Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Dương Lục Lang (Tác giả: Thiên ngoại khách/Chánh Kiến Net cung cấp)
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Công viên Long Đình là di chỉ hoàng cung của triều Bắc Tống, hiện nằm tại nội khu Long Đình thuộc thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam. Nơi đây phỏng theo phong cách đình viện của nhà Tống vừa phảng phất đâu đó khí thế hùng hồn của cung điện triều Đại Tống, vừa có vẻ tú lệ xinh đẹp của một khu vườn hoàng gia. Trong công viên có hồ Dương gia và hồ Phan gia nằm đối lập, nối với nhau bởi một cây cầu đá, phong cảnh tuyệt đẹp khiến du khách ngây ngất quên cả lối về.
Hai hồ này nằm cách nhau không xa đường nước chảy tương thông với nhau, nhưng một bên thì trong một bên thì đục. Những du khách tới đây lần đầu thường cảm thấy rất thần kỳ, vì sao lại có chuyện kỳ diệu như vậy được? Hướng dẫn viên du lịch địa phương có thể sẽ nói với các bạn rằng, trong truyền thuyết, đằng sau hai hồ này có một câu chuyện thần kỳ mà người dân địa phương đã lưu truyền cả nghìn năm.
Thất tử khứ lục tử hồi, Dương gia tướng tận trung báo quốc
Sau khi vương triều nhà Tống được lập không lâu, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận tuy còn tráng niên nhưng đã sớm băng hà, người em trai là Thái Tông lên thay. Thái Tông vẫn luôn nghĩ đến việc thu phục lại đất đai phương Bắc, hoàn thành nốt chí nghiệp chưa thành của anh mình. Vào lúc ông bình định Bắc Hán thành công, chiêu nạp thêm được binh lực của đại tướng Dương Nghiệp, thực lực của quân Tống đại tăng, liền lập tức lên kế hoạch tiến thêm một bước nữa thu phục 36 châu đất Yên Vân.
Sau này Tống Thái Tông nhân lúc Liêu Thánh Tông phương Bắc mới lên ngôi chưa lâu, chính quyền bất ổn, quyết tâm ngự giá thân chinh, dốc hết quốc lực, chia quân làm ba đường Bắc phạt. Tướng sĩ của Dương gia là chủ lực của lộ Tây, đánh đâu thắng đó, liên tục lập công. Lúc đó Tiêu Thái hậu của Liêu Quốc đang nhiếp chính đã mời Tống Thái Tông tới bãi cát vàng để đàm phán, định nhân cơ hội này để bắt Tống Thái Tông và Dương gia tướng sĩ.
Dương Nghiệp e rằng có điều gian trá ở đây, bèn lệnh cho con cả của mình là Dương Đại Lang, vốn có hình dáng giống Tống Thái Tông, đóng giả vua đi dự tiệc. Bên này, Tiêu Thái hậu cũng lệnh cho Thiên Khánh Vương thay mình đi bãi cát vàng đàm phán. Nhưng khi hai bên đang đàm phán, Dương Đại Lang đã bị Thiên Khánh Vương phát hiện, quân Liêu lập tức bao vây toàn bộ nhân mã quân Tống. Hai bên đánh nhau dữ dội, Dương gia tướng cùng quân Tống chiến đấu anh dũng ngoan cường. Tuy vậy vẫn không làm gì được quân Liêu người đông thế mạnh, lần lượt Đại Lang, Nhị Lang, Tam Lang hy sinh, Tứ Lang, Ngũ Lang mất tích, còn Lục Lang bảo hộ Tống Thái Tông lui về hậu phương thành công đột phát trùng vây.
Sau khi thoát hiểm, Lục Lang xin vua được phép quay lại cứu cha và Thất Lang, tuy nhiên vì kẻ địch người đông thế mạnh, quân Tống cuối cùng lại lâm vào cảnh bị bao vây. Dương Nghiệp để hai người con mình rời đi xin quân cứu viện, tự mình cùng những binh sĩ còn lại cố thủ ở hang Trần Gia.
Thất Lang trở lại Nhan Môn Quan tìm chủ soái Phan Nhân Mỹ (Phan Mỹ, tự Nhân Mỹ) xin viện binh. Nhưng vì hận Thất Lang từng đánh chết người con của mình, Phan Nhân Mỹ nhân việc công trả thù riêng, đã bày ra kế độc, hại chết Dương Thất Lang. Quân của Dương Nghiệp không có viện binh, nhưng không muốn bị bắt làm tù binh chịu nhục, liền tự vẫn vì tổ quốc tại Bia Lý Lăng. Cuối cùng Dương gia tướng sĩ chỉ còn một mình Dương Lục Lang thoát được khỏi trùng vây, quay về triều đình, ứng nghiệm với lời khuyên trước lúc ra trận “Thất tử khứ, lục tử hồi”.
Sự là, trước khi xuất binh không lâu, Dương Nghiệp cùng bảy người con lên núi Ngũ Thái Sơn bái Phật, được gặp phương trượng là Thiền sư Trí Thông. Lúc đó Thiền sư Trí Thông bèn đoán trước được Dương gia tướng sĩ chuyến này ắt gặp đại nạn. Nhưng vì không thể tiết lộ thiên cơ, ông chỉ có thể khuyên họ giải giáp hồi hương, về nơi núi rừng ở ẩn. Nhưng Dương Nghiệp trong tâm còn vấn vương bách tính, hy vọng chiến tranh có thể bình định được can qua. Thiền sư Trí Thông chỉ đành gửi tâm ý sâu xa của mình qua câu kệ: “Kim sa than song long hội, thất tử khứ lục tử hồi”, có nghĩa là “Hai rồng gặp nhau ở bãi cát vàng, bảy người con trai đi chỉ có lục tử về”, hy vọng Dương Nghiệp bảo trọng, sau đó bèn tiễn khách xuống núi.
Dương Nghiệp xuống núi xong bèn đem việc này nói với phu nhân của mình (người đời sau gọi là Xa Thái Quân), sau đó dẫn theo binh sĩ xuất trận. Dương phu nhân tưởng rằng chuyến này sẽ có một người con không thể trở về. Nhưng mãi cho đến sau này khi Dương Diên Chiêu về phủ, bà mới hiểu ra ý tứ của câu “Thất tử khứ lục tử hồi”, có nghĩa chỉ có mình Lục Lang có thể bình an trở về.
Trời xanh phân rõ kẻ trung người gian
Dương phu nhân sau khi nghe tin dữ của phu quân cùng những người con, vô cùng bi phẫn cùng Lục Lang Dương Diên Chiêu vào cung tấu vua, xin hoàng thượng đem kẻ hãm hại trung thần Phan Nhân Mỹ xử trảm. Tuy nhiên Phan Nhân Mỹ sớm đã biết Dương Diên Chiêu sau khi hồi kinh tất sẽ báo lại chuyện này, sớm đã tấu rằng Dương Nghiệp tham công liều lĩnh dẫn đến thất bại, lại còn vu cáo cha con Dương Nghiệp tạo phản.
Phan Nhân Mỹ ỷ con gái mình là ái phi của Tống Thái Tông. Với địa vị là hoàng thân quốc thích, ông ta ở trong triều kéo bè kết đảng đã lâu. Lúc đó trong triều có tới hơn một nửa quan viên ủng hộ Phan Nhân Mỹ, còn ủng hộ Dương gia tướng sĩ chỉ có Bát Hiền Vương cùng hiền tướng Khấu Chuẩn và vài vị đại thần. Phan Nhân Mỹ lại vin vào chuyện dân gian đang đồn đại rộng rãi chuyện Dương gia tướng sĩ mưu phản, trên triều vì việc này mà nghị luận sôi nổi, ai là trung ai là gian, khiến Tống Thái Tông nhất thời không biết phải định đoạt làm sao.
Một phần hình ảnh trong bức tranh “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” (1) của một trong bốn họa sĩ nổi tiếng thời nhà Minh – Cừu Anh (Ảnh do Viện bảo tàng Quốc lập Cố Cung cung cấp)
Một hôm, Thái Tông cho triệu kiến hai mẹ con Lục Lang, nói rằng: “Ái khanh, trẫm nhờ có ái khanh nên mới được cứu thoát. Ta quyết không tin Dương gia tướng sĩ thông đồng với địch phản quốc. Nhưng muốn xử Phan Nhân Mỹ theo pháp luật thì phải có bằng chứng mới được, nếu không thì khó mà bịt được miệng lưỡi của người trong thiên hạ. Nếu không có cách nào trong một tuần đưa ra được chứng cứ, thì e rằng khó mà khép tội y được, việc này sợ rằng phải kết thúc tại đây thôi”.
Thế nhưng Phan Nhân Mỹ sớm đã đem các bằng chứng liên quan tiêu hủy gần như toàn bộ. Các binh sĩ ở tiền tuyến đều nhận được lệnh phải ngậm miệng không nói, ai ai cũng sợ hãi quyền thế của họ, không dám hé răng nửa lời.
Dương phu nhân cùng Dương Lục Lang chỉ còn biết buồn bã về phủ. Ngày hôm sau, Dương Diên Chiêu thưa với mẫu thân: “Xin mẹ đừng đau buồn thêm nữa, con tin rằng trời xanh sẽ không phụ lòng người tốt, nỗi oan khiên này nhất định sẽ được rửa sạch. Một mình con sẽ ở lại phủ Thiên Ba khẩn cầu ông Trời, xin mẹ cùng gia quyến của các huynh trưởng tạm về quê nhà Hà Đông sinh sống!” Dương Diên Chiêu sau khi tiễn biệt mọi người, bèn một mình đi vào Phật đường tĩnh tọa, khẩn cầu thiên thượng rửa sạch nỗi oan khiên cho cha và các anh mình.
Ngày hôm sau, mưa to gió lớn đột nhiên nổi lên ở kinh thành Khai Phong. Trời mưa liền mấy hôm không dứt, nước sông Hoàng Hà phía Bắc kinh thành dâng cao làm vỡ đê, khiến Khai Phong biến thành một vùng biển nước. Thế nhưng hồng thủy dường như có mắt, phủ đệ của Phan gia là nơi chịu ngập đầu tiên, phủ đệ của đám vây cánh cũng chịu nạn nghiêm trọng. Nhưng phủ của Bát Hiền Vương cùng tướng Khấu Chuẩn lại bị ngập rất ít.
Cách Phan phủ chỉ một con đường, phủ Thiên Ba của Dương gia cũng bị ngập trong mênh mông biển nước. Tuy nhiên vì người nhà Dương gia sớm đã rời đi, nên gần như không bị tổn hại gì. Điều kỳ lạ là, nước bên Dương phủ thì trong vắt thấy đáy, còn nước bên Phan phủ ở đường đối diện lại đục ngầu bốc mùi hôi thối không ai chịu được. Quả đúng là đối lập một trời một vực với bên Dương phủ, bên thanh bên đục.
Bách tính kinh thành Khai Phong chứng kiến sự thần kỳ này, bèn truyền nhau rằng: Là Trời giáng Thần tích, trả lại sự trong sạch cho tướng sĩ Dương gia. Binh sĩ tiền tuyến nghe được chuyện này, ai nấy đều gia tăng dũng khí, sôi nổi đứng ra làm chứng tố cáo lên trên chuyện Phan Nhân Mỹ hãm hại Dương gia tướng sĩ. Nhờ vậy Tống Thái Tông đã tước bỏ chức vị của Phan Nhân Mỹ cùng đám vây cánh, đồng thời hạ lệnh lập miếu thờ Dương Nghiệp và cho xây dựng lại Phủ Thiên Ba.
Bách tính Khai Phong từ đó lưu truyền một câu ca dao:
Phan hồ trọc, Dương hồ thanh
Dương gia thế đại tinh trung báo quốc
Dương hồ thanh, Phan hồ hỗn
Gian tặc mưu hại trung lương thần
Dịch nghĩa:
Nước hồ Phan thì đục, nước hồ Dương thì trong
Mấy đời Dương gia trung thành bảo vệ tổ quốc
Nước hồ Dương thì trong, nước hồ Phan thì đục
Là kẻ gian tặc mưu đồ hãm hại trung thần
Bách tính ở Khai Phong nói, nước hồ Dương trong suốt thấy đáy là tượng trưng cho phẩm đức cao thượng của Dương gia tướng sĩ. Còn nước hồ Phan thì đục đại biểu cho nhân cách dơ bẩn của Phan Nhân Mỹ. Câu chuyện trời xanh phân rõ người trung kẻ gian này đã được nhân dân địa phương lưu truyền lại cho đến tận ngày nay.
Tư liệu lịch sử tham khảo:
Truyền thuyết Dương Gia Tướng Mục Quế Anh – Nhà xuất bản mỹ thuật nhiếp ảnh Bắc Kinh, xuất bản năm 2015, Cao Tuyết Tùng sưu tập chỉnh lý.
Mấy đời Dương Gia Phủ trung dũng thông tục diễn nghĩa – triều Minh, tác giả vô danh, Tần Hoài mặc khách xét duyệt.
Chú thích của người dịch:
(1): “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” là một trong những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của nghệ thuật phong kiến Trung Quốc, bức tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh, có người lại cho là tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết trời trong sáng.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/283133
Ngày đăng: 09-10-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org