Tác giả: Dung Tử
[ChanhKien.org]
Việc đặt tên cho các vị thuốc Trung y không theo phân loại của ngành thực vật học mà dựa trên nội hàm phong phú và vô cùng thâm sâu của văn hóa Trung Quốc cổ đại để đặt tên. Sơn Hải Kinh là một cuốn sách chú giải về địa lý Trung Quốc được biên soạn dựa theo các truyền thuyết thời thượng cổ, trong đó có ghi chép phong phú về các loại sản vật, bao gồm cả ghi chép về 59 loại thuốc thực vật, 83 loại thuốc động vật, 4 loại thuốc khoáng vật, tổng cộng là 146 loại. Trong sách Sơn Hải Kinh, chương Nam Sơn Kinh phần 1 có viết rằng: “Dãy núi đầu tiên ở phương Nam gọi là dãy Thước Sơn. Ngọn núi đầu tiên của dãy Thước Sơn là núi Chiêu Diêu, nằm bên bờ Tây Hải. Trên núi có nhiều cây quế, nhiều vàng ngọc. Trên núi có loài cỏ, dạng nó như rau hẹ nhưng nở hoa màu xanh, tên nó là chúc dư, ăn vào thì không cảm thấy đói”. Chúc dư được đề cập ở đây là một loại cỏ trông giống như rau hẹ, ăn vào khiến người ta không cảm thấy đói.
Đặt tên theo nơi xuất xứ
Giữa thực vật và nơi chúng sinh trưởng có sự đối ứng, cùng là một loài cây nếu mọc ở những nơi khác nhau thì đặc tính của nó cũng sẽ thay đổi khác nhau, câu nói “quýt mọc ở Hoài Nam là cây quýt, mọc ở Hoài Bắc trở thành cây chỉ” (cây chỉ là cây cam ba lá, cam đắng) chính là nói về đạo lý này. Nơi sinh trưởng của các loài thảo dược Trung y có liên quan tới dược tính của chúng, vì vậy nhiều loại thuốc Trung y được đặt tên theo nơi sản sinh ra chúng. Ví dụ như:
– ba đậu (bã đậu): vì hạt của nó giống hạt đậu và nó được xuất xứ từ vùng Ba Thục, Tứ Xuyên
– nhẫn đông Ba Đông: kim ngân hoa (hoa nhẫn đông) ở huyện Ba Đông tỉnh Hồ Bắc
– xuyên khung, xuyên bối, xuyên ô, xuyên luyện tử, xuyên ngưu tất, xuyên bạch chỉ, xuyên mộc thông: xuyên là tỉnh Tứ Xuyên
– phòng đảng: huyện Phòng tỉnh Hồ Bắc là nơi sản xuất ra đảng sâm
– miếu đảng: thị trấn Đại Miếu huyện Vu Sơn, Trùng Khánh là nơi sản xuất ra đảng sâm
– bắc ngạn liên: vùng núi Vu Hiệp – Bắc Ngạn, Tứ Xuyên là nơi sản xuất ra hoàng liên
– thành khẩu thiên ma: cây thiên ma được thu hái dưới chân núi Đại Ba Sơn huyện Thành Khẩu, tỉnh Trùng Khánh
– tư khâu mộc qua: xuất sản ở thị trấn Tư Khâu thuộc phía đông nam huyện Trường Dương tỉnh Hồ Bắc
– quảng phòng kỷ, quảng hoắc hương, quảng đậu căn thường mọc ở Quảng Tây
– hàng mạch đông, hàng bạch chỉ thường mọc ở Hàng Châu, Chiết Giang
– hoài sơn, hoài ngưu tất là đặc sản của vùng sông Hoài, Hà Nam
– ngân sài hồ: cây sài hồ ở thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ của khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ
– xích thược Đa Luân: cây xích thược ở Đa Luân, Nội Mông Cổ
– tạng hồng hoa (hồng hoa Tây Tạng)
– quảng mộc hương (còn gọi là vân mộc hương) do được trồng nhiều ở Vân Nam v.v….
Hình bên trên: kim ngân hoa, bên dưới: sài hồ
Đặt tên theo mùa sinh trưởng
Dược tính của các loại thuốc Trung y trên thực tế có liên quan tới thời gian thu hái và mùa sinh trưởng của chúng. Vị thuốc hạ khô thảo sở dĩ có tên như vậy là vì mỗi ngày hạ chí hằng năm qua đi thì hoa và lá của cây này sẽ dần khô héo. Thời điểm thu hoạch cây bán hạ thích hợp là vào giữa tháng năm theo nông lịch, khi mà mùa hạ vừa trôi qua được một nửa, nên có tên là bán hạ. Thân dây và lá của cây nhẫn đông (kim ngân hoa) có thể nhẫn chịu được tiết trời băng giá của mùa đông mà không bị rụng xuống nên được gọi là nhẫn đông. Còn có các vị thuốc khác như đông tang diệp, đông trùng hạ thảo (mùa đông là sâu, mùa hè là nấm, thường được thu hoạch vào mùa hè), đông hoa (hoa nở rộ vào mùa đông).
Đặt tên theo hình dạng
Nhiều loại thuốc Trung y được đặt tên theo hình dáng của chúng, ví dụ như hài nhi sâm (còn gọi là thái tử sâm, đồng sâm) sở dĩ có tên như vậy vì phần rễ của nó trông giống như một đứa trẻ bụ bẫm; hay như vị thuốc “ngưu tất”, gọi như vậy vì phần đốt của cây phình to ra trông như đầu gối của con trâu; còn có vị gọi là “cẩu tích” vì phần thân rễ của cây có lớp lông mao màu vàng kim bên ngoài trông giống lưng con chó (cẩu là chó, tích là lưng). Ngoài ra còn các vị thuốc khác được đặt tên theo hình dáng đặc biệt của chúng như hoàng quần trúc tôn (nấm tre váy vàng, hay nấm tre lưới vàng, tiên nhân tán – tức là cái ô của tiên nhân), câu đằng (như cái móc câu), long nhãn (trông giống mắt con rồng), mã tiên thảo (cỏ roi ngựa, do thân cỏ dài, thẳng, có đốt trông giống như cái roi ngựa), kê trảo hoàng liên (phần rễ cây hoàng liên có hình dạng như móng chân gà), bán biên liên (hoa rời năm cánh, hoa lệch sang một bên trông như hoa sen nên gọi là bán biên liên), ô đầu (giống đầu con quạ), tạo giác thích (gai bồ kết), mộc hồ điệp (hạt chín khô của cây núc nác, hạt dẹt có cánh mỏng màu trắng nhạt trông giống như cánh bướm), phượng vĩ thảo (loại cỏ có lá xòe ra như đuôi phượng), anh túc xác (vỏ quả khô của cây anh túc), kim anh tử (quả cây kim anh, có hình bầu; trong tiếng Trung chữ anh 樱 đồng âm với chữ anh 罂 nghĩa là cái bình có miệng nhỏ bụng to, quả kim anh trông giống như cái bình)
Hình bên trên: hoàng quần trúc tôn, bên dưới: phượng vĩ thảo
Trong y học Trung Hoa có rất nhiều ví dụ về sự tương đồng giữa hình dáng và dược tính của vị thuốc [1]. Ví dụ tâm sen (liên tâm) giúp thanh tâm giáng hỏa; hoa cúc giúp sáng mắt, hình dáng hoa cúc trông rất giống con mắt; khổ qua có thể giúp thanh vị hỏa, tức tiêu trừ cơn hỏa ở tạng vị, chúng ta thấy hình dáng quả khổ qua có khác chi cái dạ dày đâu? Những sự vật có hình dạng tương tự một cái gì đó ắt có mối liên hệ nội tại với vật đó. Nguyên nhân đằng sau mối liên hệ nội tại này chính là sinh mệnh của vật ấy tương thông với thân thể người.
Đặt tên theo màu sắc
Màu sắc của không ít loại thuốc Trung y đã trở thành tiêu chí rõ ràng để nhận diện loại thuốc đó và cũng là cơ sở để đặt tên cho thuốc. Ví dụ, về màu đỏ thì có các vị thuốc như hồng hoa, xích thược, chu sa, huyết kiệt, đan sâm v.v..; màu vàng thì có đại hoàng, hoàng liên, hoàng cầm, hoàng kỳ, hoàng bá v.v..; màu trắng thì có bạch chỉ, bạch cập, bạch vi, bạch truật, bạch hoa xà thiệt thảo v.v..; về màu xanh thì có thanh bì, thanh đại, thanh hao v.v..; về màu đen thì có huyền sâm, táo đen v.v… Ngoài ra còn có giả thạch (đất đỏ), tử thảo, tử hoa địa đinh v.v…
Đặt tên theo mùi vị
Các loại thuốc Trung y có các vị ngọt, chua, đắng, cay, mặn khác nhau nên người ta thường đặt tên thuốc dựa theo mùi hoặc vị đặc trưng của chúng. Về mùi thơm nồng thì có mộc hương, hoắc hương, hồi hương, đinh hương, xạ hương, trầm hương, tô hợp hương, an tức hương, hương nhu, kê thỉ đằng (mùi giống phân gà); mùi hơi thối một chút thì có xú ngô đồng, xú mẫu đan v.v..; vị ngọt thì có cam thảo, di đường; vị đắng thì có khổ luyện tử, khổ sâm; vị chua thì có toan táo nhân; vị cay thì có tế tân, lạt gia, ngũ vị tử v.v..; vị mặn thì có hàm phiên tân thạch.
Đặt tên theo bộ phận dùng làm thuốc
Ví dụ như: ma hoàng căn (rễ cây ma hoàng), cát căn (củ sắn dây), sơn đậu căn (rễ cây sơn đậu), bạch mao căn (rễ cỏ tranh), hạnh nhân (hạt quả hạnh nhân), đào nhân (hạt quả đào), nguyệt quế hoa (hoa nguyệt quế), kê quan hoa (hoa mào gà), kim ngân hoa (hoa kim ngân, hoa nhẫn đông), dương kim hoa (hoa cà độc dược), tang chi (cành cây dâu tằm), chi tử (quả dành dành) v.v…
Đặt tên theo công hiệu
Một số vị thuốc khác nhau có tác dụng chữa bệnh độc đáo và rõ rệt đối với một số loại bệnh khác nhau nên người ta thường đặt tên thuốc dựa theo công hiệu của chúng. Ví dụ, ích mẫu và dụ kỳ có thể chữa các bệnh sản phụ khoa; tục đoạn, cốt toái bổ có thể giúp bổ thận, mạnh gân cốt, giúp xương nhanh lành thương; thân cân thảo giúp trừ bệnh phong thấp, thư cân hoạt lạc; phòng phong giúp trừ chứng phong tà, là vị thuốc chủ yếu trong điều trị các bệnh do phong hàn, cảm mạo. Ngoài ra còn có các vị thuốc khác như viễn chí (giúp ích trí, trị chứng hay quên, giảm trí nhớ), trạch tả (thắng thấp lợi thủy), nhục thung dung (giúp tăng cường sinh lý nam, tăng khả năng thụ thai ở nữ, chuyện nhục dục sẽ được thung dung hay thong dong, không còn phiền muộn nữa), thiên niên kiện (giúp trừ phong thấp, mạnh gân cốt, thiên niên kiện nghĩa là khoẻ mạnh ngàn năm), đại phong tử (chữa bệnh phong) v.v…
Đặt tên theo phiên âm
Có một số loại thuốc trong nước Trung Quốc không sản xuất được mà phải nhập khẩu từ nước ngoài nên tên thuốc thường được đặt theo phiên âm, như cây tất bạt nhập từ Ấn Độ là một ví dụ. Trong bộ sách “Dậu dương tạp trở” của tác giả Đoạn Thành Thức thời Đường có chép rằng: “Loại thuốc này ở Phất Lâm quốc được gọi là a li kha tha, xuất sang nước Ma Gia Thi Quốc nó được gọi là tất bạt lê, khi nhập vào Trung Quốc thì gọi tắt là tất bạt (cây tiêu lốt)”. Ngoài ra còn có a ngùy, tất trừng già (cây màng tang)… đều là được đặt tên theo phiên âm. Còn có mạn đà la, kha tử v.v…
Đặt tên dựa theo truyền thuyết và Thần thoại
Thông thường tên của mỗi vị thuốc Trung y sẽ gắn liền với một câu chuyện thần thoại hay và cảm động. Nhiều nhất là những câu chuyện liên quan đến thuật trường sinh bất lão, uống thuốc thành tiên. Truyền thuyết về đỗ trọng cũng là một trong số đó. Sách “Bản thảo cương mục” mô tả rằng: “Vào thời cổ có một người tên là Đỗ Trọng, thường dùng một loài cây thân gỗ làm thuốc uống, về sau đã đắc đạo thành tiên bay đi” (nguyên văn: Đỗ Trọng cũng là tên người, người xưa mượn tích Đỗ Trọng uống thuốc đắc đạo thành tiên mà đặt tên cho cây thuốc). Người đời sau dần gọi cây thuốc này là “tư tiên”, “tư trọng” hay đơn giản là đỗ trọng. Vào thời cổ đại những chuyện như vậy có rất nhiều, hầu hết đều viết rằng một người nào đó đã dùng một loại thuốc nào đó mà đắc đạo thành tiên, ví dụ như hoàng tinh, địa hoàng, phục linh, cúc hoa, cẩu kỷ…; những loại thuốc này đều có tác dụng chống lão hóa.
Còn có vị thuốc được đặt tên theo tên của người tìm ra chúng, chẳng hạn như từ trường khanh. Sách “Bão phác tử” của tác giả Cát Hồng thời Đông Tấn viết rằng: “Vào thời cổ đại có vị lang y tên là Từ Trường Khanh thường dùng cây cỏ nhỏ nghiền thành bột để chữa các loại bệnh ôn dịch, người ta bèn gọi loại thảo dược này là từ trường khanh”.
Các vị thuốc Trung y như lưu ký nô, hà thủ ô, v.v… cũng được đặt tên theo cách này. Về hà thủ ô, tương truyền rằng vào thời cổ có một người tên là Hà Điền Nhi thân thể yếu ớt, râu tóc bạc sớm lại hiếm muộn. Vào đêm nọ ông bỗng phát hiện ra có hai gốc cây leo mọc cách xa nhau mà cành lá ngả gần quấn lấy nhau, rất hiếu kỳ ông đào củ của nó đem về nấu uống, dần dà thấy thân thể trở nên khỏe mạnh, râu tóc trắng hóa đen, sống lâu hơn trăm tuổi, người ta bèn gọi loài cây này là hà thủ ô; còn lưu ký nô, loại thuốc này được Tống Vũ Đế Lưu Dụ tìm ra, người ta liền lấy tên thuở bé của ông là Ký Nô để đặt tên cho cây thuốc.
Có không ít tên thuốc được đặt ra là để ca tụng y thuật cao siêu của người thầy thuốc. Người ta kể rằng vào thời xưa ở Phan Châu có vị Quách Sử Quân chuyên dùng quả của một loại dây leo để chữa trị giun cho trẻ em, hiệu quả đặc biệt tốt. Về sau mọi người đặt tên cho giống thảo dược này là sử quân để tưởng nhớ lương y Quách Sử Quân. Còn về khiên ngưu tử (hạt bìm bìm), chuyện kể rằng có vị thầy thuốc đã chữa khỏi cho một đứa bé, sau đó người nhà đứa bé dắt con trâu đến tạ ơn, vì vị thuốc này mọc hoang dại ngoài đồng, người ta không biết gọi nó là gì, bèn đặt tên là khiên ngưu tử (khiên ngưu là dắt trâu, tử là hạt cũng có nghĩa là đứa bé). Những câu chuyện về tên thuốc được đặt ra nhằm tưởng nhớ y thuật, y đức của các bậc tiên hiền như thế qua ngàn năm vẫn còn lưu truyền, đến ngày nay chúng vẫn còn được truyền tụng.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tác phẩm “Mạn đàm Trung y” của tác giả Ngọc Minh.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/20887
Ngày đăng: 07-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org