Phương pháp thiền định Tummo. (Ảnh: qua Epochtimes)
Thiền định ngày càng được thế giới quan tâm tìm hiểu vì những lợi ích độc đáo về nhân thể nó mang lại. Đại học Havard của Mỹ từng tiến hành một số nghiên cứu về thiền định đối với các nhà sư Tây Tạng. Qua đó, họ phát hiện các nhà sư có thể dùng ý thức để kiểm soát nhiệt lượng cơ thể.
Trong một nghiên cứu về các thiền sư Himalaya kéo dài nhiều thập kỷ, các chuyên gia của Đại học Harvard là số ít những người may mắn được phép tiến vào thế giới bí ẩn của các nhà sư ở những tu viện xa xôi, biệt lập. Những nhà sư ở đây được các chuyên gia đến từ thế giới hiện đại mô tả là sở hữu những “năng lực siêu nhiên”.
Phương pháp thiền định Tummo
Phương pháp thiền định Tummo cho phép các nhà sư tăng nhiệt độ tay chân lên tới 8 độ C. Họ có thể làm khô quần áo hay khăn ướt phủ lên cơ thể chỉ bằng thân nhiệt của mình. Các chuyên gia đã chứng kiến hơi nước bốc lên sau khi các nhà sư tự tăng nhiệt độ cơ thể để làm khô khăn. Các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa thể giải mã tại sao các nhà sư có thể làm được như vậy. Trạng thái thiền sâu cho phép các nhà sư giảm 64% quá trình trao đổi chất.
Ở nhiệt độ đóng băng, khoảng -18 độ C, các nhà sư trong trạng thái thiền định sâu vẫn có thể sinh tồn suốt đêm khi chỉ quấn một chiếc chăn mỏng. Dãy Himalaya có rất nhiều nhà sư mật tu đạt tới trình độ thiền định như vậy. Điều này càng thôi thúc các nhà khoa học phương Tây khám phá cơ chế bí ẩn của thiền định, tìm hiểu xem hiện tượng trên chỉ là hư cấu hay là một thực tế chưa được xã hội phương Tây biết đến.
Những nghiên cứu đầu tiên
Một số nghiên cứu đầu tiên đã được tiến hành vào những năm 1980. Năm 1982, nhà nghiên cứu Herbert Benson của Trường Y Harvard đã đến Ấn Độ để nghiên cứu và khảo sát những người tu luyện Tây Tạng về phương pháp thiền định Tummo. Trước sự ngạc nhiên của Benson và nhóm của ông, các nhà sư Tây Tạng đã chứng minh họ có thể tự tăng và kiểm soát nhiệt độ của các bộ phận khác nhau trên cơ thể chỉ bằng suy nghĩ.
Thực tế này đã làm các nhà khoa học thực chứng phương Tây vô cùng bối rối. Các nhà sư Tây Tạng giải thích thiền định Tummo là để kiểm soát “năng lượng bên trong”. Nó được các hành giả Tây Tạng mô tả là một trong những thực hành tâm linh thiêng liêng nhất trong Phật giáo Kim Cương Đại thừa và đạo Bon.
Nó còn được gọi là thực hành “sức nóng tâm linh” vì gắn liền với những mô tả về cảm giác cơ thể nóng dữ dội ở cột sống. Người ta biết rất ít về các chi tiết cụ thể của kỹ thuật thiền định này. Rất hiếm các tu viện duy trì thực hành G-Tummo. Những tu viện còn thực hành kỹ thuật này nằm rải rác ở các tỉnh Thanh Hải và Tứ Xuyên xa xôi của Trung Quốc (còn được gọi là miền đông Tây Tạng).
Theo lời kể của những người chứng kiến, các hành giả thực hành kỹ thuật thiền định G-tummo khiến cơ thể tự phát nhiệt đến mức làm khô những tấm vải ướt quấn quanh cơ thể không mặc quần áo lót bên trong của họ. Trong trạng thái thiền định sâu, người họ bốc ra hơi nước mà người xung quanh có thể nhìn thấy.
Một ví dụ khác về khả năng phát nhiệt đáng kinh ngạc của các nhà sư Tây Tạng được mô tả lại khi các chuyên gia đến thăm một tu viện ở Bắc Ấn Độ. Một nhóm tu sĩ ngồi yên bình, tĩnh lặng trong một căn phòng nơi nhiệt độ chỉ khoảng 4 độ C. Sau đó một nhóm các nhà sư khác đến quấn lên thân những nhà sư đang thiền định những tấm vải ngâm trong nước lạnh.
Người bình thường sẽ phát run không kiểm soát được khi bị lạnh, và trong điều kiện nhiệt độ thấp này nếu tiếp tục có thể dẫn tới tử vong. Nhưng trước sự ngạc nhiên của các nhà khoa học, các nhà sư trong trạng thái thiền định sâu đã làm khô các tấm khăn trải giường ướt lạnh được quấn lên cơ thể họ. Các nhà khoa học thậm chí còn chứng kiến cảnh tượng hơi nước bốc lên từ những tấm khăn. Khoảng một giờ sau đó, các tấm khăn thấm nước ướt lạnh đã khô hoàn toàn.
Giáo sư Herbet Benson, sau một thời gian tiếp xúc, đã cố gắng lý giải trạng thái tâm thức của những nhà tu hành Phật giáo như sau: Những người theo đạo Phật cảm thấy thực tế họ đang sống không phải là thực tế tối thượng. Còn có nhiều thực tế khác, chúng không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hàng ngày của chúng ta. Những người tu hành theo Phật tin rằng họ có thể chạm tới các thực tế khác này bằng thiền định và làm điều tốt cho người khác. Nhiệt lượng mà họ tạo ra trong quá trình thiền định chỉ là sản phẩm phụ.
Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu sâu hơn khi họ tới Sikkim, phía đông bắc Ấn Độ, nơi họ đo lường và nghiên cứu các hình thức thiền định cao cấp. Các chuyên gia một lần nữa bị choáng váng bởi thực tế là các tu sĩ có khả năng giảm quá trình trao đổi chất của họ tới 64% một cách đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học tiết lộ, đây là điều phi thường. Ở người bình thường, quá trình trao đổi chất hoặc tiêu thụ oxy được phát hiện chỉ giảm 10-15% khi ngủ và khoảng 17% khi thực hiện các hình thức thiền định đơn giản.
So với 64% mà các nhà sư đạt được, đây là một điều khác thường. Có thể nói các nhà sư này sở hữu những khả năng siêu phàm so với con người bình thường.
Vào năm 1985, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến các nhà sư trải qua một đêm mùa đông trên đỉnh một mỏm đá cao 4.5m ở dãy Himalaya. Nhiệt độ vào ban đêm giảm xuống khoảng -18 độ C. Chỉ khoác trên mình những chiếc khăn choàng bằng len, cuối cùng các nhà sư đã ngủ qua đêm trên mỏm đá. Các nhà khoa học đã quan sát và thấy các tu sĩ không hề tụm lại với nhau. Trong suốt quá trình ngủ đêm trong nhiệt độ đóng băng như vậy, họ không hề rùng mình và không gặp bất cứ vấn đề gì. Sáng sau khi thức dậy, họ đi bộ trở lại tu viện của mình, cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng.
Kết quả nghiên cứu của Benson đã được mô tả và công bố trên tạp chí Nature năm 1982:
“Các thực hành thiền định có liên quan đến những thay đổi của hệ thần kinh giao cảm, nên có thể hình dung rằng sự thay đổi nhiệt độ cơ thể là do trạng thái thiền định sâu mang lại. Với sự giúp đỡ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi đã điều tra khả năng này đối với ba hành giả thực hành thiền định cao cấp của Phật giáo Tây Tạng được gọi là Yoga Tummo sống ở Thượng Dharamsala, Ấn Độ. Qua đó, chúng tôi nhận thấy họ có khả năng tăng nhiệt độ tay chân lên tới 8,3 độ C. Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 2 năm 1981.”
Theo Curiosmos
Lê Na biên dịch
NTD Việt Nam