong thiên hạ đều sinh ra từ Hữu; Hữu sinh ra từ Vô”.
Năm chữ “Phản giả Đạo chi động” này hé mở ra quy luật phát triển của sự vật. Kỳ thực chính là vật cực tất phản, tất cả sự vật đều là tương đối, tồn tại hai cực đoan tương phản. Mối quan hệ đối lập này cũng sẽ dẫn tới vật cực tất phản, cũng có nghĩa là sau khi tới cực điểm sẽ phát sinh bước ngoặt, phát triển theo hướng ngược lại, sau đó trở về điểm tới hạn, tuần hoàn lặp lại.
“Nhược giả Đạo chi dụng” chính là Đạo phát huy tác dụng trong trạng thái yếu đuối, có thể lý giải là âm thịnh dương suy, là biểu hiện vận hành của Đạo.
Trong hai câu cuối “Thiên hạ vạn vật sinh vu hữu, Hữu sinh vu vô”, từ “vô” không phải là không, cũng không phải là không có, “vô” không phải là bất cứ thứ gì mà lại có thể sinh ra bất cứ thứ gì. Ví dụ như trong quá trình sinh thành từ vô tới có, vũ trụ vạn vật là trong hỗn độn, do Đạo khai phá mà dần dần diễn hoá ra. Vũ trụ vạn vật từ trong vô sinh có, sau khi có thì tương lai của vũ trụ sẽ như thế nào? Vẫn là nhờ có Đạo, vũ khí của nó chính là ‘nhược’. Ví như sinh lão bệnh tử của con người, sự biến mất và tái sinh của vạn vật thế gian đều được Đạo nắm chắc, vạn vật cuối cùng đều quy về Đạo.
Khi mô tả Đạo là gì, trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã viết:
“Sắc cường vi chi danh; Viết đại; Đại viết thệ; Thệ viết viễn; Viễn viết phản”
Câu này ý nghĩa là nếu buộc phải đặt tên cho Đạo, thì chúng ta gọi nó là Đại, Đại này cứ luôn mở rộng, kéo dài, kéo dài tới vô biên vô tế, cuối cùng nó sẽ quay trở về bản nguyên.
Do đó, nếu chúng ta gọi quy luật vận hành của vũ trụ là Đạo, thì ý nghĩa trong “Đạo Đức Kinh” cho rằng sau khi vũ trụ sinh ra, vũ trụ không ngừng nở rộng, sau đó vạn vật sinh trưởng, mở rộng tới vô biên vô tế. Dĩ nhiên tới một trạng thái gọi là “vật cực tất phản” nó sẽ sụp đổ, cùng với vạn vật điêu tàn trở lại trạng thái ban đầu của hư vô. Nghiên cứu vũ trụ học hiện tại cũng cho biết vũ trụ đang không ngừng mở rộng, mà tốc độ mở rộng vẫn đang tăng tốc. Nó trùng hợp với những gì Lão tử nhận thức từ hơn 2.000 năm trước.
Không những thế, trong chương 39 của “Đạo Đức Kinh” cũng có đề cập tới nguyên nhân và biện pháp ứng phó với tai hoạ, chính là Thiên có Đạo sẽ trong sáng, không có thiên tai; Địa có Đạo sẽ an tĩnh; Thần có Đạo sẽ linh nghiệm; Sơn cốc có Đạo sẽ nước chảy tràn đầy; vạn vật có sự vun dưỡng của Đạo mới sinh cơ bừng bừng; Quân vương có Đạo sẽ chính được thiên hạ bằng lương tâm. Nếu như quay ngược lại với Đạo, sẽ đất nứt trời sập, thiên hạ đại loạn, thế giới sẽ đối mặt với huỷ diệt. Đây cũng chính là nói rằng vạn vật chúng sinh dù ở đâu và lúc nào cũng không được rời xa Đạo, như vậy mới có thể trường cửu.
Phải chăng Lão Tử thông qua hơn 5.000 từ để cảnh báo tới thế nhân rằng, không được phóng túng bản thân tuỳ tiện làm bừa, luôn bảo trì thiện niệm trong tâm, như vậy mới có thể trường tồn. Phải chăng đây mới là mục đích chân chính của việc “Đạo Đức Kinh” đã được lưu truyền lâu dài như thế?
Theo EarthInn
Minh Thanh biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam