Tranh khắc trên đá tìm thấy trong hang động ở Úc. (Ảnh: Đại học Flinder)
Nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cho thấy tác phẩm nghệ thuật trên đá trong một hang động ở Úc là mô tả về những chiếc tàu chiến đến từ quần đảo của Indonesia thời cổ đại.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 2/5/2023 trên Tạp chí Khảo cổ lịch sử (Historical Archaeology), các nhà khảo cổ xác định những chiếc thuyền điêu khắc trên đá này là tàu chiến từ Moluccas (còn được gọi là quần đảo Maluku), một quần đảo ngoài khơi bờ biển phía Đông của Indonesia, nằm ngay phía bắc nước Úc.
Như vậy, người Moluccans đã tiếp xúc với thổ dân ở Úc. Nhưng không giống như các tác phẩm nghệ thuật khác trên đá của thổ dân Úc mô tả các tàu buôn bán đến từ Moluccas, như thuyền buồm Macassan Prahus (thuyền buồm có nguồn gốc từ Indonesia), những bức vẽ này có đặc điểm hiếu chiến và “hiển thị cờ hình tam giác, cờ hiệu và đồ trang trí ở mũi tàu biểu thị tình trạng chiến đấu”.
Nhà khảo cổ Wesley, đồng tác giả và cũng là giảng viên cao cấp tại Đại học Flinders cho biết, chúng là những chiếc tàu chiến đấu, bởi vì chúng có hình dáng chắc chắn ở phía mũi tàu, các trang trí bằng lá cờ hiệu và các yếu tố khác. Chúng rất khác so với các tàu đánh cá hoặc tàu buôn bán thông thường thời bấy giờ.
Theo Livescience, do mức độ chi tiết của các bức tranh, các nhà nghiên cứu cho rằng những người thổ dân tạo ra tác phẩm nghệ thuật trên đá này có kiến thức sâu sắc về nghề thủ công và có liên quan đến buôn bán, đánh bắt cá, khai thác tài nguyên, săn đầu người hoặc làm nô lệ.
Một số trường hợp được ghi nhận sớm nhất về cư dân của quần đảo Indonesia đi thuyền buôn bán đến bờ biển phía bắc Úc là xảy ra vào giữa thế kỷ 17.
Đồng tác giả nghiên cứu Wendy, phó giáo sư khảo cổ học biển tại Đại học Flinders, cho rằng nếu người Moluccans đưa tàu chiến của họ đến Úc, thì sự hiện diện của các tàu chiến này ở Úc sẽ giúp hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa nhóm người thổ dân Úc và các vị du khách đến từ bên ngoài.
Paul Tacon, một giáo sư nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Xã hội của Đại học Griffith ở Úc nói rằng tác phẩm nghệ thuật mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách thổ dân ghi lại các cuộc gặp gỡ của họ với du khách nước ngoài.
Ông nói: “Nghiên cứu này đưa ra bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa thổ dân ở Úc và những người đi biển từ quần đảo Moluccan hàng trăm năm trước. Trước đây, thuyền Macassan Prahus đã được xác định trong tác phẩm nghệ thuật trên đá ở Úc, với tác phẩm lâu đời nhất có niên đại từ cuối những năm 1500 đến đầu những năm 1600. Đây là lần đầu tiên những bức tranh đá về tàu chiến của người Moluccans được may mắn xác định rất chi tiết với các tính năng đặc biệt.”
NTD Việt Nam