Nhiều quan chức lớn trong triều đình thời xưa lại thường giáo dục con cháu xem nhẹ danh lợi, chú trọng vào tu tâm dưỡng tính.
Bậc trí giả viết sách giáo dục con cháu
Nhan Chi Thôi là một vị quý tộc từng làm quan dưới 4 triều đại thời Nam- Bắc Triều trên lãnh thổ Trung Nguyên. Ông đã viết “Nhan thị gia huấn“, gồm khoảng 40.000 từ để nhắc nhở con cháu không được dựa vào địa vị gia đình mà kiêu ngạo và lười biếng; đồng thời ông hy vọng rằng thế hệ con cháu có thể coi trọng, duy trì lễ-nghĩa, rời xa nghiệp ác.
Trong “gia huấn”, Nhan Chi Thôi chú trọng đạo lý ngũ thường của Nho gia với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và đề cập đến năm giới cấm của Phật gia là không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ông cho rằng cả 2 gia đều có tư tưởng làm người trí tuệ và sâu sắc, chúng có thể thể bổ sung những tinh tuý cho nhau để con người dựa vào đó trau dồi phẩm hạnh.
Phương châm giáo dục của ông đã được truyền lại liên tục trong suốt 1.300 năm và được người đời tôn vinh là tổ tiên của phương pháp giáo dục gia đình.
Tâm huyết của Nhan Chi Thôi không phải là vô ích, hậu duệ gia tộc họ Nhan thực sự đã sống theo sự mong đợi của ông. Cháu trai của ông, Nhan Sư Cổ là một học giả lớn thời Bắc Tề, người đã chú thích cho tập biên niên sử “Hán Thư”; cháu đời thứ năm họ Nhan – quan Thái thú, Giám sát Ngự sử Nhan Chân Khanh là nhà văn, nhà thư pháp hàng đầu triều đình, và Nhan Cảo Khanh là một chính trị gia kiệt xuất.
Một vị quan thời nhà Thanh tên là Vương Sướng, trong gia huấn cũng đã răn dạy con cháu như sau: “Thấy lợi chớ nên tham lam vô ơn. Đối đãi với người khác chớ thờ ơ, dối trá, thiên vị, huống chi là ích kỷ, trục lợi. Hãy độ lượng, đừng làm cho người khác điều mình không muốn làm cho mình…”.
Có thể nói rằng những gia tộc lớn, có đóng góp lớn cho sự phát triển của triều đình thì ngay trong gia đình, họ cũng nghiêm túc trong việc xiển dương đạo đức, giáo dục nề nếp cho con cháu.
Đạo lý tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ
Dễ nhận thấy phương châm giáo dục trong mọi gia đình thời xưa là phải đề cao đạo lý “tu thân” trước tiên, kế đến là “gia đình hòa thuận”. Trong đó lại dạy cách người ta đối đãi với bậc trưởng lão, con cháu, vợ chồng, anh em, tôi tớ, và bổn phận của từng thành viên trong đại gia đình.
Sau khi rời khỏi phạm vi gia tộc, con đường làm quan sẽ dựa trên nền tảng đạo lý “trung thành với Thiên Tử”, phù hợp với sự an bài của đất trời. Từ đó dù người ta đối mặt với vinh hoa phú quý nhưng vẫn giữ được tinh thần trách nhiệm, công chính nghiêm minh. Đây cũng là nguyên tắc làm người tối quan trọng trong các gia tộc.
Từ góc độ nội dung cụ thể, trong phép tắc của các gia đình có rất nhiều chương nói về đạo hiếu. Bậc hiền nhân nhiều lần răn dạy con cháu chăm chỉ làm việc không phải để cầu danh lợi mà làm rạng rỡ tổ tiên. Con người sống trên đời cần làm nhiều việc thiện cống hiến cho đời, cũng là tích phúc đức làm chỗ nương tựa cho con cháu đời sau.
Tiết kiệm và mực thước
Trong cuốn “Huấn kiệm kỳ khang”, Tư Mã Quang đã nhấn mạnh:“Từ tiết kiệm đến xa hoa thì dễ, nhưng từ xa hoa chuyển sang tiết kiệm thì khó”. Gia đình dù có may mắn đến đâu cũng không thể đảm bảo đời nào cũng có người làm quan lớn, chưa kể người trong nhà sống phóng túng. Hoang phí là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến gia nghiệp của tổ tiên bị hủy hoại. Bởi thế, ông răn dạy con cháu rằng, một bát cháo ta ăn cũng phải nghĩ nó từ đâu mà có.
“Kiêu ngạo, xa hoa là tuyệt đối không thể chấp nhận được”, đây là hai thói xấu được Chu Hy nhắc nhở trong “Chu Tử gia huấn”. Toàn bộ “gia huấn” của ông phần lớn xoay quanh việc khuyên con cháu cần kiệm.
Mặc dù đề cao tiết kiệm nhưng phương châm “để lại nhiều của cải cho đời sau” của nhiều gia đình cũng không được ông tán thành. Chu Hy cho rằng, nhiều của cải vật chất là có hại chứ không có lợi. Con cháu của ông được răn rằng“có đức mà giàu thì hại tâm chí; nếu ngu mà giàu thì tạo điều kiện cho lỗi lầm tăng trưởng”.
Một điểm nữa được nhấn mạnh trong phương châm giáo dục gia đình là sự tôn trọng và mực thước. Mọi người cần cẩn trọng trong từng lời nói và hành động, độ lượng và nhẫn nhịn, không được dối trá, phô trương mà chuốc lấy tai hoạ.
Sách “Quân lệnh” của Gia Cát Lượng có ghi: “Dùng tĩnh lặng để tu thân, lấy tiết kiệm để dưỡng đức. Không đạm bạc thì không tỏ rõ được chí hướng, không yên tĩnh thì không thể xây dựng được chí hướng cao xa”; điều này chỉ ra cảnh giới cao thượng mà các nhà Nho hướng tới. Điều đáng phải cảnh giác và sợ hãi nhất chính là con cháu kiêu ngạo, buông thả, hung hăng, ngang ngược; những tính xấu đó sẽ thu hút tâm đố kỵ của người đời, gây họa cho bề trên, chuốc họa vào bản thân.
Giáo dục con cháu xem nhẹ danh lợi
Trong nhiều gia huấn cổ, bậc hiền triết đa phần dạy con cháu của họ tu tâm dưỡng tính, mà không có nói nhiều về học tập các kỹ năng. Một số vị là quan chức lớn trong triều, danh vọng đầy đủ lại thường thuyết phục con cháu của họ không quan tâm đến danh lợi; thay vào đó là lấy việc “làm nông, học tập kinh điển và nối dõi tông đường” làm mục tiêu lý tưởng của họ. Họ tin rằng mục đích của việc đọc sách thánh hiền là để học cách cư xử chứ không phải để trở thành một vị quan hay trở thành người giàu có.
Trong “Truyền gia bảo toàn tập” do Thạch Thành Kim viết vào thời nhà Thanh cũng nói, nếu người ta giáo dục con cháu trở thành những người “truy cầu vinh hoa phú quý”, con cháu của họ sau khi làm quan “không tuân theo đạo lý”, cuối cùng sẽ tán gia bại sản, bán đứng tổ tông, thật đáng hổ thẹn. Cho nên các bậc phụ huynh ngay từ đầu cần dạy dỗ con trẻ một cách lý trí, bài bản.
Theo Vision Times
Truyền Thống