Phàn Khoái vỡ mật chạy thoát mạng. (Tranh NTDVN)
Lưu Bang cho rằng, Hạng Vũ dẫu mạnh thế nào chăng nữa, thì đến khi đánh đến Bành Thành thì cũng đã sức cùng lực kiệt rồi, cũng không thể nào địch nổi đại quân 56 vạn được.
Phàn Khoái hỏi lại Lưu Bang: “6 vạn quân thì làm thế nào chống lại được Hạng Vũ?”
Phàn Khoái đã nổi nóng. Lưu Bang biết mình đã khinh suất lỡ lời rồi: “Nếu Phàn Khoái không phục, thì các tướng lĩnh cũng có thể không phục, thế thì hỏng rồi”.
Lưu Bang quả là không hổ thẹn có tài nói lời rút lại lời ung dung tự nhiên, ngay lập tức đã biện minh cho mình: “6 vạn quân ta cấp cho khanh là tinh binh, tùy ý khanh lựa chọn. Khanh làm tiên phong, hãy mau đến sông Tứ phá cầu, rồi ở bờ Nam ngăn chặn Hạng Vũ. Hạng Vũ dẫu người ngựa nhiều hơn nữa, thì khi vượt sông cũng không có sức chiến đấu. Chờ quân Hạng Vũ ra đến giữa sông thì tấn công. Nếu Hạng Vũ không vượt sông, thì khanh trấn thủ ở sông Tứ, ta dẫn đại quân đến liền theo sau ngay thôi”.
Thế là Phàn Khoái không có lời nào để nói nữa, lựa chọn 6 vạn tinh binh, chủ yếu là bộ binh rồi ra tiền tuyến. Lực lượng của Lưu Bang khi đó đại đa số là bộ binh.
Vậy Phàn Khoái có tin lời của Lưu Bang Không? Phàn Khoái cũng không ngu ngốc đến nỗi hoàn toàn tin theo. Phàn Khoái nửa tin nửa ngờ, ông vốn cũng là người do dự không quyết đoán. Phàn Khoái thầm nghĩ: “Mình đánh được thì đánh, đánh không nổi thì chạy. Các người ở hậu phương hưởng phúc, thì ta làm sao phải tìm chỗ chết nơi tiền tuyến đây? Nếu có thể lập được công thì đánh, không được thì giữ mạng. Tẩu vi thượng sách!”
Ngoài Phàn Khoái, Lưu Bang còn phái đại tướng nào nữa chống cự Hạng Vũ không?
Lưu Bang trước đây đã cùng Hạng Vũ đánh trận, chỉ biết sức chiến đấu của Hạng Vũ vô cùng mạnh mẽ, nhưng chưa trực tiếp đối đầu với Hạng Vũ lần nào, do đó Lưu Bang không biết rõ sức mạnh thực sự của Hạng Vũ cao như thế nào.
Lưu Bang cho rằng, Hạng Vũ dẫu mạnh thế nào chăng nữa, thì đến khi đánh đến Bành Thành thì cũng đã sức cùng lực kiệt rồi, cũng không thể nào địch nổi đại quân 56 vạn được.
Bốn phía xung quanh Bành Thành, Lưu Bang cũng sắp xếp quân bảo vệ, nhưng mặt hướng bắc hướng về đất Tề là binh lực mạnh nhất và nhiều nhất. Lưu Bang cho rằng, Hạng Vũ phá được phòng tuyến thứ nhất thì cũng không thể phá được phòng tuyến thứ hai. Cho dù có phá được phòng tuyến thứ 2 thì cũng không thể phá được phòng tuyến thứ 3. Chỉ cần Hạng Vũ xông đến thì sẽ vòng đường bao vây phía sau, bao vây tiêu diệt Hạng Vũ.
Tại sao Lưu Bang không tăng viện cho Phàn Khoái?
Lưu Bang thực tế muốn dùng Phàn Khoái là bia đỡ đạn, mục đích là thử xem sức mạnh quân đội Hạng Vũ như thế nào mà thôi. Lưu Bang cũng không biết là liệu Phàn Khoái có kịp đến bờ sông Tứ và phá cầu ngăn chặn quân của Hạng Vũ hay không: “Nếu đến kịp thì nhất định sẽ cho người về Bành Thành báo tin. Lúc đó tăng viện cũng không muộn. Còn nếu Phàn Khoái đến chậm hơn Hạng Vũ, thì Hạng Vũ đã qua sông Tứ rồi, thì Phàn Khoái sẽ thất bại trở về. Thế thì khi nhận được tin, ta sẽ đợi Hạng Vũ chạy 400 dặm đến Bành Thành, khi đó Hạng Vũ cũng mệt sắp chết rồi, ta sẽ chỉ huy đại quân bên ngoài thành tiêu diệt Hạng Vũ”.
Cả 2 phương án của Lưu Bang đều là chờ tin tức từ tiền tuyến trở về rồi mới sắp xếp tác chiến. Do đó trong thời gian chờ đợi đó, Lưu Bang thỏa sức hưởng lạc, đời chờ tin chiến sự.
Thế nhưng Lưu Bang nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng, Hạng Vũ đến nhanh hơn tin tiền tuyến.
Phàn Khoái có kịp phá cầu không?
Phàn Khoái dẫn quân nhanh chóng đến sông Tứ, nhưng cũng đã muộn rồi. Hạng Vũ để lại quân đội ở đất Tề để tiếp tục dẹp phản loạn, còn ông tự dẫn 3 vạn kỵ binh tiến quân với tốc độ nhanh nhất trở về đánh Bành Thành, tiến thẳng đến cây cầu gỗ trên sông Tứ.
Quả là sét nhanh không kịp bịt tai. Sau khi vượt sông, ở huyện Lỗ và Hà Khâu, Hạng Vũ 2 lần bị quân Phàn Khoái ngăn cản.
400 dặm đường hành quân, quân sĩ dù tinh nhuệ khỏe mạnh thế nào thì cũng rất mệt rồi. Phàn Khoái để 3 vạn quân ở huyện Trâu, đó là những người không thể bước chân nổi nữa. Ông dẫn 3 vạn quân còn lại hành quân tiếp đến bên bờ sông Tứ ở huyện Lỗ.
Đến huyện Lỗ, còn chưa đến bờ sông thì đã thấy 3 vạn kỵ binh của Hạng Vũ xông lên cầu qua sông rồi. Phàn Khoái chỉ chậm một bước. Chỉ sai khác một bước này đã quyết định sự thất bại thảm hại của Lưu Bang.
Nếu Phàn Khoái đến trước và phá cầu thì liệu có kết cục khác chăng?
Nếu như thế thì chắc chắn Hạng Vũ sẽ khó vượt sông hơn. Có thể Hạng Vũ cuối cùng vẫn chiến thắng và vượt sông. Quân Sở ở tình thế thành đã bị phá, nhà cửa vợ con bị cướp, thì với đội quân đầy lòng căm thù và không còn gì phải lo nghĩ e dè nữa, thì ai có thể ngăn cản nổi? Nhưng khi vượt sông tác chiến thì sẽ phải trả cái giá lớn.
Và mấu chốt là, khi tác chiến vượt sông, thì với thời gian kéo dài đó, Phàn Khoái sẽ kịp phái người về báo tin cho Lưu Bang. Khi đó Lưu Bang sẽ có chuẩn bị, thì khi Hạng Vũ đánh Bành Thành, mức độ khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Phàn Khoái và Hạng Vũ có giao chiến không?
Hai viên tướng này không giao chiến với nhau. Nếu giao chiến thì chắc chắn Phàn Khoái đã mất mạng rồi.
Phàn Khoái thấy khí thế Hạng Vũ dẫn quân xông qua cầu qua sông thì sợ hãi quá, sai quân xông lên chặn lại. 3 vạn quân Hán này khi đó đã sợ lắm rồi, đều đã từng nghe đến uy danh của Hạng Vũ. Thế nên còn chưa giao chiến nhưng trông thấy khí thế quân Sở oai hùng thì quân Hán đã không còn tâm trí nào nghĩ đến giao chiến nữa.
Đội quân Phàn Khoái lựa chọn là tinh binh trong số tinh binh, vậy mà trong nháy mắt đã tan vỡ. Phàn Khoái trông thấy thế thì quay đầu ngựa bỏ chạy. Những người khác thấy thế thì cũng mạnh ai nấy chạy. Họ làm sao có thể chạy thoát khỏi quân thiết kỵ của Hạng Vũ được?
Phàn Khoái và 6 vạn quân Hán có kết cục ra sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.
(Còn tiếp)
Wenshichanglang
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam