Các nhà khoa học đang nghiên cứu qua kính hiển vi một lần nữa để tìm kiếm bằng chứng cho thấy truyền máu có thể góp phần gây ra đột quỵ, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài. (Pix4free)
Các nhà khoa học đang nghiên cứu qua kính hiển vi một lần nữa để tìm kiếm bằng chứng cho thấy truyền máu có thể góp phần gây ra đột quỵ, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài.
Nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ có thể lây truyền qua đường máu
Một nghiên cứu mới cho thấy việc truyền máu từ những người hiến máu (nhưng sau đó bị xuất huyết não tự phát), có liên quan đến nguy cơ đột quỵ do xuất huyết cao hơn một chút ở người nhận. Điều này cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa các yếu tố lây truyền qua đường máu và một loại tổn thương mạch máu gây đột quỵ trong não.
Bệnh lý mạch máu amyloid não (CAA) là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ xuất huyết tự phát và có liên quan đến sự lắng đọng các protein beta-amyloid khiếm khuyết trong thành mạch máu não, khiến chúng dễ vỡ, dẫn đến đột quỵ và suy giảm nhận thức.
Nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy CAA có khả năng truyền bệnh “giống như prion”.
Trước đây, bệnh Prion có liên quan đến bệnh não xốp ở bò, thường được gọi là bệnh bò điên, một chứng rối loạn não ở gia súc có thể truyền sang người qua thịt ô nhiễm. Đã có bằng chứng cho thấy tình trạng này có thể lây truyền sang người do hormone tuyến yên được thu thập từ xác chết bị nhiễm protein amyloid-beta và tau.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, việc truyền máu có thể gây ra nguy cơ tương tự như việc tiếp xúc với thịt ô nhiễm.
Để kiểm tra lý thuyết này, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ sử dụng dữ liệu sức khỏe và ngân hàng máu từ hơn 1 triệu bệnh nhân ở Thụy Điển và Đan Mạch có độ tuổi từ 5-80. Tất cả đều được truyền hồng cầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1970 (Thụy Điển) hoặc ngày 1 tháng 1 năm 1980 (Đan Mạch) và ngày 31 tháng 12 năm 2017.
Nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân nhận máu từ người hiến (sau đó bị chảy máu não tự phát), có nguy cơ đột quỵ do xuất huyết cao hơn đáng kể so với những người nhận máu từ người hiến không bị chảy máu.
Tuy nhiên, không thấy nguy cơ đột quỵ tăng lên ở những người nhận máu từ người hiến chỉ bị chảy máu một lần sau khi truyền máu.
Các tác giả cho rằng, dường như có một “tác nhân truyền máu” nào đó liên quan đến cơn đột quỵ tự phát. Họ cho biết nguy cơ đột quỵ tăng 2,3% ở những người nhận máu từ người hiến bị chảy máu não, và đây là một “phát hiện mới”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với bệnh Alzheimer
Mặc dù không được phân tích trực tiếp, nghiên cứu này cho thấy nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên tương tự ở những người nhận máu từ người hiến nhưng bị đột quỵ về sau.
Trong một bài xã luận đi kèm với nghiên cứu, Tiến sĩ Steven Greenberg, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Harvard, đã viết rằng phương pháp của nghiên cứu hỗ trợ chặt chẽ cho những phát hiện này.
Ông viết: “Ngay cả sự gia tăng khiêm tốn về nguy cơ xuất huyết não hoặc chứng mất trí nhớ trong tương lai do một đặc điểm hiếm gặp – hiện chưa thể phát hiện được – của người hiến tặng cũng là mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng”.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các đặc điểm chưa được phát hiện có thể truyền qua người hiến, và việc xác định những yếu tố này để bảo vệ hàng chục triệu người.
Chảy máu não được điều trị như thế nào?
Tiến sĩ Theodore Strange, trưởng khoa y tại Bệnh viện Đại học Staten Island, nói với The Epoch Times rằng việc điều trị tùy thuộc vào loại chấn thương não.
Ông cho biết, nếu chảy máu do ngã gây tụ máu dưới màng cứng, thường không cần phẫu thuật hoặc chỉ cần xử lý bằng thủ thuật tạo lỗ khoan đơn giản. Lúc này, người ta sẽ khoan các lỗ nhỏ vào hộp sọ và đưa vào một ống cao su để dẫn lưu khối máu tụ.
Tuy nhiên, chảy máu do đột quỵ hoặc vỡ phình động mạch khó kiểm soát hơn, bác sĩ Strange nói, nếu bệnh nhân được chăm sóc y tế đủ sớm, thì khả năng cứu sống vẫn khá cao.
Ông cho biết, đối với chảy máu tiểu não, chảy máu ở phần sau của não, thường phải làm phẫu thuật lấy cục máu đông ra trước khi tìm ra nguyên nhân. Giống như đột quỵ, chảy máu bên ngoài não dễ xảy ra hơn so với chảy máu bên trong não.
Hiện tại, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn sự tích tụ amyloid liên quan đến CAA trong mạch máu não. Vì vậy, việc ngăn ngừa chảy máu là rất quan trọng, Tiến sĩ Strange nói.
Việc giảm nguy cơ chấn thương cho bệnh nhân, chẳng hạn như té ngã, gây chấn động và có thể gây chảy máu, là điều bắt buộc.
Tiến sĩ Strange cho biết: “Bệnh nhân, khi họ già đi, có xu hướng té ngã nhiều hơn”, đồng thời lưu ý rằng các loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu, bao gồm thuốc chống đông máu, aspirin và ibuprofen, nên được giảm thiểu “khi thích hợp”.
Ông nói, các bác sĩ phải cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích của thuốc chống đông máu ở những bệnh nhân mắc các bệnh khác.
Theo George Citroner – The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam