Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Trận Hỏa Ngưu (trâu lửa) là chiến thuật kinh điển mà danh tướng Điền Đan của nước Tề từng sử dụng trong trận Tức Mặc thời Chiến Quốc. Lúc ấy danh tướng Nhạc Nghị của nước Yên dẫn liên quân sáu nước tấn công nước Tề, trong thời gian ngắn nửa năm đã giành được hơn 70 thành, chỉ còn lại hai thành Hạ Cử và Tức Mặc chưa bị chiếm. Chứng kiến nước Tề sắp bị diệt vong, Điền Đan đứng trước nguy hiểm vẫn sẵn sàng hy sinh tính mạng tới trấn thủ Tức Mặc. Ông lấy 5000 quân chống lại liên quân hùng mạnh tới mấy năm liền, lại vận dụng thành công trận Hỏa Ngưu để đột phá phòng tuyến của quân Yên, khiến nước Tề cải tử hoàn sinh. Thế nhưng, sau thời của danh tướng Điền Đan, trong lịch sử trận Hỏa Ngưu dường như trở thành một kiệt tác kinh điển đã thất truyền, có rất ít trận chiến có thể vận dụng thành công. Tới tận những năm đầu thời Bắc Tống, tại Ích Tân Quan, nay là thành phố Bá Châu tỉnh Hà Bắc Trung Quốc, danh tướng Dương Diên Chiêu đã vận dụng thành công trận Hỏa Ngưu, đánh bại năm vạn kỵ binh thiết giáp của Hàn Xương, tái hiện lại chiến dịch kinh điển đó.
Sau thất bại lần trước của đại quân kỵ binh thiết giáp, Hàn Xương vẫn chưa từ bỏ ý định, chuẩn bị ngóc đầu trở lại. Về phía quân Tống, Dương Diên Chiêu từ sớm đã nhận được tin tình báo Hàn Xương chuẩn bị dẫn đại quân tới Ích Tân Quan, vì thế triệu tập các tướng sĩ tới thảo luận việc phòng ngự.
Mạnh Lương và Tiêu Tán nói: “Kỵ binh thiết giáp dũng mãnh khó ngăn cản, trận trước dụ địch thành công nên mới có thể giành thắng lợi, lần này e khó lòng dùng lại kế đó, nên dựa vào thế hiểm mà phòng thủ”.
Nhạc Thắng nói: “Trước Ích Tân Quan này là vùng đồng bằng trống trải, gần như là không có chỗ hiểm nào để thủ, nên chuẩn bị các loại binh khí lớn như đao chém ngựa, búa lớn các loại, đi chặt chân ngựa, lấy cứng đấu cứng”.
Dương Diên Chiêu ngẫm nghĩ rồi nói: “Chính xác, thủ lâu tất bại. Mà quan này gần như chẳng có chỗ hiểm nào, phòng thủ cực kỳ khó. Mà kỵ binh thiết giáp lực chiến đấu rất mạnh, cuối cùng sẽ là đại họa. Phải nghĩ cách phá địch, trước mắt tạm thời chuẩn bị theo đề nghị của Nhạc Thắng”.
Hội nghị xong xuôi, Dương Diên Chiêu hạ lệnh cho các tướng sĩ chuẩn bị vũ khí mới và tăng cường thao luyện. Xét tới việc quân thiết giáp của nước Liêu dũng mãnh khó có thể chống đỡ, cho dù có lấy đao chém ngựa để phá thế trận này, thì cũng phải chịu tổn thất không nhỏ. Vì vậy ông không ngừng suy nghĩ sách lược phá địch, nhưng rốt cuộc vẫn chưa có manh mối.
Một ngày nọ ông cùng các tướng lĩnh cưỡi ngựa đến vùng đất trước cửa quan để tuần tra chiến địa, trước mắt là đồng bằng bao la, người dân đang chăn thả trâu và dê. Dưới sự dẫn dắt của người chăn, đám trâu dê tụ thành nhóm thành đội ngay ngắn đi tới. Người chăn trâu thấy các tướng sĩ, đến hành lễ thăm hỏi, nhiệt tình lấy trà sữa ra mời mọi người. Người chăn trâu nói: “Cảm tạ nguyên soái và các tướng sĩ đã bảo vệ biên quan, giúp chúng tôi được an cư lạc nghiệp”.
Dương Diên Chiêu cùng các tướng sĩ đáp lễ chào hỏi, lại xuống ngựa cùng người chăn trâu nói chuyện sinh hoạt thường ngày. Trong lúc mọi người nói chuyện, người chăn trâu nói: “Con trâu này, muốn thành trâu cày cũng không phải chuyện đơn giản. Tôi cùng với mấy người anh em phải tốn rất nhiều công sức, mới có thể tập cho nó quen việc kéo cày canh tác, phải thuận theo tính tình của nó mà huấn luyện, còn phải cho nó ăn cỏ ngon đúng lúc. Tôi đi theo cha hơn 10 năm mới học được bí quyết này! Đây đúng là một môn học vấn đấy!”
Lắng nghe người chăn trâu nói, Dương Diên Chiêu đột nhiên linh cơ máy động, nghĩ ra kế sách phá địch! Ông hành lễ cảm ơn người chăn trâu rồi nói: “Cảm ơn ngài, phá địch mấu chốt là nhờ vào đám trâu này, tôi muốn mượn con trâu này dùng một chút”.
Ông ra lệnh cấp cho người chăn trâu một khoản tiền tài và lương thực coi như là tiền phí tổn mua trâu, số lượng không đủ nên còn lệnh cho các tướng sĩ đi các nơi thu mua, trong mấy ngày ngắn ngủi đã thu thập được hơn một nghìn con trâu. Sau đó ông dẫn các tướng sĩ tới phía Bắc Ích Tân Quan, thuận theo địa thế xây dựng một trận địa hẹp dài theo hướng Nam Bắc dài mấy dặm, quân Liêu muốn tấn công chắc chắn phải đi qua trận địa này. Ở bốn phía ông cho lập rào chắn, đem hơn một nghìn con trâu mới thu thập về ra đây huấn luyện, chuẩn bị cho trận Hỏa Ngưu.
Trang bị cho trâu lửa, Tằng Công Lượng và Đinh Độ thời Tống – “Vũ Kinh Tổng Yếu” (Tranh thuộc sở hữu của cộng đồng)
Dương Diên Chiêu đưa những người chăn trâu tới dạy các tướng sĩ cách huấn luyện trâu. Ông còn cho làm rất nhiều bù nhìn rồi mặc quần áo quân Liêu cho chúng, lại còn giấu những đồ mà trâu thích ăn vào dưới khôi giáp, khiến cho lũ trâu muốn ăn thì phải vạch được khôi giáp ra. Lại buộc dao nhọn giáo dài vào mình trâu, huấn luyện cho trâu chạy thẳng về phía trước đâm thủng bù nhìn, dự định đến đúng lúc sẽ đốt đuôi trâu, gia tăng tốc độ cho trâu chạy về phía trước.
Một khoảng thời gian sau, quân Tống lại lấy ngựa gỗ cho mặc thiết giáp ghép cùng với bù nhìn, mô phỏng kỵ binh của quân Liêu, để cho trâu học từ thực tế làm sao để xung phong, tập cho trâu thói quen phá hỏng ngựa gỗ và bù nhìn mới có thể ăn thức ăn. Cứ dần dần như vậy, tập đi tập lại một tháng, hơn nghìn con trâu đã quen với cách đánh sâu vào đội hình tác chiến như thế.
Hàn Xương dẫn năm vạn quân thiết giáp hùng mạnh trở lại xâm lược
Chính vào lúc Dương Diên Chiêu sôi nổi chuẩn bị cho cuộc chiến, thì nước Liêu ở phương Bắc cũng ra sức thao luyện, chuẩn bị xâm lược phía Nam.
Sau khi kỵ binh thiết giáp bị đánh bại ở trận trước, Hàn Xương lần này lại mang theo Da Luật Hưu Ca, Da Luật Sa, Đại Bằng v.v. hơn chục vị tướng lĩnh, dẫn theo năm vạn kỵ binh thiết giáp đến trước Ích Tân Quan khiêu chiến. Dương Diên Chiêu sớm đã nhận được tin tức, dẫn theo các vị tướng lĩnh như Nhạc Thắng, Dương Hưng, Mạnh Lương, chuẩn bị tốt trận địa ở trước cửa quan, chờ địch tới.
Da Luật Sa “Tranh thêu Nam Bắc Tống chí truyện” (Tranh thuộc sở hữu cộng đồng)
Hàn Xương nhìn thấy Dương Diên Chiêu, liền chửi mắng: “Dương Lục Lang! Lần trước sơ suất bại dưới tay ngươi, lần này ta sẽ không phạm sai lầm như trước nữa. Có gan thì chính diện giao đấu với kỵ binh thiết giáp của ta, đừng có lấy mấy chiêu vặt vãnh ra đùa giỡn nữa”.
Dương Diên Chiêu đáp lời: “Hàn Xương! Chiến tranh không ngại dối gạt, từ xưa đã thế. Nhìn đi, ta đã sớm bày xong trận địa trước cửa quan, ngươi không phá được thì đừng mong vào được trong quan, chúng ta chính diện giao đấu một trận đẹp mắt đi!”
Lúc ấy Da Luật Hưu Ca, Da Luật Sa cũng xông lên khiêu chiến, buông lời chửi mắng: “Dương Lục Lang! Lần trước giết huynh đệ của ta Da Luật Khánh, còn vô số tướng sĩ nước Đại Liêu ta đã chết dưới quỷ kế của ngươi. Lần này ta nợ máu phải trả bằng máu, cho ngươi thấy sự lợi hại của đại quân thiết giáp của chúng ta!”
Chỉ thấy Hàn Xương hạ lệnh một tiếng, Da Luật Hưu Ca, Da Luật Sa cùng hơn chục tên tướng Liêu dẫn theo năm vạn đại quân thiết giáp dốc toàn lực lượng, tấn công thẳng vào trận địa mới kia.
Dương Diên Chiêu cũng lập tức lạ lệnh, quân Tống bắn ra hàng ngàn, hàng vạn mũi tên có cột theo lương thảo. Thiết giáp kỵ binh của quân Liêu lập tức giơ khiên lên đỡ. Đối diện với thiết giáp được chế từ thép tốt, mấy mũi tên kia gần như chẳng làm tổn thương được bọn chúng chút nào, chỉ thấy đám cỏ bị cắm lên người chúng. Hàn Xương cười nói: “Dương Lục Lang, tên của ngươi đúng là vô dụng, lần này người xong rồi!”
Nhưng lúc này quân Tống ở hậu phương lại dùng xe bắn đá bắn ra vô số bao cỏ lớn trộn với đất cát về phía kỵ binh thiết giáp, mà mấy bao cỏ lớn kia cũng chẳng có tí lực sát thương nào. Hàn Xương và đám tướng Liêu nhìn nhau, đều không hiểu nổi ý đồ của quân Tống là gì. Không lâu sau, đội ngũ của kỵ binh thiết giáp bắt đầu tán loạn, thì ra mấy bao cỏ kia chứa không ít các loại hoa màu như hạt đậu, gạo kê, rau dại mà trâu ngựa thích, chiến mã tới tấp cúi đầu xuống tranh nhau ăn.
Dương Diên Chiêu thấy thế, lập tức hạ lệnh chỉ huy, quân Tống di chuyển sang hai bên, cửa vào trận địa mở rộng, cả ngàn con trâu xông vội ra, trên sừng buộc dao nhọn, hai bên sườn buộc giáo dài, khoác áo có hình vẽ đám mây, vạt trước và trước ngực có giáp sắt, đuôi trâu còn buộc cỏ khô đang cháy. Đám trâu nhịn đói đã lâu, nhìn thấy kỵ mã của quân Liêu tưởng rằng lương thực tới, liền ra sức chạy về phía đó. Quân Liêu chưa bao giờ gặp trận nào như thế này, người ngựa bị mãnh thú khoác giáp sắt lao tới, càng kinh sợ hơn, nhao nhao chạy trốn tứ tán.
Kỵ binh thiết giáp ở tiền phương đã thất bại thế trận tán loạn, hậu phương binh bại như núi đổ, cứ như vậy, trận hình kỵ binh thiết giáp tới tấp sụp đổ, tan rã. Tướng sĩ quân Tống cầm các loại binh khí lớn như đao chém ngựa, búa lớn theo sau đám trâu tấn công mạnh mẽ, nhất thời tiếng chém giết vang trời, đại quân thiết giáp thương vong nặng nề. Mắt thấy tấn công hiệu quả, Dương Diên Chiêu lại lệnh cho Dương Hưng, Trần Lâm, Sài Cảm dẫn kỵ binh tấn công từ hai bên sườn, cứ như vậy quân Tống dần dần chiếm được ưu thế.
Hàn Xương thấy thế, chuẩn bị cho quân dự bị ở hậu phương gia nhập trận chiến, hòng xoay chuyển thế bại. Lúc này Đại Bằng khuyên: “Thủ lĩnh, quân Tống đã có vũ khí mới khắc chế chúng ta, tình hình bất lợi cho quân ta; trước mắt đã thiệt hại gần một nửa số tướng sĩ, kỵ binh thiết giáp là tinh nhuệ của bên ta, nếu không còn chút nào thì đối với nước Đại Liêu ta không có cách nào bù đắp được tổn thất. Chúng ta chi bằng thu quân, núi xanh còn đó, sợ gì không có củi đốt!”
Hàn Xương do dự một chút, trước mắt thấy khó lòng giành chiến thắng, chỉ còn cách hạ lệnh cho toàn quân rút lui. Dương Diên Chiêu thấy quân Liêu rút đi, cũng không truy kích nữa. Quân Tống thành công trực tiếp đánh bại đội quân kỵ binh thiết giáp mạnh mẽ này, cuối cùng giành được toàn thắng.
Sau trận chiến, Dương Diên Chiêu dâng tấu lên triều đình, đối với các tướng sĩ thì luận công ban thưởng, cũng đem trâu trả lại cho người chăn. Trận địa kia cũng trở thành một tấm chắn kiên cố cho Ích Tân Quan. Sau đó hai bên Tống Liêu chuyển sang thời kỳ đình chiến, địa phương này cũng dần dần có người dân di cư tới ở, hình thành một thôn xóm. Vì để kỷ niệm Dương Diên Chiêu lấy trận Hỏa Ngưu phá địch, dân chúng địa phương đã gọi nơi này là Ngưu Đầu Trấn (sau này đổi tên thành Ngưu Đà Trấn), đổi tên con sông nhỏ ở phía Bắc trấn thành sông Mang Ngưu.
Tư liệu tham khảo:
“Dương Lục Lang uy chấn Tam Quan khẩu” – Nhà xuất bản Nhân dân Hà Bắc – xuất bản năm 1984, Triệu Phúc Hòa, Lý Cự Phát… sưu tập.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/289845
Ngày đăng: 08-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org