Bút có thể hại người, cũng có thể cứu người, hãy xem tâm của người cầm bút. (Shutterstock)
Ngòi bút có thể cứu người, tuy là do Vương Sinh sáng tạo, nhưng chỉ là có nhiều người không nghĩ tới mà thôi. Những việc làm trong thiên hạ mà có thể cứu giúp thế nhân, lẽ nào lại chỉ hạn cuộc trong một việc dùng ngòi bút?
Hẳn có nhiều người đã xem qua bộ phim hài “Quan phán xử” (tiếng Anh: Justice, My foot- Công lý, cái chân của tôi) do Châu Tinh Trì thủ vai chính. Trong phim Châu Tinh Trì thủ vai Tống Thế Kiệt, là một vị tụng sư nổi tiếng ở Quảng Châu, tụng sư cũng được gọi là trạng sư, có vai trò tương tự như luật sư ngày nay, thay mặt cho đương sự tố tụng vụ án.
Trong phim, Tống Thế Kiệt là một tụng sư vô liêm sỉ, vì tiền tài mà làm cho tội phạm thoát tội, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Do vậy, ông ta bị Trời phạt, mười mấy đứa con trai của ông ta lần lượt bị chết yểu. Để tránh đoạn tử tuyệt tôn không người hương khói, Tống Thế Kiệt gác bút, không làm nghề tố tụng nữa. Sau này vì giải oan cho Dương Thị mà vợ chồng ông đã đứng ra biện hộ, trả lại công lý cho thân chủ. Vì sự việc này mà vợ chồng Tống trạng sư đã có một đứa con nối dõi. Thật đúng với câu nói: “Thiện dùng ngòi bút, cứu đời giúp người”.
Trước khi giấy viết được phát minh, người ta dùng dụng cụ sắc nhọn để làm bút, khắc chữ lên thẻ tre để ghi lại sự việc, hoặc dùng đao nhỏ để cạo đi chữ viết sai, đây là nguồn gốc của từ ‘Đao bút’, ngày nay có thể dùng từ “ngòi bút” thay thế. Thật trùng hợp, trong cuốn “Tọa Hoa chí quả” thời nhà Thanh cũng có câu chuyện về “Thiện dùng bút, tế thế độ nhân”.
Viết giả cáo trạng, Thiên Thượng tiêu trừ công danh
Ở Dương Châu có một vị tên là Vương Trung Thừa, cha mất khi còn nhỏ. Do gia cảnh bần hàn, ông phải làm nghề viết cáo trạng thuê để kiếm tiền nuôi dưỡng mẹ cha. Năm Vương Sinh hơn 20 tuổi, đã qua mấy kỳ thi nhưng đều trượt. Đêm giao thừa năm ấy, Vương Trung Thừa mộng thấy có hai vị áo xanh đưa ông đến một phủ quan nguy nga, trên đại điện có một vị Đế Quân đang ngồi, hai bên có hai quan viên mặc y phục đỏ, tay cầm cuốn thư. Đế Quân dùng bút phán xét xong, truyền cho Vương Sinh vào.
Đế Quân nghiêm nét mặt, ném cho ông một quyển sách. Vương Sinh quỳ trên đất, thấy trên sách có ghi tên mình, bên dưới viết là đỗ khoa cử năm ấy, sau đó được vào viện hàn lâm, làm tới quan tổng đốc. Nhưng do Vương Trung Thừa làm trái lương tâm, viết giả cáo trạng, nên toàn bộ công danh bị xóa hết.
Đế Quân đập bàn hỏi: “Đã thấy rõ tội của mình chưa?”
Vương Sinh rập đầu liên tục tạ tội. Đế Quân nói: “Bản quan xét đến việc ngươi phụng dưỡng cha mẹ rất hiếu thuận, nếu biết sửa lỗi lầm thì sẽ có thể hoàn lại công danh. Nếu không chịu cải biến, sau sẽ hỏi đến tính mạng ngươi!”
Nói xong, Đế Quân hạ lệnh dẫn Vương Sinh ra.
Vị quan áo xanh nói với Vương Sinh: “Đế Quân vừa nói ấy chính là kỳ thi sang năm. Nếu ngươi có thể thay đổi mà hướng thiện, thì sẽ có tên trên bảng thi đậu, chớ có quên lời dạy của Đế Quân!”
Nói xong, viên quan áo xanh dùng tay đẩy nhẹ Vương Sinh.
Thay đổi hướng thiện, dùng ngòi bút giúp người
Vương Sinh kinh hãi tỉnh giấc, thấy đèn vẫn sáng, tuy trời còn tối nhưng cũng chẳng muốn ngủ tiếp, cảnh trong mơ vẫn như đang trước mắt. Vương Sinh nghĩ, nhà mình nghèo như vậy, làm việc thiện thế nào đây? Nay có hối cải, buông bỏ đao bút, thì cũng làm sao bù đắp lại được tội nghiệp đã tạo trước đây?
Ông cứ nghĩ nghĩ mãi, đột nhiên linh quang chợt hiện: Ngòi bút có thể hại người, thì sao ta lại không thể dùng ngòi bút cứu người? mọi việc cứ theo chính đạo mà hành, nhất định sẽ được Thần Linh bảo hộ. Vương Sinh kiên định niệm ấy, thuận tay khoác áo, chờ trời sáng sẽ tới cung Văn Xương để dâng hương cầu khấn, biểu thị tâm sửa sai hướng thiện của mình.
Từ đó trở đi, khi gặp người muốn tranh tụng, Vương Sinh đều cố gắng điều hòa tranh chấp, với người vô lý tranh tụng, ông tận lực nói rõ đạo lý; với người có lý nhưng hiểu biết còn nông cạn thì ông dùng tài trí của mình gợi mở giúp họ viết cáo trạng. Ông kiên trì hành thiện như vậy được gần một năm, sau đó thi đỗ, được vua ban cấp lương thực hàng tháng, thế là ông lại càng ra sức hành thiện tích đức.
Bảo toàn danh phận mẫu tử, không nhận tiền hồi báo
Trong vùng có một quả phụ trẻ, chồng chết khi đang mang bầu. Một hôm có người trong họ vu cáo hãm hại cô, nói đứa trẻ trong bụng không phải là cốt nhục của chồng, kêu quan phủ xóa bỏ hôn ước với nhà chồng, không cho mẹ con cô kế thừa gia sản.
Nhà quả phụ thì nhu mì yếu nhược, không dám cất lời bênh vực cho cô. Quả phụ hàm oan khó cãi, khóc lóc suốt ngày, muốn tự sát để biểu đạt sự trong sáng của mình. Có một bà lão nghe được chuyện này liền tới mách Vương Sinh. Vương Sinh điều tra kỹ lưỡng, xác nhận quả phụ kia bị vu oan, ông đích thân tới nhà cô, giúp nhà mẹ cô viết cáo trạng, để mẹ cô đi kiện.
Sau khi cáo trạng đưa đến phủ quan, Vương Sinh nhờ các đồng môn cùng các cụ đức cao vọng trọng giúp đỡ, nói với họ rằng khi quan tri huyện tới văn miếu đàm luận sách Thánh hiền, thì sẽ mang vụ án này đưa ra.
Có người nói, việc này không liên quan tới họ, không muốn ra mặt, Vương Sinh nói: “Tôi nhận vụ này, là để bảo toàn tiết hạnh của cô nhi quả mẫu, việc này có liên quan đến thuần phong mỹ tục của hương thôn, có ảnh hưởng rất lớn, là việc mà kẻ đọc sách chúng ta cần làm, chứ không phải vì tư lợi. Nếu quan phủ trách tội, thì một mình tôi chịu!”
Mọi người đều cảm động vì lòng nhân nghĩa ấy, nên nguyện ý giúp đỡ ông.
Vào ngày tri huyện luận giảng sách Thánh hiền, Vương Sinh công khai trần thuật lại chi tiết vụ án. Tri huyện là người hiểu sự, thấy lời Vương Sinh nói ra cương trực, mạch lạc rõ ràng, nên rất ủng hộ ông. Mấy ngày sau, mở tòa thẩm vấn, người kia bị vặn hỏi đến mức không còn lời nào bào chữa, phải cúi đầu thừa nhận đã vu cáo quả phụ, nỗi oan khuất của thiếu phụ đã được gột sạch.
Nhà thiếu phụ mang 100 lạng bạc để đền đáp Vương Sinh, Vương Sinh kiên định chối từ, ông nói: “Lẽ nào tôi làm việc này là vì tiền của các vị?”
Người nhà quả phụ cảm thấy xấu hổ, đành quay về.
Lập thân hành thiện, Thiên Thượng ban thưởng công danh
Đêm giao thừa năm ấy, Vương Sinh lại mộng thấy hai vị áo xanh mang ông đến phủ quan. Lần này Đế Quân sắc mặt an hòa vui tươi nói: “Ta thấy ngươi rất nhanh sửa đổi lỗi lầm, nên nay mang công danh trả lại. Đáng lẽ ngươi sẽ thi đỗ vào khóa sau, nhưng do hành thiện bảo vệ cô nhi quả mẫu làm cảm động Thượng Thiên, cho nên sẽ thi đỗ năm nay. Ngươi cần thêm cố gắng, tu thiện tích đức chớ biếng lười, sau này tiền đồ sẽ rất lớn đó!”
Vương Sinh dập đầu bái tạ.
Vương Sinh ra khỏi phủ, thấy một già một trẻ quỳ bên đường bái tạ: “Nhờ có đại ân của tiên sinh mà bảo toàn được con cháu nhà tôi, cũng bảo toàn được điền sản gia đình. Cha con tôi không sao đền đáp được. Vừa rồi nghe thấy Đế Quân chiêu kiến tiên sinh, nên cha con tôi đến đây chờ ngài!”
Lúc này Vương Sinh mới hiểu ra, họ là cha chồng và chồng của quả phụ nọ.
Ông cụ chỉ vào người thanh niên nói: “Tôi biết tiên sinh vẫn chưa có con trai, nên tôi đã thỉnh cầu Diêm Vương cho con tôi được chuyển sinh làm con ngài, để báo đền ân đức”.
Trong mộng, Vương Sinh quên mất đường về, may sao có một vị dẫn ông về nhà, vị này chính là Táo Quân (Thần bếp). Sau khi tỉnh dậy, ông kể lại chuyện trong mơ cho mẹ và vợ nghe, rồi dâng hương lạy tạ Táo Quân.
Từ đó, ông ra sức hành thiện, năm ấy thi đỗ Giải Nguyên, được vào hàn lâm viện, giữ chức quan Đại Trung Thừa (Tuần Phủ). Cũng năm ấy, vợ ông sinh con trai, trong mộng ông thấy người thanh niên ấy đi vào trong cửa nhà mình. Sau này con trai Vương Sinh cũng thi đỗ, làm quan lớn.
Tọa Hoa Chủ Nhân Uông Đạo Đỉnh bình luận sự việc này: “Ngòi bút có thể cứu người, tuy là do Vương Sinh sáng tạo, nhưng chỉ là có nhiều người không nghĩ tới mà thôi. Những việc làm trong thiên hạ mà có thể cứu giúp thế nhân, lẽ nào lại chỉ hạn cuộc trong một việc dùng ngòi bút?”
Theo “Tọa Hoa chí quả. Vương Trung Thừa” – quyển hạ
Theo Epochtimes
Thái Bình biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam