Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Mạnh Lương là một trong những viên tướng anh dũng dưới trướng Dương Diên Chiêu. Ông được cha dạy cho võ nghệ gia truyền, sức mạnh vô cùng, sở trường sử dụng một đôi búa lớn, trên chiến trường hiếm khi gặp được đối thủ. Trong tiểu thuyết và bình thư, Mạnh Lương chỉ là một chiến sĩ dũng mãnh, thiếu tài làm tướng. Nhưng trong miêu tả của các truyền thuyết dân gian, ông đối nhân xử thế trông thì thô kệch nhưng lại tinh tế, có lần còn một mình bắt được đại tướng Đại Bằng của nước Liêu!
Truyện kể rằng, chiến thuật đánh úp Dương Diên Chiêu của Hàn Xương lúc trước, vì bị Vương Lan Anh ngăn cản nên cuối cùng đã thất bại, mà người phụ trách chiến dịch đó là tướng Liêu Đại Bằng không chỉ hao binh tổn tướng, mà còn bị Vương Lan Anh đánh cho bị thương. Điều này khiến hắn ta vẫn một mực muốn tìm cách vãn hồi lại thể diện. Một lần nọ, Tả lộ nguyên soái của quân Liêu là Tiêu Thiên Tá (có tác phẩm gọi là Tiêu Thiên Tả) chuẩn bị dẫn theo đại quân tấn công Ngõa Kiều Quan. Đại Bằng xung phong đứng ra đảm nhận làm tiên phong. Tiêu Thiên Tá quyết định cho hắn dẫn theo hai vạn binh mã đi trước ứng chiến, thăm dò thực lực của quân Tống.
Tiêu Thiên Tá – lấy từ tranh thêu trong Nam Bắc Tống Chí Truyện (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)
Bên phía quân Tống, Dương Diên Chiêu nhận được tin tình báo, biết rằng quân Liêu chuẩn bị tập kích Ngõa Kiều Quan. Ông gọi các tướng sĩ tới bàn bạc cách đối phó. Trong hội nghị, Mạnh Lương xung phong đi trước. Sau nhiều lần cân nhắc, ông quyết định để cho Mạnh Lương dẫn theo năm nghìn tinh binh đi làm tiên phong, còn tự mình dẫn quân chủ lực trấn thủ ở Ngõa Kiều Quan.
Trước khi Mạnh Lương xuất phát, Dương Diên Chiêu dặn dò ông: “Trong rừng cây cách Ngõa Kiều Quan 50 dặm về phía Bắc, có một thôn nhỏ, sau khi quân Liêu giành được đất Yến Vân, người dân ở đó vì để tránh chiến tranh loạn lạc ở phía Nam nên đã rời đi. Hiện trong thôn không còn ai, ngươi có thể lợi dụng tốt nơi đó. Lần này kẻ xâm phạm là tướng Liêu Đại Bằng anh dũng thiện chiến, sức mạnh không kém ngươi. Hắn còn có một nhóm quân ám sát, ngươi cần chú ý đề phòng. Ta đã ra lệnh cho thợ thủ công chế tạo một loạt cung mạnh đặc biệt, có thể phá được đội quân ám sát kia”.
Dương Diên Chiêu lại nói: “Tướng địch Đại Bằng đang kích động phẫn nộ. Trong ‘Binh pháp Tôn Tử’ có câu ‘Cường nhi tị chi, nộ nhi náo chi’ (tạm dịch là quân địch đang mạnh thì phải tránh, quân địch đang giận thì phải quấy nhiễu). Phá địch quan trọng ở chỗ đó, ngươi hãy khéo léo lợi dụng. Nhưng tình thế trên chiến trường thay đổi trong nháy mắt, nếu ở tiền phương thực sự không thủ được, thì không được gắng gượng tử thủ, vừa đánh vừa lui, hậu phương còn có ta trấn thủ”.
Mạnh Lương cẩn thận ghi nhớ lời dặn dò của nguyên soái, dẫn theo năm nghìn quân tiên phong, lên đường về phương Bắc.
Bày trận trong rừng rậm
Sau khi vâng lệnh, Mạnh Lương dẫn theo năm nghìn binh mã, đến thôn nhỏ ở trong rừng rậm phương Bắc hạ trại đóng quân. Ông lệnh cho quân sĩ dựng một đài cao hơn mười trượng để quan sát tình hình quân địch, đồng thời còn cho đặt nhiều bẫy rập trong rừng rậm, sai cung thủ lấy cây làm bia bắn, không ngừng tập luyện kỹ thuật bắn cung, lại dạy cho quân sĩ làm thế nào để lợi dụng đặc tính bí mật của cây rừng để hỗ trợ tác chiến, làm hỗn loạn phương hướng tấn công của quân Liêu.
Mạnh Lương trong tranh thêu “Dương gia tướng toàn truyện” đời nhà Thanh (Ảnh thuộc sở hữu cộng đồng)
Hôm ấy, Mạnh Lương đang ở trên đài quan sát, phát hiện một đội quân trinh sát của quân Liêu đang tới gần. Ông ra lệnh cho một đội nhỏ kỵ binh mang theo trang bị nhẹ đi tập kích, dẫn dụ bọn chúng vào trong thôn. Quân Liêu quả nhiên trúng kế, đuổi theo vào trong rừng rậm. Sau khi bọn chúng vào trong rừng, Mạnh Lương tận dụng địa thế, dẫn quân tấn công cả trước lẫn sau, đánh cho bọn chúng trở tay không kịp. Đội quân Liêu trinh sát tổn thất nặng nề, chỉ còn số ít chạy thoát trở về.
Mạnh Lương nhận định lần này chủ lực quân tiên phong của Đại Bằng nhất định sẽ tấn công vào đây. Đúng như vậy, không lâu sau, Đại Bằng dẫn hai vạn quân tới tấn công, mà Mạnh Lương từ sớm đã bài binh bố trận trong rừng, đợi quân địch tới.
Hai quân chạm mặt nhau, liền nghe thấy Mạnh Lương lớn tiếng với quân Liêu: “Đại Bằng! Lần trước trong trận không thành ngươi gặp đại nạn không chết, sau này lại đánh lén thất bại, thua trước nữ tướng của bên ta, lần này ngươi lại đi tìm cái chết phải không?”
Đại Bằng thân là chủ tướng tiên phong, bị Mạnh Lương ngay trước mặt quân sĩ nói lời khích tướng như vậy, tức giận trả lời: “Mạnh Lương! Ngươi chẳng qua chỉ là kẻ thất phu đi nhặt củi, sao dám nói ngoa như thế! Lần này ta chưa dẹp được cái doanh trại của ngươi thì quyết không thôi!”
Mạnh Lương đáp: “Dựa vào ngươi thôi sao? Lần trước ngươi đánh lén đại ca của ta không thành, mối thù này ta trả lại gấp bội, cho ngươi nếm thử sự lợi hại từ cặp búa này của ta”.
Nói xong, ông giục ngựa chạy về phía Đại Bằng, Đại Bằng cũng không chịu yếu thế tiến lên đánh trả, hai bên kẻ tới người lui đánh nhau dữ dội. Mạnh Lương sử dụng bản lĩnh đặc biệt của mình, Đại Bằng cũng không chịu thua, hai người đánh nhau vô số hồi mà vẫn không phân được thắng bại. Mạnh Lương thừa dịp sơ hở dẫn ngựa quay đầu, ngoảnh mặt lại nói: “Đại Bằng! Ta mệt rồi, không tiếp ngươi nữa, ngày mai đánh tiếp!” Đại Bằng quát mắng: “Chỉ e ngươi ngày mai không dám tới nữa!” Thế là hai người dẫn quân về trại.
Sớm ngày hôm sau, Đại Bằng lại dẫn binh mã ra khỏi doanh trại bày trận rồi phái quân sĩ ra đánh trống chửi mắng. Nhưng chờ đợi hồi lâu mới thấy Mạnh Lương dẫn quân từ rừng cây đi ra.
Đại Bằng nói: “Mạnh Lương, ta thấy ngươi là đang sợ ta, vì sao bây giờ mới ra?”
Mạnh Lương trả lời: “Ai sợ ngươi chứ? Ta tối qua mệt mỏi, ngủ nhiều hơn một chút, hôm nay nhất định sẽ bắt sống ngươi!”
Đại Bằng: “Được! Hôm nay cho ngươi biết sự lợi hại của ta! Xem đao đây!”
Nói xong hắn múa đại đao xông tới, Mạnh Lương giơ cặp búa lớn lên nghênh chiến. Hai người lại đánh nhau lên xuống, đánh mấy trăm hồi vẫn chưa phân thắng bại.
Trong lúc đang đánh nhau dữ dội, Đại Bằng bỗng nhiên lấy cờ ra vẫy một cái, chỉ thấy một đám quân sĩ mặc đồ đen cưỡi ngựa xông tới. Mạnh Lương thấy vậy, lập tức lùi lại, Đại Bằng và đội quân đồ đen áp sát. Lúc ấy, Mạnh Lương cũng lấy cờ đen ra vẫy, tay kia lấy từ dưới bụng ngựa ra một tấm khiên.
Cự ly giữa hai bên thu hẹp lại, đội quân đồ đen liên tiếp lấy ám khí ra bắn về phía Mạnh Lương nhưng đều bị ông lấy khiên ra đỡ được. Mạnh Lương đã được Dương Diên Chiêu nhắc trước, sớm đã biết Đại Bằng sẽ dùng chiêu này, ông cầm theo chiếc khiên làm từ thép cứng, ám khí chẳng có tác dụng gì với ông. Cờ đen của ông vừa phất, đội cung thủ của quân Tống nhận lệnh, mỗi người đều lấy ra cung lớn, từ ngoài trăm thước bắn ra cung tên, tầm bắn không chỉ xa, mà tốc độ còn nhanh, đội quân áo đen của quân Liêu lần lượt trúng tên ngã xuống ngựa, tổn thất nặng nề.
Dùng trí bắt giữ Đại Bằng
Đại Bằng tận mắt thấy đội quân ám sát mà mình đích thân huấn luyện tổn thất nặng nề, không nhịn được lửa giận bốc lên, hạ lệnh cho toàn quân hành động, ắt phải khiến cho Mạnh Lương nợ máu phải trả bằng máu. Hắn ta trong cơn giận dữ lại múa đại đao xông về phía Mạnh Lương. Thế đao như gió xoáy càng đánh càng mạnh, Mạnh Lương dần dần khó có thể chống đỡ. Lúc ấy Đại Bằng dùng toàn lực bổ xuống một cái, Mạnh Lương vội vàng né tránh, nhưng dải tua màu đỏ trên mũ giáp vẫn bị chém đứt. Mạnh Lương hô to một tiếng, lập tức lui về phía thôn trại trong rừng rậm ở hậu phương. Đại Bằng thắng thế, thừa cơ dẫn quân truy kích, Mạnh Lương vừa đánh vừa chạy, lại ra lệnh cho đội cung thủ liên tục bắn tên, yểm hộ cho mình và quân sĩ rút chạy vào trong rừng.
Đại Bằng quát lớn: “Mạnh Lương! Chớ có làm rùa đen rụt cổ. Hôm nay ta sẽ làm thịt ngươi cùng với đám cung thủ, lấy máu tế bộ hạ của ta!”
Ngựa của Đại Bằng tốc độ cực nhanh, trong nháy mắt đã đi vào con đường nhỏ trong rừng. Càng đuổi càng thấy con đường càng nhỏ, hắn sợ có mai phục, ghìm ngựa dừng lại. Lúc này Mạnh Lương đứng cạnh một gốc cây lớn khiêu khích: “Đại Bằng! Có gan thì tới đây! Ông nội ngươi đang cung kính chờ ở đây!”
Nói xong ông nắm lấy cây leo đu người về phía sau, đáp xuống đúng lưng ngựa rồi chạy vào hướng rừng sâu. Đại Bằng bị ông khích tướng, giục ngựa truy đuổi, quân Liêu cũng đuổi theo. Khoảng cách giữa hai bên càng ngày càng gần, mắt thấy Mạnh Lương chuẩn bị đuổi kịp đến nơi thì ngựa của Đại Bằng đột nhiên vướng dây ngã xuống. Quân sĩ đang mai phục ở gần đó nhất loạt xông lên, khống chế được Đại Bằng.
Trong rừng cành lá rậm rạp, quân Liêu theo vào trong rừng cũng bị quân Tống phục kích, sớm đã không rõ đâu là Đông Nam Tây Bắc. Sau khi Đại Bằng rơi vào bẫy rập bị bắt, Mạnh Lương đoạt lấy mũ giáp của hắn ta, giơ về hướng quân Liêu quát lớn: “Đại Bằng đã bị ta bắt sống! Các ngươi thua rồi!” Quân Liêu nghe thấy chủ tướng bị bắt, vỡ trận, lũ lượt kéo nhau bỏ chạy. Mạnh Lương giành được một chiến thắng oanh liệt.
Sau trận chiến, Mạnh Lương xích chặt Đại Bằng lại phòng hắn tẩu thoát, lại phái người báo về cho chủ soái, xin cách xử lý Đại Bằng. Dương Diên Chiêu nhận tin dẫn quân đến đó, nói với Mạnh Lương: “Có thể dùng lực lượng bản thân để đánh bại quân Liêu, lập được chiến công, làm được tốt lắm! Nghe nói ngươi bắt sống Đại Bằng, trước tiên ngươi cho hắn ăn uống đi. Ta cùng tướng sĩ đi thị sát việc phòng thủ, tối nay sẽ xử lý hắn”.
Sau khi úy lạo các tướng sĩ, Dương Diên Chiêu về lại doanh trại, rút bảo đao đeo ở eo đi về hướng Đại Bằng. Đại Bằng trong lòng nghĩ: “Lần trước đánh lén khiến Dương Diên Chiêu bị trọng thương. Lần này gặp kiếp nạn khó lòng chạy thoát, chuyến này xong thật rồi”. Hắn nhắm mắt chờ đợi cái chết.
Tuy nhiên Dương Diên Chiêu vung đại đao lên, lại chém đứt xiềng chân của hắn. Ông nói: “Đại Bằng, ngươi đi đi! Đừng xâm phạm phương Nam nữa. Hy vọng sau này Tống Liêu có thể làm hai nước anh em, sống chung hòa thuận với nhau”.
Dương Diên Chiêu lại có thể thả hắn đi? Đại Bằng không dám tin, hắn chần chừ trong chốc lát, sau đó cảm kích hành lễ, rồi lên ngựa chạy về phương Bắc.
Mạnh Lương không hiểu nổi, hỏi ông: “Đại ca, như vậy là thả hổ về rừng, nếu sau này hắn lại đem quân xâm phạm thì làm sao?”
Dương Diên Chiêu trả lời: “Nếu đúng là như vậy, thì đó là ý trời. Nhưng nếu ta thật sự giết hắn, thì một tướng Liêu khác sẽ lại tới xâm phạm. Hai quân giao chiến khó tránh khỏi có người chết, nhưng chỉ cần không phải là kẻ đại gian đại ác, ta đều muốn cho chúng một cơ hội để hối lỗi”.
Lúc này, mặt trời cũng dần lặn về phía Tây, Dương Diên Chiêu cùng Mạnh Lương leo lên đài quan sát. Nhìn lên bầu trời đêm, Dương Diên Chiêu nói: “Ta có dự cảm, hiện nay mặc dù biên ải chiến tranh không ngừng, tuy nhiên bác cực tất phục (*), tương lai ắt sẽ có lúc thái bình. Các ngươi nhớ lấy, chớ coi ngoại tộc là kẻ địch!”
Đại Bằng về tới doanh trại liền đến yết kiến nguyên soái Tiêu Thiên Tá, nói dối rằng mình nhân lúc quân Tống không đề phòng, đã giết chết quân canh phòng để trốn thoát. Lại nói quân Tống quân mạnh ngựa khỏe, sớm đã có chuẩn bị kỹ càng, đánh mạnh cũng khó có thể chiến thắng. Tiêu Thiên Tá suy nghĩ mấy ngày, đánh giá cục diện, cảm thấy bản thân khó có thể thắng Dương Diên Chiêu, vì vậy quyết định lui quân. Biên ải lại được hòa bình một khoảng thời gian.
Chú thích của người dịch (*): “Bác cực tất phục” ý nói vật cực tất phản, việc gì đến cực hạn đều sẽ biến hóa theo hướng ngược lại.
Tư liệu tham khảo:
“Dương gia phủ thế đại trung dũng thông tục diễn nghĩa” – tác giả ẩn danh thời nhà Minh. Tần Hoài Mặc Khách duyệt lại.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/286414
Ngày đăng: 24-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org