Điều gì xảy ra nếu phi hành gia cởi mũ bảo hiểm trong không gian? Họ sẽ sống sót được bao lâu và điều gì sẽ xảy ra với cơ thể họ? (Ảnh: Pixabay)
Điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành gia cởi mũ bảo hiểm khi ở trong không gian? Các nhà văn khoa học viễn tưởng có thể sẽ thất vọng khi biết rằng điều đó không thể xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên, nếu nó thực sự xảy ra thì họ có thể sẽ gặp những hậu quả thảm khốc đó là các chất dịch trong cơ thể thoát ra ngoài, bỏng bức xạ Mặt trời, và oxy trong máu nhanh chóng mất dẫn đến tình trạng bất tỉnh chỉ trong vòng 12 giây. Ngoài ra, môi trường chân không cũng gây ảnh hưởng lên cơ thể và làm giảm cơ hội sống sót của họ.
Herve Stevenin, giám sát Đơn vị Huấn luyện Bay Parabol và Hoạt động bên ngoài phương tiện của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết: “Một phi hành gia trong bộ đồ điều áp không thể tự mình tháo mũ bảo hiểm ra. Việc này được thực hiện bởi một thành viên khác của phi hành đoàn ở khoang chốt khí (airlock)”. Nhưng giả sử nếu một phi hành gia có thể cởi mũ bảo hiểm, thì anh ta sống được bao lâu?
Tin tốt là phi hành gia sẽ không chết ngay lập tức, phát nổ hoặc đóng băng như mô tả trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Bác sĩ phẫu thuật bay cấp cao của ESA, Tiến sĩ Sergi Vaquer Araujo giải thích: “Chân không là chất dẫn nhiệt kém. Cơ thể sẽ giảm nhiệt độ, nhưng nó sẽ không tự động biến thành một cái que kem lớn”.
Dựa trên các thí nghiệm trên động vật và một số tai nạn trong buồng chân không, dù có nguy cơ bị tổn thương không thể phục hồi ngày càng tăng, một phi hành gia đã tháo mũ bảo hiểm có thể tỉnh táo trong tối đa 12 giây và có thể sống sót nếu được điều áp lại trong vòng 2 phút.
Chức năng của bộ đồ du hành vũ trụ không chỉ là cung cấp oxy cho phi hành gia đi bộ ngoài không gian mà còn giữ cho cơ thể họ ở áp suất đủ để duy trì nhịp thở và các chức năng cơ thể khác. Khi điều đó mất đi, thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Vậy khi phi hành gia cởi bỏ mũ bảo hiểm thì chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Khuôn mặt không được bảo vệ của họ ngay lập tức bị cháy nắng do tia cực tím cường độ mạnh từ ánh sáng Mặt trời chiếu trực tiếp.
Tuy nhiên, phi hành gia đi bộ ngoài không gian sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác.
Trái với trực giác, điều quan trọng hơn hết là phi hành gia không đội mũ bảo hiểm cần nhớ là họ phải thở ra. Nếu nín thở, phổi của họ sẽ phình to như một quả bóng bay sắp nổ. Việc thở ra sẽ tránh được điều tồi tệ nhất của “chấn thương khí áp” này, mặc dù phổi của họ giờ đây thay vì là nơi oxy đi vào trong máu thì lại trở thành nơi thoát ra.
Sự giãn nở không khí đồng thời trong tai và xoang sẽ gây ra vỡ mô và có thể làm cho họ bị điếc. Trong trường hợp không có áp suất khí quyển, hơi ẩm bao phủ mắt, miệng và cổ họng của phi hành gia sẽ bốc hơi. Cảm giác cuối cùng của một kỹ sư NASA khi ông vô tình bị giảm áp vào năm 1966 là chất dịch trên lưỡi sủi bọt và bốc hơi. Sự bay hơi này sẽ làm giảm nhiệt độ cục bộ và đóng băng.
Chất lỏng trong các mô cơ thể cũng sủi bọt và bốc hơi, gây ra những vết sưng đau đớn được gọi là “chứng phù nề”. Vào năm 1960, chiếc găng tay trong bộ đồ bảo hộ của vận động viên khinh khí cầu tầm cao Joseph Kittinger bị hỏng: bàn tay của ông sưng to gấp đôi và trở lại bình thường sau khi nhảy dù trở lại.
Các chất dịch cơ thể khác cũng sẽ trào ra ngoài nếu có thể. Thí nghiệm của NASA trên chó năm 1964 quan sát thấy sự chảy nước mắt, nước bọt tiết nhiều, tiểu tiện, nôn mửa và đại tiện.
Mối đe dọa nghiêm trọng nhất là tình trạng oxy trong máu liên tục thoát ra qua việc phổi tiếp xúc với chân không. Khi máu không có oxy bắt đầu đến não, thì đó cũng là lúc “thời gian có ý thức hữu ích” của người đi bộ ngoài không gian kết thúc. Con số 12 giây là lạc quan. Nó có khả năng bị giảm đi do nỗ lực của cơ thể hoặc các yếu tố bên ngoài như tình trạng không trọng lực. Vì vậy, phi hành gia không đội mũ bảo hiểm của chúng ta sẽ cần những người đồng đội để cứu họ.
Theo skyatnightmagazine
NTD Việt Nam