Không khí chúng ta hít vào sẽ đi tới tận từng tế bào của cơ thể. Ấy vậy mà chỉ có một số ít người biết thở tốt. Hậu quả là dẫn tới đau, căng thẳng và bệnh tật.
Thở bằng cơ Hoành so với thở bằng ngực
Hít thở không có gì phức tạp, nhưng khi lớn tuổi hơn, chúng ta thường chuyển từ phương thức thở sâu bằng cơ Hoành, sang phương thức thở nông hơn, sử dụng thành ngực.
Cơ Hoành là một cơ nằm dưới đáy phổi. Khi cơ Hoành co lại, nó kéo giãn phổi, hút không khí vào trong. Khi giãn ra, nó thả không khí thoát ra khỏi phổi.
Bạn có thể ví sự khác biệt giữa cách thở bằng cơ Hoành và thở bằng ngực này, với sự khác biệt giữa cách ăn uống bình tĩnh, nhai kỹ thức ăn và ăn nuốt vội vã. Cách ăn thứ nhất mang lại nhiều dinh dưỡng hơn nhiều so với cách thứ hai, vốn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.
John Hopkins Medicine đã chỉ ra: “Việc thở bằng cơ Hoành (thở sâu) cho phép cơ thể trao đổi nhiều oxy và khí cacbonic hơn. Điều này giúp giảm nhịp tim, đồng thời làm giảm và ổn định huyết áp. Sử dụng cơ Hoành cũng kích thích dây thần kinh số 10, là dây thần kinh có tác dụng kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể (hệ thần phó kinh giao cảm). Nó cũng làm giảm phản ứng căng thẳng của cơ thể”.
Đây, không phải là cách thở không tốt duy nhất, mà hầu hết chúng ta mắc phải; còn có một nhóm những người chuyên thở bằng miệng.
Thở bằng miệng so với thở bằng mũi
Thở bằng miệng thường có xu hướng khiến chúng ta sử dụng ngực, còn thở bằng mũi lại thúc đẩy sử dụng cơ Hoành. Các đường thông khí hẹp của mũi gây ra một sức cản, kích thích cơ Hoành hoạt động để hút không khí vào. Nhưng mũi còn có nhiều tác động hơn thế, như nhà báo sức khỏe Sheramy Tsai của Epoch Times, đã viết.
Mũi lọc không khí chúng ta hít thở, bắt giữ bụi cùng các tác nhân gây bệnh. Nó cũng làm ấm và làm ẩm không khí, chuẩn bị tốt hơn cho phổi của chúng ta. Mũi thậm chí còn thay đổi không khí hít vào.
Bà Tsai báo cáo “Đường thông khí của mũi tạo ra oxit nitric, một chất khí có vai trò tăng lưu lượng máu, tăng lượng oxy cung cấp đến các nội tạng quan trọng. Quá trình này rất cần thiết để duy trì sự trao đổi oxy – khí cacbonic hiệu quả và duy trì sức khỏe tim mạch”.
Chức năng này kết hợp với sức cản không khí nêu trên làm tăng đáng kể khả năng hấp thụ oxy.
Hơi thở có tác dụng nuôi dưỡng thực sự
Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy mũi được tạo ra để thở, còn miệng được tạo ra để ăn. Chúng ta sử dụng miệng để thở hay thở không đủ sâu, không hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của tế bào, thì nếu chúng ta có gặp bệnh tật và lo lắng thì cũng là hợp lý. Thực tế đơn giản này đã rất rõ ràng đối với con người trong hàng nghìn năm qua. Nhiều truyền thống tâm linh đã dựa vào hơi thở để đạt được trạng thái bình tĩnh và tập trung.
Điều tốt là hầu hết chúng ta, chỉ cần bằng cách học thở tốt hơn, đã có thể giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và giúp giải quyết một số tình trạng khác nhau. Thở chậm, ổn định, qua đường mũi thường là tốt nhất. Nhưng cũng còn có nhiều kỹ thuật thở mà ta có thể sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau. Bạn có thể cân nhắc sử dụng các kỹ thuật thở, như thở Buteyko, thở hòa hợp hoặc kỹ thuật 4-7-8 . Hãy sử dụng chúng như những chất bổ sung, để cơ thể và não bộ của bạn có thêm sức mạnh, trong khi việc thở sâu, ổn định bằng mũi là nguồn thức ăn nuôi dưỡng sức khỏe lâu dài.
Theo Matthew Little, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch
Matthew Little là một biên tập viên cấp cao của Epoch Health.
NTD Việt Nam