“Phong Thần Diễn Nghĩa” có nội hàm vô cùng uyên thâm. Bạn có thể chỉ coi là Thần thoại, nhưng câu chuyện trong đó lại là những gì đang phát sinh hiện nay.
Chúng ta đang sống giữa thời đại “Phong Thần” trong sự giằng co giữa chính với tà, người và yêu quái, Thần và ma. Bài viết này sẽ bàn về một số nhân vật trong câu chuyện Phong Thần, qua đó gửi gắm thông điệp tới con người thế gian.
Ân Giao và Ân Hồng không phải nhân vật chính, nhưng lại phản ánh những tinh túy phía sau một sinh mệnh.
Ân Giao và Ân Hồng chỉ thoáng lộ diện trong hồi thứ nhất. Khi Nữ Oa sắp trừng phạt Trụ Vương thì chính lúc ấy, Ân Giao và Ân Hồng lên điện khấu đầu trước phụ vương.
Nữ Oa cưỡi mây lành đến Triều Ca, kết quả bị hai đạo hào quang xông lên cản đường. Bà định thần lại xem xét thì thấy Trụ Vương vẫn còn 28 năm dương thọ! Nữ Oa dù rất căm phẫn nhưng vẫn không thể hủy mất 28 năm Thương triều trong một sớm một chiều. Bởi vì Nữ Oa mặc dù là vị Thần “tạo ra con người”, nhưng không thể quản được số mệnh con người, cũng không quản được chuyện thịnh suy chốn nhân gian.
Vậy Ân Giao và Ân Hồng là ai? Sinh mệnh như thế nào có thể cản được đường của Nữ Oa?
Cảnh giới cao vô cùng, vì tình mà chịu nạn
Có thể nói, Nữ Oa là Thần trong Tam giới, chịu sự kiểm soát của Tam giới. Còn Ân Giao và Ân Hồng lại đến từ tầng thứ rất cao mà Nữ Oa không thể biết, bà chỉ thấy rằng hào quang của họ đủ để cản đường mây của bà. Điều này nói rõ Ân Giao và Ân Hồng đến từ tầng thứ cao hơn Nữ Oa.
Mặc dù sinh mệnh nguyên lai của Ân Giao và Ân Hồng vượt qua cảnh giới Nữ Oa, nhưng tại nơi nhân thế họ lại thác sinh làm con trai của Trụ Vương. Đây cũng là nguyên nhân khiến Nữ Oa không thể vội vàng khinh suất.
Ân Giao và Ân Hồng đã từng trải qua rất nhiều khổ nạn: Mẫu thân bị hãm hại vô cùng thảm khốc, họ vì thương xót mẹ mà cũng gặp nạn, phải nếm trải biết bao đau thương mất mát.
“Ân Giao thấy mẹ mình chết thảm, đau lòng quá, nhẩy xổ đến trước cửa cung, giật một thanh gươm chém Khương Hoàn một nhát đứt thành hai đoạn.
Máu tuôn như suối. Tuy vậy Ân Giao vẫn chưa hả giận, cầm gươm chạy ra cửa, nói lớn: “Ta phải giết chết Đát Kỷ để rửa hận cho Mẫu Hoàng ta”. – (Trích Hồi 8- Họ Phương cõng Chúa phản Triều Ca).
Câu chuyện ấy nói rõ điều gì? Là nói rằng trong cảnh giới của mình, Ân Giao và Ân Hồng đã phạm sai lầm lớn: Họ đã sinh ra những xúc cảm không thuần tịnh. Bởi vì hết thảy mọi thống khổ đến với họ đều là vì lụy vào tình mẫu tử, không cam lòng khi “mẫu thân bị hãm hại”.
Tạo nghiệp gì thì phải hoàn trả nghiệp ấy, đạo lý tương sinh tương khắc là như vậy. Do đó nguyên nhân khiến Ân Giao và Ân Hồng gặp rắc rối cũng là vì lụy tình với mẫu thân.
Sau khi thấy mẹ chết oan uổng, hai anh em cầm kiếm muốn băm vằm Đát Kỷ. Phụ thân liền ra lệnh giết họ, cả hai anh em phải bỏ chạy rồi lại bị bắt về xử trảm. Hết thảy mọi tình tiết đều xoay quanh tình cảm của Ân Giao và Ân Hồng.
Toàn bộ chương hồi là tình thân quyến, hai anh em đều vì tình cảm mà bị giáng hạ xuống. Đến mức sau này khi Ân Giao và Ân Hồng xuống núi, cả hai đều vì tình thân mà mắc lừa Thân Công Báo.
Vì không thể thoát khỏi tình thân mà Ân Hồng đã bội ước, Ân Giao cũng mắc phải sai lầm hệt như vậy. Thần Công Báo nói với Ân Giao rằng: “Em trai của ngươi đã bị Khương Tử Nha giết”.
Ân Giao nói: “Tôi sẽ đi thảo phạt Trụ Vương, nhưng trước tiên tôi phải giết Khương Tử Nha đã”.
Từ đầu chí cuối hai anh em đều vì tình cảm mà lỡ bước sai đường.
Đây cũng là nguyên do khiến họ rớt xuống – tình cảm với mẫu thân, tình cảm với phụ thân, tình cảm giữa huynh đệ. Vì lụy tình mà xuất hiện những sự việc như vậy.
Khổ nạn gặp phải chính là để hoàn trả nghiệp chướng. Mẫu thân chết thảm, họ lại bị phụ thân coi như kẻ thù, kỳ thực đó là đang tiêu trừ nghiệp lực. Đợi đến lúc hoàn trả xong nợ nghiệp thì Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử xuất hiện, cứu nguy cho họ trong gang tấc.
Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử không biết Ân Giao và Ân Hồng đến từ đâu, chỉ biết rằng Ân Giao và Ân Hồng phải hoàn trả nghiệp chướng, sau đó được thu làm đồ đệ, tương lai sẽ đông chinh thảo phạt Trụ Vương, trở thành những đại tướng dũng mãnh, cuối cùng được an bài lại con đường mới. Quảng Thành Tử nói: “Hai ta mỗi người cứu một đồ đệ” rồi hóa ra cơn gió đưa hai anh em lên núi. Ân Giao được Quảng Thành Tử thu làm đồ đệ, Ân Hồng được Xích Tinh Tử thu làm đệ tử.
Con người làm điều gì thì phải hoàn trả điều ấy. Người thường chịu khổ chính là trả nghiệp, chúng ta nên trân trọng cơ hội trả nghiệp này, không nên tái phạm sai lầm nữa. Rất nhiều người cho rằng bản thân là có lai lịch… Lai lịch gì đây? Mỗi cá nhân chúng ta đều có lai lịch rất thâm sâu nhưng không nhất định phải biết. Ân Giao và Ân Hồng cũng như vậy, sau khi chịu đựng khổ nạn thì vận mệnh cũng được cải biến.
Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử thấy tương lai của đệ tử sẽ được an bài lại mới. Ai đang an bài cho họ? Vì họ đến từ tầng thứ cao, hiển nhiên sẽ có ấn ký của những sinh mệnh cao tầng mà chúng ta không thể biết.
Vào cửa tu Đạo, vẫn khó thoát kiếp nạn
Mặc dù chúng ta không thấy quan hệ qua lại giữa Ân Giao, Ân Hồng và Nguyên Thủy Thiên Tôn, nhưng đến cuối cùng khi Ân Giao và Ân Hồng bị diệt trừ thì toàn bộ đều ra mặt – Nguyên Thủy Thiên Tôn, Lão Tử, Dao Trì Thánh Mẫu, Chuẩn Đề Đạo Nhân. “Tứ phương cờ lệnh” của các vị Thần Tiên (gồm có cờ Ly Ðại Diệm Quang ở phía nam, cờ Thanh Liên Bửu Sắc ở phía đông, cờ Tô Sắc Vân Giới ở phía tây, cờ Hạnh Huỳnh Kỳ ở chính giữa) đại biểu cho Pháp lực của chư Phật, Đạo, Thần, như thế mới có thể hàng phục Ân Giao. Ấy là vì Ân Giao đến từ tầng thứ rất cao.
Điều đặc biệt là hai anh em đi hai ngả đường riêng biệt nhưng lại xảy ra cơ sự giống hệt như nhau: Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử đều trao tất cả bảo bối mình có cho đồ đệ, sau lại cảnh báo rằng: “Con cần phải phát thệ không thay lòng đổi dạ”. Kỳ thực, ngay từ đầu khi gặp Ân Giao và Ân Hồng thì hai vị sư phụ đã lo sợ rằng học trò sẽ dao động, không kiên định đến cùng.
Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử không rõ quỷ sai Thần khiến thế nào lại trao tất cả bảo bối cho đệ tử, mà những bảo bối này đều là của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Ân Giao và Ân Hồng có thể làm chủ bảo bối của sư phụ, kỳ thực chính là vì cảnh giới của họ rất cao.
“Pháp khí” đại biểu cho “cảnh giới”, cảnh giới đạt đến tầng thứ nào thì sẽ có được năng lực ấy. Thể hiện của năng lực này chính là Pháp khí, trong cảnh giới của mình họ có thể lấy ra bất cứ vật gì để biến thành Pháp khí.
Ví dụ, nếu Quan Âm Bồ Tát cầm một cành dương liễu, thì cành dương liễu ấy chính là Pháp khí của Bồ Tát. Nếu La Hán cầm tràng hạt, thì tràng hạt ấy sẽ biến thành Pháp khí của La Hán. Tuy nhiên, vì La Hán ở tầng thứ thấp hơn Bồ Tát, cho nên La Hán chưa chắc đã nhận thức được Pháp khí của Quan Âm Bồ Tát.
Ân Giao và Ân Hồng hoàn toàn có thể nắm giữ được Pháp khí của Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử, ngược lại còn dùng Pháp khí ấy để đánh bại sư phụ. Chính vì tầng thứ của họ rất cao, họ có năng lực nắm bắt những thứ này, trong khi Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử lại không thể đoạt lại Pháp khí của chính mình.
Vậy họ đã đạt đến tầng thứ nào? Muốn hàng phục Ân Giao, “Tứ phương cờ lệnh” cần phải có Pháp khí của cả Phật, Đạo, và các vị Thần tối cao trong Tam giới. Điều ấy nói rõ hai anh em Ân Giao và Ân Hồng đến từ tầng thứ rất cao.
Xã hội nhân loại xuất hiện việc thay triều đổi đại là bởi vì tại cảnh giới cao đã không còn thuần tịnh. Ân Giao và Ân Hồng từ tầng thứ ấy rơi rớt xuống trở thành con trai của Trụ Vương. Họ có cơ hội tu luyện trở về, trở thành đồ đệ của Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử. Bạn nói đó là duyên phận cũng được, gọi là gì cũng được, nhưng chính là vì bản nguyên và cảnh giới của sinh mệnh đã xuất hiện suy bại.
Tại đây có thể thấy lý tương sinh tương khắc: Sau khi Nữ Oa gặp Ân Giao và Ân Hồng, bà quay về tìm ai? Tìm yêu tinh. Bà gặp những vị Thần là những sinh mệnh ở cảnh giới cực cao rơi rớt xuống và cản đường bà, quay về bà liền tìm yêu tinh. Trên – dưới đối ứng… Giữa tầng thứ nguyên lai của Ân Giao, Ân Hồng và tầng thứ của yêu tinh có biết bao sai biệt?
Trong xã hội nhân loại chúng ta hiện nay, có một số người chính là Ân Giao, Ân Hồng, rất có thể họ đến từ cảnh giới chí tôn, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà rơi rớt xuống nhân thế, họ sẽ trải qua những ma nạn mà chúng ta thấy hiện nay để tu luyện trở về.
Do đó khi Ân Giao và Ân Hồng bị diệt trừ, hai vị sư phụ đều không nỡ lòng. Sư phụ đều muốn cứu đệ tử trở về, nhưng đành lực bất tòng tâm.
Hai anh em họ đã phạm sai lầm gì? Khi sư diệt tổ! Họ bội ước với sư phụ, vi phạm lời thề, sau đó lại dùng Pháp khí của sư phụ để đánh trả sư phụ. Đây là phạm vào tội đại nghịch bất đạo. Vì sao họ lại dám làm những chuyện khi sư diệt tổ như thế? Cũng là vì lai lịch cao. Nếu lai lịch không cao đến thế, họ sẽ không dám hạ thủ đối với sư phụ mình.
Chính là vì sinh mệnh có căn cơ rất cao, họ mới dám làm những điều kinh thiên động địa. Tại tầng thứ này nơi con người quan hệ giữa hai bên là sư đồ, nhưng tại tầng thứ khác rất có thể cảnh giới của họ còn cao hơn Quảng Thành Tử. Tuy nhiên, họ là những sinh mệnh đã suy bại.
Đây cũng là điều tôi muốn nói: Rất nhiều bằng hữu không ý thức được sự trân quý của bản thân mình! “Phong Thần Diễn Nghĩa” đặt tại đó, hơn 500 năm trước, tác giả cuốn sách này đã đem những khái niệm thiện lương như thế để kể câu chuyện giữa Thiên, Địa, Nhân.
Tôi muốn chia sẻ rằng: Bạn cần nhận ra sự trân quý của chính mình. Tôi có thể cảm nhận được sinh mệnh của bạn, tôi, và tất cả những người hữu duyên là vô cùng trân quý.
Khi bạn hiểu rằng sinh mệnh rất trân quý, có lai lịch chí tôn, bạn sẽ cảm thấy “thật đáng quý tiếc”. Bạn sẽ trân trọng mỗi giờ khắc mà bạn có hôm nay, sẽ nhận ra rằng tìm về nguyên lai của sinh mệnh mới là hạnh phúc vĩnh hằng.
Minh Tâm – ntdvn
Vạn Điều Hay