Tác giả: Tần Như Sơ
[ChanhKien.org]
Vào triều Thanh có vị Tiết Y đạo nhân Chúc Sào Phu, tên thật là Nghiêu Dân, ông vốn là một học sinh ở trường quan học Lạc Dương. Thuở nhỏ ông nổi tiếng về viết văn hay. Sau khi triều Minh bị diệt vong, ông không học văn bát cổ [1] nữa mà chuyển qua làm nghề y, tự hiệu là Tiết Y đạo nhân.
Chúc Sào Phu được tiên nhân truyền cho một phương pháp chữa trị bệnh, người bị các loại mụn nhọt thì chỉ cần bôi lên một chút thuốc của ông là khỏi. Những người bị gãy chân hoặc gãy tay cũng mời ông đến chữa trị, không ai không hồi phục. Ông còn có thể mổ bụng rửa ruột, mở xương sọ trị bệnh ở đầu, y thuật thần kỳ hệt như Hoa Đà tái thế.
Trong thôn có một người bị bọn cướp chặt đầu, đầu của nạn nhân đã rời khỏi cổ rồi. Con trai của ông ấy là một người con chí hiếu, biết được Tiết Y đạo nhân có y thuật thần kỳ liền nói với người nhà rằng: “Chúc Sào Phu là tiên nhân, mọi người hãy mau giúp tôi thỉnh mời ông ấy đến!” Người nhà nói: “Công tử, cậu đừng suy nghĩ lung tung nữa. Đầu của phụ thân cậu đã bị chặt khỏi cổ rồi, cho dù ông ấy có hoàn hồn nhưng sao có thể gắn đầu vào thân như cũ được chứ?”
Do người con trai kiên quyết yêu cầu, người nhà mới đi mời Tiết Y đạo nhân đến. Khi Tiết Y đạo nhân đến, ông sờ tay lên ngực nạn nhân rồi nói: “Đầu tuy đã bị đứt rồi, nhưng thân thể vẫn còn chút hơi ấm, hơi ấm chính là khí của sinh mệnh, còn khí của sinh mệnh thì còn có thể chữa được”. Rồi Tiết Y đạo nhân vội dùng kim bạc khâu đầu gắn trở lại vào cổ. Sau khi khâu xong thì bôi một ít thuốc bột lên lên cái thìa rồi đem nướng trên lửa than. Một lúc sau ông lại nấu canh nhân sâm, hoà canh với thuốc bột kia, mở miệng bệnh nhân đổ vào.
Lát sau đó nạn nhân bắt đầu có chút hơi thở yếu ớt. Tiết Y đạo nhân lại đun rượu nóng cho người ấy uống. Qua một ngày đêm hơi thở đã dần mạnh hơn, có thể nghe được tiếng hơi thở. Thêm một ngày đêm nữa thì người đàn ông đã có thể nói chuyện với con trai của mình. Lúc này đạo nhân cho ông ăn cháo ninh kỹ, qua thêm một ngày đêm thì tay chân của người ấy đều đã cử động được. Bảy ngày sau miệng vết thương trên cổ nạn nhân đã lành. Nửa tháng sau ông ấy đã khôi phục lại trạng thái như bình thường. Cả nhà ông vô cùng biết ơn Tiết Y đạo nhân, muốn đem một nửa gia sản quyên tặng để đền đáp nhưng Tiết Y đạo nhân đã từ chối. Người người đều khen tụng y thuật của ông tuyệt diệu, tài năng đức độ nức tiếng gần xa!
Sau này Tiết Y đạo nhân đến Chung Nam Sơn tu Đạo, người ta cũng không rõ tình hình ông ấy thế nào. Ông không có con trai, y thuật của ông cũng không được lưu truyền lại.
Ngoại Sử Thị (tác giả Trần Đỉnh tự xưng) nói: “Mọi người đều cho rằng Hoa Đà là thần y, có thể mổ não khoét cánh tay, nhưng chưa ai từng nghe ông ấy có thể làm người chết sống lại, còn Tiết Y đạo nhân lại có thể làm được. Điều ấy chứng minh rằng anh kiệt, thần y đất Hoa Hạ ta có rất nhiều. Làm sao có thể nói đời sau không có kỳ nhân?”
Đây chính là:
Thần truyền văn hóa xác hữu Thần,
Khả lệnh tần tử đắc phục sinh.
Vạn ban kỳ tích giai hữu nguyên,
Đoan đích bằng tha nhân đức hưng!
Dịch nghĩa:
Văn hóa thần truyền xác thực có Thần
Có thể làm người chết sống lại
Hết thảy kỳ tích đều có nguyên nhân
Bắt đầu từ việc đề cao nhân đức!
Chú thích:
[1] Văn bát cổ: thể loại văn quy định cho khoa cử thời Minh – Thanh
Dựa theo cuốn Ngu sơ tân chí quyển 12 của Trần Đỉnh triều Thanh
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/65186
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org