Huyền Tông nhìn lên bầu trời, thấy có một con hạc đang lượn vòng, bay lượn giữa những đám mây. Huyền Tông kéo căng cung bắn một mũi tên…
Tết Trùng Dương năm Thiên Bảo thứ 13 (năm 754), Đường Huyền Tông đến Sa Uyển săn bắn. Sa Uyển cách huyện Phùng Dực (huyện Đại Lệ, Thiểm Tây ngày nay) 12 dặm về phía nam. Đó là một bãi cỏ lớn nằm giữa sông Lạc Thủy và sông Vị Thủy. Đây là nơi Đường Cao Tổ thiết lập để nuôi ngựa và nuôi dê của quân đội.
Huyền Tông nhìn lên bầu trời, thấy có một con hạc đang lượn vòng, bay lượn giữa những đám mây. Huyền Tông kéo căng cung bắn một mũi tên, “vèo”… Mũi tên của Huyền Tông chính xác trúng ngay con hạc. Con hạc đem theo mũi tên từ từ hạ xuống đất. Nhưng khi nó sắp tiếp đất thì con hạc bỗng nhiên hăng lên, hướng lên bầu trời phía tây nam bay đi mất.
Khi đó có vạn người có mặt, đều trông lên bầu trời, chăm chú nhìn theo con hạc mang theo mũi tên bay đi, nhìn rất lâu, mãi cho đến con hạc mất hút ở gần thành Ích Châu.
Ngoài thành Ích Châu cách 15 dặm có một ngôi Đạo quán là Minh Nguyệt Quán, tọa lạc ở giữa vùng non nước, bao quanh là những cây tùng và những cây quế dày đặc. Đạo quán này yên tĩnh, vắng vẻ, là một nơi tu hành rất tốt. Tuy nhiên, chỉ những người tu hành tinh tấn kiền thành mới có thể trú trong Đạo quán này.
Ở viện thứ nhất của hành lang phía đông của Minh Nguyệt Quán, cảnh sắc vô cùng yên tĩnh tuyệt mỹ. Có một người tên là Từ Tá Khanh, tự xưng là Đạo sĩ Thanh Thành, cứ cách ba, bốn tháng, ông lại đến thăm Minh Nguyệt Quán một lần. Người chủ sự của Đạo Quán sắp xếp cho ông ở chính đường của viện thứ nhất. Mỗi lần đến ông cư trú ở đó dăm ba ngày, hoặc khoảng mười ngày.
Từ Tá Khanh có phong độ cao nhã cổ phác, khí lượng khoan hậu, Tiên phong Đạo cốt, được mọi người trong giới tu Đạo kính phục, ngưỡng mộ. Một ngày nọ, ông đột nhiên xuất hiện ở Đạo Quán, tinh thần dường như rất vui vẻ. Ông nói với mọi người trong viện rằng, vừa rồi ông đi qua núi, ngẫu nhiên bị một mũi tên bắn trúng, nhưng lúc đó đã rất nhanh chóng khỏi rồi, thân thể không bị sao cả.
Lúc này, ông lấy mũi tên ra, đưa cho mọi người có mặt ở đó xem, và nói rằng, mũi tên này không phải mũi tên bình thường, không phải là thứ ở nhân gian, mọi người trong Đạo Quán hãy cất giữ cẩn thận, sau này chủ nhân của mũi tên sẽ đến lấy.
Từ Tá Khanh để mũi tên đó lên tường của chính đường, và lấy bút ra viết ngày tháng bên cạnh mũi tên. Hôm đó là ngày 9 tháng 9 năm Thiên Bảo thứ 13.
Tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 14, loạn An Sử nổ ra, tháng 6 năm Thiên Bảo thứ 15, Huyền Tông chạy đến đất Thục lánh nạn. Vào một ngày nhàn rỗi, Huyền Tông lệnh cho người đánh xe đi du ngoạn khắp nơi. Ngẫu nhiên, đoàn xe ngao du đi đến Minh Nguyệt Quán. Thấy nơi đây cảnh quan ưu nhã, yên tĩnh, thoát tục, Huyền Tông liền vào trong ngắm cảnh.
Khi Huyền Tông đến chính đường của Đông Viện, ông chú ý đến một mũi tên treo trên tường, cảm thấy nó rất thân quen. Ông sai quan thị tòng lấy mũi tên xuống xem, thì phát hiện ra nó chính là mũi tên của ông. Điều này khiến Huyền Tông cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không hiểu tại sao mũi tên của mình lại rơi ở đây. Thế là ông hỏi các Đạo sĩ về lai lịch của mũi tên này.
Các Đạo sĩ của Minh Nguyệt Quán đem những lời của Từ Tá Khanh năm xưa kể lại cho Huyền Tông nghe. Nghe xong, Huyền Tông xác nhận mũi tên này là của ông, 2 năm trước đi săn ở Sa Uyển, ông đã bắt trúng một con hạc. Con hạc đó đã đem mũi tên bay đi mất, cuối cùng lại nằm ở nơi này. Như thế con hạc đó chính là hóa thân của Đạo sĩ. Khi đó Từ Tá Khanh tiên tri, 2 năm sau, mũi tên sẽ quay về chủ cũ. Sự tình xảy ra quả đúng như những lời ông đã nói.
Câu chuyện truyền kỳ này khiến Huyền Tông coi mũi tên này là báu vật và đem cất giữ nó. Từ đó, không ai còn nhìn thấy tông tích của Từ Tá Khanh nữa. Câu chuyện của ông đã trở thành một truyền kỳ huyền bí. Mãi cho đến ngày nay, ở thôn Trung Thảo, Sa Uyển, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện Từ Tá Khanh hóa hạc này.
Lời bàn
Tại sao Từ Tá Khanh không xuất hiện nữa? Tác giả cho rằng: Từ sự phát triển của câu chuyện mà nói, Huyền Tông sau khi đến Minh Nguyệt Quán, thì bí mật Từ Tá Khanh hóa hạc đã được mọi người biết đến. Theo lý của Đạo gia mà nói, công phu siêu phàm của người tu Đạo không được phép hiển hiện trước mặt mọi người, do đó, Từ Tá Khanh khi ở Minh Nguyệt Quán đã không nói ra câu chuyện ông hóa hạc. Ngoài ra, người tu luyện cũng không được phá cái mê của sinh mệnh người thường. Vì vậy ông biến mất khỏi Minh Nguyệt Quán chính là một sự lựa chọn tự nhiên.
Trong ghi chép về câu chuyện này, mọi người đã biết rằng, Đạo sĩ Từ Tá Khanh có thể hóa thân biến thành hạc, có thể bay lượn, có thể nhanh chóng tự chữa khỏi vết thương cho mình, còn có công năng túc mệnh thông tiên tri tương lai. Hiển nhiên tu luyện có thể khiến người ta tu đến các tầng thứ sinh mệnh khác nhau, việc này thực sự không phải là giả. Đương nhiên, tu luyện còn có các cảnh giới cao hơn, cao hơn nữa, câu chuyện tai nạn trúng tên ngẫu nhiên của Từ Tá Khanh chỉ là sự hiển hiện nhỏ bé ngắn ngủi chút ít cho thế nhân thấy mà thôi.
(Nguồn tài liệu: “Tập dị ký” của Tiết Dụng Nhược đời Đường)
Hoài Nhẫn Nhẫn – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam