[ChanhKien.org]
Hoà thượng Huyền Chiếu tu hành trong hang núi Bạch Thước trên núi Tung Sơn, Trung Quốc, ông có phẩm hạnh tinh tế, chu đáo, cẩn thận, được người xuất gia tôn kính ngưỡng mộ. Ông thường sẵn lòng thuyết giảng Kinh Pháp Hoa một ngàn lần để người khác được thọ ích. Khi ông bắt đầu giảng kinh ở trong núi, thì cho dù mùa đông giá lạnh, mùa hè oi bức, thâm sơn hiểm trở, nhưng người đến nghe giảng luôn ngồi chật kín.
Lúc đó có ba ông lão râu tóc bạc trắng, tướng mạo không giống người bình thường, ngồi nghe giảng rất thành kính. Nhiều ngày trôi qua ba ông cứ nghe như thế. Hoà thượng Huyền Chiếu cảm thấy rất kỳ lạ. Bỗng một hôm vào sáng sớm ba ông lão đến bái kiến Huyền Chiếu, nói: “Ba đệ tử chúng tôi đều là rồng, mỗi người có nhiệm vụ riêng, cũng rất vất vả, cũng đã qua mấy nghìn năm rồi. Được nghe pháp lực của ngài, thật không có gì báo đáp, nếu ngài có việc gì đó cần chúng tôi làm, chúng tôi nguyện dốc hết chút sức mọn này”. Huyền Chiếu đáp: “Bây giờ âm dương mất cân bằng, hạn hán ít mưa, cả nước bị mất mùa, các vị có thể cho ít mưa xuống để cứu giúp bách tính được không? Đó là nguyện vọng của bần tăng”.
Ba ông lão đáp: “Hô mưa gọi gió vốn là việc nhỏ. Chỉ hiềm liên quan đến lệnh cấm mưa thì tuyệt đối nghiêm trọng, không nghe theo thiên mệnh mà tự ý làm mưa xuống thì sẽ có nguy cơ bị tội chém đầu! Chúng tôi nói thử cách này, có khả năng thành công, không biết trưởng lão có thể làm được không?” Huyền Chiếu nói: “Vậy xin hãy nói tôi nghe xem!” Ba ông lão nói: “Xử sĩ Tôn Tư Mạc ở núi Thiếu Thất Sơn đạo cao đức trọng, ông ấy nhất định có thể giải thoát được tai hoạ cho chúng đệ tử. Như vậy có thể làm mưa ngay”. Huyền Chiếu nói: “Bần đạo biết Tôn xử sĩ ở trong núi, nhưng không biết phẩm hạnh của ông ấy có làm được không?” Ba ông lão nói: “Lòng nhân nghĩa của Tôn công không thể đong đếm được. Sách Thiên Kim Dược Phương mà ông ấy viết đã tạo phúc cho vạn đời sau. Danh tiếng của Tôn công đã được ghi lại trong sổ sách trên thiên đình, ông ấy thực sự là một cao nhân ngoài đời. Nếu ông ấy có thể nói vài lời giúp đỡ, bảo đảm mọi việc sẽ không thành vấn đề. Chỉ cần trưởng lão hẹn với Tôn công trước, nếu như Tôn công đồng ý thì chúng tôi sẽ lập tức làm theo lời trưởng lão”. Và rồi ba ông lão nói cho Huyền Chiếu nghe cách cứu họ thế nào.
Huyền Chiếu đến chỗ ở của Tôn Tư Mạc, thành khẩn bái kiến, phong thái lễ nghĩa rất cẩn trọng, ông ngồi định toạ hồi lâu rồi mới nói: “Tôn xử sĩ hiền đức, minh triết, lấy việc giúp đỡ chúng sinh làm trách nhiệm, hiện giờ hạn hán gay gắt, mạ non không mọc lên được, bách tính kêu khổ mãi không dứt, nắng nóng khô khát đến như vậy, đã đến lúc dùng đến nhân nghĩa, minh triết của ngài rồi. Hy vọng ngài khai ân, cứu bách tính thiên hạ một phen”. Tôn Tư Mạc nói: “Tôi không có năng lực gì nên mới trốn vào miền sơn dã, tôi dùng công lực gì để cứu giúp bách tính đây? Nếu có làm được cho họ điều gì thì tôi tuyệt sẽ không tiếc”.
Huyền Chiếu nói: “Bần đạo hôm qua có gặp ba con rồng, định nhờ họ làm chút mưa xuống, nhưng họ đều nói là không theo mệnh lệnh thượng đế mà tự ý ban mưa sẽ phạm tội chém đầu, chỉ có Tôn xử sĩ đức cao công lớn mới có thể cứu họ được, miễn cho họ tội bị xử trảm. Tôi đặc biệt đến đây để bày tỏ tâm nguyện của mình, mong xử sĩ cân nhắc cho”.
Tôn Tư Mạc nói: “Chỉ cần có thể làm được, tôi sẽ không tiếc điều gì”. Huyền Chiếu nói: “Sau khi làm mưa xuống, ba con rồng sẽ chui xuống cái ao phía sau chỗ xử sĩ ở để ẩn nấp trốn tội. Khi có dị nhân đến tróc nã chúng, xử sĩ hãy nói rõ cho người ấy để người ấy đi khỏi, ba con rồng sẽ được miễn tội”. Tôn Tư Mạc bằng lòng.
Huyền Chiếu quay trở về núi, trên đường gặp ba ông lão, Huyền Chiếu nói ý kiến của Tôn Tư Mạc cho ba ông nghe. Ba ông lão hẹn ngày ấy đêm ấy sẽ cho mưa xuống, đến đúng kỳ hạn hẹn định trời mưa như trút nước, tưới mát cả một vùng vạn dặm.
Ngày hôm sau Huyền Chiếu đến yết kiến Tôn Tư Mạc, khi hai người đang nói chuyện thì có một người bộ dạng kỳ dị đi thẳng đến cái ao phía sau, giọng nói giận dữ như sấm rền. Một lúc sau nước trong ao đóng thành băng, lập tức có ba con rái cá hai xanh một trắng trồi lên. Dị nhân dùng dây thừng màu đỏ trói ba con rái cá lại, định mang chúng đi.
Tôn Tư Mạc vội chạy đến gọi người ấy lại nói: “Tội của ba con này bị xử tử là phải. Nhưng hôm qua chúng tự ý làm mưa là do tôi bảo chúng, hy vọng ngài tha cho chúng và xin hãy thay tôi thỉnh cầu thượng đế đừng trách phạt chúng”. Dị nhân nghe những lời này xong liền lập tức tháo bỏ sợi dây thừng.
Ba con rái cá được thả, tự chúng mang sợi dây thừng đi mất.
Một lúc sau, ba ông lão quay lại bái tạ Tôn Tư Mạc, tỏ ý muốn đền đáp. Tôn Tư Mạc nói: “Tôi sống trong hang núi, chẳng cần dùng gì cả, nên không cần báo đáp”. Ba ông lão quay sang bái kiến Huyền Chiếu, muốn dốc sức đền ơn hòa thượng. Huyền Chiếu nói: “Ta thân ở trong núi, một là cái ăn, hai là cái mặc, ngoài đó ra cũng chẳng cần gì, không cần phải báo đáp”. Ba ông lão lại năm lần bảy lượt muốn tạ ơn, Huyền Chiếu bèn nói: “Ngọn núi phía trước chắn mất lối đi khiến việc đi lại khá bất tiện, các ông có thể dời ngọn núi đi không?” Ba ông lão nói: “Đây chỉ là chuyện nhỏ, chỉ xin đừng trách chúng tôi làm sấm sét lớn quá, việc này có thể làm được ngay”.
Đêm hôm đó trời giáng sấm sét lôi đình, cuồng phong nổi lên, đến sáng sớm thì mưa tạnh gió dừng. Ngọn núi lớn trước cửa chùa giờ đã không còn nữa, mặt đất rộng rãi, bằng phẳng như cái nong.
Ba ông lão lại đến, khấu tạ rồi rời đi. Tôn Tư Mạc đạo hạnh cao thâm, không cầu các ông ấy báo đáp gì, càng không cần được đối đãi đặc biệt.
(Trích từ Thần Tiên Cảm Ngộ Truyện của Đỗ Quang Đình)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/22951
Ngày đăng: 03-04-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org