Trên đời này chỉ có một thứ mà bạn không cần nỗ lực thì nó vẫn cứ trưởng thành, là phần thưởng mà bạn buộc phải nhận, đó là tuổi tác. Cuộc đời giống như một vở kịch, vở kịch cũng giống như cuộc đời.
Cuộc sống không thể được diễn tập, xem trước hoặc diễn lại. Thượng Đế đang phát sóng trực tiếp mỗi ngày. Khi sinh ra ai cũng là phiên bản gốc của tình yêu thương của cha mẹ, rồi bị thói đời và truyền thông làm ô nhiễm, tẩy não và bắt họ làm nô lệ, thật đáng tiếc, đáng thương thay, họ dần trở thành những bản sao lậu và đánh mất bản chất thuần chân ngây thơ của mình.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” (chương Linh Khu Thiên Niên) sử dụng khoảng thời gian 10 năm, nhấn mạnh rằng tinh khí của ngũ tạng được chia thành quá trình phát triển “sinh, trưởng, tráng, lão, dĩ” (sinh ra, lớn lên, cường tráng, suy lão, chết). Kịch bản đã được Thượng Đế viết sẵn, một đời người sẽ trôi qua như thế nào đây? Vở kịch mở màn:
*0 tuổi: Oa oa cất tiếng chào đời, sơ khai hỗn độn, thuần khiết không tì vết, trời đất như nhau, như mầm ươm chờ nhú.
*10 tuổi: Vui vẻ lớn lên, trai gái đều như nhau, chưa có sự phân biệt. Ngũ tạng đã bắt đầu ổn định, huyết khí đã thông, khí huyết đều ở hai chân, dương khí cường thịnh, chạy nhảy suốt ngày, ngồi không ấm chỗ.
*20 tuổi: Tình yêu vừa mới bắt đầu, quê hương cũng như nơi khác, thích bay nhảy đi xa. Khí huyết bắt đầu mạnh mẽ, cơ bắp cường tráng, thích chạy bộ.
*30 tuổi: Đặt tham vọng chí hướng, ngày và đêm giống nhau, ngày đêm đảo lộn. Ngũ tạng đã ổn định, gân cốt cường tráng, huyết mạch xung mãn, thích tản bộ chậm rãi.
*40 tuổi: Ra sức bươn chải tranh giành, học vấn cao thấp như nhau, quan trọng là thực lực. Ngũ tạng, lục phủ tạng, mười hai kinh mạch đều thịnh vượng và ổn định. Các cơ quan bắt đầu suy yếu dần, thích ngồi. Hình dáng cơ thể đã thay đổi từ hình quả táo sang hình quả lê, và nhiều người đàn ông chỉ còn lại sự nói hay, mạnh mồm.
*50 tuổi: Quay đầu nhìn lại mình, đẹp cũng như xấu, không ai có thể thoát khỏi sự thăng trầm của thời gian. Gan khí bắt đầu suy giảm, thùy gan bắt đầu mỏng đi, dịch mật ít dần, mắt bắt đầu mờ đi. Phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
*60 tuổi: Nghỉ hưu về quê, quan chức to hay nhỏ, chẳng ai coi thường ai. Khí trong tim bắt đầu suy giảm, đau khổ lo lắng bi thương, khí huyết lưu thông chậm, trở nên lười biếng và thích nằm. Cười nửa chừng quên mất tại sao mình cười. Nhận thức sa sút và đàn ông bước vào thời kỳ cao tuổi.
*70 tuổi: Chơi mạt chược, nhà đất to rộng hay nhỏ hẹp như nhau cả, ai cũng chỉ chiếm một chỗ bằng cái chiếu. Tỳ khí hư, tính khí nóng nảy, sống đếm theo năm.
*80 tuổi: Ngả lưng tắm nắng, tiền nhiều tiền ít như nhau, không biết tiêu tiền nữa rồi. Phổi khí yếu, thường nói lẫn, nội tạng lão hóa, sống theo tháng, phách khí dần dần suy giảm.
*90 tuổi: Nằm trên giường, nam nữ đều như thế, không phân giới tính. Thận khí hết, kinh mạch tứ tạng trống rỗng, hồn khí từng chút một hướng lên trên, thân thể cứng ngắc, sinh mệnh tính theo ngày.
*100 tuổi: Mắt nhìn tường vách, ngủ thức như nhau, thiên nhân hợp nhất. Ngũ tạng đều suy yếu, tinh thần và năng lượng đều không còn, hồn phách đã rời đi, sự sống tính theo phút và chờ hỏa táng.
Kéo dài tuổi thọ và an hưởng tuổi trời là mong muốn của các chuyên gia dưỡng sinh. Vậy tuổi trời (Thiên niên) là gì? Từ này có ba hàm nghĩa:
- Đó là tuổi thọ Trời ban hay còn gọi là tuổi thọ tự nhiên.
