Những người dễ bị đỏ mặt vì rượu nên uống càng ít càng tốt hoặc tốt nhất là không nên uống. Triệu chứng đỏ mặt có thể là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của cơ thể, rằng so với những người khác, cơ thể bạn rất nhạy cảm với các chất độc có trong rượu. (Wikimedia Commons)
Người châu Á có xu hướng bị đỏ mặt nhiều hơn khi uống rượu; các chuyên gia cho biết phản ứng này thường là do đột biến gen gây ra. Những người dễ bị đỏ mặt vì rượu nên uống càng ít càng tốt hoặc tốt nhất là không nên uống. Triệu chứng đỏ mặt có thể là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của cơ thể, rằng so với những người khác, cơ thể bạn rất nhạy cảm với các chất độc có trong rượu.
Theo tờ Washington Post, có một hiểu lầm tai hại khi nhiều người nghĩ rằng đỏ mặt trong lúc uống rượu là dấu hiệu cho thấy gan khoẻ mạnh. Trên thực tế, những đột biến gen như vậy (được gọi là các biến thể ALDH2*2) có liên quan đến nhiều loại bệnh, kể cả ung thư, ở những người nghiện rượu từ vừa phải đến nặng.
Nghiên cứu đột biến gen ALDH2*2 cho thấy phản ứng đỏ mặt do rượu gây ra là dương tính, chứng tỏ thiếu hụt ALDH2*2 và thiếu các enzym chức năng giúp cơ thể phân hủy rượu. Vậy nên, đối với những người có đột biến gen này, sẽ thật sai lầm khi tin rằng “uống rượu vừa phải là tốt cho sức khỏe”.
Khoảng 8% dân số thế giới, tương đương 560 triệu người, mang gen đột biến này, phần lớn trong số họ là người gốc Đông Á. Ước tính có khoảng 45% người Đông Á bị đỏ mặt và khó chịu khi uống rượu. Trong khi một số người kiêng rượu hoàn toàn thì vẫn không ít người cố gắng vượt qua cảm giác khó chịu hoặc dùng đến thuốc kháng histamine để giảm bớt tác dụng.
Joseph Wu, giám đốc Viện Tim mạch Stanford và chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người nghiên cứu đột biến gen gây ra phản ứng đỏ mặt khi uống rượu, cho biết cha mẹ và ông bà của anh thường đỏ mặt chỉ sau một hoặc hai ly. Nhiều năm sau, khi anh bắt đầu uống rượu, nhịp tim lên tới 130 nhịp/phút. Sau 3 – 4 tiếng, mặt vẫn đỏ và đầu vẫn đau.
Ronald Crystal, Giám đốc Khoa Y học Di truyền tại Đại học Y khoa Weill Cornell, chỉ ra rằng những người uống rượu nếu mắc phải một trong những bệnh di truyền phổ biến nhất thế giới sẽ phải đối mặt với bệnh tim mạch, loãng xương, ung thư thực quản… và các bệnh khác.
Người bị đột biến ALDH2*2 uống rượu vừa phải (được định nghĩa là hai ly mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ) có nguy cơ phát triển ung thư thực quản gấp 40 – 80 lần so với những người uống tương đương mà không có đột biến. Càng uống nhiều thì rủi ro càng cao. Đột biến này cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đầu và cổ, ung thư dạ dày, bệnh động mạch vành, đột quỵ và loãng xương ở người Đông Á.
Theo Li Dongqi – Aboluowang
Bảo Vy biên dịch
NTD Việt Nam