Gạo đen có thể giúp “bổ âm và bổ thận, giữ dáng và làm ấm dạ dày, cải thiện thị lực và thúc đẩy lưu thông máu”. (ronamae Flickr – CC BY 2.0)
Gạo có thể được chia thành gạo trắng, gạo nếp, gạo tím và gạo đen. Trong số đó, gạo đen có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao nhất.
Thời Trung Quốc cổ đại, gạo đen còn có những cái tên nổi tiếng khác bao gồm gạo thuốc, gạo cống nạp và gạo trường thọ. Chúng được dùng để mô tả khả năng chữa bệnh kỳ diệu của nó.
Theo cuốn sách y học “Bản thảo cương mục” của Trung Quốc cổ đại, gạo đen có thể giúp “bổ âm và bổ thận, giữ dáng và làm ấm dạ dày, cải thiện thị lực và thúc đẩy lưu thông máu”.
Các nghiên cứu cũng đã khẳng định gạo đen chứa nhiều anthocyanin, có tác dụng cải thiện bệnh thận do tiểu đường, cải thiện thị lực, ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.
Thực phẩm ngũ sắc có thể nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng
Lý thuyết y học cổ truyền dựa trên “Thuyết ngũ hành” truyền thống.
Thuyết ngũ hành cho rằng vạn vật trong vũ trụ được cấu tạo bởi năm chất cơ bản là mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Sự phát triển, biến đổi của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên là kết quả của sự vận động, tương tác không ngừng của năm chất này.
Theo lý luận của y học cổ truyền, ngũ hành “mộc, hỏa, thổ, kim, thủy” tương ứng với ngũ tạng của cơ thể con người là “gan, tim, tỳ, phế, thận”. Đồng thời, chúng cũng tương ứng với năm màu “xanh (lục), đỏ (hồng), vàng, trắng, đen (tím)”.
Trong cuốn sách “Hoàng Đế Nội Kinh”, có một lý thuyết về “ngũ sắc nhập ngũ tạng”, tức là thực phẩm có màu sắc khác nhau sẽ có tác dụng chăm sóc sức khỏe khác nhau.
Cụ thể, ăn nhiều thực phẩm ngũ sắc có thể duy trì năm cơ quan nội tạng tương ứng: trắng dưỡng phổi, vàng dưỡng lá lách, đỏ dưỡng tim, xanh dưỡng gan và màu đen dưỡng thận.
Do đó, theo y học cổ truyền, ăn nhiều thực phẩm màu đen, chẳng hạn như gạo đen, có thể nuôi dưỡng thận.
Gạo đen chứa nhiều anthocyanin
Các nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện ra rằng, gạo đen có thể cải thiện bệnh thận do tiểu đường.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Functional Foods năm 2020 đã xác nhận rằng, chất cyanidin-3-glucoside (cyanidin-3-glucoside) trong gạo đen có thể:
- Ức chế ma trận ngoại bào thận (ECM) của chuột mắc bệnh thận tiểu đường;
- Giảm stress oxy hóa và các cytokine gây viêm;
- Đồng thời ức chế xơ hóa kẽ thận và xơ hóa cầu thận ở chuột mắc bệnh thận đái tháo đường.
Gạo đen chứa rất nhiều anthocyanin, thậm chí có thể so sánh với quả việt quất.
Vào tháng 11 năm 2022, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí J Translational Medicine cũng chỉ ra rằng, anthocyanin có thể cải thiện chức năng thận ở bệnh nhân tiểu đường.
Qua thí nghiệm trên chuột, người ta thấy anthocyanin đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng tăng đường huyết và độ nhạy insulin.
Đầu năm 2017, tạp chí y khoa Food & Nutrition Research cũng đăng bài nghiên cứu cho biết anthocyanins có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch, chống ung thư, chống tiểu đường, cải thiện thị lực, chống béo phì, kháng khuẩn và bảo vệ thần kinh.
Ngoài ra, gạo đen còn rất giàu các loại nguyên tố vi lượng, vitamin, caroten… Đồng thời, nó cũng có đặc tính của gạo lứt như giàu chất xơ, có thể thúc đẩy nhu động ruột.
Bạn có thể dùng gạo đen để chế biến thành các món đa dạng khác nhau, từ bánh Trung thu, chè cho đến nấu cháo ngũ cốc đều là những món ăn ngon và tốt cho sức khỏe.
(*) Ảnh chủ đề: ronamae Flickr – CC BY 2.0
Theo Epoch Times tiếng Trung
Hoàng Tuấn biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam