Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Câu chuyện về Dương Diên Chiêu uy chấn Tam Quan, có thể nói là ai ai cũng biết. Tam Quan ở đây chủ yếu là để chỉ Cao Dương Quan, Ngõa Kiều Quan và Ích Tân Quan ở một dải từ Hà Bắc tới Sơn Tây hiện nay. Tuy nhiên, ngoài mấy địa phương này ra, theo truyền thuyết ông và quân Liêu có lần từng chinh chiến xa tới tận đất U đất Yến. Ông cùng Dương gia tướng sĩ tại nơi này cũng đã để lại nhiều truyền thuyết và chuyện xưa cảm động lòng người. Trong đó có một vết đao rất sâu được lưu lại trên vách núi ở gần Trường Thành tại Lộc Bì Quan, trải qua nghìn năm nhưng vẫn có thể thấy được rõ ràng. Nó có liên quan đến truyền thuyết về vết đao của Dương Lục Lang.
Truyền thuyết này đã đi qua hai triều đại, một mạch kéo dài đến Dương Chí trong tác phẩm “Thủy Hử” và Dương Tái Hưng – một trong những mãnh tướng của Nhạc gia quân…
Vết đao Lục Lang
Truyện kể rằng năm đó quân Liêu nhiều lần xâm lược Trung Nguyên, đại tướng Hàn Xương của quân Liêu nhiều lần giao đấu với Dương Diên Chiêu, lần nào cũng bại trận, khiến cho quân Liêu nghe thấy uy danh của Dương Diên Chiêu đều sợ đến mất mật. Nhưng Trường Thành dài đến mấy nghìn dặm, Dương Diên Chiêu khó lòng chú ý tới mọi mặt, có lúc chỉ có cách dùng kế, khiến quân Liêu không đoán ra được ông đang ở đâu.
Có lần Hàn Xương lại dấy quân xâm phạm, chuẩn bị chọn một cửa ải nào đó để tấn công. Sau khi nhận được tin tình báo, Dương Diên Chiêu trước tiên dẫn quân tới Lộc Bì Quan, tại nơi này ông chỉ để lại một ít binh sĩ.
Ông nói với các binh lính đồn trú tại đây, rằng: “Các người nhìn thấy đại quân của Hàn Xương đến, cứ việc trốn kỹ, yên tâm, hắn tuyệt không dám tấn công đâu!”
Binh sĩ nghe thấy thế, cảm thấy lời của nguyên soái thật là thần bí, nhưng không dám nghi ngờ nhiều. Sau đó chỉ thấy Dương Diên Chiêu rút bảo đao đeo ở eo ra dùng sức chém một cái, khiến vách núi ở bên cạnh quan khẩu bị chém một vết lớn, để đao lại ở trên sườn núi rồi rời đi.
Tiếp đó Dương Diên Chiêu lại dẫn quân tới Bạch Mã Quan, thả chiến mã của mình lại đó, sau đó dẫn theo quân chủ lực đến Cổ Bắc Khẩu mai phục.
Không lâu sau, Hàn Xương quả nhiên mang quân tới Lộc Bì Quan, hắn ngẩng đầu nhìn quan khẩu này, nói: “A! Thanh đao này, chẳng phải đao của Dương Lục Lang hay sao?” Hắn sợ Dương Diên Chiêu mai phục ở đây, liền dẫn quân rời đi, đến Bạch Mã Quan.
Kết quả là, đến Bạch Mã Quan, lại thấy con ngựa thắng mà Dương Diên Chiêu hay cưỡi khi chiến đấu. Hắn nghĩ, Dương Diên Chiêu đang đóng giữ tại nơi này, vì vậy lại dẫn quân tới Cổ Bắc Khẩu.
Dương Diên Chiêu (Tác giả: Thiên Ngoại Khách)
Quân Liêu tới Cổ Bắc Khẩu, phát hiện trên tường thành cắm đầy cờ xí của Dương gia tướng sĩ. Hàn Xương nghĩ, dọc theo đường đi phát hiện bảo đao, ngựa, cờ xí, đúng là làm cho người khác hồ đồ rồi! Dương Lục Lang dù sao cũng chỉ là một người thường, làm sao phân thân được ra nhiều nơi như thế? Hắn dự đoán Dương Diên Chiêu chỉ có thể phòng thủ ở một quan, nhất định không có ở nơi này.
Vì thế Hàn Xương hạ lệnh cho toàn quân tấn công, nhưng đại quân vừa mới xông tới trước cửa thành, Dương Diên Chiêu lại dẫn quân sĩ từ đường nhỏ bên cạnh xông tới. Quân Liêu gặp quân Tống từ cả trong ngoài thành giáp kích, chỉ còn cách kiên trì liều mạng. Trận chiến đó đánh đến mức trời long đất lở, trên chiến trường khói bụi mù mịt, liên tục đánh nhau rất lâu, Hàn Xương và quân Liêu tổn thất thảm trọng, cuối cùng chỉ còn cách dẫn tàn binh chạy về phương Bắc.
Sau trận chiến, Dương Diên Chiêu về lại Lộc Bì Quan lấy lại đao của mình. Đám quân sĩ thấy thế, chỉ có cách liên thanh thán phục sự tính toán như Thần của nguyên soái. Nghìn năm sau, Lộc Bì Quan trải qua chiến loạn, tường và cửa thành bị tàn phá nhiều chỗ, nhưng theo lời của người địa phương nói, vết đao mà Dương Diên Chiêu để lại năm đó vẫn còn thấy được rõ ràng…
Bảo đao lưu lạc
Theo những truyền thuyết nơi thôn dã, trong ký ức của con cháu họ Dương, sau khi Dương Diên Chiêu mất đi, bảo đao kia đã qua tay Dương Tông Bảo, Mục Quế Anh, Dương Văn Nghiễm. Đến những năm cuối thời Bắc Tống, sau khi qua tay nhiều người nó truyền đến tay Dương Chí. Lúc ấy con cháu Dương gia đa số đã ẩn cư tại Thái Hành Sơn, không còn màng tới thế sự. Tuy nhiên, Dương Chí từ nhỏ đã nghe những sự tích tinh trung báo quốc của tổ tiên, lại luyện được một thân võ nghệ gia truyền, liền muốn góp sức nơi sa trường, làm nên một phen sự nghiệp.
“Thanh Diện Thú” tranh minh họa Dương Chí, Utagawa Kuniyoshi vẽ (Tranh thuộc sở hữu cộng đồng)
Trong lịch sử đúng là có một người tên Dương Chí, chuyện của ông được miêu tả tường tận trong tiểu thuyết “Thủy Hử”. Về phần “Thủy Hử” có bao nhiêu phần là lịch sử chân thực, có thể phải để thời gian và người đời sau đi kiểm chứng, tại đây chỉ nói về đoạn Dương Chí đi bán đao.
Dương Chí hộ tống Hoa thạch cương (tên chung gọi các thứ kỳ hoa dị thảo để thỏa mãn thú vui của hoàng đế Trung Quốc) thất bại bị bãi chức, trên thân không có đồng nào, cùng đường bí lối. Chỉ còn cách đối diện sự thật, bán đi bảo đao của tổ tiên truyền lại. Ông biết được giá trị của bảo đao, lúc bán đao trên đường, rao bán giá 3200 lượng bạc trắng. Lúc ấy huyện lệnh quan thất phẩm cũng chỉ có lương tháng 52 lượng. Giá của bảo đao tương đương với năm năm tiền lương của quan địa phương, có thể nói là với giá này thì rất rất ít người có thể động tới. Thế nhưng họa vô đơn chí, lại gặp phải tên lưu manh Ngưu Nhị quấy rầy gây chuyện, trong lúc đánh nhau, Dương Chí đã ngộ sát Ngưu Nhị.
Sau khi gây ra án mạng, Dương Chí tự động nộp mình lên quan phủ. Kẻ mất mạng Ngưu Nhị là cường hào nổi tiếng nơi này, nên ông được xử nhẹ cho đi đày đến Bắc Kinh xung quân, bảo đao kia thì bị tịch thu.
Trải qua một phen dòng đời xô đẩy, Dương Chí bất đắc dĩ phải vào rừng làm cướp, cuối cùng trên Lương Sơn cùng Tống Giang và những người khác nhận chiêu an của triều đình. Sau khi quy phục triều đình, Dương Chí theo Tống Giang nam chinh bắc chiến, lập được chiến công khi chinh phạt quân Liêu, lại liên tục bình định được giặc cỏ Vương Khánh, Điền Hổ. Nhờ biểu hiện anh dũng ở chiến trường, quan phủ trả lại cho ông cây bảo đao gia truyền. Theo bản gốc ông phải theo quân nam chinh thảo phạt Phương Tịch, lúc ấy Dương Chí mắc bệnh nặng. Trước khi lâm chung, ông giao bảo đao cho cháu là Dương Tái Hưng rồi ra đi.
Tại thời kỳ hỗn loạn chuyển giao Nam – Bắc Tống, đến đâu cũng loạn lạc, nhân dân lầm than, Dương Tái Hưng nắm giữ bảo đao gia truyền cũng từng có lần lầm lạc, trở thuộc hạ của giặc cỏ Tào Thành. Nhưng sau này, ông nghe lời cảm hóa của Nhạc Phi, trở thành một viên mãnh tướng của Nhạc gia quân. Dương Tái Hưng với bảo đao và võ nghệ gia truyền, theo chân Nhạc Phi nam chinh bắc chiến, anh dũng giết địch, lập được vô số công lao hiển hách.
Nhạc gia quân chống Kim, khí thế áp đảo núi sông (Vương Song Khoan cung cấp)
Năm thứ 10 Thiệu Hưng (năm 1140), Nhạc Phi dẫn 10 vạn quân vượt qua Hoàng Hà, tiến hành cuộc Bắc phạt lần thứ tư. Sau chiến thắng ở Yển Thành, Dương Tái Hưng dẫn 300 kỵ binh mang trang bị nhẹ vào Yển Thành gặp hơn 10 vạn quân Kim ở Cầu Tiểu Thương. Trong trận chiến đó, Dương Tái Hưng cầm bảo đao dốc sức đánh nhau với quần hùng, giết hơn hai nghìn quân địch, sau đó anh dũng hy sinh. Mà bảo đao Dương Diên Chiêu từng mang theo bên mình cũng theo cái chết của Dương Tái Hưng mà thất lạc đi mất.
Câu chuyện về bảo đao của Dương gia cuối cùng cũng kết thúc ở đây. Dương Tái Hưng tuy mất đi, nhưng rốt cuộc cũng báo đáp được ơn tri ngộ của Nhạc Phi, giải quyết được tâm nguyện báo quốc nơi sa trường của người chú Dương Chí, không phụ tinh thần trung nghĩa gia truyền của tổ tiên Dương Diên Chiêu và Dương gia tướng sĩ.
Tư liệu tham khảo:
“Thủy Hử truyện” – tác giả Thi Nại Am đời nhà Minh, Mậu Thiên Hoa chú thích – Tam Dân thư cục xuất bản tháng 11 năm 2020.
“Dương gia tướng (Mục Quế Anh) truyền thuyết” – Cao Tuyết Tùng chỉnh lý – Nhà xuất bản Mỹ thuật Nhiếp ảnh Bắc Kinh xuất bản năm 2015.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/gb/22/11/23/n13871460.htm
Ngày đăng: 14-06-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org