Nhiều người lầm tưởng rằng tình trạng răng rụng không phải là vấn đề nghiêm trọng, miễn là còn răng khác, thì vẫn có thể sử dụng được. Thực tế đây là một suy nghĩ rất sai lầm. Mất răng kéo dài có thể để lại hậu quả khôn lường, trực tiếp nhất là khả năng nhai suy giảm rõ rệt. (Needpix)
Nhiều người lầm tưởng rằng tình trạng răng rụng không phải là vấn đề nghiêm trọng, miễn là còn răng khác, thì vẫn có thể sử dụng được. Thực tế đây là một suy nghĩ rất sai lầm. Mất răng kéo dài có thể để lại hậu quả khôn lường, trực tiếp nhất là khả năng nhai suy giảm rõ rệt. Con người nạp dinh dưỡng thông qua thực phẩm, nếu không ăn uống đầy đủ thì sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nếu so với những tác hại khác mà việc mất răng kéo dài gây ra, thì khả năng nhai suy giảm chỉ là một hậu quả tương đối nhỏ.
Mất răng kéo dài có tác hại như thế nào?
1. Chức năng nhai giảm
Sau khi mất răng, diện tích nhai bị giảm, hai răng nằm cạnh răng bị mất dần nghiêng về phía khoảng trống của răng rụng trước đó để lại, khiến cho khớp cắn bị rối loạn, ảnh hưởng đến khả năng nhai.
Ngoài ra, mất răng cũng gây khó khăn cho khả năng nhai kỹ và làm nát những miếng thức ăn lớn, theo thời gian, chúng có thể tác động đến sức khoẻ của hệ tiêu hoá.
2. Ảnh hưởng đến ngoại hình
Mất răng có thể khiến bạn hình thành thói quen nhai một bên hàm, tức là thay vì đảo thức ăn hai bên để nhai, bạn chỉ nhai lệch hẳn về một bên.
Nếu điều này xảy ra trong thời gian dài, cơ cắn ở bên được nhai thường xuyên sẽ phát triển hơn, khiến khuôn mặt trông to hơn, còn bên không được nhai sẽ tương đối nhỏ, cuối cùng làm lệch khuôn mặt.
Nếu mất nhiều răng, thậm chí mất một nửa hoặc toàn bộ các răng trong miệng thì khuôn mặt sẽ có nguy cơ bị móm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện mạo.
3. Làm nghiêng các răng liền kề và kéo dài răng đối diện
Hai răng nằm cạnh răng bị rụng có thể dần nghiêng về phía chỗ trống, đồng thời các răng hàm trên hoặc hàm dưới tương ứng cũng có thể dài ra, dẫn đến tình trạng răng sắp xếp không đều, nhô cao thấp và lệch khớp cắn bất thường.
4. Sâu răng và bệnh nha chu
Sau khi mất răng, khoảng trống giữa các răng lớn khiến thức ăn có xu hướng bị kẹt lại nhiều hơn và khó làm sạch, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi, dễ gây sâu răng và bệnh nha chu
5. Đẩy nhanh quá trình mất răng kế cận
Sau khi mất răng, sự kích thích sinh lý của xương ổ răng do lực cắn bình thường gây ra biến mất, xương ổ răng sẽ bị teo do không sử dụng, tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến việc sửa chữa sau này.
Các răng kế cận mất đi sự hỗ trợ và nghiêng dần, di chuyển vào khoảng trống răng đã mất, đồng thời lực nhai không đều cũng sẽ làm tăng áp lực nhai lên các răng kế cận, những yếu tố này có thể đẩy nhanh quá trình lung lay và mất răng tiếp theo.
Vì vậy, bệnh nhân bị mất răng cần đến gặp bác sĩ và điều trị phục hồi kịp thời để tránh tình trạng teo xương ổ răng và mất răng kế cận.
Các phương pháp phục hình răng bị mất là gì?
Có 3 phương pháp phục hình răng bị mất phổ biến là: lắp răng giả, cầu răng và cấy ghép.
1. Lắp răng giả
Hàm giả có ứng dụng rất đa dạng, chủ yếu dành cho người lớn tuổi.
Tuy nhiên, răng giả có chức năng nhai kém, tuổi thọ ngắn, dễ gây ra các bệnh về răng miệng nên không phù hợp với những người có tình trạng nha chu kém.
2. Cầu răng
Cầu răng cố định sử dụng răng hai bên của vị trí răng bị mất làm trụ cầu để cố định hàm giả, đồng thời có yêu cầu cao hơn đối với răng trụ nên phù hợp với những bệnh nhân có răng tự nhiên (cạnh vị trí răng bị mất trước đó) đều tốt, sức khỏe nha chu tốt và hàm răng đều đặn.
3. Răng cấy ghép
Phương pháp này yêu cầu cấy chân răng nhân tạo vào nướu của răng bị mất. Sau khi chân răng và nướu đã phát triển chắc chắn, một mão răng thật sẽ được gắn vào chân răng, chắc chắn và bền bỉ, tạo lực nhai đủ mạnh và tuổi thọ cao nên cũng thích hợp cho người bị mất một, nhiều hoặc một nửa hàm răng.
Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào kết quả khám răng miệng, lời khuyên của bác sĩ và tình trạng của từng cá nhân.
Theo Song Yun – Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam