Trong lộ trình tăng viện phí với mức tăng lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, Bộ Y tế cùng các bệnh viện đã đang xây dựng khung giá cho hơn 10.000 dịch vụ và kỹ thuật y tế. (Getty Images)
Trong lộ trình tăng viện phí với mức tăng lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, Bộ Y tế cùng các bệnh viện đã đang xây dựng khung giá cho hơn 10.000 dịch vụ và kỹ thuật y tế.
Trong văn bản phản hồi về lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức giá tuỳ theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Kết cấu của chi phí khám chữa bệnh bao gồm 4 yếu tố:
- Chi phí trực tiếp (thuốc, vật tư, điện, nước, điều hoà, vệ sinh…)
- Tiền lương, tiền công
- Chi phí quản lý
- Chi phí khấu hao thiết bị
Hiện tại, giá dịch vụ y tế chỉ đang được tính dựa vào 2 trong 4 yếu tố nói trên, chưa tính đến chi phí quản lý và khấu hao thiết bị.
Bộ cũng cho biết mức giá sẽ được tính theo tiêu chí “tính đúng, tính đủ”.
VnExpress dẫn lời của Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, cho biết để lập khung giá, cần lập danh mục các chi phí, sau đó tính định mức kỹ thuật rồi áp giá tương ứng để hình thành giá mới.
Chẳng hạn: Một ca mổ ruột thừa cần hai bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê, một y tá phụ trách dụng cụ và các loại thuốc… Bệnh viện sẽ tính lương một giờ của bác sĩ và y tá, giá thiết bị cùng các chi phí quản lý cũng như khấu hao, cuối cùng ra tổng chi phí cho một ca mổ.
Căn cứ từ thực tiễn lâm sàng, Bộ sẽ quyết định mức giá chung cho một ca mổ tương tự.
Bộ Y tế dự kiến sẽ hoàn thành khảo sát vào tháng 8 và đề xuất phương án tính phí quản lý vào giá. Quá trình hoàn thiện danh mục kỹ thuật và khảo sát xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật sẽ diễn ra vào tháng 12.
Dự kiến vào quý 3 năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng 9%, trong đó 4% thuộc về chi phí quản lý, còn lại là chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá.
Theo báo Người Lao Động, trước đề xuất tăng mức giá cho các dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đối với nhóm đối tượng có thẻ BHYT:
- Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%, sẽ “không bị ảnh hưởng”.
- Trong khi đó, khoảng tăng viện phí với những người phải đồng chi trả 20% hay 5% không nhiều, hơn nữa, họ đều có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện phản ánh giá viện phí đã rất lạc hậu. Ví dụ, giá một lượt siêu âm tại Bệnh viện Bạch Mai là 43.900 đồng, không đủ để chi trả hao mòn máy móc. Với lượng bệnh nhân đông, nguồn thu eo hẹp, rất khó khăn trong việc giữ chân bác sĩ do lương thấp, theo VnExpress.
Bảo Vy tổng hợp
NTD Việt Nam