Hàng năm, vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, mọi gia đình đều chuẩn bị lễ vật cúng Táo Quân. Bạn đã biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này chưa?
Cúng Táo Quân (ông Công, ông Táo) là một ngày lễ truyền thống quan trọng của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Ngày lễ này được tổ chức theo quy mô gia đình nhưng khá long trọng vào ngày 23 tháng chạp hàng năm.
Vào ngày này, người người, nhà nhà hoan hỷ chuẩn bị lễ vật cúng tế, đặc biệt người Việt Nam có cúng theo cá chép để Táo Quân làm thú cưỡi lên thiên đình. Nhân dịp tất niên, mời các bạn cùng tôi tìm hiểu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa chân chính của ngày lễ quen thuộc này. Rất có thể, từ bài viết này, các bạn sẽ chuẩn bị được món lễ vật khiến thần thực sự hài lòng.
Thần lửa: vị Táo Quân cổ xưa nhất trong văn hoá truyền thống phương Đông
Táo Quân là vị thần lâu đời trong văn hoá truyền thống các nước phương Đông như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam… Nói đến Thần Táo Quân người ta lập tức hình dung đến vị thần lửa gắn liền với bếp lửa trong gia đình.
Vào thủa hồng hoang, sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, các vị thần khác cũng lần lượt hạ thế tạo ra nhân loại và dạy cho họ phép tắc làm người, cũng như cách thức canh tác tự nuôi sống bản thân. Trong đó có một vị thần tên là Chúc Dung – thừa lệnh của Thần Nông mang lửa đến cho con người nấu chín thức ăn và sưởi ấm.
Như vậy, thần lửa Chúc Dung là hình tượng Táo Quân sơ khai nhất trong lịch sử phương Đông; ý nghĩa sâu xa nhất của thờ Táo Quân cũng chính là thờ thần lửa.
Các nhà nghiên cứu sử học cũng nhất trí rằng, khi nhân loại ngày càng phát triển đông đúc, nền văn minh được duy trì dựa trên các quy chuẩn đạo đức xã hội (đạo vua tôi, cha con, chồng vợ, thầy trò…) nhằm đảm bảo nhân loại không bị huỷ diệt bởi sự loạn bậy. Qua thời gian, lãnh thổ sinh sống ngày một mở rộng, các quốc gia hình thành đã tạo nên sự khác biệt trong văn hoá. Hình tượng thần lửa, thần bếp cũng từ đó thay đổi và xuất hiện nhiều dị bản.
Thuyền thuyết thần Táo Quân của người Trung Hoa
Trong lịch sử Trung Hoa, từ thời Tiên Tần, việc cúng tế thần Táo Quân rất được coi trọng. Các thư tịch cổ đều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân khác nhau như “Ngũ kinh di nghĩa”, “Ngũ dương tạp trở”…
Tương truyền, tại vùng Sơn Đông trước kia, trong một gia đình họ Trương có hai vợ chồng già sống cùng con trai tên là Trương Lang và con dâu tên là Quách Đinh Hương. Trương Lang không thích làm ruộng, bỏ ra ngoài đi buôn. Đinh Hương ở nhà một mình vất vả trồng cấy, chăm sóc cha mẹ chồng.
Sau 5 năm làm ăn biền biệt trở về, Trương Lang lấy Lý Hải Đường về làm vợ, đuổi Đinh Hương ra khỏi nhà. Đinh Hương không còn nơi tá túc được một bà lão đưa về nuôi, về sau trở thành con dâu của bà và có cuộc sống viên mãn.
Một năm nọ, gia đình Trương Lang gặp phải đám cháy lớn, tài sản bị thiêu rụi, người vợ sau cũng bị thiêu chết. Trương Lang bị thiêu mù đôi mắt, phải ăn xin ngoài đường. Một hôm, Trương Lang vô tình vào nhà Đinh Hương xin ăn. Nàng không chỉ mang cơm canh ngon ngọt ra mời, mà còn lặng lẽ tặng thêm vàng bạc cho chồng cũ ổn định lại cuộc sống.
Về sau, Trương Lang biết được người phụ nữ hảo tâm đó chính là vợ cũ của mình, thì trong lòng vô cùng ân hận và xấu hổ, bèn đâm đầu vào bếp lửa mà chết. Ngọc Hoàng biết câu chuyện của Trương Lang đã phong cho chàng làm Táo vương thụ hưởng hương hoả. Và cho người lưu truyền câu chuyện trong thiên hạ.
Vùng Phúc Châu, tỉnh Phúc kiến lưu truyền một cốt chuyện tương tự: Trương Định Phúc sinh ra trong gia đình bần hàn, lại lười biếng, ham mê cờ bạc đến mức khuynh gia bại sản, phải bán cả vợ. Người vợ vẫn thương xót chồng, thường giấu diếm cho ăn. Về sau, Trương Định Phúc biết ăn năn xấu hổ, đâm đầu vào bếp lò chết. Sau khi chết, Trương Định Phúc được Ngọc Hoàng Thượng đế cho làm Táo thần.
Một phiên bản khác có nội dung như sau:
Ngày xưa, có một chàng trai con phú hộ tên là Lý Hồi Tâm, có vợ là Vương Huệ Mẫn, vốn là con gái một gia đình làm ruộng. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con, có bà mối gần đó đã làm mối cho Lý Hồi Tâm lấy cháu gái của mình làm vợ lẽ.
Không lâu sau, Lý Hồi Tâm nghe lời xúi giục của vợ bé đuổi Vương Huệ Mẫn ra khỏi nhà. Vương Huệ Mẫn vô cùng đau khổ, bỏ đến một nơi hoang vắng, tự khai hoang lập ấp. Nàng đã giúp đỡ nhiều người lang thang cơ nhỡ đến an cư lạc nghiệp ở đó. Mọi người đồng cam cộng khổ, chăm chỉ lao động, xây dựng vùng đất hoang vu ngày nào thành một trang ấp giàu có. Mọi người trong ấp đều nhất trí tôn Vương Huệ Mẫn làm thủ lĩnh.
Còn về Lý Hồi Tâm, từ khi đuổi vợ cả đi, hằng ngày ăn uống chơi bời với vợ lẽ. Vài năm sau, gia sản ông cha để lại bị tiêu tán hết. Người vợ kế vốn lười làm ham chơi, thấy chồng nghèo khó, đã đi lấy người khác. Lý Hồi Tâm vốn không biết gì phải đi xin ăn để duy trì cuộc sống.
Rồi anh ta đến xin ăn đúng nhà Vương Huệ Mẫn và được người trong nhà tiếp đón ân cần tử tế. Về sau, nhận ra chủ nhà chính là người vợ cũ đã bị mình đuổi đi, anh ta vì quá xấu hổ mà đâm đầu vào bếp lò tự vẫn. Vương Huệ Mẫn cũng qua đời ít lâu sau đó vì quá thương xót chồng. Ngọc Hoàng Thượng đế cho rằng Lý Hồi Tâm dũng cảm nhận sai, bèn phong làm Táo thần; Vương Huệ Mẫn thông minh hiền thục được phong làm Táo Vương Bà Bà.
Tục cúng tế
Người Trung Quốc cổ xưa có quan niệm rằng, mỗi tháng một lần thần lửa sẽ lên trời báo cáo về tình hình ăn ở của gia chủ để Ngọc Hoàng giáng tội hay ban phúc. Về sau thần chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng chạp hàng năm.
Ngày cúng Táo Quân, người dân dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và chuẩn bị bàn thờ gần bếp. Họ dâng cúng thần các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo, hoa trái… Ngoài ra không thể thiếu nước và cỏ khô cho ngựa của thần bếp “ăn” để chở thần lên thiên đình.
Truyền thuyết thần Táo Quân của người Việt Nam
Nguồn gốc tục thờ thần Táo Quân của người Việt được nhắc đến trong truyền thuyết như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, anh ta sinh ra buồn phiền rồi ruồng rẫy người vợ. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ khiến nàng phải bỏ nhà ra đi. Sau này gặp Phạm Lang hết mực yêu thương nên đã tái giá làm vợ của chàng.
Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên gói ghém hành lý lên đường đi tìm vợ. Vì thời gian tìm kiếm quá lâu nên tiền bạc đem theo dần hết sạch, chàng phải vừa đi tìm vợ vừa xin ăn dọc đường.
Vào một ngày Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên cùng nhận ra nhau. Nhưng dẫu ân hận thì cũng đã quá muộn vì Thị Nhi đã làm vợ của một người đàn ông khác.
Lúc này, Phạm Lang cũng đi làm về, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó bề giải thích, bèn bảo chàng ta ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà lại ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao vì thương vợ khó xử thà bị thiêu chết chứ không chịu chui ra. Thị Nhi chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên lao vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, dù không hiểu vì sao vợ lại nhảy vào đống rơm đang cháy, chàng cũng chịu không nổi mà lao theo. Cả ba bị thiêu chết cùng một lúc, linh hồn được đưa lên thiên đình. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang làm Thổ công, trông coi việc bếp, hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao làm thần Thổ địa, trông coi việc nhà cửa, hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Còn nàng Thị Nhi làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa, hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Đạo vợ chồng
Trong văn hoá truyền thống, vợ chồng chung sống với nhau có ân có nghĩa, chỉ vì chưa có con nối dõi mà Trọng Cao mất lý trí, trở thành kẻ bội nghĩa. Khi chàng biết hối hận thì người vợ vì bị hắt hủi đã tái hôn. Tình cảnh của hai người như bát nước đã đổ đi, không thể lấy lại được. Để tỏ lòng ăn năn, chàng chỉ có thể dùng cái chết để bảo vệ hạnh phúc của Thị Nhi.
Trọng Cao dù đáng giận nhưng cũng rất đáng thương. Từ nhân vật Trọng Cao chúng ta có thể rút ra cho mình một bài học lớn: khi còn có vợ có chồng, dù cuộc sống muốn vàn khó khăn, nhưng hãy luôn trân trọng những gì chúng ta đang có, trước khi quá muộn.
Về phần Nhi Thị và Phạm Lang, họ đều là những người rất đáng thương. Phận nữ nhi mềm yếu, bị chồng đánh đuổi, bất quá Nhi Thị phải tìm một nơi khác để nương tựa. Người đời có thể không trách nàng, tuy nhiên “một ngày vợ chồng, trăm năm ân nghĩa” nàng lại tự trách mình vì đã không thể bao dung cho chồng mà đi tìm hạnh phúc mới. Nàng không thể sống trước cái chết đau đớn của Trọng Cao và đối mặt với Phạm Lang.
Phạm Lang thấy vợ chết thì chết theo, thế gian mấy ai dám làm như vậy?
Các phiên bản Táo Quân bên trên tuy có đôi chỗ bất đồng, tuy nhiên nội dung đều với mục đích răn dạy con người cần phải ước chế dục vọng, coi trọng nhân- nghĩa. Hy vọng rằng, nhiều người hơn nữa biết về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này để có thể gom góp những tin tức tốt lành cho thần bếp mang lên thiên đình; và sau đó quay trở về cùng với phúc báo, sự thịnh vượng, an vui, hạnh phúc.
Theo: Truyền thuyết Táo Quân
Truyền Thống