Dời gỗ lập tín, giết chóc lập uy. (Tranh Thanh Phong/NTDVN)
Vệ Ưởng thông qua một thái giám thân cận với Tần Hiếu Công mà có bốn cơ hội tiếp kiến Hiếu Công. Lần đầu tiên ông ta du thuyết Hiếu Công bằng đạo đế vương, cuối cùng lấy được sự hài lòng của Hiếu Công bằng kế sách làm nước giàu binh mạnh. Vệ Ưởng đề xuất sách lược phát triển nông nghiệp, huy động chiến tranh, thông qua việc khai khẩn đất đai, ban cho chức tước, cải cách hộ tịch, chế định pháp luật hà khắc tàn khốc, thay đổi pháp luật nước Tần. Bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống hiện tại sẽ liên quan đến một nhóm lợi ích lớn và cũng sẽ liên quan đến việc phân phối lại các lợi ích chính trị và kinh tế, vì vậy sẽ rất khó khăn. Vệ Ưởng đã làm gì để thúc đẩy chủ trương của mình?
Tần Hiếu Công phong Vệ Ưởng làm Tả Thứ Trưởng, đây là tước vị thứ 10 trong số 20 cấp tước của nước Tần, tương đương với chức võ quan bậc trung. Khi Vệ Ưởng muốn cải cách luật, việc đầu tiên ông phải làm là thuyết phục Tần Hiếu Công, nếu Hiếu Công không đồng ý thì sẽ không thể thực thi chủ trương. Vì thế sau khi Vệ Ưởng đề nghị cải cách, ông đã tiến hành biện luận với hai vị đại phu Cam Long và Đỗ Chí trước mặt Tần Hiếu Công.
Vệ Ưởng đưa ra một quan điểm rất quan trọng trong cuộc tranh luận này, ông nói: “Trị thế bất nhất đạo, tiện quốc bất pháp cổ, cố thương vũ bất tuần cổ nhi vương, hạ ân bất dịch lễ nhi vong, phản cổ giả bất khả phi, nhi tuần lễ giả bất túc đa.”
Nghĩa là: không chỉ có một cách cai trị quốc gia, nếu có lợi cho việc cai trị thì không nhất thiết phải theo những cách thức cổ xưa, chẳng hạn như Thành Thang và Chu Vũ không tuân theo lễ nghi ban đầu nhưng đã trở thành vua, còn Hạ Kiệt và Thương Trụ không thay đổi lễ nghi nhưng họ bị diệt vong. Vì vậy, những người muốn cải biến lễ nghi cũng không phải là sai trái gì trầm trọng, còn những người theo đuổi lối cổ xưa thì không có gì mà phải khen ngợi tuyên dương.
Tần Hiếu Công nghe thấy có lý nên quyết định làm theo lời Thương Ưởng.
Dời gỗ lập tín
Thực ra, tôi đã nói rằng Thương Ưởng đã trộm thay đổi khái niệm. Xác thực chúng ta biết rằng “lễ” của ba triều đại Hạ, Thương, Chu là khác nhau. Chẳng phải Khổng Tử đã từng nói: “Hạ lễ ngô năng ngôn chi”, “Ân lễ ngô năng ngôn chi” sau đó nói “ Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai, ngô tòng Chu”.
Tạm dịch: Ta có thể nói về lễ của triều Ân, triều Thương, triều Chu theo lối hai triều trước đó nên văn chương đỉnh thịnh, ta theo lối triều Chu.
Ý của ông là lễ nghi của các triều đại Hạ, Thương và Chu thực sự khác nhau. Nhưng chúng ta biết rằng “lễ” chỉ là một loại hình thức, nhưng nội hàm đạo đức của nó là không thay đổi. Cùng với sự phát triển của chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, bề ngoài của “lễ” có thể thay đổi, điều này rất tự nhiên nhưng nội hàm đạo đức không thể thay đổi được.
Đúng là Hạ Kiệt và Thương Trụ không hề thay đổi lễ nghi của nhà Hạ và Thương, nhưng vì Hạ Kiệt và Thương Trụ là những vị vua suy đồi đạo đức, đây mới là nguyên nhân khiến họ bị diệt vong. Nên chúng ta thấy rằng, Vệ Ưởng chỉ nắm bắt bề ngoài, mà vứt bỏ bản chất đạo đức của ‘Lễ’. Ông đã thuyết phục Tần Hiếu Công bằng cách ngầm thay đổi khái niệm.
Sau khi thuyết phục được Tần Hiếu Công, Vệ Ưởng bắt đầu cải cách. Dù được sự đồng ý của quốc vương nhưng ông vẫn gặp phải sự phản đối từ hai phía, một là dân thường, hai là quý tộc nước Tần.
Vậy Vệ Ưởng ứng phó với phản ứng của dân chúng như thế nào? Tổng cộng ông đã làm ba việc. Việc thứ nhất gọi là ‘Xỉ mộc lập tín’ – Dời gỗ tạo dựng chữ tín; việc thứ hai gọi là ‘Kiềm dân chi khẩu’ – bị miệng dân chúng; việc thứ ba gọi là ‘Tru sát lập uy’- giết chóc tạo dựng uy thế.
Sau khi chế định luật pháp, Vệ Ưởng không lập tức công bố, trước tiên ông tạo ra một sự kiện để gây chú ý. Ông cho dựng một cột gỗ nhỏ bên ngoài cổng phía nam của thủ đô nước Tần lúc bấy giờ, tức là ở Lịch Dương, nói rằng nếu ai có thể mang cột gỗ này từ cổng phía nam đến cổng phía bắc, thì sẽ được cấp phần thưởng mười vàng.
“Vàng” thời đó không phải là thứ chúng ta gọi là vàng bây giờ. Trong thời Chiến Quốc, bạc không phải là tiền tệ được lưu hành, và vàng thật là thứ mà chúng ta gọi là vàng ngày nay thì vào thời điểm đó vẫn còn khó nung luyện, vàng thời đó chỉ là kim loại đồng. Cái gọi là mười vàng có nghĩa là mười cân đồng.
Nhưng bạn phải biết rằng, vào thời điểm đó, 10 vàng là một số tiền rất lớn. Bây giờ tương đương với bao nhiêu tiền? Chúng tôi không có con số cụ thể, nhưng dựa trên một số ghi chép dữ liệu trong “Hán thư-Thực hóa chí”, tôi ước tính rằng nó có thể tương đương với chi phí sinh hoạt của một gia đình năm người trong vài năm. Đó chỉ là việc di chuyển một cột gỗ từ nơi này sang nơi khác. Các bạn biết đấy, đô thành lúc đó rất nhỏ, chu vi có lẽ chỉ vài km, đi bộ thẳng qua thành cũng chỉ vài trăm mét.
Sau khi dán cáo thị, có rất nhiều người xem nhưng không ai động thủ. Việc đơn giản như vậy mà lại ban thưởng lớn thế, ai cũng cảm thấy thật khó tin. Vệ Ưởng nghe nói không ai tới chuyển gỗ, vậy sao? Vệ Ưởng nói: Được, cần thay đổi, đổi thưởng mười vàng thành năm mươi vàng. Về sau có người đứng lên nói, Tần quốc chưa bao giờ ban thưởng lớn như vậy, nhưng luôn có thưởng một chút, nên anh ta thử xem sao. Anh chuyển cột gỗ từ cổng nam sang cổng bắc. Khi đó, Vệ Ưởng đã đợi sẵn ở cổng bắc, thấy cột gỗ được chuyển đi, Vệ Ưởng nói với người này: “Ngươi là một dân lành.” Lập tức đưa cho anh ta năm mươi vàng. Đột nhiên toàn thành đô chấn động bởi sự kiện này.
Vệ Ưởng thực sự đã truyền tải một thông điệp rất rõ ràng đến người dân thông qua sự việc như vậy – Luật pháp là do ta chế định, dù luật pháp có vẻ vô lý đến đâu, ta đảm bảo rằng những gì ta nói là đúng. Đây là việc đầu tiên ông làm, được gọi là chuyển gỗ để tạo dựng chữ tín. Bằng cách chuyển một que gỗ, ông đã tạo dựng được uy tín của mình trong tâm trí người dân.
Điều thứ hai Vệ Ưởng làm là khiến mọi người im lặng. Sau khi pháp lệnh được ban hành, có người đến chỗ Vệ Ưởng chê rằng pháp lệnh không tốt, chỗ này không tốt, chỗ kia không tốt, nguyên nhân là vì thế này thế kia. Còn có một nhóm người tới chỗ Vệ Ưởng, khen rằng pháp lệnh rất hay, đây tốt thế nào, kia tốt ra sao. Vệ Ưởng nói, bất luận kẻ nào khen chê tốt xấu đều tóm hết lại, tống cổ đày ra biên ải.
Vệ Ưởng gọi những người tán thưởng là “Mị lệnh chi dân”, tức là nịnh nọt, lấy lòng ta. Những người cho rằng luật mới không tốt, gọi là “Ngạnh lệnh chi dân”, có nghĩa là cản trở pháp lệnh. Bất kể họ là người nịnh nọt hay người cản trở pháp lệnh, Vệ Ưởng cho rằng họ đều không phải là dân lành.
Thế nào là một người dân tốt trong mắt Vệ Ưởng? Thông qua việc bịt miệng người dân mà đưa ra một thông điệp khác: Pháp luật là do ta chế định, đối với dân chúng, điều duy nhất các ngươi có thể làm đó là tuân theo pháp lệnh do ta chế định mà sống, mà nộp thuế, mà tòng quân, lao dịch, các ngươi nghĩ nhiều để làm gì? Pháp luật có tốt hay không thì cứ làm theo là được. Vì vậy Vệ Ưởng đã dùng phương pháp này để tước đoạt một cách trắng trợn khả năng tự do suy nghĩ và tự do ngôn luận của người dân, đây là điều thứ hai mà Vệ Ưởng làm.
Giết chóc lập uy
Việc thứ ba là ‘Tru sát lập uy’ – Giết chóc tạo dựng uy quyền. Vệ Ưởng từng đích thân hành quyết tù nhân bên sông Vị, hơn 700 người bị xử tử trong một ngày, toàn bộ nước sông Vị chuyển sang màu đỏ, tiếng kêu khóc khắp nơi.
Trong “Tư trị thông giám” có viết: “Sơ, Thương quân tương Tần, dụng pháp nghiêm khốc, thường lâm vị luân tù, vị thủy tận xích”
Tạm dịch: Ban đầu khi Thương Ưởng đến Tần, dùng hình pháp tàn bạo, từng đến sông Vị giết tù nhân ném xác xuống sông, nước sông biến thành màu đỏ.
Vệ Ưởng đã giết những ai? Nay chúng ta không biết rõ, nhưng họ chắc chắn là những người chống lại luật mới. Vệ Ưởng đã loại bỏ ý kiến của người dân và sự phản kháng đối với luật mới bằng cách ‘Dời gỗ lập tin’, bịt miệng dân chúng cùng giết người thị uy.
Bằng cách cho dời que gỗ để thiết lập lòng tin, trấn áp ngôn luận và giết chóc để thiết lập quyền lực, Vệ Ưởng cuối cùng đã thực thi luật pháp của mình trong dân chúng. Tuy nhiên, cuộc cải cách của ông gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các quý tộc nhà Tần, đặc biệt là từ Thái tử. Những người lên tiếng về luật mới đã bị Vệ Ưởng đày ra biên giới, vậy Vệ Ưởng đã đối phó với Thái tử như thế nào?
Theo ghi chép trong “Tư trị thông giám”: “Ư thị thái tử phạm pháp, Vệ Ưởng viết: ‘pháp chi bất hành, tự thượng phạm chi. Thái tử quân tự dã, bất khả thi hình. Hình kỳ phó công tử kiền, kình kỳ sư công tôn cổ’”
Tạm dịch: Về việc Thái tử phạm pháp, Vệ Ưởng viết: ‘Pháp luật không dùng được, là do bề trên phạm lỗi. Thái tử là người thừa kế vương vị, không thể phạt hình. Nên trừng phạt thầy dạy là Công tử Kiền, và thích chữ vào mặt thầy dạy là Công Tôn Giả’.
Vệ Ưởng cho rằng pháp luật không thể thực hiện được vì có người bề trên cản trở, nhưng Thái tử là vua tương lai nên không thể áp đặt luật hình sự, vậy trừng phạt hai vị thầy dạy của Thái tử, tên là Công Tử Kiền và Công Tôn Giả. Thông qua hai sự kiện này, ngay cả thầy dạy của Thái tử cũng bị Vệ Ưởng trừng phạt, nên ai cũng sợ. Vệ Ưởng đã tạo dựng được uy tín của mình.
Nhưng chúng ta thấy rằng Vệ Ưởng là một người tàn nhẫn, hành sự cạn tình không để đường lui. Làm sao có thể đắc tội với Thái tử? Thái tử là người kế vị, sẽ là vua trong tương lai. Nếu để Thái tử ghét, chẳng phải Vệ Ưởng sẽ chết không có đất chôn khi Thái tử lên ngôi sao? Nhưng Vệ Ưởng không nghĩ nhiều như vậy, cứ cứng nhắc áp hình phạt.