- Chỉ một năm thu hoạch hoặc một năm vận thế, hay còn gọi là Niên thành, Niên vận.
- Đề cập đến thời đại, năm và thời kỳ. ‘Thiên niên’ được đề cập trong “Nội kinh” là thời gian thọ mệnh của một người.
Vậy tuổi trời là bao nhiêu?
Trong “Thượng thư” cho rằng tuổi thọ của con người là 120 năm – ‘Thọ, bách nhị thập tuế dã’.
Còn trong “Hoàng đế nội kinh” cho rằng con người nên sống đến 100 tuổi. “Thượng cổ thiên chân luận” nói: “Tận chung kỳ thiên niên, độ bách tuế nãi khứ” (tạm dịch: Sống trọn tuổi trời, trăm tuổi rồi đi).
Có cách nói khác, hai vòng Giáp được gọi là ‘Thiên niên’, một vòng Giáp là 60 năm, hai vòng Giáp là 120 năm. Nói chung, những người sống trên 60 tuổi được coi là đã qua được tuổi trời.
Sách “Nội kinh”cũng đề cập, bắt đầu từ 7 tuổi, cứ thêm 9 tuổi là tới năm có ách vận, tức là sẽ có ngày đại kỵ (xui xẻo), vì vậy cần đặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe. Cơ thể trước 30 tuổi là do cha mẹ trao cho, sau 30 tuổi bạn phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình. Ở thế giới phàm trần, cuộc sống giống như một bãi chiến trường, nửa đầu đời, thân thể bị hủy hoại do tranh giành so bì theo trình độ học vấn, danh vọng, lương bổng. Nửa còn lại, thân thể lại tiếp tục bị dày vò bởi các chỉ số huyết áp, mỡ máu, đường huyết, cuối cùng thì tất cả trình độ học vấn và bằng cấp được trao đổi để lấy những cuốn sổ khám bệnh.
Đây có phải là cách chúng ta đang sống một đời của mình? Các phương pháp chống lão hóa không ngừng phát triển nhưng quá trình lão hóa vẫn diễn ra như cũ. Khi mới sinh ra, tay nắm rất chặt và tràn đầy hy vọng; những năm cuối đời, nắm tay yếu ớt, cầm vật dễ rơi, là lúc cần phải buông bỏ rồi! nhà thơ Lục Du mãi đến khi ông 80 tuổi mới nhận ra rằng: “Khán tận nhân gian hưng phế sự, bất tằng phú quý bất tằng cùng.” (tạm dịch: Thấy hết thịnh suy nơi nhân thế, mới hay chẳng phú cũng chẳng bần).
Còn nhà thơ Bạch Cư Dị trong những năm cuối đời đã tỉnh ngộ: “Oa ngưu giác thượng tranh hà sự, thạch hỏa quang trung ký thử sinh, tùy phú tùy bần thả hoan lạc, bất khai khẩu tiếu thị si nhân.” ( tạm dịch: Trên sừng (râu) ốc sên còn tranh giành làm chi, đời người ngắn ngủi như đá lửa lóe lên, tùy duyên giàu nghèo đều vui vẻ, không mở miệng cười ấy người ngu.)
Nhiều người vẫn không muốn sống như vậy, khi Hoàng Đế thống nhất thiên hạ, quyền lực tột bậc trong cõi nhân sinh, vẫn có một câu hỏi muôn thuở: Ta nên theo đuổi điều gì tiếp theo?”
Đại thần Kỳ Bá đã chỉ ra lối thoát khỏi bến mê, nói rằng làm người có bốn cảnh giới: Chân nhân, Chí nhân, Thánh nhân, Hiền nhân. Đó là điều người ta cần theo đuổi.
Sách “Nội kinh” viết: “Thánh nhân truyền tinh thần, phục thiên khí nhi thông thần minh” (Tạm dịch: Thánh nhân truyền dạy phép tu dưỡng tinh thần, tuân thủ theo đạo Trời mà kết nối thông với Thần).
Học vấn của người phương Đông cổ đại thực sự là một nền văn hóa nửa Thần, được kết nối với các vị Thần. Muốn “Thọ tản tế thiên địa, vô hữu chung thời.” (tạm dịch: thọ ngang trời đất, không có lúc lâm chung) thì phải tu luyện, trở về bản chất thật của mình và theo Hoàng Đế về Trời – ‘Thành nhi đăng thiên’.
Tuyển tự “Phòng khám Minh Huệ-Dung quang tất chiếu”/Nhà xuất bản Bác Đại.
Ôn Tần Dung – Epoch Times
Thái Bình biên dịch
NTD Việt Nam