Ảnh minh họa. (Nguồn: Ảnh chụp phim Tam Tự Kinh của NTD Việt Nam)
Xem lại:
Minh Đạo gia huấn’: Tiểu bách khoa toàn thư ‘Dạy con sáng Đạo’
Bài 23: Trai quý trung – cần
Nữ chớ tham tài, trai đừng ham sắc
Sắc dễ sát nhân, tài dễ bỏ mình
Để lại thuật lừa, cháu con mất mạng
Để lại đạo đức, con cháu phồn vinh
Nguyên văn chữ Hán:
女勿貪財,男勿貪色
色易殺人,財易殺身
術詐遺之,子孫者亡
道德遺之,子孫者昌
Âm Hán Việt:
Nữ vật tham tài, nam vật tham sắc
Sắc dị sát nhân, tài dị sát thân
Thuật trá di chi, tử tôn giả vong (1)
Đạo đức di chi, tử tôn giả xương (2)
Diễn giải:
– Là con gái, phụ nữ thì chớ nên ham tiền tài. Người có tiền tài mà không có đức thì dễ làm việc bất chính, cho nên nhìn nhận một người thì chớ lóa mắt vì tiền tài của họ.
– Là nam nhi, đàn ông thì đừng ham mỹ sắc. Sắc dễ nảy sinh dục vọng, có thể vì sắc mà thân bại danh liệt, vì tiền tài dễ mang dính líu đến các chuyện bất minh, dễ hại đến bản thân, mang họa mất mạng.
– Nếu dạy con cháu sống mưu mô, xảo trá ắt phạm chuyện tổn đức, hại đến sinh mạng.
– Dạy cho con cháu đạo đức làm người cao thượng thì con cháu đời sau ắt phồn vinh.
(1), (2): Sách Minh tâm bảo giám viết: “Để lại trung hiếu cho con cháu thì con cháu đời sau hưng thịnh. Để lại trí xảo, thủ thuật cho con cháu thì con cháu đời sau tiêu vong”.
Nguyên văn: “Dĩ trung hiếu di tử tôn giả xương, dĩ trí thuật di tử tôn giả vong”.
Câu chuyện tham khảo:
Nhờ tích đức mà gia tộc hưng thịnh gần nghìn năm
Phạm Trọng Yêm là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự và nhà giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông vốn tính tình cương trực, nghĩa khí, luôn nghĩ cách giúp đỡ người nghèo khổ.
Lúc còn trẻ đi học, Phạm Trọng Yêm không có gì ăn, thường là để bụng đói. Khi đi học ở nhà chùa, mỗi ngày cậu nấu một nồi cháo loãng, chia bát cháo thành bốn phần, để mỗi bữa ăn một phần. Sau này khi thành danh, quyền cao chức trọng, ông vẫn gìn giữ được nếp sống tiết kiệm, đạm bạc.
Có lần ông mua nhà ở Tô Châu, thầy phong thủy ra sức khen ngợi phong thủy thật tốt, đời sau con cháu nhất định làm đến tam công cửu khanh. Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm: “Nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế không bằng ta hoán cải thành học đường thì muôn dân trăm họ Tô Châu được vinh hiển. Tương lai sau này có nhiều người tài đức chẳng phải là càng có lợi đó sao?”
Ông lập tức đem ngôi nhà quyên góp, sửa sang thành học đường, đã giúp bao đứa trẻ nghèo được đi học.
Ông có bổng lộc khá cao nhưng không vì thế mà chìm đắm trong dục vọng, tiền tài. Phạm Trọng Yêm luôn nghĩ đến rất nhiều người còn đang khổ cực, quyết định đem bổng lộc cứu tế dân nghèo. Ông đã từng nuôi sống hơn 300 gia đình. Phần bổng lộc còn lại chỉ đủ để ông duy trì cuộc sống mà thôi.
Phạm Trọng Yêm thông qua lời nói và việc làm mẫu mực, đã dạy cho con cháu những bài học làm người sâu sắc, đó là phải biết sửa mình, có một tấm lòng chí công vô tư, tích đức hành thiện.
Một lần, Phạm Trọng Yêm để cho con trai thứ hai của mình là Phạm Thuần Nhân vận chuyển lúa mì từ Tô Châu qua Tứ Xuyên. Phạm Thuần Nhân gặp một người quen tên Thạch Mạn Khanh. Anh bạn đang để tang phụ thân, lại không có tiền vận chuyển quan tài về quê hương. Phạm Thuần Nhân liền để lại một thuyền lúa mì cho Thạch Mạn Khanh, giúp anh ta chút tiền trở về nhà. Phạm Thuần Nhân về đến nhà không biết ăn nói gì với cha, cứ đứng ngây người như phỗng, không dám nói năng.
Phạm Trọng Yêm hỏi: “Con gặp được bằng hữu ở Tô Châu này sao?”
Phạm Thuần Nhân trả lời: “Giữa đường con gặp Thạch Mạn Khanh. Người thân của anh ta vừa qua đời, không có tiền trở về quê hương, mà bị khốn đốn ở nơi này”.
Phạm Trọng Yêm lập tức nói rằng: “Tại sao con không đem toàn bộ lúa mì trên thuyền đưa cho anh ta chứ?”
Phạm Thuần Nhân trả lời: “Con đã đưa cho anh ta rồi thưa cha”.
Phạm Trọng Yêm nghe xong cả mừng, rất ưng ý, không ngớt lời khen Thuần Nhân là bậc nghĩa khí, quân tử.
Phạm Trọng Yêm lòng đầy thiện lương, cứu người không cầu phúc báo, đã tích được rất nhiều đức. Thế nên con cháu Phạm gia phúc lộc lâu bền.
Bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm lớn lên đều thông minh phi phàm, tài đức vẹn toàn, cũng được làm quan tới Tể tướng, Tam công Cửu khanh, Thị lang. Con cháu Phạm gia cũng đều vinh hiển, có đức có tài, phúc báo dài lâu.
Tục ngữ có câu: “Không ai giàu 3 họ”. Nhưng dòng họ Phạm lại thịnh vượng trong suốt 800 năm. Đây đúng là một minh chứng chân thực cho việc tích đức hành thiện, tạo phúc báo cho đời sau.
Trung Dung
Xem thêm: Kỳ 25
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam