Theo truyền thuyết, em gái Alexander Đại đế đã biến hình thành nàng tiên cá. Ảnh minh hoạ: Kellepics/Pixabay
Em gái của Alexander Đại đế, Thessalonike xứ Macedon, là một nhân vật đáng chú ý với câu chuyện dân gian nổi tiếng, khẳng định rằng nữ hoàng Macedonian đã trở thành một nàng tiên cá bất tử.
Alexandros III của Macedonia thường được biết đến với cái tên Alexander Đại đế, ông sinh năm 356 và mất năm 323 trước Công nguyên, được xem là một trong những vị tướng thành công nhất, cũng như một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Sau khi Alexander Đại đế qua đời ở tuổi 33, em gái của ông, Thessalonike xứ Macedon, đã thay anh mình trở thành nữ hoàng của Macedon khi liên hôn với một trong những vị tướng quyền lực của Alexander tên là Cassander.
Trong các cuộc chinh phục của mình, Alexander Đại đế đã đặt tên cho vô số thành phố theo tên mình. Không thể so sánh được với người anh về độ vĩ đại và nổi tiếng, nhưng tên của cô cũng được đặt cho thành phố lớn thứ hai ở Hy Lạp.
Có lẽ chi tiết hấp dẫn nhất về Thessalonike là huyền thoại lan truyền ở Hy Lạp sau cái chết của cô. Một câu chuyện dân gian nổi tiếng khẳng định rằng nữ hoàng Macedonian đã trở thành một nàng tiên cá bất tử chuyên thẩm vấn các thủy thủ du hành. Đưa ra câu trả lời đúng họ sẽ có một chuyến đi yên bình sau đó. Còn trả lời sai chắc chắn sẽ bị hủy diệt.
Những năm tháng đầu đời của Thessalonike – em gái Alexander Đại đế
Sinh năm 352 trước Công nguyên, Thessalonike là con gái của Vua Philip II của Macedon và vợ lẽ của ông là Nicesipolis. Mẹ của cô xuất thân từ giới quý tộc Thessalian, và cái tên “Thessalonike” được ban cho cô để vinh danh chiến thắng quân sự của Philip trước người Thessalian. Theo học giả Byzantine Stephanus, Nicesipolis qua đời chỉ 20 ngày sau khi sinh con gái.
Là thành viên của triều đại Argead, Thesssalonike sinh ra trong một gia đình đã định hình tiến trình lịch sử cổ đại. Mối liên hệ đáng chú ý nhất của cô là người anh cùng cha khác mẹ – Alexander Đại đế, người lên ngôi sau khi cha của họ bị ám sát. Các chiến dịch quân sự và chinh phục của Alexander đã mang lại cho ông danh tiếng và quyền lực to lớn, khiến ông trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng bật nhất trong lịch sử.
Công chúa trẻ đã được nuôi dưỡng bởi mẹ kế cũng là mẹ của Alexander, Olympias. Olympias là một công chúa Molossia đến từ Epirus và kết hôn với Phillip II vào năm 357 trước Công nguyên để đảm bảo một liên minh giữa người Molossia và người Macedonia.
Nữ hoàng Macedonia
Thessalonike đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh chính trị của Macedonia cổ đại trong những năm hỗn loạn sau cái chết của Alexander. Cuộc sống sau này của cô bao gồm cuộc hôn nhân với Cassander, việc cai trị Macedon, nền tảng của thành phố Thessaloniki, và sự qua đời.
Sau cái chết của Alexander vào năm 323 trước Công nguyên, một cuộc tranh giành quyền lực xảy ra giữa các tướng lĩnh của ông, để khẳng định quyền kiểm soát đế chế rộng lớn mà ông đã xây dựng.
Thessalonike đã kết hôn với tướng Cassander, người nổi lên như một nhân vật nổi bật. Là em gái của Alexander Đại đế, cuộc hôn nhân đã giúp củng cố quyền lực của Cassander và hợp pháp hóa quyền cai trị của ông.
Theo Greekreporter, Thessalonike và Cassander có với nhau ít nhất ba người con: Philip IV của Macedon, Antipater I của Macedon và Alexander V của Macedon. Sau khi Cassander qua đời vào năm 297 trước Công nguyên, Thessalonike được giao nhiệm vụ hướng dẫn những người con trai mình cai trị Macedon.
Theo Kris Waldherr, Thessalonike theo lời người mẹ kế, cũng là mẹ của Alexander Đại đế để thao túng Philip, Antipater và Alexander trong việc cai trị.
Philip, con trai cả của Thessalonike, chết vì bạo bệnh, không lâu sau khi trở thành vua Macedon. Antipater đã kế vị người anh trai của mình, nhưng theo nhà sử học La Mã Justin, Thessalonike nói với ông rằng ông sẽ cai trị cùng với Alexander V. Nhà sử học Elizabeth Carney đưa ra giả thuyết rằng Thessalonike đưa ra yêu cầu này để cô có thể đồng cai trị một cách hiệu quả thông qua Alexander V với tư cách là nhiếp chính. Dù thế nào đi nữa, điều này đã khiến Antipater không hài lòng và đã sát hại mẹ ruột của mình.
Thessalonike không phải là em gái duy nhất của Alexander Đại đế bị sát hại. Hai chị gái khác của ông, Cynane và Cleopatra cũng bị sát hại.
Huyền thoại nàng tiên cá
Nhưng trong nhiều thế kỷ, có một truyền thuyết Hy Lạp hiện đại kể rằng em gái của Alexandros Đại đế là Thessalonike tái sinh thành nàng tiên cá (tiếng Hy Lạp: γοργόνα) sau khi qua đời, cư ngụ ở biển Aegea.
Truyền thuyết kể rằng Alexander Đại đế đã truy tìm sự bất tử và có được một bình nước bất tử. Các biến thể của câu chuyện cho rằng Alexander đã dùng nước để gội đầu cho em gái mình, ban cho cô ấy sự bất tử hoặc vô tình đã làm cho cô ấy trở thành bất tử.
Sau cái chết của Alexander Đại đế, Thessalonike quá đau buồn, đã tìm cách kết liễu cuộc đời mình bằng cách lao xuống biển. Tuy nhiên, cô lại biến thành một nàng tiên cá, với sứ mệnh phán xét các thủy thủ trong vô số thế kỷ và trong bảy vùng biển.
Mỗi lần bắt gặp bất kỳ con tàu nào trên biển, cô thường chỉ hỏi đoàn thủy thủ một câu: “Vua Alexandros còn sống không?” (tiếng Hy Lạp: “Ζει ο Βασιλεύς Αλέξανδρος;”), câu trả lời đúng là: “Ngài ấy còn sống, trị vì và chinh phục cả thế giới” (tiếng Hy Lạp: “Ζει και βασιλεύει και τον κόσμον κυριεύει”). Nếu trả lời như vậy thì cô sẽ hài lòng, theo đó cô sẽ làm phép xoa dịu vùng nước và chào tạm biệt con tàu. Bất kỳ câu trả lời nào khác sẽ khiến cô phẫn nộ, làm phép khuấy động một cơn bão khủng khiếp, nhấn chìm mọi con tàu và thủy thủ trên boong.
Truyền thuyết này bắt đầu xuất hiện từ thời Hy Lạp Ottoman, có thể được xuất bản lần đầu vào những năm 1680.
(Tổng hợp)
NTD Việt Nam