Có người nói, nhân sinh có hai nỗi khổ lớn: Vì cầu không được, cho nên đau khổ. Vì có được rồi nhưng lại không vừa ý, nên cũng đau khổ. Con người luôn truy cầu sự hoàn mỹ, dẫu đắc được hay không thì vẫn không cách nào thỏa mãn.
Nếu đã như vậy, sao không coi những được-mất trong cuộc đời nhẹ nhàng đi một chút, giữ lấy cái tâm bình hòa, thản thản đãng đãng mà đi giữa thế gian?
Khổ vì không có, lại khổ vì có được rồi nhưng “cũng chỉ đến thế mà thôi”
Có người nói: Có ái tình rồi lại muốn tiền bạc, có tiền bạc rồi lại muốn vui vẻ, có vui vẻ rồi lại muốn sức khỏe, nhưng cho dù có được sức khỏe rồi thì cũng chưa chắc đã hoàn toàn mãn nguyện.
Truy cầu của đời người giống như những đợt sóng cuộn trào, con sóng này nối tiếp con sóng kia, không bao giờ dứt. Cho nên, vinh hoa phú quý nhiều đến đâu, gia tài vạn bạc nhiều đến đâu cũng chẳng thể mua được sự dài lâu, trường cửu. Trong “Hồng Lâu Mộng” có câu hát rằng: “Hỷ vinh hoa chính hảo, hận vô thường hựu đáo”, nghĩa là: Vui vì vinh hoa toàn vẹn, hận vì vô thường lại đến.
Sông có khúc, người có lúc. Núi uy nghi hùng vĩ nhưng có cao có thấp, biển dào dạt mênh mông nhưng nông sâu thất thường. Thế sự biến hóa không ngừng, trăng tròn rồi sẽ khuyết, hoa đẹp rồi sẽ tàn, đêm dài rồi lại đến lúc bình minh. Không một ai có thể sống cuộc đời bất biến, không một ai cả cuộc đời năm tháng nào cũng như nhau. Một đời bi hoan ly hợp, sinh ly tử biệt, cay đắng ngọt bùi, hết thảy chẳng có gì là mãi mãi, nào ai biết được ngày mai điều gì sẽ đến với mình?
Thường nói rằng tự nhiên là vĩnh cửu, song thế gian gió mây vạn tượng, nương dâu bãi bể, ai có thể biết rằng non xanh nước biếc kia sẽ mãi vẹn nguyên như thuở ban đầu? Một đời người, may mắn có được một chút huy hoàng thì cũng chỉ như ánh sao băng vụt qua trong khoảnh khắc. Hết thảy những hỷ nộ ái ố, những khóc cười, những dở hay… rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng vô tình. Như hoa kia trên cành, khi nở khi tàn, khi tươi khi héo, bạn đã có được hạnh phúc khi hoa nở, thì phải chấp nhận cảnh vắng lặng khi hoa tàn. Chúng ta luôn nuối tiếc những gì đã tan vỡ, lại khát khao những gì không có được mà quên rằng: thứ mình đang có mới đích thực là thuộc về mình.
Viên mãn là mỹ lệ, mà tàn khuyết cũng là một dạng mỹ lệ. Đời người mênh mang, chúng ta chỉ là một con sóng trong dòng chảy dài cuồn cuộn, là một chiếc lá trong cánh rừng bát ngát xanh. Vinh hoa hay nghèo khổ, huyên náo hay tĩnh mịch, được hay mất… đến rồi đi, hết thảy đều tự nhiên như mây bay gió thổi. Nuối tiếc là chuyện thường tình, đắc ý cũng là chuyện thường tình, con người sinh ra là để trải nghiệm, đừng hỏi vì sao nhân sinh lúc thì thừa ưu ái, lúc lại quá vô tình.
Không có nên khổ, có được rồi vẫn khổ, sao không chọn “một nửa” thong dong?
Nhân sinh trăm vị, khó đạt được ngũ vị câu toàn. Thế sự sâu xa, khó làm được việc nào cũng như ý. Núi có đỉnh cao, cao thế nào vẫn có đỉnh cao hơn. Sông có bến rộng, rộng thế nào vẫn chưa phải là nơi rộng nhất. Có câu rằng: “Giác tri đa dục bi khổ, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”. Càng nhiều ham muốn càng đau khổ, càng ít ham muốn càng thanh tịnh vô vi, thân và tâm cũng vì thế mà tiêu diêu tự tại.
Vô cầu tức là không ham muốn, người mà có thể đạt đến độ không ham muốn thì thân tâm thanh tịnh, nhân phẩm tự nhiên sẽ cao thượng, mà khổ não cũng sẽ tự tiêu tan. Nhưng có thể làm được một người “không ham muốn”, há chẳng phải bậc Thánh nhân rồi sao?
Bởi thân ở nơi thế tục, mê đắm trong phồn hoa, khó có thể buông xuống hết thảy để sống đời thanh đạm. Bao nhiêu người dám dứt bỏ lụa là gấm vóc để mặc áo trắng vải thô? Bao nhiêu người dám dứt bỏ hải vị sơn hào để thưởng thức cơm rau đạm bạc? Bao nhiêu người dám dứt bỏ lâu đài lầu các, cửa cao nhà rộng để quay về chốn quê mùa vườn tược, vui vầy cùng nước non? Lạc bước giữa nhân gian đầy gió bụi, cái tâm truy cầu như bể sâu không đáy, biết thế nào mới đủ, biết đến đâu mới thực là điểm dừng?
Phồn hoa dễ khiến người ta say đắm, đến nỗi chẳng nỡ buông tay, nhưng lại nhỏ bé tựa như hạt bụi, không thể trường tồn mãi mãi. Nhưng một kiếp người mênh mang này, nên đối đãi thế nào với vinh nhục thế gian?
Khi đối mặt với thế sự phong ba, yêu ghét không hoảng sợ. Đối với danh lợi tình thù, có được cũng không vui, mà mất cũng chẳng buồn. Đối với thắng thua được mất, mất mát không sợ, đắc được tuỳ duyên. Mọi chuyện đều thuận theo tự nhiên mới có thể giữ được nội tâm thanh tịnh.
Mọi việc ở đời đều có mức quân bình, vừa đủ, chưa đến mức ấy thì là thiếu, mà quá mức ấy thì lại đầy. Từ việc nhỏ như ăn uống sinh hoạt, đến việc lớn như trị quốc bình thiên hạ, đều có cái lý bình thường chi phối tất cả. Nghĩa là, làm gì cũng nên có chừng mực, đừng đi tới mức cực đoan. Kinh Dịch cho rằng: Khi Âm cực thịnh thì sẽ chuyển thành Dương, khi Dương cực thịnh thì sẽ chuyển thành Âm, Âm Dương cân bằng mới là trạng thái lý tưởng.
Giữ bản thân ở ngưỡng vừa phải, ắt không phải là sự hèn nhát của kẻ yếu hèn mà là phương châm của bậc quân tử có bản lĩnh; không phải là thái độ cầu an mà là thái độ của người biết tùy kỳ tự nhiên, thuận theo Thiên lý; không phải là đứng giữa theo kiểu thế nào cũng được, mà là đứng ở điểm cân bằng, trung dung.
Cho nên, trong chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu có một câu thơ nhẹ nhàng như vô cùng ý vị: “Nhân sinh nã năng đa như ý, vạn sự chỉ cầu bán xứng tâm”, nghĩa là: Đời người sao có thể có nhiều như ý? Vạn sự chỉ cầu được một nửa xứng lòng.
Một học giả đời Thanh là Lý Mật Am cũng thấu triệt cái lý ấy. Ông không cầu hoàn mỹ, không cầu trọn vẹn, không cầu viên mãn, mà chỉ cần đạt đến ngưỡng “một nửa” là đủ rồi. Trong bài thơ “Bán bán ca” (bài ca một nửa), Lý Mật Am viết:
“Ta đã thấu hiểu nửa kiếp phù sinh, một “nửa” đó vô biên đầy ý nghĩa,
Hưởng nửa kiếp đời vui nhàn nhã, giữa biển trời rộng rãi bao la.
Chốn quê nhà nửa tỉnh nửa quê, vườn tược thì nửa đồi nửa ngập,
Nửa sách đèn, nửa cày cấy, nửa tiểu thương, nửa bình dân, nửa mang danh kẻ sĩ.
Đồ dùng nửa đẹp nửa xấu, nhà cửa nửa sang nửa dở,
Áo quần nửa nhã nửa thô, đồ ăn nửa quê nửa tỉnh
Kẻ giúp việc nửa vụng nửa khéo, thê tử nửa dại nửa hiền,
Tấm lòng ta nửa Phật nửa Tiên, tên tuổi cũng nửa chìm nửa nổi.
Một nửa hiến dâng trời đất, nửa còn lại đem tặng kiếp người,
Nửa lo toan tích cóp để đời sau, nửa nghĩ đến đời người ngắn ngủi.
Uống rượu tới lúc nửa say, ngắm hoa khi hoa nở một nửa.
Thuyền giương nửa buồm thuyền khỏi lật, ngựa thả nửa cương chạy vững vàng…
Chưa đầy một nửa chưa thoả mãn, quá một nửa rồi hoá chán chê,
Trăm năm trong đời nửa vui nửa khổ, hưởng một nửa vui là đủ rồi”
Nguồn: epochtimesviet
Vạn Điều Hay