Ngay khi Vệ Ưởng sử dụng những chiêu thức sấm sét này, cả nước lập tức im bặt. Thế là Vệ Ưởng bắt đầu thúc đẩy luật pháp mới của mình. Vệ Ưởng thực hiện tổng cộng hai cuộc cải cách. Mãi đến năm 340 TCN, ông mới chiếm được Tây Hà trong trận chiến với nước Ngụy, sau đó được Tần Hiếu Công phong cho vùng Thương Vu, tới lúc này ông mới được gọi là Thương Quân. Bởi vì ông vốn mang họ Vệ, đến từ nước Vệ, nên sau khi được phong cho đất Thương, thì có thể lấy tên đất làm họ, gọi là Thương Quân. Khi đó, ông mới có danh xưng Thương Ưởng. Nhưng vì trong sử sách chúng ta thường gặp câu Thương Ưởng cải cách, Thương Ưởng cải cách, nên chúng ta không thực sự phân biệt rõ. Về sau chúng ta có thể gọi Vệ Ưởng hoặc Thương Ưởng, là đang nói về một người.
***
Thương Ưởng là một nhân vật đại biểu của Pháp gia. Trước khi nói về những cải cách của Thương Ưởng, trước tiên chúng ta cần nói đến tư tưởng của Pháp gia.
Chúng ta biết rằng Pháp gia có ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc. Tác động này được thể hiện ở ba khía cạnh.
Khía cạnh thứ nhất là nhờ những cải cách của Thương Ưởng, tư tưởng Pháp gia đã giúp nước Tần có được nước giàu, quân mạnh, cuối cùng thống nhất Trung Nguyên. Nói cách khác, Pháp gia đã giúp nhà Tần đạt được sự thống nhất, chấm dứt 500 năm chia cắt và chiến loạn giữa các nước thời Đông Chu. Đây là ảnh hưởng đầu tiên của Pháp gia.
Ảnh hưởng thứ hai là Pháp gia đã xóa bỏ chế độ phân phong (phong cho chức tước, đất đai) , thành lập các quận huyện, biến chế độ phong kiến Đông Chu thành chế độ chính trị trung ương tập quyền, và hệ thống chính trị này tồn tại ở Trung Quốc hơn hai nghìn năm. Đây là ảnh hưởng thứ hai của Pháp gia, làm thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị hay phương thức quản lý xã hội ở Trung Quốc.
Ảnh hưởng thứ ba là mặc dù sau thời Hán, Hán Vũ Đế đã phế bỏ hàng trăm trường phái tư tưởng, chỉ tôn trọng Lục Kinh, cho phép Nho giáo đạt được địa vị chính thức ở Trung Quốc, nhưng cái bóng của Pháp gia vẫn luôn tồn tại.
Trong thời kỳ chiến loạn, đấu tranh quân sự là điều không thể tránh khỏi, rất nhiều lúc cần dùng đến những thứ của binh gia, mà Pháp gia chỉ là mang binh gia áp dụng vào trị lý xã hội. Nhưng khi một quốc gia đã kết thúc chiến tranh thì không thể giữ toàn bộ dân chúng trong tình trạng động viên chiến tranh. Lúc này nên dùng vương đạo của Nho gia để cai trị thiên hạ. Ngay Hán Cao Tổ Lưu Bang cũng hiểu rõ: có thể đoạt thiên hạ trên lưng ngựa nhưng không thể ngồi trên ngựa mà thống trị, khi đó cần phải áp dụng vương đạo của Nho gia mà trị lý quốc gia.
Nhưng sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông vẫn luôn sử dụng phương pháp cai trị của Pháp gia. Nhà Tần là triều đại duy nhất trong lịch sử Trung Quốc được cai trị hoàn toàn theo tư tưởng Pháp gia. Đó là lý do tại sao đây là triều đại tồn tại ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc, chỉ tồn tại được 15 năm. Bởi vì nó không dùng vương đạo của Nho giáo hay dùng nhân nghĩa để quản lý quốc gia.
(Còn tiếp)
Chương Thiên Lượng – NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) “Tiếu đàm phong vân” do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 11 – Cải cách của Thương Ưởng (2)
NTD Việt Nam