AI giúp chúng ta tái hiện lại giấc mơ bằng quá trình quét não khi ngủ. (Ảnh minh hoạ: 2344799/Pixabay)
Một nghiên cứu mới sử dụng thuật toán Stable Diffusion để quét não khi con người đang ngủ, đã tái hiện những hình ảnh mà họ nhìn thấy trong giấc mơ.
Tại Hội nghị Quốc tế Thị giác máy tính, một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka, Nhật Bản giới thiệu một AI có thể tái tạo hình ảnh mà mọi người đã nhìn thấy, thông qua việc quét não của họ. Với mô hình công nghệ này, chúng ta hoàn toàn có thể ghi lại những hình ảnh gần giống với những gì chúng ta đã thấy trong mơ.
Nhóm nghiên cứu cho biết, chúng ta thường sẽ quên 50% những gì xảy ra trong giấc mơ và 90% những hình ảnh đó sẽ mất sau 10 phút tính từ điểm thức dậy. Tuy nhiên, điều này sẽ được thay đổi với mô hình AI này.
Trước đây, nhiều công trình nghiên cứu đã sử dụng AI để tái tạo lại hình ảnh bằng công nghệ quét não, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng thuật toán Stable Diffusion, được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học Đức và ra mắt vào năm 2022.
Thuật toán này tương tự như các AI tạo văn bản thành hình ảnh khác. AI được đào tạo bằng cách sử dụng các mô tả văn bản có liên kết mẫu quét não với hàng nghìn bức ảnh.
Yu Takagi, một nhà thần kinh học thuộc hệ thống Đại học Osaka, đã cho biết rằng thuật toán AI sử dụng thông tin hoạt động của não từ các vùng khác nhau để tái tạo lại hình ảnh.
Thuật toán diễn giải dữ liệu từ các lần quét não bằng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để phát hiện những thay đổi trong lưu lượng máu đến các vùng hoạt động của não.
Các thùy thái dương và chẩm của não ghi lại các loại thông tin khác nhau về những hình ảnh mà một người đã nhìn thấy trước đó. Trong khi thùy thái dương ghi lại nội dung của hình ảnh thì thùy chẩm ghi lại thông tin về bố cục và phối cảnh của hình ảnh.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu để tạo liên kết giữa các mô tả văn bản của hình ảnh và dữ liệu fMRI. Mô hình AI ghi lại các mẫu hoạt động não này và tạo ra hình ảnh mô phỏng bằng Stable Diffusion.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu để đào tạo AI chứa dữ liệu fMRI của bốn cá nhân khi mỗi người xem một bộ 10.000 bức ảnh.
Trong tương lai các nhà nghiên cứu kỳ vọng công nghệ này có thể sẽ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức và sử dụng để ghi lại những hình ảnh trong giấc mơ.
Ngoài việc tái hiện lại giấc mơ đã qua, mô hình công nghệ này còn được áp dụng trong việc nghiên cứu cách các loài động vật khác nhau cảm nhận môi trường xung quanh và hỗ trợ giao tiếp cho những người bị liệt.
Theo Lag
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam